Lễ hội Gầu Tào lần đầu tiên được tổ chức quy mô cấp huyện
Lễ hội Gầu Tào là truyền thống văn hoá lâu đời của đồng bào Mông mang đậm bản sắc dân tộc, phản ánh đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của dân tộc Mông. Để phát huy gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, Lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức sau Tết Nguyên Đán của dân tộc Việt Nam (từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hằng năm).
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Mông, truyền thống đó đã được cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Khương bảo tồn, gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.
Để tổ chức Lễ hội Gầu Tào, huyện Mường Khương đã giao cho UBND xã Pha Long chuẩn bị cây nêu và lễ tế dân gian dựng theo phong tục; bố trí người chủ tế và tổ chức hành tế theo tập quán cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông.
Ông Lù Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai), cho biết: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Gầu Tào đang được tích cực triển khai, xã đã mời được các chủ tế, dọn dẹp vệ sinh khu vực Lễ hội. Tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia Lễ hội.
Theo ông Cường, điểm mới của Lễ hội Gầu Tào năm nay là lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp huyện do UBND huyện Mường Khương tổ chức. Do vậy, sẽ có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, trò chơi dân tộc hấp dẫn hơn. Đồng thời, chủ động mời đại biểu phía nước Trung Quốc tham gia giao lưu…
Lễ hội Gầu Tào diễn ra vào tháng giêng âm lịch hàng năm nhưng việc chuẩn bị cho Lễ hội được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng cây nêu. Trước Tết khoảng 1 tuần, chủ lễ và những người giúp việc tiến hành chặt tre để dựng cây nêu. Cây tre được chọn phải là cây thẳng, đều dóng, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây phải hướng về phía mặt trời mọc, cây cao tầm từ 9 đến 12 mét.
Trước khi dựng cây nêu, chủ cúng phải mổ gà, thắp hương khấn các vị thần xin phép tổ chức Lễ hội Gầu Tào. Trước khi cây nêu được dựng ông chủ lễ buộc lên ngọn cây một dải vải lanh màu đen và một dải vải lanh màu đỏ, một bầu rượu, ba bông lúa nếp và một túm cây “sưi” (họ dương xỉ, tượng trưng cho sự sinh sôi) rồi mọi người cùng nhau dựng nêu, quay ngọn về hướng mặt trời mọc. Mảnh vải lanh treo ở cây nêu trong lễ hội, trở thành biểu tượng với nhiều tầng ý nghĩa; đó là dấu hiệu mời tổ tiên về dự hội chung vui cùng con cháu.
Lễ hội Gầu Tào để tạ ơn thần linh
Anh Vàng Seo Tỉn, xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, chia sẻ: Háo hức lắm, bởi Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông chúng tôi và được cộng đồng dân tộc Mông thuộc huyện Mường Khương gìn giữ từ xưa đến nay.
Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, mọi người sẽ lên đồi Gầu Tào khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Lễ khai mạc Lễ hội Gầu tào sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 13/02/2024 (tức ngày 04 tháng giêng năm Giáp Thìn 2024).
Tại Lễ hội Gầu tào sẽ diễn ra các hoạt động, như chủ tế thực hiện Nghi lễ tế truyền thống; chương trình văn nghệ chào mừng; tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian (bắn nỏ, đánh quay, đẩy gậy, ném còn, kéo co, đu quay, múa khèn, múa xinh tiền, đánh yến, chọi gà, chọi chim…) trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Chương trình diễn ra quanh khu vực cây nêu theo nét văn hoá truyền thống của dân tộc Mông.
Bên cạnh đó, du khách, bạn bè thập phương sẽ được thưởng thức ẩm thực đặc sắc vốn có của huyện Mường Khương, gồm: Thắng cố ngựa, xôi bảy màu, bánh chưng đen, phở chua, phở cuốn, mèn mén và các sản phẩm sẵn có của địa phương, do các xã và các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia.
Thông qua Lễ hội phản ánh các hoạt động văn hoá tinh thần, phong tục tập quán tốt đẹp lâu đời lành mạnh, đúng bản sắc của dân tộc Mông qua đó thắt chặt mối quan hệ với các dân tộc khác trong huyện, tạo nên nét văn hoá đa dạng phong phú, từng bước khai thác và phát triển nền văn hoá này gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Đây cũng là dịp để cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc hăng say lao động sản xuất, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Lễ hội Gầu Tào năm 2024 được tổ chức tại thôn Pha Long 2, xã Pha Long, huyện Mường Khương trong thời gian 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15/02/2024 (tức từ ngày 04 đến ngày mùng 6 tháng giêng năm Giáp Thìn).
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông.
Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12 năm 2012), loại hình Lễ hội truyền thống.