Nguồn: ExerPsych.
Có bao giờ bạn đang đứng trên một nơi rất cao nhìn xuống, và tự nhiên bạn có một cảm giác muốn thử nhảy xuống không? Rồi bạn giật mình, cảm thấy lạnh sống lưng, và tự nhiên lùi lại khỏi vách núi hay lan can sân thượng đó.
Bạn không thực sự muốn nhảy xuống, mà ý nghĩ đó đến một cách bất ngờ, một thôi thúc không lý giải được. Nhưng rồi thôi thúc này biến mất cũng nhanh như khi nó xuất hiện vậy.
CALL OF THE VOID – TIẾNG GỌI TỪ HƯ VÔ
Nếu như bạn đã từng có trải nghiệm này, thì bạn không một mình đâu. Hiện tượng này rất phổ biến, đến nỗi nó có riêng cho mình một cái tên, CALL OF THE VOID, hay ‘L’APPEL DU VIDE trong tiếng Pháp. Bên cạnh thôi thúc muốn nhảy từ nơi cao, call of the void cũng có thể dùng để nói về thôi thúc chung muốn làm những việc liều lĩnh và có thể gây nguy hiểm.
NHỮNG GIẢ THIẾT TỪ KHOA HỌC
Hiện tượng này vẫn chưa được nghiên cứu nhiều, nhưng đã có những giả thiết từ các nhà khoa học nhận thức và tâm lý học.
1. High place phenomenon – Hiện tượng nơi trên cao
Một lời giải thích cho hiện tượng này đó là khi bạn đang đứng ở một nơi cao, bộ não sẽ gửi một loạt những tính hiệu để nhắc nhở bạn, “ê, cẩn thận đó”. Đó chính là lý do mà bạn sẽ lùi lại theo bản tính và tự nhiên có cảm giác cẩn thận hơn bình thường. Tất cả những điều này xảy ra chỉ trong vài nano giây, và là phản ứng một cách rất bản năng của “bộ não thằn lằn” của bạn.
Chính vì tốc độ xảy ra của phản ứng này mà khi bạn bắt đầu dùng phần logic hơn và biết suy tính hơn của não bộ để nhìn nhận lại nó, bạn sẽ tự động nghĩ đến những điều như, “ủa tại sao mình lại lùi lại nhỉ, tầng thượng có lan can và mình vẫn đang hoàn toàn an toàn mà?”. Và một câu trả lời nghe có vẻ logic đó là “chắc là mình đã muốn nhảy xuống lúc đó”. Đây là một tình huống mà chúng ta hiểu lầm tín hiệu cảnh báo của não bộ, và lầm tưởng sự cẩn thận đó có nghĩa là chúng ta muốn làm việc liều lĩnh như nhảy xuống.
2. Present loss and future gain
Con người chúng ta sẽ càng có xu hướng liều lĩnh hơn khi đang phải đối mặt với một tình huống có thể có kết quả xấu. Nói cách khác, chúng ta thà liều để thoát khỏi sự mất mát trong hiện tại (present loss), còn hơn là lấy được thành quả trong tương lai (future gain).
Giải thích này được thấy rõ nhất trong tình huống một ván đánh cược. Khi đã bị thua quá nhiều, người ta sẽ càng có thôi thúc muốn cược nhiều hơn để cố gắng lấy lại số tiền đã mất (present loss), hơn là tránh bị mất số tiền họ vẫn còn trong tay (future gain).
Quay lại với call of the void, khi một người có nỗi sợ độ cao, họ sẽ “đánh bạc” nhảy xuống từ nơi cao đó xuống đất, vì “bộ não thằn lằn” của chúng ta nghĩ “đất” là một nơi an toàn. Có thể nói call of the void là một cách giải quyết khá là cực đoan và phản tác dụng của bộ não khi đối mặt với nỗi sợ khi ở trên cao. Chúng ta muốn nhảy để thoát khỏi nỗi sợ độ cao (present loss), thay vì không nhảy để tránh khỏi cái chết (future gain).
Tất nhiên nếu có thời gian suy nghĩ, không ai trong chúng ta sẽ thấy điều này có logic. Nhưng vào đúng lúc này, nỗi lo lắng khi ở trên cao cần phải được giải quyết ngay lập tức, đến nỗi chúng ta bỏ qua cả nguy cơ sẽ chết khi nhảy xuống, chỉ để giải quyết nỗi lo lắng khi ở trên cao.