tldr: Sự khó chịu mà chúng ta cảm thấy khi phải nghe giọng ghi âm của chính mình vừa là phản ứng sinh lý vừa là phản ứng tâm lý, các nhà nghiên cứu cho hay.
Là một bác sĩ phẫu thuật chuyên điều trị những bệnh nhân có vấn đề về giọng nói, tôi có thói quen ghi âm lại những gì bệnh nhân nói. Đối với tôi, những bản ghi âm đó giá trị vô cùng. Chúng cho phép tôi theo dõi những thay đổi dù là nhỏ trong giọng nói của bệnh nhân qua những chuyến thăm bệnh, cũng giúp nhận định xem phẫu thuật hay liệu pháp giọng nói có mang đến chút cải thiện nào không.
Thế nhưng tôi khá ngạc nhiên khi những phiên trị liệu này gây khó khăn thế nào cho những bệnh nhân của mình. Nhiều người tỏ ra khó chịu thấy rõ khi phải nghe giọng của chính họ phát ra trên băng.
“Giọng tôi nghe như thế thật hả?” Họ nhăn mặt thắc mắc.
(Đúng vậy đó.)
Vài người trở nên bất an đến nỗi họ từ chối hoàn toàn việc nghe bản ghi âm – chứ đừng nói tới xem xét những thay đổi tinh tế mà tôi muốn làm nổi bật lên.
Cảm giác khó chịu khi phải nghe giọng của chính mình qua ghi âm có lẽ là do sự pha trộn giữa nguyên nhân sinh lý và tâm lý.
Đầu tiên, âm thanh từ bản ghi âm được truyền đến não bộ của bạn theo cách thức khác biệt hơn âm thanh tạo ra khi bạn nói chuyện.
Khi lắng nghe ghi âm giọng nói của chính mình, âm thanh sẽ truyền qua không khí tới tai bạn – đây còn được gọi là “dẫn truyền không khí.” Năng lượng âm thanh gây rung cho màng nhĩ và các xương tai con. Những chiếc xương này sẽ truyền rung động âm thanh tới ốc tai, kích thích các sợi trục thần kinh và các sợi này sẽ gửi tín hiệu thính giác tới não bộ.
Tuy nhiên, khi bạn nói, âm thanh từ giọng nói của bạn tiếp cận tai trong theo một cách khác. Trong khi một ít âm thanh được phát qua dẫn truyền không khí, phần nhiều còn lại được truyền trực tiếp ở bên trong qua xương sọ. Lúc bạn nghe giọng mình khi đang nói chuyện, đó là sự kết hợp giữa dẫn truyền bên ngoài và dẫn truyền bên trong, và dẫn truyền qua xương ở bên trong dường như đẩy mạnh những tần số thấp hơn.
Vì lý do này mà mọi người thường cảm nhận giọng mình sâu và dày hơn khi họ nói chuyện. So ra thì bản ghi âm nghe mỏng và chói hơn, khiến nhiều người cảm thấy bài xích.
Có một lý do thứ hai giải thích tại sao nghe giọng chính mình qua ghi âm lại khiến bạn bối rối đến thế. Bởi giọng qua ghi âm thực sự là một giọng mới – nó thể hiện sự khác biệt giữa nhận thức tự thân và thực tế. Bởi giọng bạn là độc nhất và là một bộ phận quan trọng của bản sắc cá nhân, sự không khớp này có thể khiến bạn thấy chói tai. Bỗng dưng bạn nhận ra suốt bao lâu nay những người khác đã nghe một thứ gì đó khác chứ không phải giọng bạn như bạn vẫn nghe.
Dù rằng ở trong tai người khác, giọng thật của bạn có khả năng giống với bản ghi âm hơn, tôi cho rằng lý do khiến nhiều người không thoải mái không nhất thiết cứ phải là vì giọng ghi âm của họ tệ hơn giọng bên ngoài. Thay vào đó, chúng ta chỉ đơn giản là quen nghe giọng chính mình theo một cách thức nhất định nào đó hơn.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2005 yêu cầu những bệnh nhân gặp các vấn đề về giọng nói đánh giá giọng chính mình trong bản ghi âm của họ. Họ cũng yêu cầu các bác sĩ đánh giá những giọng nói đó. Nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân nói chung có xu hướng đánh giá tiêu cực về giọng chính mình hơn so với đánh giá khách quan của các bác sĩ.
Do đó nếu giọng nói trong đầu bạn chỉ trích nặng nề giọng của bạn trong ghi âm, thì khả năng nhà phê bình nội tâm trong bạn đang phản ứng thái quá – bạn đang phê phán chính mình hơi quá nghiêm khắc mà thôi.