SỰ KHÁC BIỆT GIỮA VIỆC HỌC ĐẠI HỌC VÀ KHÔNG HỌC ĐẠI HỌC

Một người họ hàng của tôi là giáo viên Văn tiểu học có nhờ tôi viết một bài luận khoảng 2000 chữ. Sau khi tôi gửi lại, người họ hàng ấy trả lời tôi rằng: “Cháu viết hay thật, đúng là không uổng công học đại học.” Lúc đó, tôi không biết đó là lời khen hay chê nữa. Có thể đáp án cho câu hỏi sự khác biệt giữa việc học và không học đại học của người họ hàng này là người học đại học có thể viết được một bài luận cỏn con 2000 từ, còn người không học đại học thì không.

Mỗi lần về nhà, mẹ tôi đặc biệt để ý việc tôi có chủ động nói chuyện với mọi người hay không. Nếu tôi chỉ cười, không nói gì thì có nghĩa là việc học đại học của tôi chẳng có ích gì. Với mẹ tôi, đáp án của câu hỏi này là có biết chủ động chào người lớn hay không.

Có lần tôi bị người lớn trong nhà bắt nạt. Lúc đó tôi chỉ muốn tranh luận một chút, ai ngờ chúng tôi cãi nhau thật. Cãi được một lúc, người đó ngắt lời tôi, nói: “Thế mà cũng đòi học đại học cơ đấy, học đại học kiểu này là vô ích rồi.” Đối với người họ hàng này, đáp án cho câu hỏi này là có biết ngoan ngoãn nghe lời người lớn hay không.

Tết này, một người họ hàng gọi cho mẹ tôi nhờ vay tiền tôi, nhưng tôi không muốn cho vay. Lúc đó mẹ tôi nói: “Mày đúng là học đại học vô ích rồi. Cho người ta mượn tiền thì có sao? Đâu phải người ta không trả mày đâu?” Lúc ấy, với mẹ tôi, học đại học khác người không học đại học ở chỗ cho người thân vay tiền.

Hôm trước khi đang trên xe, tôi có cùng một vài người thảo luận về vấn đề kết hôn, tôi có đưa ra quan điểm của mình là tôi không cần sính lễ. Vài người thấy kì lạ, nói: “Sinh viên như cậu học nhiều nên dở hơi luôn rồi đấy à?” Lúc này, sự khác biệt chính là có cần sính lễ khi cưới hay không.

Có lần trong một buổi họp mặt gia đình, một người họ hàng hỏi lương của tôi được bao nhiêu. Sau khi tôi trả lời, người họ hàng này kinh ngạc nói: “Sinh viên đại học gì mà lương thấp thế thôi á, còn chẳng bằng anh A, chị B, cô C chỉ học hết cấp 2 mà lương còn cao hơn cháu nhiều đấy.” Lúc đó tôi chỉ biết vâng vâng dạ dạ cho qua. Lúc này, đáp án cho câu hỏi kia là học đại học thì có kiếm được nhiều tiền không? Hơn thế nữa là lương của tôi có cao hơn những người nào đó chưa từng học đại học hay không?

Có hôm ngồi nói chuyện với chú tôi. Khi nhắc đến cậu em họ, tôi khen cậu ấy rất thông minh, nếu chăm chỉ và được đầu tư thì sau này sẽ có thể thi vào đại học. Chú tôi cười cượt, nói rằng: “Học đại học làm gì, học xong sau này chẳng phải cũng đi làm thuê cho người ta hay sao, chi bằng không học cho rồi. Lúc đó tôi thật sự câm lặng không biết nói gì nữa. Lúc này, sự khác biệt chính là: Học hay không học đại học thì cũng đi làm thuê.

Tôi thi đỗ thạc sĩ. Khi được mọi người chúc mừng, bố tôi trả lời họ: “Học thạc sĩ thì có ích gì, không phải lại tiêu tốn thêm một mớ tiền của chúng tôi à.” Lúc tốt nghiệp ông lại nói: “Hay là con mở cửa hàng giống chị con đi, bố thấy nó còn kiếm được nhiều tiền hơn con đấy”. Lúc này đáp án lại là có thể kiếm được nhiều tiền hay không.

Điện thoại của một người hàng xóm bị âm tiền nhưng không biết xử lí thế nào nên mang qua nhờ tôi xem giúp. Lúc đó, tôi chỉ gọi cho 10086 hỏi tình hình rồi giúp bác ấy giải quyết. Sau khi xong việc, bác ấy bất ngờ vì tôi giải quyết nhanh vậy, liền nói: “Đúng là sinh viên đại học có khác, gì cũng biết, gì cũng giỏi, không như các bác, chả hiểu gì mấy cái này.” Từ đó trở đi, ông bà cô bác trong xóm muốn xoá nhạc chờ, đổi gói cước đều đến nhờ tôi giúp. Với họ, sự khác nhau giữa học và không học đại học là có biết nhiều thứ không.

Tôi cũng rất tò mò đáp án của câu hỏi này, nên đi hỏi mẹ. Mẹ tôi nói bà cũng không biết, nhưng tôi học đại học là một chuyện vui. Lúc này ý nghĩa của việc học đại học lại là có thể làm gia đình vui.

Còn đáp án của tôi thì sao? Tôi biết có những người đã tốt nghiệp đại học rồi nhưng vẫn chẳng ra làm sao, cũng gặp những người không học đại học nhưng lại rất thông minh, tài giỏi. Nếu chỉ dùng tư duy, dùng tầm nhìn, dùng sự hiểu biết của bản thân để đi tìm sự khác nhau giữa học và không học đại học quả thật là rất khó. Tôi chỉ biết rằng nếu không học đại học, tôi sẽ cảm thấy rất hối tiếc. Học đại học rồi, tôi cũng thấy rất hối tiếc, nhưng ít nhất, tôi biết rằng mình cũng đã từng học đại học. Cùng là hối tiếc, nhưng chẳng hề giống nhau.

__________________________

Nguồn: https://www.zhihu.com/question/449157690/answer/1799197330

__________________________

Tác giả: 水水的木瓜

Trước đây tôi luôn nghĩ rằng học hay không học đại học thì cũng chẳng khác gì nhau. Cho đến hè năm ngoái, trên đường đi về nhà tôi tình cờ gặp lại người bạn cấp một. Lúc đó tôi mới chợt nhận ra rằng kì thi đại học thật sự đã chia chúng tôi ra thành hai thế giới khác nhau.

Đầu tiên tôi giới thiệu chút nhé. Tôi đến từ một tỉnh lớn tại Trung Quốc, nơi có tỉ lệ trượt kì thi vào cấp 3 khoảng 60% và tỉ lệ trên điểm sàn kì thi đại học là 43,8%, hiện tại tôi đang học ở một trường đại học hạng hai. Ở chỗ tôi, đám bạn chơi cùng từ nhỏ mà có thể cùng nhau học lên đại học là điều vô cùng hiếm.

Trước giờ tôi luôn cho rằng, nếu học ở một trường đại học hạng hai mà không tiếp tục học lên thạc sĩ thì lương sau khi ra trường cũng chẳng hơn những người chỉ có bằng cấp 2, cấp 3 là bao. Cho đến khi gặp được một người bạn hồi cấp 1 đã đi làm vài năm rồi, tôi mới thay đổi suy nghĩ của mình.

Cậu ấy kể với tôi rằng những người bạn cấp 1 mà cậu ấy vẫn còn giữ liên lạc đa số đều không thi đỗ cấp 3 hoặc đại học, sau đó đi làm luôn hoặc học cao đẳng. Mấy năm nay cậu ấy cũng nhảy việc rất nhiều lần và nhận ra rằng những công việc tốt một chút, nhàn hạ một chút đều yêu cầu trình độ đại học. Khi làm ở xưởng sản xuất đồ điện tử và làm sale ở các công ty, cậu ấy thấy rất nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đại học xin vào đã được nhận làm ở những vị trí cao hơn cậu ấy rất nhiều, lương của họ không những cao hơn, công việc cũng nhàn hạ hơn nhiều nữa.

Cậu ấy còn nhắc đến một cô bạn chơi khá thân với tôi hồi cấp 1, nhưng vì không học chung cấp 3 nên chúng tôi cũng chẳng liên lạc với nhau. Bây giờ cô bạn đó đã đính hôn rồi, cả hai đều tốt nghiệp trung cấp. Cô ấy làm buôn bán nhỏ, còn người bạn trai thì làm ở xưởng sản xuất đồ điện tử. Sau đó, tôi còn trò truyện với cậu bạn kia về rất nhiều người bạn học cùng hồi cấp 1, cậu ấy kể họ đều không thi đỗ đại học. Khi biết những người bạn cũ bây giờ đang phải rất vất vả cố gắng, vật lộn với cuộc sống, trong lòng tôi có một cảm giác buồn khó diễn tả thành lời.

Trong cuộc trò chuyện hôm ấy, cậu ấy luôn dặn dò tôi phải chăm chỉ học, thi được vào trường nào thì học trường đó, “Tốt nhất là học cả sau tiến sĩ nữa, bởi vì sau tiến sĩ còn đỉnh hơn cả tiến sĩ.” Lúc ấy, tôi đã không nhắc cho cậu ấy biết sau tiến sĩ không phải là một học vị.

Có một câu của cậu ấy làm tôi nhớ đến tận bây giờ, đại khái là:

Cậu ấy: Mình thực sự rất ngưỡng mộ những người có thể thi đỗ đại học như các cậu, cho dù chưa biết tương lai ra sao, nhưng ít nhất vẫn còn chút hi vọng.

Tôi: Mình chỉ học trường hạng hai thôi, có gì đáng ngưỡng mộ cơ chứ.

Trường hạng hai thì vẫn là đại học, sau này đi làm kiểu gì cũng khá hơn bọn tôi. Câu nói ấy nghe thật nặng nề.

Sau đó cậu ấy nghe điện thoại, là điện thoại của mấy người anh em làm cùng rủ đi uống rượu.

Sau khi nói chuyện được mười phút, không ai trong chúng tôi có ý muốn xin Wechat của nhau. Có lẽ trong lòng chúng tôi đều hiểu rằng chủ đề chung mà chúng tôi có thể trò chuyện được với nhau thì đều đã nói hết trong mười phút vừa qua rồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *