song-thap-thom-trong-nha-cho-sap-canh-danh-thang-ngu-hanh-son

Sống thấp thỏm trong nhà chờ sập cạnh danh thắng Ngũ Hành Sơn

Sống chật vật trong vùng dự án

Căn nhà nằm trên mảnh đất hơn 200m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (trú tổ 20, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) xuống cấp nghiêm trọng do nhiều năm không sửa chữa vì nằm trong vùng quy hoạch của Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Những ngày qua, ông Hùng cùng vợ tranh thủ gia cố lại trần nhà để chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp đến.

Theo lời ông Hùng, sau khi công bố quy hoạch vào tháng 6/2009, cơ quan chức năng kiểm định, áp giá đền bù với tổng số tiền khoảng 420 triệu đồng. Gia đình ông nhận hơn 200 triệu đồng tiền đền bù, chờ nhận đất tái định cư để chuyển đến nơi ở mới. Thế nhưng đã hơn chục năm qua, gia đình đợi mãi không thấy bố trí đất.

Sống hấp thỏm trong nhà chờ sập cạnh danh thắng Ngũ HànH Sơn - Ảnh 1.

Hệ thống la phong tại căn nhà của ông Hùng bị bão giật vào mùa bão năm ngoái. Ảnh: D.B

Chưa an cư nên chưa thể lạc nghiệp, ông Hùng xin chính quyền mượn tạm khu đất trống trước mặt đường để dựng quán bán tạp hoá làm kế sinh nhai.

“Cả gia đình 3 thế hệ phải sống tạm bợ trong căn nhà đã xuống cấp, muốn sửa chữa cũng không được vì vướng quy hoạch. Gia đình cũng nhiều lần có đơn xin ý kiến địa phương sửa chữa lại nhà nhưng không được đồng ý vì tất cả phải giữ nguyên trạng”, ông Hùng nói.

Trận bão tháng 10/2022 vừa qua khiến toàn bộ hệ thống la phông nhà bị gió giật nát. Cả gia đình ông Hùng đang lo mùa mưa bão sắp đến nhà có thể bị đổ sập nếu bão đổ bộ.

“Nhà cửa đã quá cũ, tôn mục nát, tường thấm ẩm. Cứ mỗi khi có bão là cả nhà phải dắt nhau xin vào chùa ở tạm. Bây giờ chỉ mong chính quyền dứt khoát rằng chúng tôi đi hay ở để yên tâm chứ sống cảnh thế này, cực lắm”, ông Hùng chia sẻ.

Tương tự, căn nhà cấp ông Nguyễn Bốn (trú tổ 19, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành) cũng ngổn ngang đồ đạc. Ông Bốn than thở: “Nắng nóng, mưa dột. Lúc thì dọn đồ đạc, bàn ghế qua đây, khi thì phải để qua kia vì bụi bặm, mưa thấm. Tôi giờ chẳng buồn dọn dẹp nữa”.

Sống hấp thỏm trong nhà chờ sập cạnh danh thắng Ngũ HànH Sơn - Ảnh 2.

Hầu hết nhà trong vùng quy hoạch đều xuống cấp. Ảnh: D.B

Theo ông Bốn, vừa qua, người dân nằm trong vùng quy hoạch được mời tham dự công bố Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Tại đây, chính quyền địa phương thông báo thời gian thực hiện giải tỏa đền bù, di dời dân sẽ được thực hiện từ đây cho đến năm 2030. Tuy nhiên, người dân cũng không mấy mặn mà bởi chính quyền còn bỏ lưng câu hỏi khi nào người dân có đất tái định cư, di dời thì chưa ấn định.

Sống hấp thỏm trong nhà chờ sập cạnh danh thắng Ngũ HànH Sơn - Ảnh 3.

Người dân mong sớm được bố trí tái định cư. Ảnh: D.B

Nhà xập xệ, xuống cấp trong nhiều năm, hầu hết người dân sống trong vùng quy hoạch của Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn đều mong mỏi được sớm tái định cư để ổn định đời sống.

“Do nhà nằm trong khu vực dự án nên nhiều năm qua chúng tôi không thể xây mới hoặc sửa chữa lớn được, chỉ mong thành phố sớm triển khai dự án để gia đình được chuyển đến nơi khác, xây nhà mới ổn định cuộc sống”, bà Lê Thị Me (trú tổ 19, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn nói.

Gỡ “nút thắt” cho dự án treo  

Từ năm 2009, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định số 4064/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Vị trí quy hoạch thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Hình thái không gian Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được cấu trúc theo ý tưởng kết nối năm ngọn núi của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ Sơn) với sông Cổ Cò và Biển Đông.

Quy hoạch sử dụng đất được chia làm nhiều khu chức năng khác nhau. Đi cùng với đó là tái cấu trúc không gian làng đá mỹ nghệ Non Nước; hình thành Bảo tàng đá duy nhất tại Việt Nam; hình thành Công viên truyền thuyết Ngũ Hành Sơn; kiến tạo lễ hội Quán Thế Âm lên tầm quốc gia; kết hợp xây dựng Làng hành hương và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng…

Thế nhưng, việc dự án treo trong nhiều năm khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn phường Hoà Hải gặp khó khăn.

Sống hấp thỏm trong nhà chờ sập cạnh danh thắng Ngũ HànH Sơn - Ảnh 4.

Nhếch nhác tại vùng quy hoạch của Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Ảnh: D.B

Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, bà Cao Thị Huyền Trân – Bí thư Quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, để sớm triển khai quyết định quy hoạch, đề nghị UBND TP lập tổ liên ngành do một Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban, Sở Văn hóa Thể thao và UBND quận Ngũ Hành Sơn làm cơ quan thường trực, cùng các sở, ban ngành để bắt tay vào việc triển khai quy hoạch.

Bên cạnh đó, sớm công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời, giải toả các hộ dân trong khu vực quy hoạch Danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hồ sơ được phê duyệt.

Bà Trân cho hay, tổng số hồ sơ nằm trong diện quy hoạch Danh thắng Ngũ Hành Sơn có 1.517 hồ sơ nhà ở. Trong thời gian qua có 681 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng, hiện còn lại 836 hồ sơ chưa được bàn giao mặt bằng, trong đó có 141 hộ dân nhận 80% tiền đền bù.

“Việc quy hoạch đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân nằm trong khu vực giải tỏa. Vì vậy, đề nghị TP.Đà Nẵng trước hết thống nhất chủ trương tiếp tục cho di dời những hộ dân đã nhận tiền đền bù để sớm ổn định cuộc sống. Các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để thu hồi đất theo quy định”, bà Trân nói.

Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn kiến nghị, rà soát và tích hợp Quy hoạch Danh thắng Ngũ Hành Sơn vào quy hoạch mà TP đang triển khai thực hiện, để đảm bảo đồng bộ thống nhất giữa các quy hoạch.

Sống hấp thỏm trong nhà chờ sập cạnh danh thắng Ngũ HànH Sơn - Ảnh 5.

Hàng trăm ngôi nhà tại vùng quy hoạch của Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn chờ sập. Ảnh: D.B

Bà Cao Thị Huyền Trân cũng khẳng định, nhiệm vụ quan trọng nhất để triển khai quy hoạch đó là nguồn lực đầu tư. Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đã đề ra 7 nhóm dự án thành phần và phân kỳ 3 giai đoạn thực hiện. Trong đó, giai đoạn năm 2023 – 2026 sẽ triển khai nhóm dự án 1,2,3 cùng với đó là một số dự án TP thuộc nhóm 6,7.

“Đề nghị UBND TP có kế hoạch phê duyệt dự án thành phần, xác định nguồn vốn của từng dự án, trong đó có nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách TP và vốn kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, đề nghị HĐND TP xem xét quyết định các danh mục dự án đầu tư trong giai đoạn trung hạn, từ đó bố trí nguồn vốn đầu tư thỏa đáng”, Bí thư quận Ngũ Hành Sơn nói.

Bí thư quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, để triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi cũng như gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch cần mời hoặc thuê tư vấn nước ngoài, các chuyên gia về văn hóa để thực hiện bảo tồn, khai thác du lịch.

Cũng tại kỳ họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đánh giá việc cụ thể hóa quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn là trách nhiệm hết sức quan trọng.

Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng đề nghị UBND TP tiếp thu các ý kiến đóng góp để xác định danh mục đầu tư trong thời gian tới, phù hợp với nguồn lực của TP, phù hợp với mục tiêu đã được Chính phủ thông qua.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *