song-nam-rom-“khoac-ao-moi”-chao-don-dai-le-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu

Sông Nậm Rốm “khoác áo mới” chào đón đại lễ 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cùng với sông Đà, sông Nậm Na, nậm Mu và sông Hồng, sông Nậm Rốm tựa như một chứng tích lịch sử ghi lại những ngày tháng lập làng dựng bản của bà con người dân tộc Thái ở đất Tây Bắc. 

Sông Nậm Rốm – dòng sông bắt nguồn từ rừng gỗ lát

Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ dãy núi Pú Huổi Luông thuộc xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là dãy núi có nhiều suối, khe với lượng nước dồi dào trực tiếp đổ vào sông Nậm Rốm. Theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái, “nậm” là sông, suối, “rốm” là cây lát. Nơi đầu nguồn của Nậm Rốm có một rừng gỗ lát. Nậm Rốm tức là dòng sông bắt nguồn từ rừng gỗ lát. 

Sông Nậm Rốm

Dòng sông Nậm Rốm đã gắn liền với tín ngưỡng, phong tục tập quán của bà con người Thái ở tỉnh Điện Biên. Hiện 2 bên bờ của dòng sông đã được kè tạo cảnh quan cho thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Thuần Việt

Sông Nậm Rốm có chiều dài khoảng 35km, chảy theo hướng Bắc – Nam, qua địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, sau đó nhập với sông Nậm Núa trước khi hòa vào sông Mê Kông. Nậm Rốm được ví như dải lụa mềm chảy qua núi đồi của tỉnh Điện Biên. Nhiều đoạn sông Nậm Rốm vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của một dòng sông ở miền núi. Khi  chảy về đến khu vực lòng chảo Mường Thanh thì hai bên bờ sông mở rộng nuôi dưỡng cánh đồng Mường Thanh tươi tốt.

Sông Nậm Rốm

Cây cầu Mường Thanh – là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Nậm Rốm do người Pháp xây dựng. Ảnh: Viết Niệm

Theo truyền thuyết mà bà con người Thái đất Mường Trời (Mường Thanh – Điện Biên) kể lại, Nậm Rốm được khai phá bởi một nhân vật thần thoại ông khổng lồ có tên là Ải Lậc Cậc. Một hôm Ải đang cày ruộng thì lỡ tay đánh rơi viên đá lửa xuống sông Nậm Rốm. Để tìm lại viên đá lửa, Ải dùng chân gạt phăng những ghềnh đá ở sông Nậm Rốm. Vì thế mà lòng sông Nậm Rốm chỉ có đá về hai phía thượng nguồn và hạ lưu, còn đoạn trung lưu giữa thành phố Điện Biên Phủ (nơi Ải Lậc Cậc tìm đá lửa), tới giờ cũng chỉ có đất.

Sông Nậm Rốm gắn liền với lịch sử đất Điện Biên

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, người Pháp cho xây dựng cây cầu Mường Thanh nối giữa đôi bờ sông Nậm Rốm (nay là di tích Cầu Mường Thanh). Người Pháp gọi là cầu “Bailey”. Cây cầu sắt duy nhất được xây dựng vào năm 1953, khi Pháp chiếm lại Điện Biên Phủ.

Sông Nậm Rốm

Dọc hai bên bờ sông Nậm Rốm đã được kè kiên cố. Giờ nơi đây thành con đường đi bộ cho cư dân thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Thuần Việt

Cây cầu là con đường huyết mạch quan trọng nối giữa các cứ điểm ở phía Tây sông Nậm Rốm với các cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là con đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược … nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông.

Sông Nậm Rốm

Sông Nậm Rốm gắn bó với sự biến thiên của lịch sử đất Mường Trời. Ảnh: Thuần Việt

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đời sống của người dân Điện Biên vẫn gặp vô vàn gian nan, khó khăn. Dù có cánh đồng “nhất Thanh” rộng lớn nhưng do thiếu nước sản xuất nên chưa đáp ứng được nhu cầu lương thực của người dân.

Sông Nậm Rốm

Những công đoạn cuối cùng đang được đơn vị gấp rút thi công hoàn thành hành lang bảo vệ bên bờ hữu sông Nậm Rốm. Ảnh: Thuần Việt

Năm 1963, để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, Đảng và Nhà nước đã quyết định đầu tư công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ hai của cả miền Bắc khi đó chỉ sau công trình thủy nông Bắc Hưng Hải.

Sông Nậm Rốm

Khách sạn Nậm Rốm nằm bên bờ sông Nậm Rốm thơ mộng. Ảnh: Thuần Việt

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Điện Biên” vay vốn ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). UBND tỉnh phân công Ban quản lý dự án các công trình NNPTNT tỉnh Điện Biên đứng ra làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Sông Nậm Rốm

Việc đầu tư kè hai bên bờ sông Nậm Rốm đã tạo điểm nhấn cho thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh; Thuần Việt

Dự án sẽ được triển khai xây dựng trong 5 năm 2021-2025 với tổng số vốn hơn 981 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho dự án bao gồm 665,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, 275 tỷ đồng từ vốn đối ứng và 40,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ không hoàn lại của EU.

Theo đó, tỉnh Điện Biên sẽ xây dựng 14,7km kè dọc sông Nậm Rốm, xây đập tràn và nạo vét một số đoạn sông. Dự án cũng sẽ bao gồm việc xây dựng một hệ thống giám sát, nâng cao năng lực quản lý nhiều thảm họa và các hoạt động truyền thông. Hiện tại việc kè hai bên bờ đã hoàn thành. Đơn vị thi công cũng đang gấp rút lắp đặt hàng rào sắt bảo vệ hai bên bờ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *