SỰ TƯƠNG ĐỒNG CỦA CÁC CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA NGA HIỆN NAY

Tháng 7 năm 1914, toàn châu Âu vẫn còn đang say giấc nồng của một thời kỳ hoà bình dài nhất từ trước đến nay. Tính từ cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1871 thì châu Âu đã trải qua 43 năm không gây hấn với nhau trên biên giới đường bộ, một điều không tưởng đối với lịch sử Châu Âu từ thời La Mã. Không ai biết rằng một hành động ám sát người kế vị của vua Áo Hung vào tháng trước sẽ làm đảo lộn toàn bộ lịch sử châu Âu. 4 hoàng gia đế quốc bị tiêu diệt, bao gồm Đức, Áo Hung, Ottoman và Nga, hàng chục triệu người chết, hàng trăm ngàn quả đạn vẫn còn tồn tại trong lòng đất từ năm 1918 đến tận 1 thế kỷ sau. Tất cả đều bắt đầu với hành động leo thang chiến tranh từng bước một tại một đất nước Đông Âu. Từ việc Áo tuyên chiến với Serbia, Nga đã phản ứng bằng việc tuyên chiến với Áo, Đức  phản ứng bảo vệ đồng minh bằng việc tuyên chiến với Nga, Pháp nóng mặt cũng tuyên chiến với Đức và cuối cùng là Anh, Ý, Ottoman, Bungaria và Hoa Kỳ đã từ từ tham chiến tạo nên một cuộc chiến mà hàng triệu thanh niên trẻ đã chôn vùi trên lòng đất tại châu Âu.

Cuộc chiến thế giới II được bắt đầu cũng khá tương đồng với hành động của Nga tại Ukraine hiện tại. Nga đòi Crimea năm 2014 lấy cớ bảo vệ người gốc Nga cũng không khác gì cách Hitler lấy Sudenten của Tiệp và chiếm Áo và đòi Anh phải nhượng bộ năm 1938. Cái cách Nga công nhận Luhansk và Donestk cũng không khác gì cách mà Hitler thành lập nước cộng hoà Slovakia và Croatia giả hiệu cả. Đó vẫn là một cách truyền thống mỗi khi muốn tạo chiến tranh của các nhà độc tài xưa nay. Lập nên một chính phủ bù nhìn rồi lấy cớ chính phủ đó cầu viện mình để tấn công nước láng giềng. Nhìn cách Putin chê tới chê lui chính phủ Ukraine là phát xít trong khi ông tổng thống gốc Do Thái còn có cha ông hy sinh trong cuộc chiến Xô Đức không khác gì Hitler liên tục mắng chửi chính phủ Ba Lan khiêu khích, phá hoại hoà bình trước khi tấn công rồi châm ngòi cho cuộc chiến thế giới này. Putin còn tố cáo chính quyền Ukraine hiện tại là do phe Bolshevik tạo ra và Ukraine thực chất là lãnh thổ cũ của nước Nga, nhưng ông ta quên béng đi hiệp ước giữa ba nhà lãnh đạo Nga, Ukraine và Belarus ngày 8.12 đã chấm dứt Liên Xô vĩnh viễn bằng cách công nhận chủ quyền chính thức của Ukraine. Điều này không khác chi cái cách mà Hitler nói về sứ mệnh phải giải phóng những người nói tiếng Đức trước Thế Chiến II mà quên béng đi các hiệp ước hoà bình mà Đức đã ký với Đồng minh. Putin, cũng giống Hitler và giống luôn những người tiền nhiệm Liên Xô của mình, coi Hiệp ước và những điều đã ký chỉ là những tờ giấy giúp mình có lợi trong lúc đang bất lợi và sẽ xé bỏ khi không còn thích hợp nữa. Họ không có ý định sẽ tôn trọng bất cứ loại giấy tờ văn bản nào ngoài nắm đấm và súng đạn. Đây là những con người không nguyên tắc, sẽ phá hoại hoà bình tới cùng và đánh bại họ trên chiến trường là thứ vũ khí duy nhất để chiến thắng.

Trở lại tình hình hiện tại, Nga đang bao vây Ukraine từ 3 mặt và với tuyên bố của mình sẽ lập lại trật tự cho 2 nước cộng hoà giả hiệu, mục tiêu của Nga quá rõ ràng là sẽ chiếm lại cho bằng được 2 vùng lãnh thổ tiền chiến của hai vùng Luhansk và Donetsk, điều đó có nghĩa là sẽ phải dùng cú đấm thép tấn công vào thêm 2/3 lãnh thổ nữa của 2 vùng này đang được quân Ukraine chiếm đóng. Nga có thể còn tấn công từ Belarus và Odessa để hòng buộc Ukraine đầu hàng và công nhận 2 nước cộng hoà bù nhìn với đầy đủ lãnh thổ của nó. Việc Nga chiếm lại Kiev là mục tiêu quá cao và xa, và có chiếm được cũng giữ không nổi, nhưng thọc quân sâu vài chục đến vài trăm km ở biên giới Nga thì họ có thể làm được. Vấn đề là quyết tâm của người Ukraine trong việc gìn giữ độc lập chủ quyền như thế nào. Ta đã thấy quyết tâm dân chủ của người Ukraine qua Cách mạng Cam và cuộc biểu tình Maidan, nay họ sẽ phải gian nan gấp trăm lần như vậy trước một đạo quân hùng hậu đầy đủ giáp trụ. Nhưng nếu 40 triệu người Ukraine và hàng trăm triệu người EU đồng lòng thì ngày tàn của Putin có thể sắp tới khi mà kinh tế Nga sẽ chịu không nổi một cuộc chiến lâu dài.

Nước Nga đã viết nên chương mới trong lịch sử châu Âu. Sau hơn 70 năm im tiếng súng cho dù có sự đối đầu căng thẳng giữa 2 khối Nato và Warsaw, đến tận sáng nay mới có 1 cuộc chiến nữa giữa 2 quốc gia độc lập có chủ quyền cùng đánh nhau trên bộ. Với vũ khí hạt nhân trong tay, Putin nguy hiểm hơn bất kỳ Hitler hay Napoleon vì giờ đây cho dù lâm nguy thì vẫn còn 1 con bài cuối cùng để sử dụng. Hy vọng vòng xoáy của chiến tranh Thế giới I và sự huỷ diệt của chiến tranh Thế giới II sẽ không lặp lại nữa.

Cre: Duy Anh Nguyen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *