Tác giả: Shafiga S
_________________
Trong chuyến hành trình mới đây tới Tokyo, Kyoto và Osaka, tôi đã nhận ra một điều mà trước nay bản thân chưa từng để ý. Lịch sử và sự phát triển của nghệ thuật vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản. Bởi lẽ, con người nơi đây không muốn lãng quên nguồn gốc của điều đã làm nên vẻ đẹp thời gian cho đất nước của họ.
Trong chuyến hành trình mới đây tới Tokyo, Kyoto và Osaka, tôi đã nhận ra một điều mà trước nay bản thân chưa từng để ý. Lịch sử và sự phát triển của nghệ thuật vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản. Bởi lẽ, con người nơi đây không muốn lãng quên nguồn gốc của điều đã làm nên vẻ đẹp thời gian cho đất nước của họ.
Nội dung dưới đây sẽ đề cập vắn tắt lịch sử nghệ thuật Nhật Bản và giải thích vai trò của nó đối với một nền văn hoá phát triển.
Hệ thống chữ Kana và văn học
Hãy bắt đầu với Thời kỳ Heian (794-1185). Cái tên Heian bắt nguồn từ thành phố Heian-kyō (Kyoto ngày nay). Đây là thời điểm Phật giáo, Đạo giáo và các âm hưởng văn hóa Trung Hoa phát triển đạt tới đỉnh cao. Do đó, Thời kỳ này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và được coi như một khởi đầu mới cho nghệ thuật Nhật Bản.
Sự khai sinh ra hệ thống chữ Kana từ chữ Hán đã đánh dấu tầm quan trọng của Thời kỳ Heian trong lịch sử nghệ thuật. Hiện nay, Kana (katakana và hiragana) vẫn tiếp tục được học và sử dụng tại Nhật Bản. Vào thời Heian, thành viên gia tộc Fujiwara được khuyến khích cống hiến cho thế giới nghệ thuật, tiêu biểu có tác phẩm văn học cổ điển viết bằng kana – Câu chuyện về Genji. Đây là một sáng tác vẫn đóng vai trò thiết yếu trong lịch sử văn học Nhật Bản và thế giới cho tới ngày nay.
Trà đạo
Sự phát triển của trà và trà đạo bắt đầu từ khi Myouan Eisai, một cao tăng người Nhật tới học Thiền tông tại Trung Hoa (~1168). Ông cũng là người sáng tác cuốn sách đầu tiên về trà, Kissayojoki (Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký). Nội dung của cuốn sách bao gồm lợi ích đối với sức khỏe, cách pha cùng với những công dụng khác của trà. Kể từ đó, trà đã trở nên vô cùng phổ biến ở Nhật Bản, thế nhưng Trà đạo, chanoyu, mới là một phần của thế giới nghệ thuật. Nghi thức Trà đạo thường được thực hiện trong Trà thất (1) hoặc Trà viên (2), tuân theo bốn nguyên tắc cơ bản: Hòa, Kính, Thanh, Tịch (wa, kae, sae, jubuo). Hoà là sự hài hoà với vạn vật và thiên nhiên. Kính là sự kính trọng trong mối quan hệ với người khác. Thanh là quá trình “thanh tẩy” bản thân qua năm giác quan: thính giác – khi lắng nghe tiếng nước chảy, thị giác – khi quan sát muôn hoa đua nở, xúc giác – khi tiếp xúc với trà cụ, khứu giác – khi cảm nhận hương hoa, vị giác – khi nếm thử hương vị của trà. Cuối cùng là Tịch, tượng trưng cho sự yên tĩnh trong cả không gian và tâm trí người thưởng thức.
[hình 1] Trà đạo
Trà đạo là nghệ thuật thưởng thức qua góc nhìn của Phật giáo và triết học. Tuy nhiên, trà cụ sử dụng cho việc pha trà cũng được coi như một hình thức nghệ thuật quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản. Những hoạt tiết trên chén trà gốm đại diện cho các mùa trong năm: chẳng hạn như hoa anh đào tượng trưng cho mùa xuân.
[Hình 2]
Bếp đun nước bằng sắt thường được đặt ở trung tâm Trà thất, cung cấp hơi ấm trong những mùa lạnh. Tiếng nước sôi rất được coi trọng tại các nghi lễ thưởng trà, vì nó đại diện cho sự bình yên và tinh khiết. Khi tiết trời trở nên ấm áp hơn, bếp đun nước được thay thế bằng lò than củi. Các chi tiết mỹ thuật trên trà cụ đã đại diện cho xứ sở Phù Tang một cách chân thực nhất. Do đó, ta có thể thấy sự thưởng thức dành cho Trà đạo và trà cụ luôn một phần thiết yếu trong nghệ thuật Nhật Bản.
Edo và Ukiyo
Mộc bản là một loại hình nghệ thuật khác cũng xuất hiện trong lịch sử nước này. Kỹ thuật khắc gỗ đã được lưu truyền từ Trung Hoa tới vô số các hòn đảo ở Nhật vào thế kỷ thứ 8, ban đầu chủ yếu phục vụ cho việc in chữ viết, đặc biệt là các văn tự liên quan tới Phật giáo và chính trị. Phải tới Thời kỳ Edo (1603-1868), người Nhật mới phát hiện ra một cách sử dụng kỹ thuật khắc gỗ tiện lợi hơn. Họ nhận ra các bản gỗ (mộc bản) có thể được dùng lại nhiều lần, với nhiều màu sắc khác nhau trên cùng một tờ giấy. Phong cách in ấn độc đáo này được biết đến với tên gọi Nishiki-e, với công dụng đầu tiên là để in những tấm lịch mà người ta tặng cho nhau như món quà kỷ niệm. Sau đó, Nishiki-e bắt đầu được sử dụng trong những bức tranh khắc họa lối sống ukiyo (phù thể), mang ý nghĩa về một cuộc sống trôi nổi, phiêu lãng trong thế giới hưởng lạc ở ba thành phố chính: Edo (Tokyo), Osaka và Kyoto. Qua thời gian, Ukiyo-e đã trở thành thể loại tranh được ưa chuộng và phổ biến nhất tại Nhật Bản, dưới đây là bức tranh ukiyo-e nổi tiếng nhất.
[Hình 3] Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa
Cho tới ngày nay, tác phẩm Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa vẫn là một trong số những bức tranh mộc bản được biết tới nhiều nhất mà Nhật Bản luôn tự hào.
Khía cạnh nghệ thuật của Samurai
Không ít người chỉ nhìn nhận Samurai như là những chiến binh, thực tế đó không phải là tất cả. Các Samurai trở nên nổi bật trong Thời kỳ Heian khi họ là những chiến binh, đồng thời là những nhà cai trị thuộc giới quý tộc thượng lưu tại Nhật Bản. Họ tuân thủ Phật pháp nghiêm ngặt và tìm thấy bình yên trong tâm khảm. Vì các Samurai có thể hy sinh bất kỳ lúc nào trong chiến trận, họ đã học cách sống sao cho thật đầy đủ và sung túc. Họ được kỳ vọng sẽ là những kẻ đáng sợ đầy sức mạnh, song cũng thông thái với vốn hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật. Văn hoá nghệ thuật rất được coi trọng tại Nhật Bản. Do đó, nhiều Samurai đã viết thơ, vẽ tranh và dành thời gian nghiên cứu mọi loại hình nghệ thuật. Cuộc sống của họ gắn liền với chiến trường, Trà đạo, chế tác thủ công, hội hoạ và văn chương.
“Tay trắng ta vào đời,
Chân trần mà bước đi.
Xa rời hay hiện hữu
Đôi điều chẳng có chi
Mà đong đầy khúc mắc”
Chân trần mà bước đi.
Xa rời hay hiện hữu
Đôi điều chẳng có chi
Mà đong đầy khúc mắc”
Kozan Ichikyo, d. 12/2/1360
Cách tiếp cận sự sống và cái chết mang tính triết học được thể hiện qua những dòng tuyệt mệnh thi (3) họ viết.
[Hình 4] Samurai
Ngoài ra, áo giáp chính là biểu tượng cao quý của một Samurai. Không chỉ được dùng để phòng vệ trên chiến trường, áo giáp còn đại diện cho cả cá tính riêng của họ. Gắn liền với áo giáp là mũ trụ, thể hiện một khuôn mặt hung dữ với vô số các họa tiết trang trí xung quanh. Do các Samurai cần thoải mái cử động, áo giáp được thiết kế để có thể di chuyển dễ dàng và chiến đấu hết mình. Chính vì vậy, phần cơ thể với những tĩnh mạch quan trọng nhất không được bảo hộ, trở thành điểm yếu dễ khiến Samurai gặp nguy hiểm. Thanh kiếm được biết đến với tên gọi “linh hồn của một Samurai”, thường được làm bằng kim loại tốt nhất và phải đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn. Nghệ thuật chế tạo ra những thanh kiếm mỏng, sắc và chắc chắn được truyền qua nhiều thế hệ và các đời cha con. Thanh kiếm là vũ khí duy nhất mà các Samurai có thể sử dụng. Thiếu đi kiếm, họ không còn là những chiến binh. Đức tin này rất quan trọng đối với Samurai và họ tin rằng những linh mục Shinto (Thần đạo) phải được gọi tới ban phước mỗi khi quá trình chế tác kiếm bắt đầu. Thợ rèn kiếm cũng phải trải qua nghi thức thanh lọc trước khi bắt tay vào công việc. Trong Busido: Bộ luật Chiến binh, Inazo Nitobe cho rằng thợ rèn kiếm không chỉ đơn thuần là thợ thủ công, mà còn là một nghệ nhân đầy cảm hứng trong thánh địa là các xưởng rèn. Hằng ngày, người thợ rèn chế tác, với những lời cầu nguyện và sự thanh tẩy, như “anh ta đã dành cả trí lực cùng tâm hồn mình vào việc rèn và luyện thép.”
Thời kỳ Meiji (Minh Trị) và Reiwa (Lệnh Hoà) – sự thay đổi mạnh mẽ tái khai sinh đất nước Nhật Bản
Minh Trị Duy Tân (Cải cách Minh Trị) diễn ra từ năm 1868 đến năm 1912 là bước ngoặt trong lịch sử Nhật Bản. Cuộc cách mạng chính trị đã thay đổi đất nước trên nhiều phương diện. Nhiều học sinh Nhật đã được gửi tới Châu Âu để mang văn hoá phương Tây về truyền bá tại tổ quốc, đồng thời phục vụ cho việc sáng tác những tác phẩm nghệ thuật mới. Samurai đã bị cấm, vậy nên thợ thủ công bắt đầu tạo ra các mô hình (figure) tượng trưng cho dấu ấn nghệ thuật này. Những mô hình này trở nên rất nổi tiếng và trở thành lựa chọn đầu tiên của các nhà sưu tầm. Nihongo (4) là phong cách mới, được ra đời trong Thời kỳ Minh Trị. Nihongo chủ yếu chịu ảnh hưởng từ các kỹ thuật phương Tây, song vẫn giữ được cái hồn Nhật Bản truyền thống.
[Hình 5] Gia đình Harada Naojiro (1863-1899) tại Đền Toshogu
Hiện tại, Nhật Bản đang trong Thời kỳ Reiwa (Lệnh Hoà). Thời kỳ được bắt đầu từ 1/5/2019 – ngày Naruhito, con trai của Nhật hoàng Akihito, lên ngôi Hoàng đế thứ 126.
Cho đến ngày nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia thú vị nhất khi nói đến nghệ thuật và lịch sử. Tôi chưa từng phải cố gắng tìm kiếm những điểm đến nghệ thuật hay các bảo tàng, cũng như chưa từng cần có một hướng dẫn viên du lịch miễn phí để học hỏi về đất nước mà tôi đang khám phá. Khi đến Nhật, bạn không cần làm vậy. Đây là nơi nghệ thuật vẫn tồn tại ngoài kia, vượt xa những bức tường của các viện bảo tàng. Bạn sẽ không phải trả tiền, xếp hàng rồi chịu đựng một không gian chứa đầy những khách du lịch khác. Tại Nhật Bản, nghệ thuật có ở mọi nơi, trên đường phố, trong các cửa hàng, và ngay cả trong những hiệu sách.
Nhìn lại bề dày lịch sử, ta có thể thấy Trà đạo đã luôn là một hình thức nghệ thuật và thực hành Phật giáo, bởi vậy hiện nay, những nghi lễ thưởng trà vẫn được tổ chức tại Nhật Bản. Trà đạo là sở thích của nhiều người Nhật mà hầu hết khách du lịch đều muốn thử qua. Những nghi lễ thưởng trà trong thời gian dài với sự thư thái thường diễn ra ở Kyoto. Bản thân trà đã rất được người Nhật yêu thích, ngay cả tôi cũng không phải là ngoại lệ. Trà được phục vụ ở khắp mọi nơi, thậm chí trà xanh còn được miễn phí trong những quán cafe. Bạn có thể tự pha cho mình bằng cách cho một ít trà vào chén và rót nước nóng. Hoá ra trà uống rất ngon, lại vô cùng tốt cho sức khỏe.
Trà cụ tiếp tục được sử dụng không chỉ cho những nghi lễ. Bát trà và chén trà được dùng ở khắp nơi trong các nhà hàng và nhà dân địa phương. Điều này cho thấy qua thời gian, người Nhật vẫn hết sức coi trọng nghệ thuật gốm sứ.
[Hình 6] Bento
Hộp Bento cũng rất phổ biến tại đất nước mặt trời mọc, bạn có thể thấy chúng ở bất kỳ đâu. Bento được nhiều gia đình dùng cho các buổi picnic hoặc các dịp đặc biệt. Hình vẽ trang trí trên thân hộp đại diện cho phong cách Nhật Bản truyền thống với tấm vải phủ có vô vàn hoạ tiết đẹp mắt.
Mộc bản từ thế kỷ thứ 8 tiếp tục được sử dụng ở Nhật Bản. Thực tế, manga đầu tiên được xuất bản bằng kỹ thuật in này. Theo Thomas A. Crossland, đâu đó vẫn còn những người thợ làm việc với các bản gỗ để tạo ra hiệu ứng truyền thống tương tự.
Không may, đã không còn Samurai nào tồn tại cho tới ngày nay. Tuy nhiên, họ vẫn là một phần quan trọng làm nền văn hoá Nhật Bản. Kỹ năng của họ được áp dụng trong võ thuật và di sản của các Samurai có thể được nhìn thấy trên khắp nước Nhật. Áo giáp của họ được bán trong các cửa hàng hoặc trưng bày trong những viện bảo tàng.
Bạn cũng có thể tìm thấy các mảnh ghép lịch sử ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong những món quà lưu niệm, như mô hình Samurai hay bưu thiếp với nghệ thuật ukiyo-e. Bạn cũng có thể đến thăm đền thờ và mặc một bộ kimono để cảm thấy như một người Nhật thực thụ. Các hoạ tiết trên kimono được rất nhiều người yêu thích.
Thật khó để tưởng tượng Nhật Bản là một di tích lịch sử với tất cả những công nghệ tân tiến, song chỉ khi đến Nhật, người ta mới có thể sống lại với những kỷ nguyên đã cũ. Và thậm chí là cả tương lai.
Chú thích
1. Trà Thất – Căn phòng thưởng thức trà có trải những tấm tatami hay chiếu tre được sắp xếp thành hình vuông bởi 8 mảnh nhỏ, trông rất đẹp và trang nhã.
2. Trà Viên – Khu vườn được thiết kế phù hợp với việc ngắm hoa, và thưởng trà.
3. Tuyệt mệnh thi – Theo nghĩa thuần Việt bài thơ chết, là một thể loại thơ phát triển theo truyền thống văn học của các nền văn hóa Đông Á, nổi bật nhất ở Nhật Bản cũng như các thời kỳ nhất định của lịch sử Trung Quốc và Joseon Hàn Quốc. Họ có xu hướng đưa ra một phản ánh về cái chết, nói chung và liên quan đến cái chết sắp xảy ra của tác giả, thường được kết hợp với một quan sát có ý nghĩa về cuộc sống.
4. Thực tế phong cách hội hoạ này có tên gọi là Nihonga, tuy nhiên mình xin phép giữ nguyên cách gọi của tác giả trong bài.
2. Trà Viên – Khu vườn được thiết kế phù hợp với việc ngắm hoa, và thưởng trà.
3. Tuyệt mệnh thi – Theo nghĩa thuần Việt bài thơ chết, là một thể loại thơ phát triển theo truyền thống văn học của các nền văn hóa Đông Á, nổi bật nhất ở Nhật Bản cũng như các thời kỳ nhất định của lịch sử Trung Quốc và Joseon Hàn Quốc. Họ có xu hướng đưa ra một phản ánh về cái chết, nói chung và liên quan đến cái chết sắp xảy ra của tác giả, thường được kết hợp với một quan sát có ý nghĩa về cuộc sống.
4. Thực tế phong cách hội hoạ này có tên gọi là Nihonga, tuy nhiên mình xin phép giữ nguyên cách gọi của tác giả trong bài.