Tại sao bọn đàn ông lại kết bạn kém thế?

Không thể phủ nhận mọi quan hệ xã hội đều khó khăn, kể cả quan hệ giữa phụ nữ với nhau, nhưng rõ ràng thực tế cho thấy đúng là mấy ông con trai khó mà xây dựng tình bạn với hội đực rựa thật.

Thả cho hai ông con trai nói chuyện với nhau, họ sẽ nói toàn những vấn đề đao to búa lớn: nào là chính trị, lịch sử, rồi thể thao, tiền tệ, giới trẻ ngày nay với cả mẫu tên lửa mới nhất. Họ cũng như bao người khác, cũng muốn trở nên thân thiết với nhau, nhưng lại đề phòng quá mức.

Nhưng thật ra nguyên nhân sâu thẳm khiến mấy ông không dám thân thiết với nhau lại là nỗi sợ bị tổn thương. Các ông kết bạn với niềm tin rằng người kia sẽ thích mình nếu mình gây ấn tượng thật đỉnh. Các ông muốn đảm bảo một vị trí thật cao trên nấc thang của thành công để chiếm được lòng yêu mến của người khác. Cho nên các ông trở thành mấy thằng thích khoe mẽ, chẳng phải vì thật sự tin tưởng vào bản thân, mà vì mấy ông cho rằng đây là con đường duy nhất để được người khác quý mến.

Các ông sợ nhất là khi để lộ ra một thất bại, hay một nỗi đau đớn, hay một khoảnh khắc mông lung, mấy thằng đực rựa khác sẽ coi như ông không xứng đáng được để ý hay được yêu quý. Một người đàn ông tử tế thường lại hết sức khắt khe với những lỗi nhỏ, những khía cạnh hơi quái đản của bản thân, và cảm thấy mình không xứng với những người đàn ông khác. Mấy ông rất thích tưởng tượng rằng mọi người chỉ thích một con người thành đạt và có địa vị. Nhưng thực tế là, chỉ khi hai người cũng đồng cảm với những tổn thương của nhau họ mới có thể thật sự thân mật. Chỉ khi cùng nhau chia sẻ những mông lung, nghi ngờ, lo âu, khúc mắc, những bốc đồng tuổi trẻ, những khát khao kỳ dị, giữa hai người đàn ông mới nảy nở tình bạn thực sự – khi một ông chấp nhận những điều này trong tính cách của mình và mở lòng đón nhận những điều tương tự ở ông kia. Một nỗi sợ vô căn cứ, có vẻ lại dễ chấp nhận hơn cả sự thật.

Thật dễ hiểu nhầm một người khi người ta bộc lộ những tổn thương của mình. Một mối phiền muộn, khi được nêu lên đúng cách, không phải là một lời than, không phải là một lời buộc tội thế giới, cũng không phải là để đổ lỗi cho một người khác. Kể cả khi sếp và đồng nghiệp tốt tính thật sự, người ta vẫn hoàn toàn có thể gặp khó khăn ở chỗ làm chứ. Và cho dù người yêu có tử tế tốt tính đến đâu đi nữa, người ta vẫn hoàn toàn có thể gặp khó khăn trong mối quan hệ.

Thú nhận rằng mình đang gặp rắc rối không có nghĩa là người ta đang cầu xin bạn ban cho giải pháp để cứu rỗi người ta. Câu trả lời lý tưởng sẽ không phải là ‘đây ông phải làm thế này ông phải làm thế kia’ mà là ‘tôi biết, tôi cũng khổ sở y chang thế, và sẽ còn tiếp tục khổ sở như thế nữa.’

Sự thân thiết giữa đàn ông với nhau xoay quanh khả năng chấp nhận nỗi buồn thay vì chuyển nó thành cơn giận, có thể chấp nhận sự hoang mang mà không đổ tại một người khác, có thể chấp nhận những tủi hổ và lo âu của bản thân mà không cảm thấy mình sẽ bị bẽ mặt trước những người khác.

Tất nhiên, bọn đàn ông không phải đứa nào cũng hết thuốc chữa; trọng điểm ở đây là một con người được cấu thành từ cả năng lượng tích cực và cả những tổn thương. Chia sẻ với người khác về những sai lầm ngu xuẩn của mình không có nghĩa là ta đang chối bỏ những thành công, kiến thức và khả năng của bản thân. Mặt khác làm như thế ta còn mở cửa cho sự đồng cảm, niềm tin và – điều mà đàn ông cũng như mọi người khác khát khao – sự thân mật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *