SPACEX VÀ SỨ MỆNH ĐƯA CON NGƯỜI LÊN KHÔNG GIAN BẰNG PHI THUYỀN CỦA MỸChiều 30 tháng …

SPACEX VÀ SỨ MỆNH ĐƯA CON NGƯỜI LÊN KHÔNG GIAN BẰNG PHI THUYỀN CỦA MỸ

SPACEX VÀ SỨ MỆNH ĐƯA CON NGƯỜI LÊN KHÔNG GIAN BẰNG PHI THUYỀN CỦA MỸ
Chiều 30 tháng 5 năm 2020 (theo giờ địa phương), tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon đã rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của bang Florida (Mỹ), mang theo hai phi hành gia giàu kinh nghiệm của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) là Bob Behnken và Doug Hurley tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực du hành không gian thương mại. Chưa đầy 19 giờ sau khi được phóng lên từ bang Florida của Mỹ, tàu con thoi Crew Dragon của công ty tư nhân SpaceX đã kết nối thành công với Trạm không gian quốc tế (ISS). Theo Washington Post, tàu Crew Dragon bắt đầu kết nối với ISS vào lúc 21h16 ngày 31-5 (giờ Việt Nam), sớm hơn vài phút so với kế hoạch.
“Đó là một vinh dự thật sự khi là một phần nhỏ trong nỗ lực kéo dài 9 năm kể từ lần tàu không gian cuối cùng của Mỹ kết nối với ISS” – phi hành gia kỳ cựu Hurley phát biểu sau khi tàu kết nối thành công.
Nhờ có tên lửa đẩy tối tân Falcon 9, có tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX mà ngành du hành vũ trụ Mỹ bước sang một kỷ nguyên mới.
PHI THUYỀN CREW DRAGON VÀ CHƯƠNG TRÌNH KHÔNG GIAN CỦA SPACEX
Năm 2010, NASA (với tư cách là một cơ quan của chính phủ) đã ‘bắt tay’ với SpaceX (một tập đoàn tư nhân của tỷ phú công nghệ Elon Musk) tham gia Chương trình Phi hành đoàn Thương mại (CCDev) do chính phủ Mỹ thành lập và tài trợ.
Mục tiêu cốt yếu của SpaceX luôn là đưa con người bay vào vũ trụ, nhà sáng lập Elon Musk chia sẻ. Crew Dragon được phát triển từ Dragon 1, mẫu tàu đã thực hiện 20 nhiệm vụ mang hàng hóa lên trạm ISS từ tháng 5/2012 đến tháng 3/2020. Tương tự Dragon 1, phiên bản tàu chở người Crew Dragon có thiết kế dạng vỏ nhộng, bề ngoài gần giống với khoang chỉ huy của tàu Apollo, mẫu tàu từng đưa người lên Mặt Trăng. Tổng chiều dài của khoang chở người và phần thân này là 8,1 m, đường kính 4 m. Crew Dragon được trang bị 16 động cơ đẩy Draco để bay trên quỹ đạo, mỗi động cơ có thể tạo ra lực đẩy hơn 40 kg. Việc kết nối với ISS là một phần khó khăn và nguy hiểm trong sứ mệnh khi con tàu phải đuổi theo trạm với tốc độ hơn 28.000 km/h, nhưng lại phải tiếp cận hết sức chậm với hàng loạt công đoạn. Tuy nhiên, tàu vũ trụ của SpaceX được trang bị tính năng tự động kết nối mà không cần sự can thiệp của con người. Đây là một nâng cấp mới đáng kể sẽ hỗ trợ cho việc vận chuyển người và hàng hóa lên không gian trong tương lai.
Hai phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley, sau khi hoàn thành sứ mệnh trên ISS trong vài tuần sẽ lên tàu Crew Dragon để quay trở lại Trái đất. Crew Dragon được trang bị một lớp lá chắn nhiệt để giúp bảo vệ các phi hành gia an toàn khi đi xuyên qua tầng khí quyển và 4 chiếc dù để giúp tàu có thể hạ cánh nhẹ nhàng xuống biển Đại Tây Dương. Sau khi hạ cánh, một chiếc thuyền của SpaceX sẽ tiếp cận và đưa tàu Crew Dragon vào bờ an toàn.
Đây được coi là chuyến bay lịch sử đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2011, các phi hành gia Mỹ bay lên vũ trụ với sự hỗ trợ của tên lửa đẩy chế tạo trong nước và được phóng đi từ lãnh thổ Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên du hành không gian được phát triển thương mại, thuộc sở hữu và vận hành bởi một công ty tư nhân Mỹ chứ không phải NASA.
Crew Dragon rất khác với tàu con thoi, loại tàu được thiết kế để chở người và hàng hóa lớn hoạt động từ năm 1981 đến năm 2011. Kể từ năm 2011, sau khi ngừng chương trình tàu con thoi, NASA đã phải trả một khoản tiền khổng lồ là 90 triệu USD cho một suất ghế trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga mỗi khi cần đưa phi hành gia Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) làm việc. Đối với nhiều người Mỹ, thành công của hai phi hành gia NASA Douglas G. Hurley và Robert L. Behnken trên con tàu Crew Dragon của SpaceX đánh dấu kết thúc giai đoạn 9 năm Mỹ phải phụ thuộc vào Nga để đưa các phi hành gia lên trạm ISS. Thành công của SpaceX đã chứng minh sức mạnh hợp tác của cơ quan chính phủ và tập đoàn tư nhân; rằng Mỹ đã quay trở lại cuộc đua vũ trụ với một tâm thế mạnh mẽ để hướng tới các vì sao.
Sự kiện SpaceX đưa con người lên không gian giúp nước Mỹ bỏ lại Nga ở phía sau trong cuộc đua vũ trụ, đồng thời người Nga cũng nhận thức được mối đe dọa và thách thức mới đang chờ đón họ. Chắc chắn một điều Mỹ sẽ giảm bớt việc hợp tác với Nga trong việc du hành vũ trụ. Tàu Dragon của SpaceX có khả năng chuyên chở người nhiều gấp đôi và nó cũng hiện đại, thoải mái hơn so với tàu của Nga, vốn được xây dựng dựa trên công nghệ từ những năm 1960.
Có thể nói, sự kiện SpaceX đưa người lên ISS thành công đã cách mạng hóa chương trình không gian của Mỹ và khiến việc du hành tới các vì sao của nền kinh tế số 1 thế giới như nằm trong tầm tay, Inverse đánh giá. SpaceX đã thành công trong việc đưa con người lên không gian nhưng họ sẽ không phải công ty tư nhân duy nhất làm điều đó, Boeing cũng đang có dự án tương tự với con tàu Starliner. Boeing sẽ có một chuyến bay thử không người lái vào mùa thu này. Nếu họ thành công, Starliner có thể kết nối với trạm không gian và quay trở về an toàn thì việc Boeing đưa con người lên không gian chỉ là chuyện sớm muộn.
SpaceX rất chú trọng đến sự thoải mái của các phi hành gia. “Chúng tôi có ba cỡ ghế khác nhau, thậm chí tạo khuôn đệm xung quanh phi hành gia để không còn các điểm chịu áp lực, giúp họ có một chuyến du hành không gian dễ chịu”, kỹ sư John Federspiel tại SpaceX cho biết.
VÌ SAO NƯỚC MỸ PHỤ THUỘC VÀO PHI THUYỀN SOYUZ CỦA NGA
Sau khi ngưng chương trình Phi thuyền Con thoi (Space Shuttle program) năm 2011, Hoa Kỳ phải thuê tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa người và hàng hóa, vật dụng lên ISS.
Năm 2014, sau sự kiện Crimea và bị Mỹ cấm vận, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos là Dmitry Rogozin đã đe dọa sẽ không đưa người Mỹ lên ISS nữa. Dmitry Rogozin, khi đó là phó thủ tướng, nói rằng Mỹ cũng có thể sử dụng một tấm bạt lò xo để đưa các phi hành gia của mình lên vũ trụ nhằm dè bỉu việc người Mỹ phải dựa vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa người lên ISS. Và giờ đây, người Mỹ đúng là đã tìm ra cách riêng để đưa những nhà du hành không gian lên trời mà không cần dựa vào Nga. Ngay sau khi Crew Dragon phóng lên vũ trụ thành công, ông chủ của SpaceX, Elon Musk đã đá xoáy người Nga trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó. Musk nói rằng “tấm bạt lò xo đã hoạt động”.
Và chín ngày sau đó, trong một bài viết xuất bản trên tạp chí Forbes và đăng tải trên chuyên trang của Roscosmos, Rogozin đã mạnh mẽ tuyên bố: “Đó là cuộc chiến của họ, không phải của chúng ta!”
Trong bài viết này, Rogozin nói rằng Elon Musk đã không hạ bệ được người Nga mà chỉ là một chiến thắng trước công ty Mỹ Boeing. Ông cũng chỉ trích các chi phí liên quan đến các vụ phóng tàu vũ trụ, nói rằng Nga đang làm mọi thứ với ngân sách thấp hơn nhiều, đồng thời nhấn mạnh giá trị của nền tảng tên lửa Soyuz của Nga, ví nó như “khẩu AK-47 trong không gian”.
SpaceX đã ký với Cơ quan Hàng không Không gia Mỹ NASA hợp đồng hạ giá thành xuống chừng 55 triệu cho một phi hành gia bay lên không gian, cạnh tranh hơn rất nhiều so với cái giá 86 – 90 triệu USD của Nga đưa ra. Dù do tư nhân điều hành, SpaceX hợp tác chặt chẽ với NASA và Bộ Tư lệnh Không gian của Hoa Kỳ. Nga trong nhiều năm được hưởng độc quyền vì là quốc gia duy nhất có thể chở các phi hành gia, và việc SpaceX thành công có nghĩa là Roscosmos mất một khoản thu nhập lớn.
Ông Rogozin cho rằng Nga nên giảm giá ghế trên phi thuyền Soyuz thấp hơn 30% so với hiện nay nhằm gia tăng thị phần của Nga trên thị trường quốc tế đồng thời cáo buộc công ty Mỹ được bơm ngân sách từ chính quyền Washington, coi đây là hành vi phá giá thị trường.
Trước thông tin trên, tỉ phú Elon Musk đã viết trên Twitter: “Các tên lửa đẩy của SpaceX có mức tái sử dụng 80%, trong khi của họ (Roscosmos) thì không. Đó mới chính là vấn đề”. Ông Musk hàm ý rằng Nga sẽ chẳng bao giờ thành công cho đến khi bắt kịp công nghệ phóng tên lửa đẩy có thể tái sử dụng nhiều lần như Mỹ đã đạt được.
Đáp trả lại ông Rogozin trả lời: “Roscosmos không cần lời khuyên từ Washington”.
Một số quan chức ở Moscow đã tìm cách hạ thấp chiến công của Mỹ.
“Đây là chuyến bay đến Trạm vũ trụ quốc tế, không phải tới sao Hỏa” – Alexey Pushkov, một thành viên của Thượng viện Nga tuyên bố
Chương trình vũ trụ của Nga nổi tiếng vì đã đưa con người đầu tiên lên vũ trụ năm 1961 và phóng vệ tinh đầu tiên vào 4 năm trước đó. Tuy nhiên, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, chương trình này đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các vụ bê bối tham nhũng và một loạt thất bại khác, sự cố mất các vệ tinh và tàu vũ trụ đắt giá trong những năm gần đây.
SpaceX hay Boeing sẽ mở ra một chương mới cho du hành vũ trụ khi không chỉ các phi hành gia NASA mà nhiều người khác cũng có thể lên không gian. Với các công ty tư nhân, họ có thể bán vé du lịch không gian cho khách hàng còn với NASA, họ sẽ có thể khai thác thương mại trên trạm không gian.
“Thật tuyệt vời, sức mạnh này, công nghệ này. Đây là cảnh tượng tuyệt đẹp” – Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu khi chứng kiến buổi phóng. Ông là vị tổng thống chi mạnh tay nhất cho ngân sách của NASA trong năm tài khóa 2020 và cũng là người hối thúc NASA phải đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng năm 2024.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *