Sự túng quẫn của người nhà để đổi lấy sự lương thiện ? 

Trong bộ phim Reply 1988, hẳn bạn còn nhớ nhân vật người bố của nữ chính. Ông là người dễ mềm lòng. Mỗi ngày đi làm về, vẫn hình ảnh quen thuộc đang cầm một túi hàng gì đó. Túi hàng mua của những người bán hàng gặp trên đường. Ngày là kẹo singum, ngày là đống thuốc tẩy không thể tẩy sạch quần áo, ngày là mấy bịch khoai khiến cho cả nhà những ngày sau đó phải ăn đến sợ.

Nhà ông có tiền ư ? Không phải, nhà ông nghèo đến nỗi phải sống trong tầng hầm. hai đứa con gái dẫu sinh nhật cách nhau một tháng nhưng rồi vì không có nhiều tiền nên phải tổ chức cùng một ngày. Đứa con gái muốn tham gia cắm trại với trường nhưng nhà không có tiền, người mẹ phải gạt bỏ lòng tự trọng để chạy sang mượn tiền hàng xóm nhưng rồi không thể mở lời, vì nợ cũ còn chưa trả. Cũng chính vì thế, vợ ông đã cãi vã và khóc rất nhiều sau những lần ông quá hào phóng với người xa lạ…

Tôi biết một số người lớn. Điều kiện gia đình họ dẫu chẳng khấm khá gì. Cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc. Tiền học phí của mấy mặt con còn chạy vạy đủ đường. Nhưng rồi lên chùa quy y, cả ngày chỉ lên chùa làm việc công ích. Có ngày lễ gì lớn đều hào phóng ủng hộ, đóng góp tiền. Vậy tiền đó ở đâu mà có ? Dĩ nhiên là vợ con phải đi vay mượn.

Người ta bán vé số, gọi vào mua chục tờ. Bỏ vào túi quần rồi lãng quên, hay vứt đi luôn ở chỗ ngồi. Trong khi người nhà còn đang làm lụng vất vả ngoài cái trời nắng chang chang. Đi nhậu với bạn bè, cũng bởi cái tính sĩ diện và hào phóng, nói rõ to “ Hôm nay Tao trả cho”. Thế là đi luôn ngày lương của cả hai vợ chồng. Vậy có đáng được gọi là lương thiện và hào phóng?

Nếu sự lương thiện của bạn đổi lấy sự túng quẫn, khó khăn của người nhà thì có còn được gọi là lương thiện nữa không ? Tôi không nói trong cuộc sống này, bạn không được sống lương thiện nhưng tôi thực sự không đồng tình việc chỉ vì cái danh “lương thiện” đó mà khiến chính những người mình yêu thương nhất phải đau khổ. Suy cho cùng, ngay cả những người thân ruột thịt, bạn còn chưa yêu thương lấy thì làm sao bạn “lương thiện” một cách chân thành với những người xa lạ. Tại sao người nhà lại phải hi sinh cho cái mác “lương thiện” đó của bạn. Như vậy chẳng phải quá bất công sao? Cái gọi là thành công, chính là khiến những người bên cạnh được vui vẻ. Khi những con người ấy vui vẻ rồi, bạn cho đi sự vui vẻ ấy chẳng phải là tốt hơn sao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *