Số người nghèo tại Nga sẽ giảm nếu lạm phát giảm 

Tỷ lệ người Nga có thu nhập dưới mức sinh hoạt tối thiểu (10.753 rúp- khoảng 170 USD) trong quý I năm 2019 là 14,3%, tương đương 20,9 triệu người. Con số này cao hơn 0,4 % so với năm 2018, khi tỷ lệ người nghèo là 13,9%, tương đương 20,4 triệu người. Rosstat (cơ quan thống kê LB Nga)nhấn mạnh rằng, tỷ lệ người nghèo tăng là do mức sinh hoạt tối thiểu tăng so với chỉ số giá tiêu dùng. Thống kê cho thấy, mức sinh hoạt tối thiểu tăng 7,2% (từ 10.038 rúp của quý I năm 2018 lên 10.753 rúp của quý I năm 2019), trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,2%. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2012, số người sống trong đói nghèo tại quốc gia này đã giảm 25 triệu người. Dù vậy, tiến độ đã bị đình trệ do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế, những biện pháp trừng phạt và chính sách vốn ưu tiên ổn định kinh tế hơn tăng trưởng và thịnh vượng.

Báo cáo của Rosstat cũng lưu ý một thực tế rằng quý đầu tiên trong năm thường là “thời điểm kém nhất” về thu nhập, khiến cho tỷ lệ nghèo trở nên cao nhất. Bởi vậy, để số liệu thống kê có tính chính xác cao, nên ước tính số lượng người nghèo vào cuối năm, khi có thể tính đến tất cả các khoản thanh toán hàng năm và theo mùa, cũng như các khoản thu nhập khác. Các số liệu ước tính theo quý có thể rất khác với số liệu thống kê theo năm, thậm chí còn có thể bị biến động đáng kể theo mùa.

Giảm tỷ lệ người nghèo, cải thiện đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Nga từ vài năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện khách quan như giá dầu trồi sụt và không đứng ở mức cao, thì cuộc chiến trừng phạt cấm vận giữa Nga và phương Tây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến đời sống của người dân Nga gặp khó khăn hơn.

Tổng thống Vladimir Putin cũng đã lùi mục tiêu giảm số người nghèo xuống dưới 10 triệu người từ năm 2024 đến 2030 như một phần của việc thiết lập lại các dự án quốc gia trị giá 360 tỷ USD đầy tham vọng. Nga chi hơn 3% GDP – tương đương 30 tỷ USD – cho các chương trình trợ giúp xã hội. Mức chi tiêu này cao hơn ba lần tổng thâm hụt thu nhập của tất cả hộ nghèo. Tuy nhiên, có rất ít chương trình nhắm mục tiêu cụ thể đến xóa đói giảm nghèo. Thay vào đó, Nga chi hàng tỷ USD hỗ trợ các cá nhân hoặc hộ gia đình như như cựu chiến binh hoặc gia đình có con nhỏ, bất kể mức thu nhập. Việc chi tiêu như vậy không hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo vì chỉ một phần được dành cho các hộ nghèo nhất. Trong năm 2018, chỉ 10% chi tiêu của chính phủ dành cho 13% người Nga sống trong cảnh nghèo khó.

Ngân hàng thế giới (WB) đã khuyến nghị Nga thay đổi chính sách phúc lợi nếu muốn giảm số người nghèo. Ước tính, “thu nhập tối thiểu bảo đảm” có thể giúp Nga đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo với chi phí bằng 0,3% GDP hằng năm. Điều này cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. “Thu nhập tối thiểu bảo đảm” có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của Nga do các hộ gia đình thu nhập thấp nhiều khả năng sẽ tăng chi tiêu thay vì tiết kiệm, từ đó dẫn đến thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách này cũng có thể giải quyết vấn đề năng suất thấp của Nga vì các hộ gia đình có thu nhập thấp thường buộc phải đưa ra các quyết định ngắn hạn gây tổn hại đến tiềm năng thu nhập trong dài hạn.

Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga, lạm phát ở Nga vào cuối năm 2022 sẽ là vào khoảng 20% và sẽ chỉ có thể trở lại mức mục tiêu là 4% sau 2 năm nữa. Theo giới phân tích có nhiều điều phụ thuộc vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga còn diễn ra trong bao lâu và thị trường mua bán ở Nga sẽ phục hồi nhanh ở mức độ nào. Tính đến ngày 8/4/2022, lạm phát lương thực là hơn 19%. Một trong số ít các mặt hàng gần như không tăng giá hoặc tăng rất nhẹ tại Nga đó là xăng và rượu vodka. Hàng hoá thực phẩm ở Nga lúc này không thiếu nhưng giá cả tăng cao cho dù đồng Ruble được cho là đã phục hồi mạnh mẽ và tiệm cận với mức trước thời điểm chiến sự. Hơn một nửa số người Nga đã bắt đầu chi tiêu tiết kiệm với thực phẩm và các chuyến đi du lịch. Theo Hãng thông tấn Ria Novosti, có đến 2/3 người Nga đã quan tâm nhiều hơn đến chi phí hàng hóa trong tháng vừa qua và gần 1/3 người dân đã đến các cửa hàng bình dân hơn để tiết kiệm tiền. Sự chuyển hướng nhu cầu sang phân khúc giá rẻ được cho là lẽ đương nhiên, đặc biệt là ở những khu vực mà người tiêu dùng vốn nhạy cảm hơn với giá thực phẩm.

Trong lúc này, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, sẽ không giảm lạm phát bằng bất kỳ cách nào vì điều này sẽ cản trở sự thích ứng của hoạt động kinh doanh. Giá cả một số mặt hàng tại Nga sẽ có thể còn tiếp tục tăng khi nền kinh tế Nga bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu và tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới. Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cơ bản từ 20% xuống 17%.

Trong diễn biến mới nhất, hôm 25/4/2022, theo đề xuất của Tổng thống V.Putin, Ngân hàng Ngoại thương Nga có thể mở rộng việc cấp bảo lãnh cho vay không chỉ đối với các doanh nghiệp xương sống, mà còn đối với các tổ chức khác chưa có tư cách như vậy nhưng đã vượt chỉ tiêu dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất. Thứ hai là hoãn đóng phí bảo hiểm quý II trong 1 năm đối với một loạt công ty, còn đối với các doanh nghiệp sản xuất là cả trong quý III/2022. Danh sách này không bao gồm các nhà xuất khẩu, các công ty trong lĩnh vực tài chính, thương mại bán buôn và khu vực công. Chính phủ sẽ xác định danh sách chính xác các lĩnh vực. Theo Tổng thống Putin, biện pháp như vậy sẽ ảnh hưởng đến hơn 2,8 triệu doanh nghiệp sử dụng gần 52 triệu người, sẽ cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 1,1 nghìn tỷ RUB, thêm 500 tỷ RUB trong quý III. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng đề xuất giảm lãi suất thế chấp ưu đãi từ 12% xuống 9% và kéo dài chương trình đến hết năm 2022.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *