Chiều 16/8, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa xảy ra trường hợp người đàn ông tử vong do nhiễm bệnh dại.
Người nhiễm bệnh dại là ông Lê Văn Tại (SN 1973, quê quán ở ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).
Theo kết quả xác minh, khoảng 6 tháng trước, ông Tại chạy xe ôm chở khách đi khám bệnh. Khi xuống bến phà Cồn Chín Liên, xã An Thạnh Tây có cán qua chân con chó nhỏ và bị cắn ngay đầu ngón chân cái (chảy máu) nhưng không được xử lý gì và cũng không đi tiêm ngừa. Lúc này, ông Tại không nhớ rõ chó màu gì và không biết của ai.
Cách đây khoảng 1 tháng, ông Tại được người quen báo có chó lạ hay cắn gà, cắn vịt tại ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú. Sau đó, ông Tại đánh chết con chó, đem về làm thịt.
Đến 9 giờ ngày 3/8, ông Tại có triệu chứng ớn lạnh, sợ nước, sợ gió. Đến khoảng 14 giờ người nhà đưa ông đến Trung tâm Y tế huyện Long Phú nhập viện và điều trị. Đến khoảng 18 giờ, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng.
Một ngày sau đó, ông Tại được người nhà xin chuyển lên Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP.Cần Thơ). Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày nặng thêm với triệu chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, mệt, khó thở, chảy nước bọt liên tục, lên cơn co giật khi có gió hoặc ánh sáng.
Ngày 5/8, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Bác sĩ cho làm xét nghiệm PCR virus dại. Kết quả dương tính với virus dại. Đến ngày 6/8, ông Tại được Bệnh viện bệnh Nhiệt đới chuyển về nhà và ông tử vong vào ngày 7/8.
Liên quan đến trường hợp trên, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho hay, chiều ngày 6/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhận được thông báo từ Viện Pasteur TP.HCM về một bệnh nhân dương tính với virus dại có địa chỉ tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, được điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Qua xác minh sơ bộ thông tin dịch tễ ca bệnh liên quan đến 2 huyện Long Phú và Cù Lao Dung. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đề nghị các đơn vị có liên quan xác định yếu tố dịch tễ của ca bệnh.
Đồng thời, tìm kiếm trong các khu vực liên quan những người có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh dại. Cụ thể là những người bị chó, mèo, động vật có vú cào, cắn, kể cả khi không chảy máu; những người bị tổn thương khi tham gia bắt giữ, làm thịt hoặc ăn động vật có nguy cơ mắc bệnh dại.
Cùng với đó là vận động các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm đi tiêm chủng phòng bệnh dại càng sớm càng tốt, đảm bảo đủ liều và theo khuyến cáo của Bộ Y tế đối với từng mức độ nguy cơ…
Đối với các cơ sở y tế trực tiếp tiếp nhận điều trị bệnh nhân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát và đánh giá nguy cơ phơi nhiễm của nhân viên y tế và những người có liên quan đối với chất tiết mang mầm bệnh dại của bệnh nhân.
Vận động người có nguy cơ thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, do không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây truyền từ người sang người về mặt lý thuyết.