Rất nhiều người đang sinh sống ở những căn hộ chung cư cao cấp và bình dân cũng băn khoăn sống ở chung cư có nên cúng cô hồn?
Sống ở có nên chung cư cúng cô hồn?
Đến thăm một phật tử ở chung cư đúng lúc nhà chị đang chuẩn bị cúng Rằm tháng 7. Thấy chị chỉ sắp lễ cúng Phật, cúng gia tiên, có chậu cua, cá ốc… nhưng lại không có mâm cúng cô hồn (chúng sinh) nên tôi thắc mắc.
Chị bảo, nhà ở chung cư không nên cúng cô hồn vì dễ xảy ra hỏa hoạn.
Theo chị, lễ cúng cô hồn là để bố thí thức ăn cho những vong hồn còn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không được thờ cúng – và lễ cúng cô hồn phải thực hiện ngoài địa phận nhà ở – còn ở chung cư ra hành lang, xuống mặt đất, hay nơi lò hóa mã, ngã ba đường… đều khó thực hiện lễ cúng này.
Việc cúng cô hồn ở chung cư cũng có thể làm nếu có kiến thức tâm linh, và làm thì phải thực hiện đầy đủ và hết sức cẩn thận. Một số người nhà ở mặt đất không có kiến thức tâm linh đã chọn cách gửi chút lòng thành cúng dường vào chùa nhờ các sư thầy làm giúp khóa lễ cúng cô hồn.
Sống ở chung cư cúng cô hồn thế nào?
Theo đó nhiều người dân sống ở chung cư cũng chọn cách cúng Thần linh và gia tiên ở căn hộ, chứ không cúng cô hồn tại nhà.
Theo tục lệ cổ truyền có đốt tiền mã, vàng thỏi, vàng nén mã cho cô hồn. Nhưng ở chung cư (và cả nhà bình thường) không nên mua quá nhiều vàng mã để đốt dịp Rằm tháng Bảy vì không cần thiết, lại tốn kém và nguy hiểm hơn là có thể gây ra cháy ở chung cư.
Theo nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà – Phó chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý – Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, lễ cúng cô hồn không phải ai cũng có thể làm được, mà cần phải những người có sức mạnh tâm linh mới làm được. Nếu không người cúng có thể bị vong hồn bám theo, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày.
Thông thường, cúng cô hồn phải lập một đàn tràng hoặc làm ở đình, miếu, chùa… Vì vậy tháng 7 âm lịch có rất nhiều đình, chùa, miếu tổ chức cúng cô hồn vào một ngày nhất định từ đầu tháng tới rằm.
Nhưng một số người ở chung cư vẫn có thể cúng cô hồn – đó là những gia chủ phát tâm lớn mời cao tăng, pháp sư có hiểu biết sâu về nghi lễ về lập đàn tràng cúng cô hồn tại căn hộ chung cư. Đàn tràng lập ở ban công và bày đầy đủ đàn lễ – các sư thầy bảo nhà ở chung cư đặt lễ cúng cô hồn ở ban công, chứ dứt khoát không được đặt trong căn hộ, cũng không được đặt ở bậu cửa và không quy định hướng lễ.
Mâm cúng cô hồn đơn giản và cách cúng
Lễ cúng cô hồn đơn giản, nhưng chỉ cúng đồ chay (vì dân gian cho rằng nếu như cúng đồ mặn cho cô hồn sẽ khơi dậy lòng tham, sân si khiến các vong hồn không thể siêu thoát mà còn quấy nhiễu người trên dương thế).
Lễ cúng cô hồn diễn ra từ ngày mùng 2 đến 14, nhưng cũng có người cho rằng cúng vào đúng ngày Rằm tháng 7 mới là tốt nhất. Cúng cô hồn vào đúng ngày Rằm tháng 7, hoặc ngày 14/7 âm lịch vì quan niệm dân gian cho rằng đó là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục – là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất.
Thời gian cúng cô hồn cũng không câu nệ, áp đặt đúng ngày giờ – mà tùy điều kiện, hoàn cảnh mà chọn ngày phù hợp.
Nhưng giờ cúng cô hồn tốt nhất là giờ Dậu từ 17 – 19 giờ – giờ gà lên chuồng đã chập choạng tối, dương khí giảm bớt, âm khí bắt đầu mạnh lên nhưng chưa mạnh nhất – thì cô hồn mới ăn uống được. Nếu cúng vào ban ngày, cô hồn sẽ bị ánh sáng làm cho hồn xiêu phách tán, không thụ hưởng lễ vật được.
Mâm cúng cô hồn tháng 7 Âm lịch thường có cơm vắt, cháo trắng, gạo, muối cho cô hồn. Vật phẩm cúng cô hồn tháng 7 Âm lịch là tín ngưỡng dân gian, không có quy định cụ thể và tùy phong tục vùng miền.
Mâm cúng cô hồn tháng 7 rất quan trọng, nếu cúng không đúng thì có thể phản tác dụng và dễ gặp xui xẻo hơn. Tùy vào từng vùng miền có thể thêm, bớt các vật phẩm cúng cô hồn cho phù hợp, nhưng mâm cúng cô hồn không cúng xôi, hay gà. Mâm cúng cô hồn đơn giản như sau:
Nước 3 ly nhỏ
3 nén hương
2 ngọn nến nhỏ.
Muối gạo (1 đĩa)
Tiền mã, giấy áo, vàng thoi, vàng nén, quần áo chúng sinh xếp rải ra mâm theo 4 hướng, mỗi hướng cắm 3-5-7 cây hương.
Tiền mặt (tiền thật các loại mệnh giá)
Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ)
Cơm vắt 3 vắt
Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc, lạc luộc…
Kẹo, bánh, sữa, bim bim…
Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15cm)
12 cục đường thẻ
Theo đó đồ lễ cúng cô hồn được chia thành:
– Bỏng nẻ, khoai, sắn, ngô, kẹo, bánh, sữa, bim bim dùng để cúng thai nhi, bé đỏ.
– Cháo loãng, nước mía các vong linh rất thích, vì cổ họng cô hồn bé, dễ ăn các món này.
Cách cúng cô hồn
Mâm cúng cô hồn đặt ở dưới đất, nhưng không đặt ở nơi ẩm thấp, không sạch sẽ. Gia chủ đọc văn khấn cúng cô hồn xong nên đốt vàng mã, quần áo sớm cho cô hồn nhận và lên đường trở về âm giới ngay, không luẩn quẩn ở lại làm ảnh hưởng tới gia chủ. Muối và gạo vẩy 4 phương 8 hướng – mang ý nghĩa bố thí cho các cô hồn lang thang, vất vưởng và “tiễn cô hồn”.
Đồ cúng cô hồn – là những thứ cúng ngoài nhà rất nhiều nơi không ăn mà đem rắc, hoặc cho đi – vì theo dân gian thì người âm đã “ăn” thì người bình thường ăn vào có thể bị lạnh bụng, đau ốm, ngã bệnh… Cho nên cháo trắng, bỏng nẻ cũng rắc hết ngoài đường bố thí cho các cô hồn.
Giải thích theo hướng khoa học, ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người) cho biết, những phẩm vật, đồ cúng cô hồn tháng 7 âm lịch cũng như đồ cúng chúng sinh đều ở ngoài trời khá lâu, dễ bị bụi bặm, nguội lạnh, đôi khi bị các côn trùng khác bu vào, nên không còn sạch sẽ – con người ăn vào sẽ không an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vì vậy nhiều người sau khi cúng cô hồn nếu không ăn, hoặc không tiện vẩy thì có thể cho cá, chó, lợn gà ăn.
Nhưng với các loại bánh kẹo, hoa quả có vỏ dày như vỏ chuối, bưởi, măng cụt… thì ăn được. Chỉ có chủ đàn lễ và người dâng hương là không nên ăn đồ cúng.
Lễ cúng cô hồn ngày nay một số nhà kinh doanh, buôn bán còn cúng hàng tháng để tránh bị quấy nhiễu việc làm ăn – tùy thuộc vào tín ngưỡng và điều kiện từng nhà. Cách cúng cô hồn ngoài trời theo truyền thống dân gian không cần quá phức tạp, nhưng cũng cần thực hiện đúng để mang đúng ý nghĩa nhân văn của phong tục này.
Theo dân gian, sau khi cúng cô hồn có thể còn sót vong nào đó tìm cách “ở lại” quấy nhiễu. Vì vậy gia chủ chú ý quan sát trong nhà một thời gian xem có gặp bất an (như ngủ không yên, trẻ con hay quấy khóc, uể oải, đau ốm liên miên, làm ăn không thuận…) thì có thể xử lý bằng cách làm một mâm cơm chay (hoặc mặn).
Hoặc đơn giản hơn thì cúng hoa quả, đèn, nước, bánh kẹo, một ít tiền vàng mã dâng lên bàn thờ gia tiên thành tâm khấn vái xin chư Phật, quan Thần linh thổ địa và gia tiên rằng: Sau khi làm lễ cúng cô hồn ở nhà chung cư để cứu giúp chúng sinh, cô hồn lai vãng trong nhà không siêu thoát được, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày cũng như sinh hoạt trong gia đình. Kính xin Bề trên hộ trì dẫn dắt cho các vong này trở về âm giới“.
Sau đó gia chủ đốt vàng mã gọi là “tiễn vong”. Nếu sau đó mọi việc an lành trở lại thì tốt, nếu không thì phải mời các sư thầy, hoặc thầy phong thủy, thầy cúng tới giúp đỡ.
Cúng cô hồn hàng tháng thường vào ngày mùng 2 và ngày 16 Âm lịch các tháng. Cúng phẩm cháo trắng, muối gạo –đơn giản hơn nhiều so với cúng cô hồn Rằm tháng 7.
Sau lễ cúng thì đốt vàng mã, rải gạo muối đi 4 phương 8 hướng, hoặc rắc ở ngã 3 đường – dân gian cho đó là một nghi thức tiễn cô hồn, tránh bị quấy nhiễu.
Khi đọc văn khấn cô hồn cần tĩnh tâm. Một số nơi đọc chuẩn, đúng tên tuổi địa chỉ của gia chủ, nhưng một số nhà phong thủy cho rằng không nên đọc tên tuổi địa chỉ của gia chủ – bởi ý nghĩa cúng cô hồn là sự bố thí, tấm lòng nhân văn, thương yêu chúng sinh, không cần cho biết ai bố thí.
Lưu ý quan trọng khi cúng cô hồn
– Lưu ý quan trọng: Cúng cô hồn nhất định không được cúng trong nhà mà phải cúng ở ngoài (theo dân gian để tránh đưa “ma quỷ” vào nhà).
– Trước khi cúng gia chủ ăn vận nghiêm chỉnh, sạch sẽ mới vào đàn cúng.
– Cúng xong đồ mã nên đốt ngay tại chỗ, muối gạo rải xung quanh nhà, không mang các vật phẩm cúng cô hồn vào trong nhà.
– Nếu chưa kịp thắp nhang khấn vái mà đã có người tranh nhau giật đồ thì không nên giật lại vì theo quan niệm dân gian giật lại sẽ gặp xui xẻo.