TẠI SAO BẠN NÊN ĐỌC “KAFKA TRÊN BỜ BIỂN”?

“Đôi khi định mệnh như cơn bão cát nhỏ liên tục chuyển hướng. Bạn đổi hướng, nó vẫn bám theo. Bạn rẽ sang ngã khác, cơn bão cũng rẽ sang con đường đó . Cứ thế cứ thế nó mãi như một điềm báo trước lúc bình minh. Tại sao ư ? Vì cơn bão không ở đâu xa…Cơn bão chính là bạn. Bên trong bạn.”

Câu này nằm trong chương đầu của tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển” (tác giả: Haruki Murakami) mô tả những rối loạn bên trong nhân vật chính trẻ tuổi. Tuyệt vọng muốn thoát khỏi người cha độc tài và lời nguyền gia tộc, cậu đổi tên thành Kafka, tên nhà văn cậu yêu thích và bỏ nhà đi bụi. Những ký ức về người mẹ đã bỏ đi, cùng những cơn ác mộng ám ảnh cuộc đời cậu rõ ràng chẳng dễ gì vượt qua.

Được xuất bản tại Nhật năm 2002. Năm 2005, “Kafka bên bờ biển” được chuyển thể sang tiếng Anh. Đây là tác phẩm chứa các chuyến du hành thời gian, những trang sử bí ẩn, và thế giới ngầm huyền ảo. Độc giả thích thú khám phá cách những cái nhìn méo mó, những nhân vật khác người và sự trùng hợp kỳ lạ. 

Chương chẵn là lời tự thuật của nhân vật Kafka và chương lẻ tập trung vào một ông già, tên là Satoru Nakata. Tỉnh dậy sau cơn hôn mê trong thế chiến thứ hai, Nakata mất khả năng đọc và viết chữ nhưng lại có khả năng kỳ lạ là nói chuyện với mèo. Khi được yêu cầu tìm thú cưng bị mất tích, ông bị cuốn vào con đường nguy hiểm song song với Kafka. Chẳng bao lâu sau, lời tiên tri thành sự thật, cánh cổng đến các chiều không gian khác mở ra, những con cá và đỉa bắt đầu rơi như mưa từ trời xuống. Nhưng điều gì đã gắn kết hai nhân vật này lại với nhau và liệu một trong hai nhân vật có thể kiểm soát không? 

Sự giao thoa giữa các thế giới khác nhau là chủ đề phổ biến trong tác phẩm của Haruki Murakami. Tiểu thuyết và truyện ngắn của ông thường là sự kết hợp tài tình giữa trải nghiệm cá nhân, khả năng siêu nhiên và lịch sử Nhật Bản. Murakami sinh ra ở Kyoto vào năm 1949, ông lớn lên trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Nhật sau thế chiến thứ hai. Cái bóng của chiến tranh ám lên cuộc đời và các tác phẩm của ông, “Kafka bên bờ biển” khắc họa các cuộc tấn công sinh học, những “bóng ma” trong quân đội và những âm mưu mờ ám. 

Tác phẩm của Murakami xóa nhòa những giai đoạn lịch sử và được đúc kết từ nhiều truyền thống văn hóa. Xã hội phương Tây và phong tục Nhật Bản đan xen nhau trong nhiều khía cạnh khác nhau, từ văn học, thời trang đến ẩm thực và truyện ma. Trong “Kafka bên bờ biển”, ông rất hay nhắc tới yếu tố âm nhạc. Bỏ nhà đi, khi lang thang trên đường một thành phố xa lạ, Kafka có nhạc Led Zeppelin và Prince làm bạn đồng hành. Rồi cậu trú lại trong một thư viện riêng trang nhã. Cậu dành cả ngày chăm chú đọc những cuốn sách cũ, chiêm ngưỡng bức tranh kỳ lạ và quan sát người thủ thư bí ẩn. Cậu cũng kết bạn với người thủ thư, người giới thiệu thể loại nhạc cổ điển (như nhạc của Schubert) cho cậu. 

Khả năng cảm nhạc khiến tác phẩm của Murakami lôi cuốn hơn. Ông thường bẻ cong ranh giới giữa hiện thực và thế giới “mơ mộng”, và được coi là bậc thầy trong việc lồng ghép yếu tố kỳ ảo vào cuộc sống bình nhật. Đây là đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Trái với văn học giả tưởng, ma thuật trong các tác phẩm này thường không đưa ra cách giải quyết vấn đề, mà khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Trong “ Kafka bên bờ biển”, các nhân vật phải đối mặt với vô số phiền nhiễu từ thế giới khác, từ hồn mà mắc bệnh tương tư đến cây sáo làm từ linh hồn mèo. Những thách thức này không có cái nào dễ giải quyết. Trái lại, chúng khiến ta kinh ngạc trước tinh thần kiên cường của con người khi phải ứng phó với những điều không mong đợi. 

Dù mọi chuyện xảy tới với Kafka thường mới mẻ và bất ngờ nhưng chính lòng nhân hậu và sự chính trực trong con người cậu ấy đã giúp Kafka vượt qua được mọi gian nan. Dần dần, cậu ấy chấp nhận sự hỗn loạn trong lòng và giải quyết chúng ổn thỏa. Cuối cùng, Kafka muốn mang đến cho độc giả thông điệp “Bạn càng trải nghiệm nhiều, bạn càng hiểu ra nhiều thứ.”

Theo  Iseult Gillespie – Ted-Ed

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *