SỰ BIẾN THẤT THỦ KINH ĐÔ HUẾ QUA TÁC PHẨM “LÔ GIANG TIỂU SỬ” CỦA TIỂU CAO NGUYỄN VĂN MẠI
Dẫn nhập:
Tiểu cao Nguyễn Văn Mại (1858-1945) người quê Niêm Phò (nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), đỗ Phó Bảng năm 1885, làm quan đến hàm Thượng Thư, Thái tử Thiếu bảo, Hiệp tá Đại học sĩ. Ông viết tự truyện “Lô Giang tiểu sử” gồm 5 quyển, thuật lại học vấn, kiến thức, lịch duyệt, tri ngộ từ thuở nhỏ đến năm 75 tuổi, từ chuyện bản thân đến chuyện quốc gia xã hội. Năm 1961, người con trai của cụ là Giáo sư Nguyễn Hy Xước đã dịch tác phẩm ra Quốc Ngữ, in roneo và phổ biến trong gia tộc. Đoạn kể về sự biến “Thất thủ kinh đô Huế” trong “Lô Giang tiểu sử” được Tạp chí “Nghiên cứu và Phát triển” trích đăng trên số 3 (120) năm 2015.
Nhân dịp tưởng niệm 135 năm ngày “Thất thủ kinh đô” (23 tháng 5 Ất Dậu, nhằm 05/7/1885), tôi xin lược trích bài viết nói trên để giới thiệu rộng rãi đến các anh chị và bạn bè như là một nguồn thông tin tham khảo. Là người đương thời lúc xảy ra sự kiện bi thảm đó, những hồi ức của cụ Tiểu cao Nguyễn Văn Mại rất đáng để cho những ai muốn tìm hiểu về thời kỳ lịch sử nầy quan tâm, suy ngẫm.
Nguyễn Đính, 09/7/2020 (19 tháng 5 năm Canh Tý)
….
Lúc đó ta vào thi Đình xong, cùng với anh Trần Đạo Tiềm đến Bộ Lễ để chờ kết quả kỳ thi, thì thấy trong thành, từ Trấn Bình Đài cho đến Lục Bộ hai bên đường đều đào hào, lính các trại đều mang gươm súng sẵn sàng, trước các trại lính đều thấy chất đầy những thùng chứa cột chuối để phòng bị. Hai bên đường từ Trấn Bình Đài mà ra chất đầy những đống trái bàng và mù u. Trong thành và ngoài phố, dân gian và quan viên đều lục tục dời vợ con và của cải về quê. Trong thành có lệnh giới nghiêm, người qua đường chỉ nhìn nhau mà không dám nói chi. Anh Trần Đạo Tiềm nói với ta rằng: Xưa ông Văn Thiên Tường bái tướng, khi thế nước đã đến lúc nguy vong mà thân gánh nặng ba trăm năm cơ nghiệp nhà
Tống. Chúng ta đăng khoa ngày nay cũng là một sự bất hạnh vậy. Nói rồi dắt tay nhau về quê.
Vào khoảng 8 giờ đêm hôm ấy (ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, 1885), bỗng nghe tiếng súng như sấm, ngó qua phía đông Kinh Thành lửa sáng ngập trời, đến 4 giờ sáng, chỉ nghe súng tay liên tiếp như pháo nổ. Vua Hàm Nghi chạy.
Đêm ấy tại các xã thôn quanh thành người thì rủ nhau đi coi, người thì lo chôn cất của cải, kẻ thì chồng dắt vợ, cha mẹ dắt con kêu khóc, có kẻ lại chực các cửa thành để giựt gói của người chạy loạn. Ấy là cái cảnh tượng ở ngoài thành, không tả hết được.
Bảy giờ đêm hôm ấy, trước khi giao chiến thì Tôn Thất Thuyết [Phụ chính Đại thần, cầm đầu phái chủ chiến] mật phái một toán quan quân đến vây Tòa Sứ [Tòa Khâm sứ Pháp, phía hữu ngạn sông Hương, khu vực trường Đại học Sư phạm Huế ngày nay – Nguyễn Đính chú], còn quân lính trong thành đều chủ lực về mặt bắc Trấn Bình Đài [đồn Mang Cá], và để lại trại không. Đến giờ bắt đầu giao chiến, quân ta bắn trước mà quân Pháp chỉ bắn trả mà thôi. Bên kia sông quân ta bắn, không nghe Pháp bắn lại, tưởng là có phục binh không dám vào sâu. Trong thành quân ta bắn tiếp vào Trấn Bình Đài từ 8 giờ đêm cho đến 1 giờ sáng, nghe trong đài ít bắn ra, quân ta áp vào và la to: Đã áp vào Trấn Bình Đài rồi. Tiếng la như sấm. Không ngờ khi quân ta bắn thì quân Pháp đều núp xuống hầm để đợi, chỉ thỉnh thoảng bắn trả ít thôi. Đến 3 giờ sáng, quân Pháp nghe chừng quân ta bắn sưa [thưa] ra và sắp áp vào Trấn Bình Đài thì họ vùng dậy bắn cả một loạt, quân ta thuốc đạn ít, không địch nổi, đua nhau mà chạy, quân Pháp đuổi theo và bắn chỉ thiên.
Quân ta nghe tiếng súng không biết ngả nào, đạp nhau mà chết trong hào hoặc giữa đường, người trước bước lên mù u té ngã, người sau đạp lên mà chết hàng ngàn. Trước kia đào hào, rải mù u lên đường, chủ ý là để hại quân Pháp mà hóa ra làm hại quân ta. Tại các cửa thành, trai gái già trẻ, người mang của kẻ bế con tranh nhau mà ra, người trước ngã người sau đạp lên, thây liệt đầy đường. Sáng hôm sau các ông tân khoa người Bắc vào thi Đình chạy về nhà ta kể cho ta rõ cảnh tượng Kinh Thành đêm hôm ấy.
Lúc biến xảy ra, vua Hàm Nghi không hề biết trước, đến khi nghe tiếng súng, vua chạy đến Lưỡng cung [hai bà Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu (vợ vua Thiệu Trị) và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ chính vua Tự Đức)] ôm nhau mà khóc. Trong cung tiếng khóc nghe ra đến ngoài. Lưỡng cung truyền triệu đại thần vào hỏi. Ông Nguyễn Văn Tường [Phụ chính Đại thần] vào tâu rằng: “Việc xảy ra do Ông Tướng [Tôn Thất Thuyết] chấp chưởng binh quyền trong tay, chúng tôi không biết làm sao đặng. Sáng mai thần xin qua Tòa Sứ điều đình. Vạn nhứt có sự chi xảy ra thì đã có dự sẵn hai dinh là La Chữ và Tân Sở [căn cứ kháng chiến ở Quảng Trị] làm chỗ nghỉ chân để đợi thời cơ. Vả lại Pháp tuy mạnh mà có lòng khoan, trước kia dầu đánh hơn các nước thế nào đi nữa cũng không hề động đến vua chúa. Trên nhờ linh của Liệt thánh, dưới nhờ sức của ba quân, xin Bệ hạ hãy an tâm”. Đêm ấy Nguyễn Văn Tường ra vào Đại Nội đến hai ba lần. Đến khi nghe quân ta đại hô “Quân ta đã hãm Trấn Bình Đài rồi”, thì trong cung mới hơi yên. Bất ngờ đến 4 giờ sáng, quân ta thua chạy. Tôn Thất Thuyết địch không nổi, bèn chạy vào trong cung phong quốc ấn lại, tâu xin Lưỡng cung cùng đức Hàm Nghi lên kiệu, cung nhơn cùng thị vệ, thái giám, nội binh hầu theo, Tôn Thất Thuyết hộ giá, do cửa Chánh Tây mà ra, qua sông rồi đi thẳng đến dinh La Chữ nghỉ chân. Quan quân theo hộ giá ước hơn 500 người. (Lúc ta vào làm việc tại Viện [Hàn Lâm Viện Điển tịch, nhiệm sở của cụ Nguyễn Văn Mại vào năm 1887], các thái giám và nữ cung thuật lại cho ta rõ khoản ấy). Đêm ấy ông Nguyễn Văn Tường vào ra Đại Nội, rồi về dinh sắp đặt. Đến 4 giờ sáng nghe quân ta bại, hốt hoảng chạy vào [Đại] Nội thì Thuyết đã hộ giá vua và Lưỡng cung đi rồi, ông ta bèn cùng Hình Bộ đại thần là Phạm Thận Duật ra cửa Chánh Tây [cửa Kinh thành Huế thuộc địa phận phường Tây Lộc, Huế], lên nhà ông Giám mục Tây tên là Lục ở tại nhà thờ Kim Long. Hai ông đến đó thì trời đã sáng, cùng với vài ba ông quan khác ghé vào nhà tên Dậu [? Bản in bị mờ, không rõ chữ], ở trước cửa nhà thờ, đòi xin vào nói chuyện với Giám mục. Một lúc sau vào nhà thờ xin nhờ Giám mục làm trung gian để thương thuyết. Giám mục bằng lòng. Đến 8 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Tường, ông Phạm Thận Duật cùng ông Giám mục qua Tòa Sứ. Khâm sứ thuận lấy Thương Bạc để tạm làm chỗ giao thiệp. Và yêu cầu rước Hoàng đế về kinh rồi sẽ giao lại thành trì như cũ. Các quan đều giao cho võ quan Pháp ở Trấn Bình Đài canh gác. Nguyễn Văn Tường thương thuyết xong về Thương Bạc triệu tập một vài quan triều và Cơ Mật, Thương Bạc để làm việc, còn thì giải tán.
Sáng ngày 24 ngự giá đến trường La Chữ tạm nghỉ. Cơm nước xong đi đến Văn Xá, vào yết nhà thờ họ Trần là ngoại từ đường, rồi do đường quan ra Quảng Trị nghỉ lại. Sáng hôm sau tiếp các ông Hoàng thân ở trong kinh phái ra nghênh giá. Lưỡng cung thuận, Tôn Thất Thuyết bất đắc dĩ cũng để Lưỡng cung về tạm trú tại Khiêm Lăng. Đến như rước vua hồi loan thì Tôn Thất Thuyết nhất định không chịu và hộ giá lên Tân Sở tại Cam Lộ nghỉ lại. Quan tỉnh cùng phái bộ ở kinh ra cũng không làm sao được. Đến khi nghe tin quân Pháp đi xà-lúp do sông Vĩnh Định ra Quảng Trị để chận đường thì Tôn Thất Thuyết hộ giá [vua] do đường thượng du đi ra Bắc.
Tối thảm là sau khi thất thủ, trong Kinh Thành những người bệnh tật, người già cả, trẻ con và những người làm việc còn lại trong thành không ra được kịp, cho nên lính Pháp canh giữ các cửa thành không cho ai ra vào được nữa. Trong thành thây chết rất nhiều, gặp lúc nắng, hơi thối bốc lên không thể chịu được. Lính Tây bắt những người còn lại trong thành, bất cứ hạng nào, đều phải gánh xác chết đi chôn, không gánh nổi thì bị đập đánh. Xác chết nổi trong hồ cũng nhiều. Gánh xác chết một tuần như thế, từ sáng đến tối không hở một khắc. Người chưa chết cũng không chịu nổi mà chết theo. Quan viên ngũ phẩm, lục phẩm, ông già bảy tám mươi tuổi cũng phải gánh thây cho xong hết mới được về. Trong một năm kẻ chài không dám đánh cá ở các hồ trong Kinh Thành. Đó là các thảm trạng sau khi Kinh Thành thất thủ. Ngày nay dân ở Kinh Thành cứ đến ngày 23 tháng 5 [âm lịch] thì quyên tiền bạc, thiết đàn làm chay, làm ngày kỷ niệm lớn vậy.
Ghi chú: những chữ trong dấu ngoặc vuông […] là Nguyễn Đính chú thêm.
Nguyễn Đính, 09/7/2020