Sự ‘mê tín’ của người dân Bắc kỳ đầu thế kỷ XX

 Dưới đây là trích đoạn trong cuốn sách “Tiểu luận về dân Bắc kỳ”, nói về sự mê tín của người dân miền Bắc Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.

Thầy phù thủy

Thầy phù thủy là pháp sư hạng thấp, thành phần này rất đông.

Thầy phù có nghĩa là “ông thầy dùng bùa”, bùa phù thủy lấy hình giống con sên, con rết; còn “thuỷ” là nước, người ta gọi như vậy vì trong khi trừ tà, đôi lúc họ dùng nước phép. Đó là các thuật sĩ, họ không những chỉ có sẵn tà ma trong tay, và điều động chúng để làm việc gì đó, mà còn có quyền lực tác động tới diễn biến bình thường của sự vật trong thiên nhiên (hình 84).

Họ có thể cải phận, tạm thời làm thay đổi bản chất con người và sự sống; có thể kích động lòng ham muốn, tội ác, bệnh tật; dùng ý tưởng sai khiến ai đó từ xa, mà họ muốn sử dụng để chống lại kẻ khác; họ cũng có thể làm việc tốt, chữa khỏi bệnh, gọi mưa hoặc làm dứt cơn mưa, giúp việc kinh doanh thành công.

Khi một con người nằm trong vòng khống chế của một trong các thầy phù thủy đó, nếu muốn thoát khỏi ảnh hưởng này, và được tự chủ, thì chỉ có cách nhờ một phù thủy cao tay hơn; lúc ấy sẽ xảy ra cuộc chiến giữa hai quyền lực, và tất nhiên ai mạnh hơn sẽ thắng.

Người ta kể chuyện một phù thủy xin cưới con gái của một trong số đồng nghiệp mà không được, để trả thù, đã dám dùng trăm phương nghìn cách để làm hại cả nhà cô gái. Chẳng hạn, mỗi lúc dọn bữa, lập tức thức ăn biến thành rác rưởi. Nhưng thầy phù thủy gặp phải đối thủ mạnh, và nhờ cao tay hơn mọi việc lập tức lại đâu vào đấy.

Khi thầy phù thủy trong lúc trừ tà bất ngờ bị tà ma nhập, ông có thể thoát nạn bằng cách bắt nó nhập vào một cái cây, hay một vật nào đó, lúc ấy ông ta dùng gậy quất túi bụi, để nó bỏ hẳn ý định lập lại lần nữa.

Thầy phù thủy lấy pháp thuật từ một linh khí thượng đẳng nào đó, thần hoặc quỷ, mà ông ta nhận là đệ tử và tương thông với linh khi đó; theo lời kêu gọi quỷ thần nhập vào ông ta, làm chủ và phán bảo bằng cách mượn tiếng nói của ông ta.

Thầy phù thủy làm thuê, ông ta lập bàn thờ tại nhà thân chủ, hay trước cửa, với các nghi trượng và làm lễ. Họ cũng là thầy cúng tại một số đền miếu, hoặc chủ sự tại các bàn thờ do tư nhân lập, và như vậy các bàn thờ này không có thầy cúng riêng để hành lễ. Họ cúng bái vào những dịp kỷ niệm hằng năm, hoặc theo yêu cầu của một người muốn xin ơn huệ nào đó của thần linh, dưới sự phù hộ của thần, bàn thờ hoặc đền miếu được dựng lên.

Khi muốn biết tin tức của một vong hồn đang ở dưới âm phủ, phù thủy tiến hành nghi lễ gọi là đồng thiếp: nằm dài dưới đất, sau khi cầu nguyện, ông ta rơi vào trạng thái bất động tuyệt đối; trong lúc ấy hồn ông ta xuống âm phủ, tiếp xúc với cảnh quan và tội nhân.

Chính thầy phù thủy giao lá bùa Thất hùng hay bẩy quyền lực. Lá bùa này gồm những vật sau cột chung bằng một bó chỉ bằng bạc và bọc trong một gói nhỏ, dùng hai sợi dây treo ở lưng quần:

  1. Ngọc quế- sỏi kết của cây quế ( besoar, viết đúng là bezoard: cục sỏi kết, ngưu hoàng, dùng để trị độc- ND) đây là một miếng tinh thể đá, được coi như từ tâm cây quế sinh ra.
  2. Kim mẫu- một miếng hoàng thiết.
  3. Ngọc xà- sỏi kết của rắn, có thể nghe mọi tiếng nói dù xa bao nhiêu cũng được (tức là một miếng tinh thể đá thứ hai).
  4. Ngọc da- một miếng ngọc xanh biếc.
  5. Ngọc quạ- sỏi kết của quạ (miếng đá xà văn có hoa văn giống da rắn) 

Thứ bùa Hiệu nghiệm này giúp tránh khỏi những vết thương ngoài mặt trận, dịch tả, nói chung tất cả các thứ bệnh tật và tai họa.

Thầy Pháp

Thầy Pháp hay thầy Đồng là một dạng khác của phù thủy; ông ta có một cái am ở nhà; đại sư phụ của họ là Ngọc hoàng với  hai tinh quân là Nam tào Bắc đẩu phò tá, nhưng thầy đồng ít khi thỉnh các vị. Họ tôn sùng thành phần này tới mức kính sợ, và chỉ đành hành nghề dưới sự bảo hộ của cả ba nhân vật.

Giống như phù thủy thầy đồng triệu ma quỷ, ác thần, cầu xin chúng chữa lành người bị bệnh này hay bệnh khác do lỗi lầm của đương sự gây ra, hoặc cầu xin Phúc thần nhập vào một khách hàng, là đối tượng chuẩn đoán và cầu xin một đặc ân.

Thầy đồng không bao giờ đến nhà, người có việc thỉnh cầu phải tới tận chỗ khám chữa, những thầy đồng nổi tiếng nhất kiếm được vô số tiền bạc, lúc ấy ông ta xây đền bằng gạch, để làm chỗ hành nghề phù thủy.

Bọn họ thờ hổ, đó là hóa thân của quyền lực huyền bí, hình hổ, vẽ trên một tấm bình phong đặt dưới chân bàn thờ, con vật được trình bày với tư thế ngồi, râu dựng ngược, đôi mắt chạm trên mặt những miếng nhựa.

Hình hổ cũng được chạm nổi hay chìm, trên tấm đúc bên ngoài đình của thầy đồng. Những ngôi đền bề thế nhất có năm con hổ màu sắc khác nhau, tượng trưng cho ngũ hành ( cinq éléments).

Bàn thờ thầy Pháp đặt một hay nhiều bát hương, những chiếc khay đựng đồ cúng, đèn dầu và bình hoa.

Ở trong cùng, đằng sau bàn thờ thứ nhất, có thêm một bàn thờ nữa, trên đặt ngai thờ sơn hoặc thếp vàng, trước có một ngọn đèn lớn hơn các ngọn đèn khác, đó là nơi ngự của vị thần tối cao, hoặc Pháp chủ của ngôi đền, và dưới chân bàn thờ này có bức bình phong vẽ hình hổ.

Nghi trượng của ông đồng gồm năm lá cờ nhỏ màu sắc khác nhau, một lục, một vàng, một trắng, một đỏ và một xanh. Những lá cờ này để xua đuổi tà ma nhập vào xác thân chủ, thay vì phúc thần, thỉnh thoảng được triệu thỉnh; trong lúc cầu đảo, ông đồng quơ một trong các lá cờ trên đầu khách hàng. Dù đã đề phòng, đôi lúc ác thần cũng nhập xác, thầy cũng phải làm phép trục nó ra, và để làm việc này ông ta quất vào người bị nhập hàng loạt roi bằng ba thứ dụng cụ sơn hoặc thếp vàng, thường được xếp vào hàng những khí cụ đặt bên cạnh bàn thờ đó là:

Cái mõ (maillet: cái chùy), cái trượng, cái roi

Khi ma quỷ, bất chấp những thứ đó, không muốn xuất, thì thầy đồng chỉ còn cách là giả vờ cắt cổ thân chủ, hay chặt đầu bằng thanh kiếm hoặc gươm gỗ, những công cụ cũng thuộc thành phần nghi trượng đặt trên bàn thờ.

Đôi khi giữa lúc cầu đảo, bất thình lình ác thần nhập vào xác thầy đồng, thì ông ta cũng phải dùng chùy và roi quất vào mình y như vậy.

Thầy đồng chỉ có một loại bùa chú duy nhất: đó là một cái ấn nhỏ hình vuông, đóng dấu lên trên giấy điều đỏ hoặc trắng.

Người ta gọi Đồng là nhân vật thứ ba trợ giúp chủ tế trong các nghi lễ cầu đảo hay trừ tà, thầy phù thủy triệu vong hồn nhập vào xác ông Đồng, và ông Đồng được dùng làm nhân vật trung gian giữa vong hồn và thân chủ trong cuộc sống.

Ông Đồng phải chuẩn bị cho vai trò của mình bằng việc trai giới, ông phải tránh mọi thứ xú uế từ 24 giờ trước. Trong một số cuộc tế lễ quan trọng, cần phải thỉnh nhiều âm binh, âm tưởng, người ta cần tới bốn năm ông Đồng có khi nhiều hơn nữa…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *