SỰ TRỖI DẬY CỦA IVAN ĐẠI ĐẾ VÀ KHAI SANH RA NƯỚC NGA

Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, cai trị một quốc gia rộng lớn và hùng mạnh như Nga không bao giờ là một việc dễ dàng. Nhiều nhà cai trị trên con đường lên ngai vàng đều trải qua những thăng trầm của họ, cũng như vận mệnh quốc gia của người Slav này. Lịch sử luôn tưởng nhớ đến họ, người vĩ đại cũng như kẻ thất bại, và mỗi nhà cai trị đều có dấu ấn riêng của họ. Và tất nhiên, với những người vĩ đại nhất đều có chỗ đứng của riêng họ, và một trong những người vĩ đại đó chính là Ivan III Vasilyevich, Đại Công xứ Moscow và toàn Nga. Và với cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông, nhà lãnh đạo này đạt được danh hiệu: Ivan Đại Đế. Với công cuộc giải phóng quốc gia, mở rộng lãnh thổ, và tạo tiền đề cho những người sau ông, Ivan Đại Đế đã đưa nước Nga lên tầm cao mới.

CÂY GIA PHẢ VĨ ĐẠI CỦA IVAN ĐẠI ĐẾ

Để bắt đầu câu chuyện về Ivan Đại Đế, chúng ta cần dõi theo người cha và dòng dõi của ông. Như tất cả các vị tiền nhiệm, Ivan III thuộc về Vương triều Rurikid danh giá cai trị Kiev Rus’ qua nhiều thế kỷ. Ivan là con của Vasily II Mù Lòa (Василий Васильевич), một nhà cai trị có năng lực, mà dưới triều đại của ông đã xảy ra một trong những sự kiện đẫm máu nhất lịch sử nước Nga: Nội Chiến Muscovite.

Cuộc nội chiến bắt đầu sau cái chết của cha Vasily, và ông lên ngôi khi mới 10 tuổi. Những kẻ không đồng tình với kết quả tập hợp lại để tranh dành ngai vàng, dẫn đến việc vùng lãnh thổ của người Rus’ rơi vào một cuộc xung đột dữ dội và kéo dài. Vào cao trào của cuộc nội chiến, khoảng năm 1446, Vasily II bị đối thủ làm mù đôi mắt và bị lưu đày. Nhưng dù mất đi thị giác, Vasily II vẫn có những người ủng hộ trung thành, và ông vẫn tiếp tục cuộc chiến của mình. Cuối cùng ông dành lại được ngai vàng và chiến thắng trong cuộc xung đột, mặc dù ông là một người mù lòa.

Do khuyết tật bản thân mà Vasily II chỉ định con trai là người đồng cai trị. Và người con trai này là Ivan III Vasilyevich (Иван III Васильевич), sau này sẽ trở thành Ivan Đại Đế. Sau cái chết của cha ông vào năm 1462, IVan III Vasilyevich chánh thức thừa kế ngai vàng, trở thành Đại Công xứ Moscow.

MỘT NGƯỜI ĐẦY THAM VỌNG

Từ buổi ban đầu dưới quyền cai trị của mình, Ivan vẫn luôn theo đuổi tham vọng vì một nước Nga vĩ đại. Vào thời điểm đó, phần lớn lãnh thổ của Nga phải chịu cảnh áp bức dưới quyền Hãn Quốc Kim Trướng (Golden Horde) của người Mông Cổ. Tuy nhiên, những bước đầu tiên của ông chính là việc tập trung vào loại bỏ các đối thủ ở Nga, với mục đích là thống nhất các phần lãnh thổ bị chia cắt sau khi Công Quốc Kiev Rus’ vĩ đại sụp đổ, thu về một mối dưới quyền cai trị của ông. Năm 1463, ông khuất phục Aleksandr Fedorovich Brukhatii, vị Đại Công cuối cùng của Công Quốc Yaroslav, thành lập từ năm 1218. Sau đó, vào năm 1465, ông chinh phục thành công Công Quốc Vereya, và vào năm 1474, ông khuất phục được Đại Công xứ Rostov.

Một khía cạnh khác trong cách cai trị của Ivan là ông không ưu tiên cho những người anh em của mình. Ông khuất phục họ như bất kỳ đối thủ tiềm năng nào khác. Em trai của ông, George qua đời vào năm 1472, và ông ngay lập tức tiến hành đánh chiếm vùng đất đó và dành quyền cai trị chúng, trái với phong tục chia sẽ lãnh thổ với những người anh em đồng tộc. Phương pháp này của Ivan nhanh chóng bị phản đối.

Khi chiếm được vùng đất của người anh em đã chết, Ivan nhận ra mình đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy từ liên quân của Boris xứ Volokolamsk và Andrew xứ Uglich, một tình huống mà Ivan không muốn đối mặt. Khi cuộc xung đột dần dần mở rộng, Đại Hãn của Kim Trướng Hãn Quốc lợi dụng sự bất ổn này và xâm lược vùng đất của người Rus. Hiểu được mối đe dọa của một cuộc xâm lược như vậy, Ivan III và các anh em của ông sớm buộc phải lập hòa ước tạm thời để đối phó ngoại xâm. Nhưng là điển hình của những nhà cai trị vĩ đại và đầy tham vọng, Ivan III đã phá vỡ hòa ước, và vào năm 1491, ông bắt giam Andrew xứ Uglich và các con trai, để họ chết sau song sắt.

Hành động này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ý định của Ivan III, và ông thậm chí còn công khai tuyên bố rằng ông tìm cách loại bỏ mọi nguy hiểm cho bản thân, sự cai trị và vương triều của mình. Có thể cho rằng sự nhiệt thành và tàn nhẫn như vậy là dấu hiệu để xác định tất cả các nhà cai trị vĩ đại như lịch sử đã dạy chúng ta.

THỬ THÁCH TIẾP THEO — XÂM LƯỢC CỘNG HÒA NOVGOROD

Ivan III đã tiến hành tham gia vào một cuộc xung đột quan trọng hơn nhiều, một cuộc xung đột có hậu quả về lâu dài, và là một sự cạnh tranh lớn trong vùng lãnh thổ của người Rus. Đó là cuộc xung đột với Cộng Hòa Novgorod.

Người Novgorod là đối thủ khét tiếng của người Muscovy, với những cuộc xung đột kéo dài gần một thế kỷ, chủ yếu liên quan đến chủ quyền tôn giáo và chính trị của Công Quốc Moscow, và những nỗ lực của Moscow trong việc chinh phục các vùng đất quan trọng của người Novgorod dọc theo sông Bắc Dvina. Cần lưu ý rằng xung đột của Ivan với Novgorod sâu sắc và lâu dài hơn nhiều.

Ivan III có một đảng ủng hộ-Muscovite mạnh mẽ bên trong thành bang của Novgorod, và đảng này có nhiều thành viên thuộc tầng lớp bình dân. Tuy nhiên, nền chánh trị của Novgorod bị chi phối bởi những người ủng hộ Lithuania, điều này đã góp phần vào sự rạn nứt sâu sắc giữa họ và người Muscovy. Tuy nhiên, nhiều điều bắt đầu thay đổi ở Novgorod: đáng chú ý nhất là khi một tổng giám mục mới được bầu trong thành phố, Theophilus, một ứng cử viên của người Muscovy.

Mọi chuyện thay đổi vào năm 1466, khi Hội Hiệp sĩ Teuton bị đánh bại bởi quân đội Ba Lan, và cao trào là Novgorod lập một hiệp định với Vua của Ba Lan là Casimir. Ivan III ngay lập tức xâm lược Cộng Hòa Novgorod khi nghe tin về hiệp định. Tấn công chớp nhoáng là một chiến lược của Ivan III vì ông tránh sự can thiệp toàn diện của Casimir và quân đội Ba Lan. Để lấy cớ tấn công hợp lý, Ivan III cho rằng người Novgorod, bằng cách liên minh với Ba Lan và Lithuania, đã từ bỏ Chính Thống giáo phương Đông một cách không chính thức.

Ivan III Vasilyevich mở cuộc tấn công vào năm 1471, và trong mùa hè cùng năm đó, diễn ra hai trận đánh lớn giữa Đại Công Quốc Moscow và Cộng Hòa Novgorod. Trận đầu tiên là Trận Sông Shelon (Шелонская битва), diễn ra vào ngày 14 tháng 7 năm 1471. Trận đánh chỉ diễn ra vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ, gần như là một cuộc đụng độ tình cờ giữa hai lực lượng. Một nhánh quân Muscovite, dưới quyền chỉ huy của Daniel Kholmsky với quân số vào khoảng 5000, đang hành quân dọc theo bờ sông tiến về phía Novgorod thì đụng độ với lực lượng thậm chí còn lớn hơn nhiều vào khoảng 3 vạn quân của Novgorod.

Ngay cả khi với quân số chênh lệch như vậy, người Muscovite vẫn giành được chiến thắng quyết định, một phần là do đội quân của Novgorod tổ chức quá yếu. Trận chiến quyết định thứ hai là trên sông Northern Dvina, và một lần nữa quân Muscovite giành được chiến thắng.

Với hai thất bại lớn như vậy, Cộng Hòa Novgorod đã phải chịu tổn thất nặng nề, dần trở nên suy nhược và trên thực tế đã phải đầu hàng Ivan III. Vào ngày 24 tháng 7, Ivan III đã hành quyết một chỉ huy của Novgorod là Dmitry Isakevich Boretsky, người phản đối Moscow mạnh mẽ nhất thành phố. Với thất bại này, Novgorod buộc phải ký hòa ước, từ bỏ mọi liên minh với Lithuania và Ba Lan, nhượng lại một phần lớn lãnh thổ và bồi thường chiến phí vào khoảng 1 vạn 5000 ruble.

Cuối cùng, Novgorod hoàn toàn sát nhập vào Moscow vào năm 1478. Với cuộc đàn áp tàn nhẫn chủ yếu đối vào các “boyar” thân Lithuania (các boyar là “lãnh chúa” quyền lực của nước Nga thời Trung Cổ), và trục xuất phần lớn các gia tộc nổi tiếng và lâu đời của Novgorod đến những nơi xa xôi. Trong suốt giai đoạn này, ông được hỗ trợ bởi Công Quốc Pskov, nơi coi Novgorod là đối thủ truyền kiếp, đồng thời mong muốn liên minh với Ivan III và theo cách đó, đảm bảo an toàn chánh trị cho họ.

THỬ THÁCH LỚN CUỐI CÙNG CỦA IVAN — KIM TRƯỚNG HÃN QUỐC

Nhưng bằng việc chánh thức chống lại Kim Trướng Hãn Quốc, Ivan III mới thực sự thử thách dũng khí và giành lấy vinh quang cho bản thân ông. Các vùng đất của người Rus đã nằm dưới ách thống trị của Kim Trướng Hãn Quốc đã từ lâu, nhưng dưới thời trị vì của Ivan, họ chỉ còn một phần vinh quang trước đây, và bắt đầu suy yếu đáng kể.

Đầu thế kỷ 15, đế chế rộng lớn và hùng mạnh của Kim Trướng Hãn Quốc bắt đầu tan rã vì những đấu đá nội bộ dẫn đến việc chia thành ba Hãn Quốc chính cạnh tranh nhau, đó là Hãn Quốc Crimea, Kim Trướng Hãn Quốc và Hãn Quốc Kazan. Sự tan rã này là một cơ hội lớn cho Ivan III, và gần như là khởi đầu cho một chuỗi chiến thắng vĩ đại của người Rus.

Ông nhanh chóng chào đón một số quý tộc người Tatar (Thát Đát) đến triều đình, kết minh với họ để giúp ông xây dựng thêm liên minh. Điều này đã được chứng minh là một quyết định sáng suốt. Kết quả là, Ivan III đã tạo được ảnh hưởng lên Hãn Quốc Kazan, với sự giúp đỡ của Hoàng tử người Tatar là Kasim. Khả Hãn của Kazan buộc phải chấp nhận quyền thống trị chính thức của người Muscovite.

Thành công tiếp theo của Ivan diễn ra vào năm 1474, khi ông liên minh với Khả Hãn của Crimea, Mengli Giray, người đã hứa sẽ hỗ trợ ông trong trường hợp bị Ba Lan tấn công. Tóm lại, những liên minh này đã cung cấp cho Ivan một vị trí an toàn để đối mặt với Kim Trướng Hãn Quốc.

Tình hình leo thang vào năm 1476, khi Ivan III cả gan từ chối cống nạp cho Khả Hãn Ahmed của Kim Trướng Hãn Quốc. Thay vào đó, ông xé bỏ thư của Khả Hãn thành nhiều mảnh. Để đáp lại sự khiêu khích này, Khả Hãn Ahmed hành quân đến Moscow vào năm 1480. Đỉnh điểm chính là Dàn Đội Hình nổi tiếng trên sông Ugra, nơi hai đội quân của Moscow và Hãn Quốc khiêu khích nhau ở hai bên bờ sông. Bế tắc kéo dài từ ngày 8 tháng 10 đến ngày 28 tháng 11 năm 1480. Sau đó, người Tatar rút lui mà không có xung đột nào.

Vào năm tiếp theo 1481, Kim Trướng Hãn Quốc chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào Moscow, nhưng kế hoạch này đã bị thất bại khi Đại Hãn của họ bất ngờ bị bao vây tấn công và sau đó bị giết bởi đối thủ là Khả Hãn của Hãn Quốc Nogai, Ivak. Sau cái chết của Đại Hãn, Kim Trướng Hãn Quốc tan rã nhanh chóng. Với việc này, Ivan III đã đạt được một thành tựu to lớn: dỡ bỏ ách thống trị của người Tatar, đã áp bức người Rus trong gần 240 năm.

IVAN ĐẠI ĐẾ VÀ SỰ THÀNH LẬP ĐỆ TAM LA MÃ

Ivan Đại Đế đạt được lợi ích to lớn từ cuộc hôn nhân của ông với Zoe (Sophia) Palaiologina, con gái của Thomas Palaeologus, cháu của Hoàng đế Byzantine cuối cùng là Constantine XI. Qua cuộc hôn nhân này, với tầm ảnh hưởng của người vợ, Ivan đã truyền bá nhiều phong tục cấp tiến từ triều đình Byzantine vào triều đại của mình, và đồng thời sử dụng dấu “Đại bàng hai đầu” làm quốc ấn và quốc huy cho triều đại của ông.

Sau cuộc hôn nhân với Zoe, Ivan bắt đầu tự phong là “Tsar” (có nguồn gốc từ “Caesar”, tiếng Việt gọi là “Sa hoàng”). Ông là nhà cai trị người Nga đầu tiên sử dụng tước hiệu này. Hơn nữa, với việc sử dụng quốc huy “Đại bàng hai đầu”, Ivan trở thành người đề xuất ý tưởng nổi tiếng rằng Moscow chính là Đệ Tam La Mã, là người kế thừa của Đế chế La Mã bất diệt. Tất cả những điều này là bước đầu để tiến tới thành lập Đế chế Nga vĩ đại.

Đáng lưu ý là triều đại của Ivan Đại Đế là triều đại dài thứ 2 trong lịch sử nước Nga với thời gian lên tới 43 năm. Nó chỉ bị che lấp bởi triều đại của cháu ông là Ivan Bạo Chúa.

DI SẢN CỦA IVAN ĐẠI ĐẾ VÀ SỰ TRỖI DẬY CỦA ĐẾ CHẾ NGA

Khi nhìn vào triều đại của Ivan Đại Đế, chúng ta có thể thấy rõ những bước đi cẩn trọng và mạnh mẽ của một nhà cầm quyền đầy tính toán và sắc sảo. Với việc tiêu diệt triệt để tất cả các đối thủ quan trọng và thành lập liên minh có chủ đích của mình, Ivan III Vasilyevich đã cố gắng đảm bảo một vị trí quyền lực cho bản thân và quốc gia. Ghi dấu những thành công bằng một cuộc hôn nhân có ảnh hưởng lớn, người cai trị vĩ đại này đã đưa nước Nga lên một tầm cao mới. Và chính những việc làm của ông đã mở đường cho những thành công trong tương lai, mà đỉnh điểm là dưới triều đại cháu trai của ông, Ivan Bạo Chúa khét tiếng.

-Jason Ho-

————

* Nguồn tham khảo:

1) Aleksa Vučković

2) Russia and the Golden Horde: The Mongol Impact on Medieval Russian History. Indiana University Press.

3) Medieval Russia, 980-1584. Cambridge Uni Press

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *