Sự biến Ita năm 1962 – khi Trung Quốc cũng có ”Nạn kiều” (chắc không cần giải thích Nạn kiều là gì đâu ha).
Vào năm 1962, trong bối cảnh chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc, một sự kiện đã diễn ra khi hàng vạn công dân Trung Quốc vượt biên qua Liên Xô. Sự kiện được Liên Xô gọi là ”Biến cố Itai”, còn Trung Quốc gọi là ”Bạo loạn phản cách mạng 29 tháng 5”. Bản chất của sự việc là những công dân Trung Quốc, gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau trong đó có những dân tộc có liên hệ với Liên Xô, do tình hình kinh tế xã hội khó khăn của Trung Quốc và bị Liên Xô kích động đã tổ chức vượt biên ồ ạt sang Liên Xô, bỏ lại đất nước sau lưng.
1/ “Kiều” của Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra ở đây, là những ai được người Trung Quốc gọi là ”kiều dân”?
Câu trả lời: đó là các dân tộc gốc Trung Á ở Tân Cương, những người mà dưới thời Liên Xô kiểm soát Tân Cương đã có điều kiện di dân đến vùng Tân Cương làm dân số tăng mạnh, ngang ngửa thậm chí áp đảo người Hán. Năm 1941, dân số khu vực Tân Cương có 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ, hơn 360.000 người Kazakh, gần 100.000 người Hồi, 65.000 người Kyrgyz,… trong khi có khoảng 100.000 người Hán.
Do dân số người Hán ít ỏi, lại đa phần là trình độ thấp, nên khi tiếp quản Tân Cương năm 1949, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gặp rất nhiều khó khăn, gần như là bước vào một quốc gia mới chứ không giống như tiếp quản đất cũ. Trong tình hình đó, chính quyền mới của Tân Cương đã phải dùng đến biện pháp tận dụng những lực lượng cũ của những thế lực mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa coi là ”kẻ thù”. Cụ thể, hơn 10 vạn hàng binh Quốc Dân Đảng đã được thu nạp vào lực lượng sản xuất mới của Quân khu Tân Cương. Ngoài ra, Quân Giải Phóng còn tận dụng những tướng cũ của Chính quyền ”Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị” do Liên Xô lập ra từ năm 1944 đến 1949 – dẫn đến tình trạng nhiều chỉ huy cao cấp của Quân giải phóng Trung Hoa ở Tân Cương lại là người Nga, Kazakh, Uyghur, Kyrgyz, Tatar,… Ví dụ, Tư lệnh đầu tiên của Tập đoàn quân số 5 Quân Giải phóng Trung Hoa ở Tân Cương là tướng Fatiyi Ivanovich Leskin – người Nga. Ngoài ra, 2 tướng cao cấp của Tập đoàn quân 5 là Thiếu tướng Zunong Taiyev – người Duy Ngô Nhĩ và Thiếu tướng Margov Iskhakov – người Tatar. Đây chính là 2 tướng sau này đã đào ngũ sang Liên Xô.
Ngoài ra, thành phần dân cư Tân Cương cũng có nhiều người vốn là dân tị nạn Trung Á. Ví dụ như người Kazakh chạy trốn nạn đói ở Liên Xô năm 1930 đã tràn vào Tân Cương. Hoặc nếu không có nạn đói, thì bản thân các dân tộc Trung Á cũng đã là dân du mục, đi qua lại giữa Tân Cương và Trung Á như đi ”bà con đi dạo” – trích lời Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường năm 2014.
2/ Sự biến Ita năm 1962.
Năm 1962, do những sai lầm trong chính sách dưới thời Mao Trạch Đông, kinh tế-xã hội Trung Quốc lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân nhiều nơi cực khổ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lại chia rẽ với Liên Xô dẫn đến căng thẳng giữa 2 nước. Trước khi 2 nước đọ pháo trực tiếp trên đảo Damansky/Trân Bảo năm 1969 như đã biết, thì trước đó 2 bên đối đầu chủ yếu là trên biên giới Tân Cương. Ở mặt trận này, rõ ràng Liên Xô có lợi thế vượt trội, do có thời gian kiểm soát Tân Cương gần 50 năm từ thời Đế quốc Nga. Thành phần dân tộc Tân Cương cũng có quan hệ mật thiết với Liên Xô, trong khi người Hán ở Tân Cương lúc đó vẫn khá ít.
Từ những năm 1960, chính quyền Liên Xô ở các nước Trung Á đã có hành động khuyến khích dân Trung Quốc ở Tân Cương bỏ sang Liên Xô. Đài phát thanh Liên Xô ở biên giới hàng ngày phát các bản tin bằng tiếng Uyghur, Kazakh, Kyrgyz,… kích động các dân tộc vượt biên sang Liên Xô. Trong khi đó do thiếu phiên dịch, các bản tin Trung Quốc trong khu vực chỉ được phát bằng 2 thứ tiếng: Hán và Duy Ngô Nhĩ, hoàn toàn thiếu các ngôn ngữ còn lại. Hộ chiếu Liên Xô được cấp rất dễ dàng cho những người vượt biên này. Những lời kêu gọi từ phía Liên Xô cùng tình trạng khó khăn ở Trung Quốc khiến nhiều người tìm cách vượt biên vào Liên Xô, làm việc quản lý biên giới của Trung Quốc vô cùng khó khăn, phải vận động thanh niên Trung Quốc xung phong lên Tân Cương tuần tra biên giới.
Tuy nhiên, bước ngoặt lớn xảy ra vào tháng 4 năm 1962 giáng đòn mạnh vào quân đội Trung Quốc. Cuối tháng 4/1962, phó Tham mưu trưởng Quân khu Tân Cương – tướng Margov Iskhakov (người Tatar) xin sang Liên Xô ”đàm phán” nhưng sau đó đã trốn ở lại Liên Xô. Không lâu sau đó, thêm một Phó tham mưu trưởng khác là tướng Zunong Taiyev (người Uyghur) cũng đào ngũ trốn sang Liên Xô. Liên tiếp 2 tướng cấp cao đào thoát sang Liên Xô làm hàng ngũ Quân giải phóng Trung Hoa rối loạn, trong khi Liên Xô tận dụng vụ đào thoát này tăng cường kích động dân chúng Tân Cương vượt biên.
Như một kết quả tất yếu, sáng sớm ngày 22/4/1962 hàng nghìn cư dân Tân Cương mang theo gia đình, gia súc và tài sản đi bộ hàng cây số về phía cửa khẩu Khorgos trên biên giới Liên Xô đòi qua biên giới. Lính biên phòng Trung Quốc không cho họ qua, nhưng Liên Xô đã cử xe tải và binh lính đến, đe dọa lính Trung Quốc và đón người vượt biên vào đất Liên Xô. Lính Trung Quốc không thể đáp trả, trong khi chính phủ Trung Quốc phản ứng bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Liên Xô ở các thành phố Y Ninh và Urumqi.
Từ đó cho đến hết tháng 5 năm 1962, đã có hơn 7 vạn người Tân Cương bỏ sang Liên Xô, mang theo 220.000 con gia súc và để lại 400.000 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, đẩy nền kinh tế Tân Cương trước nguy cơ sụp đổ. Đỉnh điểm vào ngày 29/5/1962, ở nhiều nhà máy, nông trường trong khu vực Tân Cương diễn ra bạo loạn khi nhiều công nhân có cả người Hán đình công đòi vượt biên sang Liên Xô. Chính phủ Trung Quốc sau đó phải dùng biện pháp mạnh, đưa quân đội lên trấn áp, đồng thời đưa hàng vạn thanh niên Trung Quốc lên Tân Cương khai hoang và giữ biên giới. Để rồi những năm sau đó, hàng trăm nghìn đến hàng triệu cư dân người Hán đã được đưa đến Tân Cương giữ đất và làm kinh tế, mà tác động của nó là làm tỷ lệ cư dân người Hán trong vùng tăng mạnh, áp đảo các sắc dân thiểu số.
3/ Hậu quả.
Các cuộc di cư của cư dân Tân Cương vào Liên Xô năm 1962 để lại hậu quả to lớn về kinh tế và xã hội cho khu vực này, đồng thời thúc đẩy chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đẩy mạnh việc đưa người Hán đến sống ở Tân Cương. Căng thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc cũng liên tục căng thẳng trong những năm sau đó, và hai bên thậm chí vài lần đụng độ đổ máu ở biên giới Tân Cương.
Tuy nhiên, đến nhưng năm 80-90s, gió đã đảo chiều. Trong khi Trung Quốc mở cửa thành công, nền kinh tế và đời sống nhân dân cải thiện, thì ở Liên Xô khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng. Nhiều người năm xưa vượt biên qua Liên Xô đã tìm cách trở về Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ những yêu cầu này. Hàng vạn người tụ tập ở các cửa khẩu biên giới, giương những biểu ngữ tiếng Hán kêu gọi Trung Quốc cho họ trở về, nhưng đã bị lính biên phòng Trung Quốc chặn lại. Nhiều người trong số họ, trong đó có nhiều người Hán, ngậm ngùi sống nốt quãng đời còn lại trên đất Trung Á trong sự tủi nhục đã phản bội quê hương trước kia.
Cre: Long Vũ