“soc”-voi-con-so-cua-lao-dong-phi-chinh-thuc-tham-gia-bao-hiem

“Sốc” với con số của lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm

Nhiều rào cản khiến lao động tự do “ngại” tham gia BHXH tự nguyện

Sáng nay (23/4, Báo Kinh tế Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Thọ – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, năm 2022 có hơn 1,4 triệu lao động tham gia BHXH tự nguyện (đạt độ bao phủ 3,18%). Năm 2023 có hơn 1,9 triệu người lao động tham gia BHXH tự nguyện (độ bao phủ 4,09%). Năm 2024 hơn 2,5 (5,63%) triệu lao động.

Ông Thọ cho rằng, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tự nguyện thấp là bởi đa phần lao động tự do có thu nhập thấp, bấp bênh, thiếu ổn định. Người dân ít quan tâm tới tương lai chỉ quan tâm bài toán mưu sinh trước mắt.

“Ngoài ra một loạt các vấn đề như: Tâm lý ‘trẻ cậy cha, già cậy con’ nên không muốn đóng BHXH; sự hỗ trợ nhà nước thấp; quyền lợi còn ít; thời gian đóng dài, tiền lương hưu thấp; nhiều thông tin sai lệch về cách đóng – hưởng BHXH… cũng là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không mặn mà với BHXH tự nguyện”, ông Thọ liệt kê nguyên nhân.

BHXH tự nguyện

Nhiều lý do khiến lao động ngại tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: N.T

Bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông, BHXH Hà Nội cho rằng ngoài những nguyên nhân trên thì có một nguyên nhân nữa mà bà thấy đó là rất khó để đưa ra một con số cụ thể mức hưởng của người lao động trong tương lai. Điều này gây bất lợi khi tuyên truyền người dân mua BHXH tự nguyện.

Chia sẻ về đề xuất bắt buộc tham gia BHXH tự nguyện, bà Châu cho rằng rất khó để thực hiện điều này. Lý do là bởi thu nhập lao động tự do thấp, nhà nước thì không có đủ nguồn lực để hỗ trợ đóng bắt buộc cho lao động. “Theo tôi nên xây dựng chính sách linh hoạt hơn để lao động có thể tham gia theo mong muốn”, bà Châu nói.

“Cần có chính sách lương hưu tối thiểu. Tức là nếu lao động nghỉ hưu, mà tiền lương không đủ sống thì phải được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Ngoài hỗ trợ từ nhà nước có thể huy động thêm nguồn lực xã hội hóa đóng góp vào quỹ này. Đây là những giải pháp giúp lao động tự do yên tâm tham gia BHXH tự nguyện”.

Bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Cũng theo bà Châu, trước đây chúng ta quy định lao động phải ký hợp đồng 3 tháng mới tham gia BHXH bắt buộc, nhưng giờ luật quy định lao động ký hợp đồng 1 tháng là phải đóng BHXH bắt buộc. Còn nếu Việt nam quy định đóng BHXH bắt buộc với lao động tự do thì chắc cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể.

Đồng tình với quan điểm bà Châu trong việc khó có thể yêu cầu đóng BHXH bắt buộc với nhóm lao động phi chính thức. Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng cần chính thức hóa việc làm phi chính thức cho 1 bộ phận lao động phi chính thức có điều kiện. VD như: Grab; Uber; giúp việc gia đình…

Giải pháp nào để lao động tham gia BHXH tự nguyện nhiều hơn

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội – Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII (Nhiệm kỳ 2011 – 2016) cho rằng hiện nay chính sách pháp luật trong lĩnh vực BHXH đã tốt hơn nhưng thực tế vẫn chưa đạt được mục tiêu bao phủ BHXH.

“Cần xem thiết kế chính sách BHXH hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, cần truyền thông thay đổi tâm lý của người dân khi tham gia BHXH trong việc đóng – hưởng BHXH”, bà An nói.

Chia sẻ về giải pháp, bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng chính sách pháp luật cũng đã hoàn thiện nhất định, tuy nhiên, các giải pháp thực thi còn nhiều hạn chế.

Bà Lan cho rằng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều điểm mới, nhưng để biết có hấp dẫn không còn phải qua thực tiễn. Bà Lan cho rằng hấp dẫn nhất là bổ sung chính sách BHXH tự nguyện bổ sung thêm chế độ thai sản; ốm đau; giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu… đây là những điểm mới để tăng sức hút với lao động tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH tự nguyện

Các chuyên gia bàn thảo về giải pháp nhằm “hút” lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: KTĐT

GS.TS Giang Thanh Long – Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng cần xóa bỏ khoảng cách lao động chính thức, và lao động phi chính thức. Lao động khu vực chính thức được bảo vệ rất chắc chắn, trong khi đó lao động khu vực phi chính thức vốn đã là yếu thế lại chỉ được bảo vệ bởi 2 chế độ lâu dài (hưu trí; tử tuất) mà chính sách trước mắt như: thai sản; ốm đau lại không được nhận. Điều này là bất cập cần được điều chỉnh ngay.

“Ngoài ra, tôi cho rằng cần minh bạch hơn thông tin đóng – hưởng BHXH với lao động qua phần mềm bảo hiểm điều này giúp lao động yên tâm hơn khi tham gia”, ông Long nói.

Bà Lan chia sẻ thêm về giải pháp: “Trong bối cảnh thị trường lao động biến động, lao động hôm nay có thể làm này khu vực này, mai có thể làm khu vực khác. Vì thế chỉ nên quy định chủ sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động nói chung chứ không nên quy định chủ sử dụng lao động chỉ đóng cho người lao động ở công ty. Có thể tính toán để người sử dụng đóng BHXH vào quỹ BHXH nói chung để tất cả người lao động được hưởng”.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần hướng tới sự phát triển bền vững. Nhà nước có thể tăng cường chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống có tiền tham gia BHXH tự nguyện.

“Cần truyền thông về tư duy đóng – hưởng cho lao động. Nếu khi đóng – hưởng mà mức hưởng vẫn thấp, mục tiêu không đạt được thì lúc đó nhà nước có thể hỗ trợ”, các chuyên gia kiến nghị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *