Frederick Dolan, Giáo sư Danh dự bộ môn Tu từ học, đại học California, Berkeley (1988-nay)
Đây là một số lý do giải thích tại sao ta vẫn nên đọc Nietzsche trong thời buổi hiện đại (“hiện đại” ở đây chỉ thế giới Tây phương đương đại. Nhưng cũng có một số nguyên nhân khác chứng minh tác phẩm của Nietzsche đáng đọc ở mọi thời đại)
1. Một đặc điểm của thời đại chúng ta là việc lan tràn sự giận dữ và thù ghét. Dù đúng là có những cơn phẫn nộ chính đáng nhằm vào các bất công thật sự tồn tại, nhưng cũng có bằng chứng cho thấy một số người nghiêm trọng hóa từng cơn khó chịu vụn vặt như thể chúng công kích toàn nhân loại. Nếu đây là một vấn đề quan trọng – theo tôi nghĩ, nó quan trọng – thì chúng ta cần một học thuyết về sự thù ghét. Và Nietzsche đề xuất được một học thuyết về thù ghét (On the Genealogy of Morals, First Treatise; Beyond Good and Evil §260.)
2. Một đặc điểm khác của thời đại hiện nay là các xung đột tôn giáo, đặc biệt là (nhưng không tóm gọn trong) quan hệ giữa ba tôn giáo Abrahamic là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Nietzsche có hứng thú dạt dào với Do Thái giáo và Kitô giáo (và tương đối quan tâm đến Hồi giáo). Quan trọng là ông đưa ra được những quan điểm mới lạ về các chủ đề này. (The Anti-Christ; Beyond Good and Evil, Part Three: The Religious Nature.)
3. Tương tự với các mâu thuẫn chính trị và hệ tư tưởng. (Beyond Good and Evil, Part Eight: Peoples and Fatherlands; The Will to Power §133.)
4. Thời đại chúng ta còn được thể hiện ở sự giảm sút đức tin. Châu Âu và kể cả Mĩ đều có xu hướng từ bỏ các đức tin tôn giáo (ít nhất là trong trường hợp của Kitô giáo). Đây là một thực trạng Nietzsche đã dự đoán và hi vọng xảy ra. Tất nhiên ông cũng thể hiện nhiều ý kiến độc đáo về nguyên nhân của vấn đề này. (The Gay Science §125; On the Genealogy of Morals, Third Treatise.)
5. Người dân không chỉ bày tỏ sự nghi ngờ với Nhà thờ, mà còn cả với các cơ quan khác như chính phủ, cơ sở khoa học, trường đại học, v.v. Trước tình trạng các cơ quan đại diện cho quyền lực và học thức ngày càng bị hao mòn, ngày càng nhiều người lo lắng về ý nghĩa và mục đích sống. Đây là một chủ đề khác được Nietzsche dự đoán đến (The Will to Power, Book I, Part 2: On the History of European Nihilism.)
6. Trong một thế giới số hóa và toàn cầu hóa, các tập đoàn công nghệ và truyền thông tư nhân đang dần có nhiều ảnh hưởng hơn chính quyền dân chủ. Tiền đề cơ sở của công nghệ là mỗi người đều có thể dễ dàng đạt được bất cứ thứ gì họ muốn vào bất cứ khi nào. Hình tượng con người lý tưởng được ám chỉ bởi tiền đề trên là một trong những điều khiến Nietzsche trăn trở rất nhiều: ông mỉa mai đặt tên cho hình tượng này là “người cuối cùng” (letzte Mensch) (Thus Spoke Zarathustra, “Zarathustra’s Prologue”; The Will to Power §868.)
7. Thời hiện đại còn được cấu thành bởi những thay đổi nhanh chóng, liên tục và toàn diện. Nietzsche cân nhắc rất nhiều giữa cái lợi và hại của việc sống trong một thế giới mà “mọi thứ đều có sẵn” và tất cả các giá trị và niềm tin đều bị chất vấn và nghi ngờ. Có lúc ông tin rằng một môi trường như vậy sẽ không sản sinh ra được thành tựu vĩ đại nào. Nhưng có lúc ông lại cảm thấy việc thay đổi liên tục sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của cá nhân tài năng hơn bất kì nền văn hóa nào từng có. (“On the Use and Abuse of History for Life” (in Untimely Meditations; The Gay Science §124.)
Hình: Roy Lichtenstein, Modern Head #4 (1970).
Theo: Kim
