SỨC MẠNH CỦA SAI LỆCH TÍCH CỰC

Chuyện kể rằng, đầu những năm 90s, chính phủ Việt Nam kêu gọi sự trợ giúp từ Save the Children – một trong những tổ chức phi chính phủ vì trẻ em lớn nhất thế giới – để giải quyết nạn suy dinh dưỡng lúc bấy giờ. Save the Children chỉ định Jerry Sternin, vốn đã có kinh nghiệm xử lý vấn đề tương tự tại Philippines, đảm nhiệm trọng trách này. Tháng 12/1991, Jerry cùng vợ và con trai bắt đầu cuộc sống mới tại Hà Nội.

Việt Nam lúc đó vẫn đang trong thời kỳ bị Mỹ cấm vận, tình hình kinh tế lạc hậu đi kèm những tàn tích của chiến tranh mới chấm dứt cách đó không lâu khiến cho việc nghiên cứu của Jerry chỉ được phép gói gọn trong vòng 6 tháng thay vì tuân thủ đúng quy trình, có thể tính bằng năm. Nếu Jerry không thể chứng minh năng lực hỗ trợ từ Save the Children, dự án sẽ kết thúc ngay lập tức. Jerry cùng cộng sự không chỉ đơn thuần chịu áp lực về thời gian thực hiện dự án, mà ngay cả những người dân địa phương, vốn đang nhận được sự hỗ trợ, cũng không muốn có sự xuất hiện của những vị khách nước ngoài.

Sự bài xích từ địa phương không phải không có lý, trước đấy, đã từng có một số đoàn viện trợ đến rồi đi nhưng tình hình dinh dưỡng khu vực không khả quan hơn là bao. Công tác viện trợ phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng cũng như nguồn tài trợ, nhưng dinh dưỡng là vấn đề mang tính dài hạn, sự hỗ trợ mang tính nhất thời không thể cứu trẻ em khỏi cái ch.ết. Thách thức của Jerry là tạo ra một chương trình có hiệu quả, dù ngắn hạn, để có cơ sở ở lại lâu hơn nhằm giải quyết đại dịch suy dinh dưỡng, cứu hàng vạn mạng người.

Phương thức nghiên cứu cơ bản về lượng thức ăn, thời gian, người chăm sóc… mang lại kết quả khá u ám: 64% trẻ em trong khu vực bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ chịu đói. 64% là con số quá cao để bất kỳ phương án nào có thể đạt được hiệu quả, dù nhất thời.

Nếu bạn là Jerry, bạn làm gì? Khả năng cao, có thể là 64%, bạn sẽ nhún vai rồi bỏ về thôi! Quá nhiều vấn đề cần giải quyết: đói nghèo, thiếu thức ăn, đông con, chính sách… chỉ cần xét 1 vấn đề bất kỳ cũng đòi hỏi cả một núi tiền và nguồn nhân lực rồi.

May mắn thay, ngay thời điểm quan trọng, Jerry nhớ về khái niệm sự sai lệch tích cực (Positive Deviance) và chuyển trọng tâm từ những thứ không hiệu quả sang những tiêu chí hiệu quả: thay vì hỏi tại sao có 64% trẻ suy dinh dưỡng, Jerry nghĩ về việc tại sao có đến 36% trẻ em không bị suy dinh dưỡng dù cùng địa bàn? Kỹ thuật sử dụng sự sai lệch tích cực của Jerry tốt đến mức đến tận 30 năm sau, Harvard Business Review vẫn còn viết về chuyện này.

Toàn bộ vấn đề có thể được gói lại bằng một câu hỏi nghịch đảo: Có khả năng nào một gia đình nghèo khổ có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho 1 đứa trẻ hay không? Câu trả lời bất ngờ là có! Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong sự nghèo khó hoàn toàn đủ khả năng có đủ dinh dưỡng mà chúng cần.

Những đứa trẻ nghèo nhưng đủ dinh dưỡng có một điểm chung:

  • Đầu tiên, mỗi sáng, một thành viên trong gia đình sẽ ra ruộng tìm ít cá, tôm hoặc chí ít là rau dại để bổ sung thêm vào cơm cho bọn trẻ.
  • Điểm thứ 2, trẻ đủ dinh dưỡng sẽ được ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 1 bữa lớn, trẻ thiếu dinh dưỡng chỉ có 2 bữa trong khi những trẻ đủ dinh dưỡng có 4-5 bữa mỗi ngày.
  • Cuối cùng, trẻ luôn được yêu cầu rửa tay trước khi ăn và buộc phải rửa lại nếu tay chúng không đủ sạch. Điều này làm giảm tối đa khả năng nhiễm bệnh từ đường tiêu hóa, vốn là thủ phạm trực tiếp ảnh hưởng đến cân nặng và dinh dưỡng của trẻ.

Không cần thay đổi thể chế, tăng cường nguồn lực hay lên án gia đình, bắt đầu từ việc đặt một câu hỏi đúng đã giúp hàng nghìn sinh mạng có cơ hội vượt lên khỏi án tử lơ lửng treo trên đầu.

Trở lại bối cảnh bây giờ, Sài Gòn vừa thông báo sẽ lock thêm 30 ngày nữa đến 15/09/21, tình hình khó khăn là điều chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng các bạn mình đã vượt qua được 30 ngày đầu tiên rồi, với 30 ngày tiếp theo, điều cần quan tâm nhất lúc này là làm sao tập trung được vào 1 câu hỏi đúng duy nhất, mà thôi.

Mình thành tâm mong các bạn bình an~

Phong Nguyên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *