Tại sao các bác gái, các cô, các dì, các mẹ cũng trọng nam khinh nữ?

Để tôi kể cho nghe một câu chuyện.

Từ hồi bạn còn nhỏ, những đồ ngon đồ đẹp chắc cũng toàn dành cho em trai, mọi người cũng hay khen em trai quá dễ thương, tay chân cứng cáp, nhìn vào là thấy tương lai xán lạn, có tiền đồ, sau này bố mẹ chắc sẽ được nhờ thằng cu này đây, còn con chị này thì sau này lấy chồng rồi thì coi như bát nước đổ đi, không trông mong gì. Rồi thì bạn lớn lên, thằng em cũng biết làm giúp việc nặng, cũng rất quan tâm đến bạn, gọi bạn “chị ơi” rất ngọt ngào, ở trường học cũng rất thương bạn. Những điều đó khiến bạn lại càng thêm tình nguyện phấn đấu vì nó, đi làm công nhân nuôi nó ăn học cũng ổn thôi. Thông, không mua nhà cũng chẳng sao, em trai còn phải lấy vợ mà, sau này mình lấy chồng rồi ở với nhà chồng cũng có sao đâu.

Sau khi lấy chồng, bạn rất cung kính mẹ chồng, cũng không thể nói là hạ mình trước bà ấy được, mà là hiếu thuận với nhà chồng, không thể để chồng khó xử. Thế mà sau khi sinh được hai cô con gái, đôi khi về ngoại, bạn thấy đến cả mẹ đẻ mình khi nào cũng mặt nặng mày nhẹ, làm bạn cũng chẳng còn chút hào hứng gì, ăn Tết cũng sợ gặp mặt họ hàng người quen.

Mang thai lần thứ ba, bạn sinh được một thằng cu, tự dưng cảm thấy nửa đời sau của mình từ đây là lên hương rồi! Ở cữ được ăn bao nhiêu là canh gà. Thằng bé thì hay quấy, không dễ chăm, nhưng bạn so sánh, nhìn nhận kiểu gì vẫn thấy dễ hơn nuôi hai con chị. Và rồi rất tự nhiên, bạn thấy yêu thương, quan tâm đến đứa thứ ba hơn, rồi nó lớn lên dần, bạn sẽ bớt ăn bớt tiêu mua nhà mua đất cho nó.

Rồi bỗng nhiên một ngày, đứa con gái thứ hai đến gặp bạn, rơm rớm nước mắt, muốn nói rồi lại thôi. Bạn hỏi nó “Mày sao thế? Đừng có dọa mẹ.” Nó hỏi: “Mẹ, sao ông bà ngoại toàn để lại tiền của cho cậu hết thế? Sao mẹ không được một cắc nào?” Bạn đáp: “Hồi đó cậu con làm biết bao nhiêu việc, tiền kiếm được đều đưa bà ngoại cả. Nhà mình thì có giúp được gì cho cậu đâu, con đấy, làm người đừng có mà tham lam như thế!” Bạn không ngờ rằng nó lại phản bác: “Mẹ! Nam nữ đều có quyền thừa kế bình đẳng như nhau, được quy định theo pháp luật, mẹ đừng có mà thiên vị như vậy!”.

Bạn như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, cho nó một tát: “Đừng có nói nữa, bà ngoại mày còn chưa chết đâu mà mày đã đứng ngồi không yên với cái nhà của bà rồi! Lo mà học hành đi! Thế này thì còn có tiền đồ gì nữa? Thằng em mày sau này còn phải lấy vợ, nối dõi tông đường cho nhà mình nữa! Con mày sinh ra thì mang họ nhà này hả? Đừng có lôi chuyện nam nữ bình đẳng ra với tao, lẽ đời mấy nghìn năm nay để cho mày thay đổi được chắc?”

Đứa con gái cũng hết cách, nó chỉ có thể đến thành phố lớn, cố gắng nỗ lực sống một mình nơi xa lạ, qua vài năm nữa, nói không chừng mẹ nó lại muốn lấy tiền nó để cho em trai xây nhà xây cửa cũng nên.

Nghe con gái bàn đến chuyện nam nữ bình đẳng, trong lòng bạn tự dưng có một chút xúc động chợt ẩn chợt hiện, nhưng chiều hôm đó chồng đi làm về mua cho bạn món chân giò mà bạn thích nhất, thấy mắt bạn đỏ hồng bèn hỏi tại sao, bạn lại cảm thấy mình chẳng làm gì sai cả, trong nhà yên ổn thì mọi sự đều thuận lợi, tuy chồng mình mỗi khi rượu vào lại hay đánh mắng mình nhưng thường ngày thì cũng tốt tính, nếu đứa thứ hai mà tìm được người chồng như vậy thì cũng có thể an tâm được rồi. Con bé này đúng là sướng quá hóa rồ, khi nào cũng bảo không lấy chồng không sinh con. Đàn bà con gái là phải lấy chồng, phải đẻ con, sinh con rồi thì kiểu gì nó cũng vào khuôn khổ thôi.

Tôi đã kể xong câu chuyện này rồi, bạn nói xem làm thế nào để đảo ngược lại suy nghĩ, tư tưởng của bà mẹ này đây? Tôi không tài nào nghĩ ra nổi. Chúng ta là thế hệ nữ quyền, thời thanh xuân chìm đắm trong những câu chuyện về nữ quyền nhan nhản trên mạng, về single mom, nhưng thế hệ trước của chúng ta có nhân sinh quan, giá trị quan đã thâm căn cố đế trong vũng bùn, rất khó, rất khó để có thể nhổ ra được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *