TẠI SAO ARGENTINA KHÔNG CÓ CẦU THỦ DA ĐEN ?

Xu hướng sử dụng cầu thủ da đen cũng ngày càng phổ biến ở các đội tuyển châu Âu. Ngay cả các đội tuyển quốc gia như Tây Ban Nha hay Đức, sự hiện diện của tuyển thủ gốc Phi không còn mới lạ. Đối với các đội tuyển Nam Mỹ, sự xuất hiện của đông đảo cầu thủ da đen càng dễ lý giải với sự giao thoa giữa các chủng tộc trong dòng biến thiên lịch sử.

Tuy nhiên, duy chỉ có đội tuyển Argentina tuyệt đối không có sự hiện diện của cầu thủ gốc Phi. Đề tài này đã tạo ra những bàn tán sôi nổi từ World Cup 2018 và bây giờ cùng với thành công của Messi và các đồng đội, giới quan sát lại đi sâu để lý giải cho vấn đề này, trong đó có giáo sư Erika Denise Edwards của Đại học Texas, môt chuyên gia về nhân chủng học.

Trong bài viết đăng tải trên Washington Post, ông đã sử dụng dữ liệu từ cuộc Điều tra dân số năm 2010 để chỉ ra rằng cả nước Argentina chỉ có 149.493 người da đen, tương đương 1% dân số. Dữ liệu này dường như xác nhận quốc gia này là xứ sở của người da trắng.

Tuy nhiên, căn nguyên “sự trắng” của người Argentina không đơn giản như vậy. Trong thời kỳ Argentina còn là thuộc địa, đã có khoảng 200.000 nô lệ gốc Phi được chuyển đến Rio de la Plata và cho đến cuối thể kỷ 18, 1/3 dân số là người da đen. Dữ liệu từ cuộc điều tra dân số tại thành phố Buenos Aires cho thấy người gốc Phi đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ 1778 đến 1836.

Sự sụt giảm của người da đen bắt đầu từ cuộc chiến giành độc lập của Argentina, kéo dài từ 1810 đến 1819. Một số lượng lớn nô lệ da đen đã hy sinh trên chiến trường, nhưng số lớn hơn đào ngũ. Các nhà sử học tiết lộ rằng vào năm 1829, đơn vị quân đội người Argentina gốc Phi Cazadores đã tổn thất 31 binh sĩ tử trận nhưng lại có tới… 802 lính đào ngũ. Đa số dạt lên phía bắc đến thành phố Lima, Peru sinh sống.

Một giả thuyết khác được đưa ra để lý giải cho sự sụt giảm của người da đen ở Argentina là tỷ lệ thiệt mạng cao của đàn ông gốc Phi trong các cuộc chiến kéo dài trong suốt thế kỷ 19. Hệ quả là phụ nữ gốc phi không còn nhiều lựa chọn ngoài việc kết hôn với những người đàn ông da trắng. Cũng có nghiên cứu cho biết thêm là những người phụ nữ gốc Phi cũng chọn kết hôn với đàn ông da trắng để con cái lẫn bản thân được hưởng những chế độ đãi ngộ ưu tiên hơn vốn dành cho người da trắng. Một giả thuyết nữa là sự bùng phát của dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt vàng gia vào năm 1871. Do thiếu điều kiện, người da đen ở Buenos Airos không thể rời khỏi tâm dịch và chịu tỷ lệ thiệt mạng cao.

Cuối cùng, nguyên nhân quan trọng nhất là quyết định “tẩy trắng” Argentina của chính phủ. Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bõ trên cả nước vào năm 1853 và thủ đô Buenos Aires vào năm 1961, các nhà lãnh đạo đất nước này tập trung hiện đại hòa, xem châu Âu là cái nôi của nền văn minh và tiến bộ. Họ tin rằng để đứng vào hàng ngũ Đức, Pháp và Anh, Argentina phải thay thế số dân da đen cả về thể chất lẫn văn hóa.

Không riêng Argentina, nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, bao gồm cả Brazil và Uruguay cũng tiến hành công cuộc “tẩy trắng” tương tự. Tuy nhiên, câu chuyện để Argentina trở nên khác biệt là nỗ lực xây dựng hình ảnh một quốc gia da trắng.

Ví dụ, vào những năm 1850, nhà triết học chính trị và nhà ngoại giao Juan Bautista Alberdi, người có lẽ được biết đến nhiều nhất với câu nói “cai trị là để đông dân”, đã thúc đẩy người da trắng từ châu Âu nhập cư. Tổng thống Argentina Justo José de Urquiza (1854-60) ủng hộ ý tưởng của Alberdi và đưa vào hiến pháp đầu tiên của đất nước. Tu chính án 25 nêu rõ: “Chính phủ liên bang sẽ thúc đẩy nhập cư châu Âu”. Trên thực tế, cựu tổng thống Sarmiento đã nhận xét vào cuối thế kỷ 19: “Hai mươi năm sau, sẽ cần phải đến Brazil để gặp người da đen”.

Mặc dù nỗ lực tẩy trắng như vậy, dấu ấn đa chủng tộc vẫn còn lưu lại trong đặc điểm con người Argentina. Đó là sự hiện diện của nhóm người được miêu tả là morocho, những người có tóc đen và làn da rám nắng. Diego Maradona, biểu tượng của bóng đá Argentina, chính là một người morocho.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *