Sự vô dụng của máy phát hiện nói dối và cái hữu dụng của nghề… coi tướng số

Cuốn sách “Ông Tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” của hai tác giả Hoàng Hải Vân – Tấn Tú đã mô tả quãng thời gian 20 năm ông Ba Quốc trong địch hậu, những điểm nhấn trong quá trình hoạt động của ông, từ đó tạo nên hình tượng một điệp viên siêu hạng với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Sách Ông Tướng Tình Báo Bí Ẩn Và Những Điệp Vụ Siêu Hạng

Sách Ông Tướng Tình Báo Bí Ẩn Và Những Điệp Vụ Siêu Hạng

Ông Ba Quốc là một điệp viên nhị trùng siêu hạng. Một điệp viên mà vào được phủ Tổng Thống, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn hoặc các cơ quan đầu não khác của đối phương đã vô cùng hiếm, nhưng một điệp viên lại nằm đúng trong cơ quan tình báo của địch để tham gia chỉ đạo lực lượng tình báo địch đánh ngược nội bộ ta thì Việt Nam chỉ duy nhất có ông Ba Quốc, ở nước ngoài cũng vô cùng hiếm có điệp viên nào lợi hại như vậy.

Cuốn sách “Ông Tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” của hai tác giả Hoàng Hải Vân – Tấn Tú đã mô tả quãng thời gian 20 năm ông Ba Quốc trong địch hậu, những điểm nhấn trong quá trình hoạt động của ông, từ đó tạo nên hình tượng một điệp viên siêu hạng với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Dưới đây là một câu chuyện làm tình báo của ông Ba Quốc được trích dẫn từ cuốn sách này.

Chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng trở thành “độc tài  gia đình trị”. Đến những năm 1959-1960, phong trào yêu nước của nhân dân ở cả nông thôn và thành thị dâng lên mạnh mẽ, bắt đầu cao trào Đồng khởi, chuyển cuộc đấu tranh chính trị thành đấu tranh vũ trang và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tại Sài Gòn, nội bộ chính quyền bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt. Những người chống đối chế độ bị đàn áp, Phật giáo bị kỳ thị…

Trần Kim Tuyến, người cầm đầu cơ quan mật vụ, mặc dù có công rất lớn trong việc củng cố chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng bị Ngô Đình Cẩn tìm mọi cách loại bỏ. Bác sĩ Tuyến bắt đầu chán ghét gia đình họ Ngô. Ông ta không chỉ là trùm mật vụ mà còn có mưu đồ chính trị riêng.

Ông Ba Quốc kể:

Bác sĩ Tuyến không giấu tôi quan điểm chính trị của ông ta. Ông ta không tán thành chế độ gia đình trị và cho rằng Ngô Đình Nhu phạm nhiều sai lầm, đàn áp Phật giáo, không được lòng dân. Ông ta giao cho tôi liên lạc với các lãnh tụ Phật giáo để phát động phong trào chống Diệm – Nhu và lên kế hoạch hoạt động lật đổ. Nhưng kế hoạch bị lộ, bác sĩ Tuyến bị chuyển đi làm đại sứ ở Le Caire (Ai Cập), không còn làm Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội nữa, còn tôi được chuyển sang Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo.

Tại đây, tôi và hai người nữa bị đưa vào máy phát hiện nói dối, chúng muốn kiểm tra tôi có phải là người cách mạng cài vào không”. “Ông có… run không?”, chúng tôi hỏi. Ông nói: “Nghe nói vậy tôi run chứ. Tôi nghe những người ở đây nói về cái máy này tôi thấy ớn lạnh xương sống. Vào đó, tôi sẽ phải ngồi đối diện với một người Mỹ và một người phiên dịch, hai tay sẽ đặt lên một cái máy đo nhịp tim qua một sợi dây cặp vào cánh tay. Chúng nó bảo: ‘Ông phải coi chừng, nếu ông mà có dính với cộng sản thì không thoát được đâu’. Là vì nó sẽ hỏi dông dài, hỏi đông hỏi tây, rồi sẽ hỏi những vấn đề liên quan đến cộng sản, nếu ông là người của Cộng sản thì tim ông sẽ đập không bình thường, như vậy ông sẽ… tiêu ngay. Nghe nói thế tôi hoảng quá”.

“Rồi ông đối phó bằng cách nào?” Ông bảo tối hôm đó ông không ngủ được, lo tìm cách để đối phó. Ông nghĩ đến các diễn viên điện ảnh hoặc diễn viên kịch người ta “nhập vai” như thế nào. Ông nhớ lại: “Đêm đó tôi tưởng tượng tâm lý của một địa chủ gian ác khi bị cách mạng xử lý thì anh ta sẽ ghét Cộng sản như thế nào. Rồi tôi nghĩ nếu tôi là anh ta tôi sẽ có thái độ như thế nào đối với cộng sản. Tôi thử nhập vai thành anh ta”.

“Phương pháp đó có hiệu quả không?” “Khi vào máy phát hiện nói dối, chúng dựa vào bản khai lý lịch của tôi để hỏi. Tôi nhập được vai và giữ bình thản trong mọi tình huống. Chúng hỏi tôi mười ba câu rồi cho qua, không hỏi nữa và tôi đã vượt qua được chiếc máy này. Có người bị hỏi nhiều hơn, nhưng cũng có người chỉ hỏi bốn câu đã bị loại, mặc dù anh ta là Công giáo toàn tòng, không dính dáng gì đến cộng sản. Vấn đề là anh phải giữ được tâm trạng bình thản trong mọi tình huống”.

Ông kể tiếp: “Vào đây tôi được bồi dưỡng nghiệp vụ tình báo chống cách mạng và trở thành sĩ quan trợ lý cho Cục trưởng Cục Tình báo quốc nội Nguyễn Văn Giàu. Nguyễn Văn Giàu là thiếu tá. Đặc ủy trưởng Đặc ủy Trung ương Tình báo lúc đó là Lê Liêm, trung tá. Nhưng Nguyễn Văn Giàu vẫn tỏ ra kỳ thị với tôi”. 

“Ông làm thế nào để được tin cậy?” “Nếu bị kỳ thị thì tôi sẽ rất khó có điều kiện hoạt động cho hiệu quả, nên tôi phải tìm cách để lấy lòng tin của họ. Vì vậy tôi phải tiếp cận Đặc ủy trưởng Lê Liêm. Để có cớ tiếp cận, tôi phải khai thác cho được những thông tin mà Lê Liêm quan tâm. Một buổi sáng, tôi đến nhà Lê Liêm, ngồi ở phòng khách đợi ông ta. Ông ta từ trên lầu đi xuống đi qua phòng khách nhưng không thèm nhìn tôi mà đi thẳng. Vợ ông ta cũng từ trên lầu đi xuống. Trông thấy tôi bà ta nghĩ tôi là người chuyên… dắt gái cho Lê Liêm, nên phun ra một tràng lời lẽ chửi mắng hết sức thậm tệ.

Nghe những lời xỉa xói của bà ta, tôi vẫn bình tĩnh không nói gì. Tôi nghĩ ra một cách. Tôi nhìn bà ta từ đầu đến chân, mồm tôi lẩm bẩm như nói một mình. Bà ta nhìn tôi ngạc nhiên, rồi lập tức dịu giọng hỏi: ‘Anh biết tướng số hả?’. Tôi biết cá đã cắn câu, nên ra vẻ khiêm tốn: “Thưa bà, tôi cũng biết chút đỉnh”. Bà ta ngồi xuống ghế, rất vui vẻ: ‘Anh thấy tướng của tôi có gì lạ?’. Tôi làm ra vẻ rất quan trọng: “Tôi nhìn bà mà bị cuốn hút. Vì tướng của bà rất lạ, rất đặc biệt. Đó là tướng của một bậc mệnh phụ phu nhân. Ông nhà sở dĩ đã được như ngày nay là nhờ tướng của bà. Nhưng không dừng lại ở đó, với tướng của bà, ông nhà sẽ còn tiến xa hơn nữa. Tôi có đọc qua một số sách vở về tướng số nên phân tích một hồi, làm bà ta hết sức phấn khích. Cuối cùng, bà ta hỏi: ‘Anh đến đây có việc gì?’. Tôi nói: “Tôi có việc rất quan trọng cần báo với Đặc ủy trưởng. Bà ta bảo: Sáng mai anh lại đây.

Sáng hôm sau tôi lại. Tôi rất ngạc nhiên, cả hai vợ chồng Lê Liêm ngồi đợi tôi, thái độ rất vồn vã. Khi tôi ngồi xuống, bà vợ nói mấy câu rồi đứng dậy lên lầu, để tôi ngồi nói chuyện với Lê Liêm. Lê Liêm cũng hỏi thăm tôi rất tử tế. Tôi nói với ông ta tôi ở chỗ thiếu tá Nguyễn Văn Giàu, tôi được tin người Mỹ âm mưu lật đổ chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng vì thiếu tá Giàu tỏ ra kỳ thị với tôi nên tôi không biết báo với ai.”

Lê Liêm nói: “Tôi sẽ bảo với thiếu tá Giàu là anh làm việc riêng cho tôi. Còn những tin tức quan trọng anh nắm được anh cứ bỏ phong bì dán kín lại gửi riêng cho tôi.

Thông tin về âm mưu của Mỹ tôi lấy từ những nhân vật đối lập, lúc này tôi đã thiết lập rất nhiều quan hệ với họ, trong đó có luật sư Trần Văn Tuyên. Thông tin cung cấp cho Lê Liêm tôi lấy chủ yếu từ luật sư Tuyên. Kể từ sau hôm đó, Nguyễn Văn Giàu kiêng nể tôi một phép, tôi được tự do ra vào phòng làm việc riêng của Cục trưởng Tình báo quốc nội. Tôi đã lợi dụng ngay mọi thời cơ để thâm nhập vào nơi cơ mật của bọn họ. Một hôm, tôi vào phòng làm việc của Nguyễn Văn Giàu, lúc đó ông ta đã đi ra ngoài, tôi đã phát hiện và chụp ảnh toàn bộ hồ sơ những cán bộ của ta làm gián điệp cho địch, đó là một bí thư tỉnh ủy, hai tỉnh ủy viên và một cán bộ chỉ huy quân đội hàm cấp tá.” 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *