SỰ THẬT VỀ TÌNH YÊU DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC

Đây là lần đầu tiên mình đăng bài đóng góp trong gr mong mọi người có thể đón nhận và đóng góp ý kiến một cách tích cực dành cho mình. **
Dù bạn chưa yêu hay đã yêu, bạn đang đơn độc lẻ loi hay hạnh phúc bên cạnh người tình, chắc hẳn ít nhất một lần trong đời bạn đã từng thắc mắc về thứ gọi là tình yêu.
Chúng ta thường gặp hoặc tự đặt ra câu hỏi rằng:
Bản chất của nó là gì? Tại sao nó có thể khiến bạn trở nên điên rồ và mất trí đến vậy? Và điều gì thực sự đứng đằng sau đủ mọi cung bậc cảm xúc trong tình yêu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây
Tình yêu là gì?

  • Tình yêu đích thực là thứ làm chúng ta hạnh phúc, và là động lực giúp ta vươn lên trong cuộc sống. Nó là một yếu tố quan trọng giúp loài người tiếp tục duy trì nòi giống. Tình yêu được ví như sợi dây gắn kết giữa người với người, và thiếu đi nó, giờ đây có lẽ con người vẫn đang sống thành những bầy đàn riêng lẻ không khác gì những loài động vật khác. Những hóa chất được tiết ra khi chúng ta yêu, chúng phục vụ nhiều mục đích khác nhau, nhưng đều hướng đến cái đích chung là sự duy trì nòi giống của con người. Bởi vậy, tình yêu thực sự là một quá trình, hay một thứ gì đó mang tính bản năng để giúp loài người tồn tại.
    Ở bất kỳ một nền văn hóa nào, tình yêu luôn đóng vai trò quan trọng. Sự khác biệt về ngôn ngữ, về văn hóa, về cách thức diễn đạt tình yêu có thể khác nhau rất nhiều, nhưng sự hiện diện của tình yêu đích thực luôn là thứ không phải bàn cãi.
  1. Điều gì làm chúng ta yêu?
    Tất cả chúng ta đều có một hình mẫu lý tưởng cho đối tác của mình, và nó được chôn giấu ở nơi nào đó sâu trong tiềm thức của chúng ta. Chính hình mẫu này là thứ sẽ quyết định tình yêu đích thực của đời bạn, giữa 7 tỷ người trên Trái đất này. Nhưng hình mẫu này được hình thành như thế nào?
    Vẻ bề ngoài
    Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chúng ta thường có xu hướng “cảm” những người có một số nét tương đồng với cha mẹ chúng ta. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng, chúng ta có xu hướng bị thu hút bởi những cá thể có nhiều nét giống với bản thân chúng ta. Nhà tâm lý học David Perrett thuộc đại học St Andrew ở Scotland đã làm một thí nghiệm, trước tiên ông tiến hành biến khuôn mặt của đối tượng tham gia thành khuôn mặt của một người khác giới, tất nhiên, với nhiều điểm tương đồng. Sau đó, ông cho các đối tượng tham gia xem lại một loạt những khuôn mặt khác nhau. Và tất cả các đối tượng đều bị hấp dẫn bởi chính khuôn mặt ở-một-phiên-bản-mới của mình. Tất nhiên, họ đều không nhận ra rằng đó chính là khuôn mặt của mình đã bị biến đổi.
    Nhân cách
    Cũng giống như vẻ bề ngoài, chúng ta luôn có sự ưu đãi đối với những người có nhiều nét giống với bậc sinh thành của chúng ta, hoặc những người rất gần gũi với chúng ta suốt thời thơ ấu. Đó có thể là bất cứ ai – ông bà, anh chị em, người bạn thân…., và chúng ta đã bị ảnh hưởng quá nhiều từ ý thức, nhân cách, cách nói chuyện hay khiếu hài hước của họ.
    Kích thích tố – Pheromones
    Sự hiện diện của kích thích tố vẫn là chủ đề tranh cãi từ nhiều năm nay trong lĩnh vực nghiên cứu tình yêu. Pheromones – sự kết hợp giữa 2 từ tiếng Hy Lạp pherein và hormone, nghĩa là “yếu tố truyền cảm hứng”. Đối với động vật nói chung, những kích thích tố này thường để lại dấu ấn trong nước tiểu, mồ hôi – nó chính là yếu tố góp phần tăng hưng phấn tình dục và thu hút những đối tượng khác giới. Chúng giúp cho các cá thể đực và cái nhận ra nhau, chọn được bạn đời với hệ thống gen phù hợp để tạo ra một thế hệ tương lai khỏe mạnh. Một số loài động vật thậm chí đã phát triển một cơ quan riêng biệt trong mũi, với tên gọi Vomeronasal, có chức năng chính là phát hiện ra hóa chất không mùi này.
    Chưa có bằng chứng gì về sự tồn tại của kích thích tố ở con người, nhưng không thể phủ nhận vai trò của mùi hương đối với tình yêu. Không ai không nhận ra sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp nước hoa trong những năm gần đây. Bạn có thể thấy điều này nhan nhản trên quảng cáo mỗi ngày: một cô gái đi ngang qua một anh chàng với vẻ bề ngoài chẳng lấy gì làm thu hút, nhưng bất chợt một làn gió thổi ngược chiều đẩy mùi hương đầy quyến rũ (của một loại nước hoa đang được quảng cáo) bay về phía cô gái, và 100% đoạn kết của những câu chuyện này diễn ra trên một cái giường nào đó.
    Rõ ràng đây chỉ là một câu chuyện hoàn toàn nhảm nhí với mục đích duy nhất là tăng doanh số bán hàng, nhưng không thể phủ nhận vai trò của mùi hương trong tình yêu. Mùi hương tiết ra từ mồ hôi, từ những chất tiết khác (chứ không phải từ nước hoa) sẽ là thứ hấp dẫn một đối tượng khác giới nào đó. Các nhà khoa học cho rằng, cũng tương tự như những loài động vật khác, sự lựa chọn thông qua mùi hương sẽ giúp tạo ra sự kết hợp của những bộ gen thích hợp, từ đó sản sinh ra một thế hệ tương lai hoàn toàn khỏe mạnh.
  2. Những giai đoạn của tình yêu
    Những nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tình yêu đều thống nhất về sự hiện diện của 3 loại, hay 3 giai đoạn trong tình yêu, đó là:
  • Đam mê dục vọng
  • Sự cuốn hút, hay đam mê lãng mạn
  • Sự gắn kết
    Nếu như cả ba giai đoạn này cùng xảy ra ở một cặp tình nhân, sự ràng buộc giữa họ là rất mạnh mẽ – đúng như câu nói “Chỉ có cái chết mới chia lìa được đôi lứa.”. Nhưng cũng không hiếm trường hợp khi người ta có ham muốn được làm “chuyện ấy” cùng lại chẳng phải là người ta yêu.
    Dục vọng
    Khi tuổi dậy thì đã đến, như một cỗ máy vừa được bật nút khởi động, sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần đều có những bước nhảy vọt. Đi kèm với đó là những ham muốn mạnh mẽ được trải nghiệm thứ gọi là dục vọng. Những ham muốn này đóng một vai trò lớn trong quá trình dậy thì, cũng như suốt cuộc đời chúng ta. Ham muốn dục vọng và tình yêu lãng mạn, bản chất là 2 quá trình khác nhau, được tạo ra bởi những phản ứng hóa học hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, có thể đôi khi bạn cảm thấy ham muốn của mình dâng lên cuồn cuộn với một người mà bạn chẳng hề yêu thương – đó là điều hoàn toàn bình thường.
    Nhà tâm lý học John Money đã cho thấy sự khác nhau cơ bản giữa dục vọng và tình yêu, “Tình yêu tồn tại ở phía trên thắt lưng. Dục vọng luôn ở phía dưới.”
    Con đường đến tình yêu đích thực chịu ảnh hưởng của rất nhiều ngoại lực, và ham muốn là một phần rất quan trọng trong số những yếu tố tác động này. Không có ham muốn, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy một nửa đích thực của mình. Thế nhưng, khi ham muốn chỉ giúp bạn có một cái nhìn hạn hẹp, chính sự lãng mạn sẽ đưa bạn tìm đến tình yêu thực sự của mình.
    Sự thu hút
    Những cảm giác ban đầu có thể đến từ ham muốn dục vọng, nhưng để mối quan hệ của bạn có những bước tiến tiếp, sự thu hút – hay đam mê lãng mạn, là yếu tố không thể thiếu được. Khi sự cuốn hút đã đến, chúng ta thường mất đi sự tỉnh táo thường trực, đúng như câu nói “Love is blind.”. Bạn nhắm mắt bỏ qua mọi khiếm khuyết, mọi lỗi lầm của người bạn yêu. Bạn lý tưởng hóa những gì tốt đẹp nhất, và bạn không thể nào gạt chúng ra khỏi tâm trí mình. Giờ đây, hình ảnh của đối tượng được vẽ nên với những màu sắc lung linh rực rỡ nhất, với những đường nét sinh động nhất – nó hoàn toàn áp đảo những thứ khác trong óc bạn. Bản chất của sự điên rồ này là những phản ứng hóa học rất phức tạp mà chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn ở phần dưới.
    Trong giai đoạn này, những đôi uyên ương thường dành nhiều thời gian ở bên nhau. Nếu như họ vẫn cảm nhận được sự thu hút mạnh mẽ đến từ cả hai phía, họ đã đặt 1 chân vào giai đoạn cuối cùng của tình yêu: sự gắn kết.
    Sự gắn kết
    Sự gắn kết là một giai đoạn dành cho những tình yêu vững bền. Bạn đã đi qua những chặng đường điên rồ nhất của tình yêu. Hạnh phúc. Đắm say. Ghen tuông. Giận hờn. Nhớ nhung. Bạn đã nếm trải đủ thứ gia vị của tình yêu – và giờ là lúc bạn bước vào giai đoạn yêu thực sự.
    Khi đã đến được giai đoạn này, tình yêu giữa 2 bên sẽ là đủ mạnh để chịu được đủ mọi sức ép từ cuộc sống. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu như ở giai đoạn trước bạn càng lý tưởng người bạn yêu thì ở giai đoạn này, tình yêu giữa 2 bên sẽ càng thêm bền vững. Sự lý tưởng hóa ở đây chính là chìa khóa để giữ hai người lại với nhau, đồng thời giúp cho hôn nhân càng thêm hạnh phúc. Nó giúp cho đối tác của bạn nỗ lực hơn, để trở nên đẹp hơn trong mắt bạn – và điều này càng làm cho đối tác trở nên dễ thương hơn trong mắt bạn. Ted Huston, trưởng nhóm nghiên cứu nói, “Những người làm được điều này sẽ có mối quan hệ lâu dài hơn so với những người có cái nhìn quá thực tế với cuộc sống.”
    Đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này là oxytocin, vasopressin và endorphin. Những hormon này được giải phóng một cách mạnh mẽ khi có quan hệ tình dục.
  1. Tình yêu và những phản ứng hóa học
    Có rất nhiều hoạt chất được giải phóng ra và tung tăng nhảy múa trên khắp cơ thể khi bạn yêu. Khoa học đã dần lý giải được vai trò của những hoạt chất này mỗi khi bạn yêu, cũng như khi bạn trải qua một mối quan hệ lâu dài.
    Những phản ứng ban đầu khi bạn gặp tiếng sét ái tình thường là một trái tim đập hết công suất, da trở nên ửng đỏ và bạn chợt nhận thấy lòng bàn tay mình ướt đẫm mồ hôi. Những nhà khoa học cho rằng điều này là do các hoạt chất norepinephrine, dopamine và phenylethylamine chịu trách nhiệm. Dopamine được cho là một loại chất hóa học mang lại cảm giác hạnh phúc, trong khi Norepinephrine và Adrenaline đem đến sự kích động và hứng thú. Theo Helen Fisher, nhà nhân chủng học và nghiên cứu tình yêu nổi tiếng đến từ Đại học Rutgers, những hoạt chất này hoạt động cùng nhau sẽ mang đến sự hứng khởi, nguồn năng lượng mãnh liệt, đi kèm với nó là cảm giác thèm muốn và sự suy giảm khả năng tập trung chú ý. Bà cũng cho rằng, sự giải phóng đồng thời các chất này chỉ xảy ra ở một số điều kiện nhất định, và nam giới dễ dàng đáp ứng những điều kiện này hơn nữ giới – vì bản chất “yêu bằng mắt” của họ.
    Một nghiên cứu sử dụng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) đã được tiến hành. Những hình ảnh của não bộ sẽ được chụp lại khi cho đối tượng tham gia nhìn vào những bức hình của người họ yêu. Và kết quả, theo những nhà nghiên cứu, đó là sự điên rồ, hỗn độn, bộ não dường như không thể nghĩ đến gì khác ngoại trừ tình yêu. Những hình ảnh chụp lại được cho thấy sự tăng lưu lượng máu lên não, chủ yếu tập trung đến những vùng có thụ thể với Dopamine – từ đó gây ra cảm giác mà chúng ta thường gọi là “bay”, “thăng” – và bản chất của quá trình này không khác gì tác dụng gây ra bởi chất kích thích.
    Oxytocin, chất được giải phóng khi quan hệ tình dục, sẽ giúp mối quan hệ của bạn gắn kết thêm bền chặt. Bởi vậy, đời sống tình dục vẫn luôn là thứ không thể xem nhẹ, nếu bạn muốn mối quan hệ của mình được lâu dài. Oxytocin cũng được sản sinh ra khi mẹ cho con bú – và đây cũng là nguyên nhân vì sao bạn, hoặc vợ bạn thường được nhận lời khuyên cho con bú càng sớm càng tốt, càng kéo dài càng tốt.
    Vasopressin, một loại hormon chống bài tiết nước tiểu cũng có liên quan đến sự hình thành mối quan hệ lâu dài. Nhiều nhà khoa học tin rằng, sự can thiệp của oxytocin và vasopressin vào con đường dopamine và norepinephrine giúp giải thích sự mất dần đam mê nồng nhiệt trong những khoảnh khắc ban đầu của tình yêu.
    Endorphins, một loại thuốc giảm đau tự nhiên trong cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ lâu dài. Chúng giúp tạo ra những cảm giác được xoa dịu, yên bình và an toàn. Giống như Dopamine và Norepinephrine, Endorphin được sản xuất ra mỗi khi quan hệ, khi có sự tiếp xúc thân thể, cũng như khi hoạt động thể lực.
    Những cảm giác nồng nhiệt ban đầu sẽ nhanh chóng mất đi theo thời gian. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, giai đoạn này chỉ kéo dài tối đa từ 2 đến 3 năm. Những hóa chất chịu trách nhiệm về cảm giác này, bao gồm adrenaline, dopamine, noepinephrine… sẽ cạn kiệt dần. Người bạn yêu bỗng dưng……..không khác gì những người khác. Bạn tự hỏi rằng, tại sao, và từ khi nào, cô ấy hay anh ấy bắt đầu thay đổi. Trên thực tế, bạn là thứ duy nhất thay đổi. Bạn đã mất đi nguồn hóa chất giúp bạn yêu một cách say đắm, làm bạn trở nên mù quáng và bỏ qua mọi lỗi lầm của đối tượng. Giờ đây, mối quan hệ của hai người đứng trước hai ngã rẽ: nếu như tình yêu của bạn đủ mạnh, mối quan hệ sẽ tiến đến bền vững. Còn nếu không, mọi chuyện coi như đã chấm dứt với hai người.
    /// CHÚNG TA SẼ TÌM HIỂU SƠ QUA MỘT CHÚT VỀ LÝ DO VÌ SAO CHIA TAY DƯỚI GÓC NHÌN TÂM LÝ ///
    Tuổi trẻ, khi nhắc đến tình yêu, người ta hay nhìn nó theo một cách màu hồng và lý tưởng hóa. Nhìn ở góc độ tâm lý, cũng không khó để giải thích lý do vì sao người ta yêu nhiều – chia tay nhiều, cũng không khó để lý giải nguyên nhân đằng sau những lần chia tay.
    Điều gì tạo nên cuộc sống viên mãn?
    Trong quyển sách Trên cả giàu có, tác giả Alexander Green có những cái nhìn rất hay về sự giàu có và những thứ trên cả giàu có. Giàu có mang lại sự tự do và hạnh phúc rất nhiều, vậy nhưng trên cả giàu có, để tạo ra cuộc sống viên mãn thì đó là điều gì?
    Tác giả chỉ ra một nghiên cứu lớn tại Mỹ – kéo dài vài chục năm, với một nhóm đông người, từ khi họ còn trẻ cho đến khi họ già, và thậm chí qua đời. Đây là một nghiên cứu lớn và công phu đến nỗi ê kíp nghiên cứu, không chỉ là trong một thế hệ. Nó kéo dài hàng chục năm trời. Và cuối cùng, họ thống kê, tìm ra điểm chung – giữa những người viên mãn nhất ấy, có người trở thành tổng thống Mỹ, có người là thống đốc bang, có người là kĩ sư, có người làm công chức bình thường,.. Kì lạ thay, đó không phải là tiền bạc, đó cũng không phải là sự nghiệp, đó cũng không phải là sức khỏe, đó cũng không phải là có cái gì đó để đời, mà thứ tạo nên cuộc sống viên mãn nhất: đó là họ có được những mối quan hệ chất lượng nhất.
    Đằng sau công trình nghiên cứu công phu đó, ta rút ra được điều gì? Những người xung quanh ta, ảnh hưởng cực kì nhiều đến cuộc đời của ta. Vì thế, lựa chọn những mối quan hệ – đặc biệt là mối quan hệ như người yêu, bạn đời – phải là một sự lựa chọn cẩn trọng. Bởi nếu không, cái giá phải trả rất lớn.
    Thà độc thân hạnh phúc còn hơn yêu (hoặc có vợ chồng) nhưng đau khổ
    Về tâm lý, con người ta có tâm lý bầy đàn, tức làm theo số đông. “Đến tuổi” là phải lo lấy vợ lấy chồng, không có thì sợ người ta nói nọ nói kia. Thành ra tâm lý phụ huynh như vậy dẫn đến việc cứ hay giục con cái lấy vợ lấy chồng khi con cái mình đến tuổi. Quá tuổi, nhiều khi cứ mai mối đại, cứ cưới cho không bị dán cái nhãn mác là ế.
  • Còn giới trẻ thì sao? Giả sử 4 bạn nữ chơi với nhau, 3 người có “gấu” – chẳng mấy chốc, người còn lại cũng “phải” có gấu – để bản thân bớt “lạc loài”. Nhưng sự thật: việc chọn đại, chọn bừa, phó mặc cuộc sống,.. dẫn đến chọn nhầm làm người ta đau khổ hơn nhiều vì những mâu thuẫn sẽ nhanh phát sinh sau đó, hơn là một cuộc sống độc thân nhưng mọi thứ vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của chính mình: cuộc sống, những người bạn, việc học tập, công việc, gia đình, tài chính, sở thích. Cho nên, không được vì cảm xúc nhất thời mà quyết định vội vàng, chuyện gì cũng cứ bình tĩnh.
    Vì sao con người ta chia tay?
    Như đã nói ở trên, phần dưới đưa ra các góc nhìn tâm lý, để chúng ta có cái nhìn đa chiều và tỉnh táo hơn.
  1. Sai lầm về vật chất
    Sẽ không còn cảnh “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng” – tình yêu cần phải đáp ứng được cả nhu cầu về thực tế. Hôn nhân nếu có thì bài toán kinh tế lại càng trở nên quan trọng. Vật chất giúp giải quyết được phần lớn các vấn đề cơ bản – và cũng là nguyên nhân của phần nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, vật chất lại cũng không phải là yếu tố quyết định được hạnh phúc. Nếu đến với nhau chỉ vì tiền, thì rất có thể chia tay nhau cũng vì tiền. Kinh tế là điều kiện cơ bản, nhưng nó không là điều kiện đủ.
  2. Tâm lý muốn sở hữu
    Khi yêu, tâm lý sở hữu là tâm lý khó tránh khỏi, đó là tâm lý chung của con người. Người mình yêu, là người mang đến cho mình những cảm xúc mà người khác không mang lại được. Và hình như, người đó phải thuộc về mình, thuộc về thế giới của mình. Đi đâu, làm gì, … mình cũng phải biết. Nhưng ở trong cuộc sống này, chẳng có ai là thuộc về ai mãi mãi cả, và chẳng có ai có quyền sở hữu ai cả. Ai cũng có cuộc sống riêng của mỗi người, ai cũng có một thế giới riêng của họ. Tình yêu, là một trải nghiệm đặc biệt – nhưng mỗi người vẫn còn đó công việc, những người bạn, gia đình, sở thích riêng. Càng tâm lý sở hữu (đôi khi là chiếm hữu), tình yêu càng chóng tàn khi người còn lại cảm thấy mình bị kiểm soát.
  3. Cỏ hàng xóm luôn xanh hơn cỏ nhà mình
    Tâm lý con người là “cả thèm chóng chán”. Người yêu có thể xinh, có thể đẹp trai – nhưng làm gì có cái xinh, đẹp trai nào hấp dẫn mãi mãi. Rượu nhạt uống mãi cũng say, lời hay nói mãi cũng nhàm. Gặp nhau nhiều, bên nhau nhiều thì tự nhiên cái xinh ấy, đẹp trai ấy cũng trở nên bình thường. Mới đến với nhau, thì ấn tượng nhau bởi cái tốt, cái hay. Nhưng con người nào ai hoàn hảo, tiếp xúc với nhau nhiều thì nhìn thấy nhiều điểm xấu của nhau dần xuất hiện. Và đây là lúc, “sự so sánh” dẫn đến chia tay. Thấy người khác xinh hơn, đẹp trai hơn, thấy người ta cái này hơn, cái kia hơn so với người yêu mình. Nhưng chính những người ấy, đâu có biết rằng – khi bước sang nhà hàng xóm, lúc ấy lại thấy cỏ nhà mình xanh hơn. Cho nên, muốn yêu nhau lâu dài, thì phải hiểu tâm lý “Cỏ hàng xóm có khi còn không xanh bằng cỏ nhà mình”.
  4. Tình yêu sét đánh
    Phần nhiều là mối tình đầu – và phần lớn là chia tay. Dĩ nhiên, các bạn trẻ nếu đang trẻ và đang có mối tình đầu, khi đọc đến đây thì làm ơn “bớt phán xét”. Vẫn luôn có ngoại lệ, nhưng nhìn ở xác suất thống kê thì tỉ lệ này cực kì cực kì nhỏ. Lý giải ở góc nhìn tâm lý như sau, có hai lý do chính: thứ nhất tình yêu sét đánh thường là thứ tình yêu xuất hiện ở người trẻ – khi mà con người ta khả năng ra quyết định phụ thuộc vào cảm xúc và góc nhìn hẹp chứ chưa nhìn xa, nhìn bằng biến số chứ chưa nhìn bằng hàm số.
    Yêu vì thấy có tài này hay, yêu vì có nét này đẹp,.. nhưng còn trẻ và cũng còn ít kinh nghiệm nên yêu nhau một thời gian là thấy có quá nhiều thứ chưa hợp nhau. Lý do thứ hai, “bạo phát bạo tàn” – đây là tâm lý. Cái gì nhanh đến thì cũng nhanh đi. Khi yêu tình yêu sét đánh, người ta chưa có đủ thông tin về nhau – như dẫn chứng ở trên là nhìn bằng biến số chứ không nhìn tổng thể. Các cụ chẳng bảo “Nằm lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết người là cố nhân“. Chỉ có thời gian, mới có thể đưa ra câu trả lời. Khi chưa đủ thông tin mà vội quyết định, vội yêu nhau – dĩ nhiên sẽ càng chưa hiểu gì nhiều về nhau – đến nhanh bằng cảm xúc thì cũng chẳng mấy chốc đi nhanh cũng vì không chịu được nhau.
    Cái khó nhất trong tình yêu? Chấp nhận và yêu thương -chuyện cái bóng
    Đây là một câu chuyện mà nhiều người không còn xa lạ. Chuyện kể về hai vợ chồng ngày xưa, tuy mới cưới nhau chưa được bao lâu thì người chồng phải lên đường ra trận đi chiến tranh. Vài năm sau, ngày chiến tranh kết thúc, người chồng trở về mang theo bao nỗi niềm, hạnh phúc. Mừng vì gặp lại người vợ sau bao xa cách, mừng hơn là bởi vì bây giờ trở về nhà, mình đã trở thành cha khi có đứa con trai đầu lòng.
    Theo phong tục, khi trở về người chồng bảo người vợ ra chợ mua đồ để về nhà thắp nén hương cho tổ tiên. Lúc người vợ đi chợ, cũng là khi người chồng đến bên đứa con trai của mình. Nhưng kì lạ thay, nó lại bảo “Ông không phải là cha tôi“. Sững sờ và ngạc nhiên, người chồng hỏi đứa bé “Tại sao lại vậy?“. Nó bảo “Cha tôi là người thường xuất hiện hàng đêm, cùng với mẹ tôi. Mẹ tôi nằm thì cha tôi cũng nằm, mẹ tôi ngồi thì cha tôi cũng ngồi, mẹ tôi khóc thì cha tôi cũng khóc”.
    Bàng hoàng với điều này, khi người vợ trở về – người chồng thấy rằng trái tim mình bị tổn thương sâu sắc vì người vợ phản bội. Người chồng đã không thèm nhìn mặt vợ. Người vợ hết sức ngạc nhiên, cũng đau lòng. Nhưng người chồng nhất quyết không nói điều gì. Và rồi, người chồng bỏ nhà đi, tìm đến quán rượu. Mãi đến hôm sau, người ta báo tin rằng người vợ vì quá đau lòng, không hiểu vì sao chồng mình lại đột ngột đối xử với mình như vậy, đã trẫm mình xuống một dòng sông. Người chồng nghe tin quay trở về, thì đã quá muộn.
    Đêm hôm ấy, đau lòng ngồi bên cạnh đứa bé, bỗng đứa bé nói “Cha tôi kia kìa, ông ấy đến đó”, thế rồi nó chỉ tay vào cái bóng trên tường. Hóa ra, bao năm người chồng xa cách, hàng đêm người vợ nhớ người chồng. Có bao đêm khóc vì nỗi nhớ. Và chỉ cho đứa con vào cái bóng, rằng đó là cha con, để nguôi đi nỗi nhớ.
  • Ở đây, người chồng thiếu sự chấp nhận người vợ và vội vàng ra quyết định. Người chồng hoàn toàn có thể hỏi vợ “Rằng anh thấy con nói như này, em có thể giải thích cho anh vì sao không?” Ở đây, người vợ cũng thiếu sự chấp nhận người chồng khi thấy người chồng thay đổi thái độ với mình, mà mình lại vội vàng ra quyết định là kết liễu cuộc đời. Người vợ cũng hoàn toàn có thể hỏi chồng “Điều gì khiến anh thay đổi thái độ như vậy?“.
    Con người ta trong cuộc sống, thường dễ phán xét hơn là chấp nhận nhau. Không một ai là hoàn hảo, ai cũng sẽ có những cái sai lầm. Thế nên, nếu chúng ta bớt phán xét để chấp nhận và yêu thương nhau nhiều hơn thì cuộc sống này sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều. Trong tình yêu, nếu thiếu đi sự chấp nhận, đến một lúc nào đó vô tình người ta trở thành chịu đựng nhau. Nhưng đến với nhau không phải để chịu đựng nhau mà đến với nhau là để yêu thương nhau.
    Có hiểu thực sự mới biết cách yêu
    Hiểu mình – hiểu người, đó mới là điều quan trọng. Hiểu người thật khó. Họ sống mười mấy, hai mấy năm cuộc đời. Bao nhiêu chuyện trong quá khứ, bao nhiêu kí ức, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu trải nghiệm. Làm sao để dễ dàng hiểu được họ. Bản thân ta cũng thế, con người ta cứ nghĩ là mình sao mình lại không hiểu? Nhưng kì thật, tâm tính, giá trị bản thân, mạnh yếu, tốt xấu, nếu không chịu khó đào sâu suy nghĩ, chiêm nghiệm thì sao mà hiểu được.
    +Vậy, để đến với tình yêu lâu dài, trước hết phải là một người bạn của nhau. Là bạn, có nghĩa là chia sẻ buồn vui, chia sẻ trải nghiệm, chia sẻ khó khăn, … sau đó mới có thể tiến lên những nấc thang mới. Không chỉ hiểu mình, hiểu người – mà xa hơn, còn phải là thấu hiểu tâm lý. Dĩ nhiên, đưa ra bất kì góc nhìn nào, cũng có thể sẽ có những điểm chủ quan. Vì vậy, bài viết chỉ đưa ra một vài điểm suy ngẫm, đây là tâm lý – phần còn lại là tùy nơi người đọc.
    +Đối với đàn ông, thì hãy nhớ điều sau: “Người phụ nữ chỉ thực sự yêu những người mà họ kính phục“. Còn đối với phụ nữ, thì đừng quên điều này: “Đối với phụ nữ, tình yêu là tất cả cuộc sống nhưng đối với đàn ông, tình yêu chỉ là một phần quan trọng trong cuộc sống“.
    Thông thường, tình yêu thường đến khi hội tụ đủ 3 yếu tố: sự ngưỡng mộ về trí tuệ, sự đồng cảm về tâm hồn và sự rung động về thể xác. Nếu chỉ có sự ngưỡng mộ về trí tuệ, nó nảy sinh ra sự tôn trọng. Nếu chỉ có sự đồng cảm về tâm hồn, đó là bạn tri kỉ. Nếu chỉ có sự rung động về thể xác, đó là người tình. Càng trẻ thì người ta bị cuốn hút bởi thể xác càng nhiều, nhưng càng đi đường dài thì sự hiểu nhau – tức đồng điệu tâm hồn lại càng quan trọng.
    Đi gần nhìn xa.
    Khép lại bài viết bằng một vài dẫn chứng để minh họa cho ví dụ vừa rồi. Khi người ta còn trẻ, người ta hay có cái nhìn theo biến số, mà ít nhìn được tổng thể. Ví dụ, sẽ dễ đến với nhau vì một cái răng khểnh, vì chơi đàn guitar hay, vì giọng nói dễ thương, vì mái tóc mềm mại, hàm răng, mái tóc, tài lẻ, giọng nói,… đó là biến số. Đã là biến số thì dĩ nhiên, không sống mãi với thời gian. Nhưng tâm hồn, và tính cách – là thứ mà người đời thường bảo “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
    Kết
    Tình yêu dường như luôn là một bí ẩn lớn đối với khoa học. Rất nhiều giả thuyết, rất nhiều công trình nghiên cứu đã được tiến hành, kèm theo đó là những cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Nhưng với bạn và tôi – đó không phải là mối bận tâm quá lớn. Yêu và được yêu, đó là thứ cảm giác tuyệt vời nhất mà bạn được trải nghiệm, vì vậy, hãy tận hưởng những giây phút ngọt ngào bên cạnh một nửa của bạn.
    * Đây là những kiến thức mình được đọc qua và muốn chia sẽ đến mọi người về cách nhìn tình yêu theo hướng khoa học nhưng cũng ko mất đi cái tình vốn có khi yêu, rất mong các bạn đón nhận và đóng góp*

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *