Tại sao chúng ta lại đọc văn học?

Làm Sao Nói Về Cuốn Sách Chưa Đọc

Làm Sao Nói Về Cuốn Sách Chưa Đọc

Giữa dòng chảy mạnh mẽ của văn hóa đại chúng, thế sự hỗn loạn, truyền thông thiên kiến và thông tin sai lệch, trước sự đổ bộ của lý thuyết giáo dục hiện đại, sự trỗi dậy của công nghệ tân tiến, có lẽ chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao ta lại đọc văn học? Và văn học có giá trị gì?

Để trả lời những câu hỏi này, ta cần đặt văn học trong bối cảnh văn hóa đầy biến động của nó – bởi văn học luôn trụ mình đứng vững để đối mặt và hồi đáp trước một thế giới thường xuyên rơi vào sụp đổ và hỗn loạn. Vì lẽ đó, những câu thơ u uất của Wordsworth đã đi qua hàng thế hệ, trở thành một lời tiên tri của quá khứ, hiện tại và cả tương lai:

The world is too much with us; late and soon,

Getting and spending, we lay waste our powers:

Little we see in Nature that is ours;

We have given our hearts away, a sordid boon!

Thật vậy, chúng ta đã phí hoài trái tim mình, chính đôi bàn tay này đã cắt bỏ sợi dây kết nối giữa ta và Chúa, Mẹ Thiên Nhiên và cả những điều đẹp đẽ khác – nhưng văn học có thể cho ta một liều thuốc hồi sinh. Vậy, loại văn học nào có thể nắm giữ thứ sức mạnh diệu kỳ ấy? Câu trả lời chính là những tác phẩm vĩ đại. Samuel Johnson đã khẳng định trong cuốn “Preface to Shakespeare” rằng “thước đo của một tác phẩm văn học vĩ đại nằm ở sự bền bỉ và giá trị lâu dài của nó”. Hơn thế nữa, một cuốn sách được đánh giá là xuất sắc nếu nó đáp ứng được ba tiêu chuẩn sau. Đầu tiên là khả năng bao quát. Một cuốn sách vĩ đại chạm đến trái tim con người qua hàng thế hệ – nó có thể tác động, truyền cảm hứng và thay đổi độc giả bất kể thời gian và vị trí địa lý mà chúng ra đời. Thứ hai, nó có một Tư Tưởng Trọng Tâm và gợi nên những chủ đề có thể giải quyết những vấn đề quan trọng. Và thứ ba, nó thể hiện năng lực ngôn ngữ điêu luyện. Một tác phẩm xuất sắc được viết nên bởi một thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp có thể làm phong phú tâm hồn và thăng hoa cảm xúc.

Primavera, Sandro Botticcelli

Giờ đây ta đã biết đâu là thể loại văn học cần đọc, hãy đi tìm nguyên nhân vì sao ta nên đọc chúng. Sau đây là sáu lý do:

  1. Đọc các tác phẩm văn học vĩ đại giúp rèn luyện trí tưởng tượng. Có những câu chuyện khiến ta thấy thích thú; thật thú vị khi được gặp gỡ những nhân vật và sống trong thế giới của họ, được cùng họ đắm chìm trong hạnh phúc và khổ đau. Thực tế mà nói, một trí tưởng tượng phong phú  có thể giúp ta nhận thức được chân lý, đưa ra những đánh giá đúng đắn và đối mặt với những vấn đề phức tạp của cuộc sống theo một cách sáng tạo hơn. Nó còn hỗ trợ chúng ta trong việc xây dựng tư duy logic và lý luận tốt hơn.
  2. Đọc văn học đưa chúng ta đi xuyên không gian và thời gian. Tiếp xúc với những nhân vật ở bối cảnh như vậy sẽ xóa dần đi sự thiếu hiểu biết của ta. Mark Twain từng nhận xét rằng, “Những chuyến du hành sẽ chấm dứt định kiến, sự nông cạn và cố chấp. Thế giới rộng lớn, vĩ đại và nhân từ ngoài kia sẽ không thể được lĩnh hội bằng cách rúc mình cả đời trong một góc nhỏ trên trái đất.” Bởi hầu hết chúng ta đều không thể đi thuyền khám phá trên dòng sông Mississippi, hay đi đến nhiều nơi trên thế giới như Twain đã từng, chính văn học đã đóng vai trò như một chuyến tàu vô giá cho hành trình khám phá của ta.
  3. Đọc văn học cho phép chúng ta nhìn nhận thế giới qua con mắt của những người khác. Nó rèn luyện tâm trí trở nên linh hoạt, biết đón nhận những quan điểm khác nhau – để tạm gác quan điểm cá nhân sang một bên và nhìn nhận thế giới qua đôi mắt của một người đến từ một thời đại, tầng lớp hay dân tộc hoàn toàn khác. Đọc văn học giúp nuôi dưỡng và phát triển khả năng thấu hiểu của con người.
  4. Những tác phẩm văn học vĩ đại đã đóng một vai trò nền tảng trong quá trình định hình xã hội. Ví dụ, tác phẩm The Epic of Gilgamesh đã khởi xướng một hình mẫu tự sự về vị anh hùng trên hành trình thiên sử thi, từ đó trở thành một mô hình phổ biến và giàu sức ảnh hưởng đối với nền văn học trên thế giới. Một số tác phẩm nổi bật khác bao gồm Odyssey của Homer, Thần khúc (Divine Comedy) của Dante, Hamlet của Shakespeare, và Don Quixote của Cervantes, mỗi tác phẩm đều được xem là lá cờ tiên phong của một dòng sách mới ở phương Tây, mà về sau đã trở thành thể loại văn học phổ biến trong thời kỳ hiện đại. Ít lâu sau đó, tác phẩm Nỗi Đau Của Chàng Werther (The Sorrows of Young Werther) của Goethe cũng đã có những ảnh hưởng sâu sắc (dù không mấy tích cực); Lyrical Ballads của Wordsworth và Coleridge đã khởi xướng thời kỳ Lãng Mạn (Romantic) trong văn học Anh; tương tự, tác phẩm Túp Lều của Bác Tom (Uncle Tom’s Cabin) của Harriet Beecher Stowe đã góp phần đưa một đất nước bị chia cắt tiến đến cuộc nội chiến để chấm dứt chế độ nô lệ. Vào đầu thế kỷ hai mươi, cuốn tiểu thuyết The Jungle của Upton Sinclair đã vạch trần sự đáng sợ của nền công nghiệp giết mổ động vật ở nước Mỹ và từ đó, nhiều cải cách trong nền sản xuất thức ăn hàng loạt đã ra đời. Sách có sức mạnh định hình văn hóa và lịch sử.
Battle of Chantilly – Civil War, War Is Hell Store
  1. Đọc văn học thúc đẩy tư duy và nhận thức, đồng thời cải thiện năng lực ngôn ngữ cũng như mở rộng vốn từ. Tiếp xúc với những văn bản như thế này đòi hỏi một tâm trí cởi mở, nhạy bén để có thể đáp ứng và duy trì những tiến trình tư duy phức tạp hơn. Trung bình một câu văn ở thế kỷ 16 dài khoảng 65 đến 70 từ, tuy nhiên, không quá bất ngờ khi con số ấy đã dần giảm xuống chỉ còn 15 từ. Tương tự, số ký tự trung bình của một từ đã giảm xuống, cho thấy xu hướng sử dụng những từ ngữ cầu kỳ, cao siêu cũng dần hạn chế. Việc liên tục tiếp xúc với lối diễn đạt và cấu trúc câu tinh vi, phức tạp không chỉ phát triển năng lực tuy duy mà còn cải thiện kỹ năng nói và viết của chúng ta. Ta bắt đầu hình dung ra cách lối viết của những nhà văn xuất sắc, từ đó bắt chước kỹ năng hành văn và cách dùng từ của họ. Trong bài thơ Four Quartets, T. S. Eliot đã tiên đoán rằng chúng ta sẽ bị “sao nhãng khỏi sự sao nhãng bởi sự sao nhãng”. Thật chẳng may là ta không đủ kiên nhẫn để có thể dành thời gian suy tư và phân tích về một ý nghĩa nào một cách sâu sắc. Đọc văn học chính là một động lực để đi ngược lại xu hướng ấy.
  2. Cuối cùng, văn học giúp ta hiểu hơn về chính bản thân mình – hay nói ngắn gọn, để thấu hiểu con người, bởi chủ thể của văn học là con người. Trong từng trang sách, ta sẽ được học về khả năng sáng tạo và bản chất đạo đức của mình, về sự nhận thức, và quan trọng nhất, tâm hồn con người. Ta thấy được con người ở đỉnh cao của vinh quang và tận cùng của sự ngu dốt – với sự đan xen của từng ý nghĩ, hành động, cảm xúc và niềm tin nhuốm màu khổ đau. Hay nói cách khác, văn học là tấm gương phản chiếu bản năng con người, nó hé lộ những khía cạnh phức tạp và sâu thẳm bên trong, những đức hạnh cũng như thói xấu; và hơn thế nữa, nó là tấm gương phản ánh cả một thời kỳ văn hóa, soi chiếu hình thù và đặc tính của cả một thời đại.

Ngày xưa, trước Đền thờ Apollo ở Delphi được khắc một châm ngôn rất nổi tiếng – “Know thyself” (Biết bản thân). Đọc văn học vẫn là một trong những cách lý tưởng nhất để đạt được điều đó – để sống một cuộc đời mà Socrates từng tuyên bố đó là một cuộc đời duy nhất đáng sống: một cuộc đời biết tự soi chiếu. Sau tất cả, có thể văn học chỉ là lối biểu đạt sáng tạo về sự sống và về những ý tưởng trừu tượng: Bằng một cách kỳ lạ nào đó, một cuộc đời luôn giao nhau mọi cuộc đời khác, và tất cả cuộc đời sẽ hợp nhất thành một cuộc đời duy nhất – chúng ta sẽ luôn bắt gặp hình ảnh của chính mình qua từng nhân vật trong những trang sách mang đậm dấu ấn thời gian của những Tác Phẩm Vĩ Đại.

Trịnh Tố Uyên | Theo Memoria Press

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *