Thứ bảy, ngày 03/05/2025 07:30 GMT+7
Diệu Linh Thứ bảy, ngày 03/05/2025 07:30 GMT+7
Khoảng 2 tháng trước khi nhập viện xuất hiện trong tình trạng đau nhức, tê bì hai chân, đau nhiều khi vận động.
Các bác sĩ Khoa Nội tim mạch, bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành can thiệp đặt stent động mạch chậu kịp thời, người bệnh nam 70 tuổi đã không phải cắt cụt chi do hẹp, tắc động mạch chi dưới.
Người bệnh nam 70 tuổi (Quang Trung, Uông Bí), khoảng 2 tháng trước khi nhập viện xuất hiện trong tình trạng đau nhức, tê bì hai chân, đau nhiều khi vận động. Gần đây tình trạng ngày càng trầm trọng hơn, người bệnh đã đến khám tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, tiến hành siêu âm mạch các bác sĩ phát hiện người bệnh có tình trạng hẹp, tắc động mạch chi dưới. Hình ảnh chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy tình trạng hẹp động mạch chậu ngoài bên trái, vị trí hẹp nhiều nhất là 90%.
Hình ảnh hẹp tắc mạch của người bệnh trước và sau khi can thiệp(vị trí mũi tên chỉ) Nhận định đây là trường hợp bệnh nặng, phức tạp, xơ vữa gây chít hẹp động mạch với nguy cơ tiến triển nặng, bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định thực hiện phương án tối ưu nhất bằng can thiệp nong bóng và đặt stent động mạch chậu cho người bệnh.
Với việc làm chủ kĩ thuật, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp cho người bệnh trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Sau can thiệp, sức khỏe người bệnh ổn định.
Chụp mạch đánh giá sau can thiệp cho thấy các vị hẹp, tắc được tái thông, người bệnh hết tình trạng đau nhức, tê bì chân trái.

Theo bác sĩ Hoàng Minh Quang – Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, hẹp, tắc động mạch chậu, động mạch chi dưới là tình trạng bệnh lý xảy ra khi lòng động mạch bị tắc hoặc hẹp nhiều, làm giảm cấp máu cho chân.
Các triệu chứng của bệnh hẹp, tắc động mạch chậu, động mạch chi dưới là đau, loét ngón, hoại tử dẫn đến nguy cơ cắt cụt chi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Việc làm chủ và thực hiện đặt stent động mạch động mạch chi dưới đã và đang cho thấy hiệu quả lớn nhất là giúp người bệnh tránh nguy cơ phải cắt cụt chi gây tàn phế suốt đời.
Theo bác sĩ Quang, để tránh nguy cơ hẹp, tắc động mạch chi dưới, người dân cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là những người mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường và tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Những bệnh cao tuổi, có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch… hoặc bệnh mạn tính cần đi khám sức khỏe thường xuyên và tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị mà bác sĩ đã kê đơn, hướng dẫn.