(Bài viết thể hiện dưới góc nhìn số phận của người phụ nữ phong kiến)
Lý Chiêu Hoàng ( hay Lý Chiêu Thánh, Lý Phế hậu) là hoàng đế thứ 9 và là hoàng đế cuối cùng của triều Lý. Bà được chính cha mình là Lý Huệ Tông, (người được cho là bị bệnh điên lúc tỉnh lúc mơ) chỉ định làm tân hoàng đế khi chỉ 7 tuổi. Vào thời điểm này nhà Lý đã không còn đủ sức cai trị đất nước, quyền lực bộ máy nhà nước ngày càng tập trung vào tay nhà họ Trần. Với việc xung quanh Chiêu Thánh toàn là quyền lực của nhà họ Trần thì việc mất nước vào tay họ khác chỉ là vấn đề thời gian. Mẹ của bà là Linh từ quốc mẫu ( Trần Thị Dung) cùng với người cậu bên ngoại là quan đại thần Trần Thủ Độ đã có công rất lớn trong việc thành lập nhà Trần. Ngay từ đầu Trần Thị Dung đã xác định cơ đồ của họ Trần là tất cả nên bà đã không màng đến sự bất trung với nhà Lý và sự bội tình với Lý Huệ Tông nói riêng. Bất trung ở đây là bà đã cấu kết với Trần Thủ Độ ép chính con gái mình ban chiếu nhường ngôi mặc cho cơ đồ 200 năm của nhà Lý. Còn bội tình ở đây sự bội bạc đối với Lý Huệ Tông, sự đáp trả tình cảm quá vong ơn bội nghĩa với ông và người họ Lý. Cay đắng hơn hết là bà không giữ được tiết hạnh của mình thì thôi, lấy người khác không lấy lại lấy người đã khiến chồng mình phải chết. Quay lại với Lý Chiêu Hoàng, bà bị ép thành thân với Trần Cảnh khi cả hai chỉ là hai đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên chưa hiểu được tầm quan trọng của cuộc hôn nhân chính trị này, cuộc hôn nhân sẽ chấm dứt triều Lý một cách “danh chính ngôn thuận”. Ta không biết liệu tình yêu có tồn tại giữa hai người hay không nhưng với việc bên cạnh nhau từ lúc ấu thơ thì hai người họ như một cặp thanh mai trúc mã gắn bó bên nhau mặc cho sự khủng hoảng chính trị ngoài kia. Gắn bó được khoảng 10 năm thì Trần Thái Tông bị ép phải phế hậu vì họ Trần lo Long mạch sẽ đứt đoạn, vì hoàng tử Trần Trịnh chết yểu và sau đó Lý hậu cũng chẳng mạng được thêm một mụn con nào. Qua đây ta thấy Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng có duyên gặp nhau nhưng không có phận bên nhau. Bên cạnh đó là sự tính toán cẩn thận của Trần Thủ Độ về một tương lai tươi sáng, bền vững cho họ Trần. Sau này khi đã bị phế thì Lý Chiêu Hoàng trở thành Chiêu Thánh công chúa đến năm 40 tuổi thì được gả cho Lê Phụ Trần bởi có công lao to lớn với đất nước bởi chính tay vua Trần Thái Tông ban chỉ. Một người đã từng là vợ mình, dâng cả giang sơn cho mình mà nay lại chính tay đem gả cho kẻ khác thì liệu có quá tàn nhẫn. Ngay cả sử gia Ngô Sĩ Liên cũng bất bình với hành động của vua Trần. Nhưng liệu bỏ qua cái oan trái này thì Trần Cảnh có phải đang mong muốn bà có được một nơi nương tựa, che chở danh chính ngôn thuận trước thế lực Trần Thủ Độ luôn mong muốn xoá bỏ tàn dư đời trước hay không?
Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!
Bà qua đời năm 1278, thọ 60 tuổi, bà ra đi sau gần tròn một năm Trần Thái Tông băng hà. Chấm dứt một cuộc đời sóng gió của kẻ tội đồ làm mất nhà Lý, của một người phụ nữ không có được quyền quyết định số phận của mình ngay khi đã là bậc chí tôn.
( Bài viết mang tính tham khảo)
Ảnh: internet