Những bản dịch kinh Phật đầu đầu tiên được cho là thực hiện thời Hán Minh Đế. Truyền thuyết kể rằng do một giấc mơ mà Minh Đế đã cử người tây tiến và mời về các vị sự tăng Ấn Độ đến Trung Quốc để dịch kinh, trong đó có bộ Tứ Thập Nhị Chương Kinh. Tuy nhiên, bộ Tứ Thập Nhị Chương Kinh hiện thời được cho là bản dịch về sau.
Những bản dịch cổ nhất hiện còn được thực hiện bởi An Thế Cao và Chi Lâu Ca Sấm(Lokakṣema), những vị này đến Trung Quốc khoảng giữa thế kỷ thứ 2. An Thế Cao là hoàng từ của nước An Tức (Parthia) nhưng không thích kế thừa ngai vàng mà lại thích đi tu. Sau khi thông thạo giáo lý của Phật, ông có dịp sang Trung Quốc học ngoại ngữ và dịch khoảng 35 bộ kinh Phật chủ yếu thuộc hệ phái Tiểu Thừa.
Chi Câu La Sấm đến Trung Quốc khoảng cùng thời gian với An Thế Cao và dịch 12 bộ kinh sang tiếng Trung, đa số kinh thuộc hệ phái Đại Thừa, trong đó có bộ Bát Thiên Tụng Bát Nhã Kinh (Tiểu Phẩm Bát Nhã) còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều thuật ngữ không thể dịch được chuyển ngữ trong bản dịch của Chi Câu La Sấm không có liên hệ với thuật ngữ tương đương của tiếng Phạn, có thể bản kinh Chi Câu La Sấm dùng để dịch không phải bản viết bằng tiếng Phạn.
Người Trung Quốc thời bấy giờ cảm thấy bộ Tiểu Phẩm Bát Nhã cực kỳ khó hiểu, do đó một học giả tên là Chu Sĩ Hành đã quyết định tây tiến để tìm một bản sao khác dễ hiểu hơn của bộ kinh. Ông đến Vu Điền (Khotan) và tìm được một bản của Bát Nhã Ba Ba La Mật Kinh hoản chỉnh, lúc đó đang bị đốt dở vì kinh Đại Thừa được xem là dị giáo. Ông gửi kinh về Trung Quốc và bản dịch được biết đến ngày nay với tên Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng Bát Nhã Kinh (Đại Phẩm Bát Nhã).
Khi kinh Phật lần đầu được dich và truyền bá vào Trung Quốc khoảng thế kỷ thứ 2 và 3, để đối phó với những thuật ngữ xa lạ và những khái niệm khó hiểu, các Phật tử Trung Quốc đã sử dụng những khái niệm Đạo giáo thay thế, hình thành một loại Phật giáo gọi là Phật giáo Cách nghĩa: Phật giáo dùng từ vựng Đạo giáo đế giảng giải. Một Phật tử nhiệt thành, Đạo An, không bằng lòng với điều này, và cả đời ông chỉ khát khao hiểu đúng giáo lý Phật giáo, ông rất tích cực học hỏi từ những vị sư đến từ Trung Á và Ấn Độ nhưng không thỏa mãn. Những vị sự này gợi ý cho ông một học giải xuất sắc tên là Cưu Ma La Thập. Đạo An nài nỉ vua Phù Kiên thời Tiền Tần mời Cưu Ma La Thập đến Trung Quốc. Phù Kiên đồng ý nhưng khi Cưu Ma La Thập đến đường Trường An thì Đạo An đã chết được 16 năm. Đạo An chính là người đã khởi xướng Phật tử lấy họ Thích theo âm đầu tiên của tên dòng họ nhà Phật. Trong khoảng thời gian Đạo An chấn chỉnh Phật giáo, một số lượng lớn kinh mới cũng được dịch, bao gồm cả bộ Trung A-hàm và Tăng Nhất A-hàm, Tỳ Bà Sa Luận và nhiều phần Luật tạng.
Cưu Ma La Thập (Kumārajīva) là một trong bốn dịch giả kinh Phật thuộc hàng lỗi lạc, có ảnh hưởng lớn nhất đến Phật giáo Trung Quốc. Cưu Ma La Thập là một người uyên bác thông thạo cả kinh Tiểu thừa, Đại Thừa và Vệ Đà, ông đã chỉ ra những lỗi sai và thiếu sót của những bản dịch trước, đồng thời làm rõ những điểm khó hiểu. Người Trung Quốc đã không thể hiểu nổi kinh Phật cho đến khi có những bản dịch, bài giảng và chú giải của Cưu Ma La Thập. Từ năm 401 đến lúc chết, Cưu Ma La Thập đã dịch 35 bộ cả kinh và luận. Bao gồm cả Đại Phẩm Bát Nhã, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, A Di Đà Kinh, Đại Trí Độ Luận, Trung Quán Luận Tụng, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận, và Luật Thập Tụng. Vua Diêu Hưng phong Cưu Ma La Thập là Quốc Sư, ngưỡng mộ ông đến nỗi do sợ một tài năng lớn không có người nối dõi nên vua cho 10 thiếu nữ trẻ đẹp chỉ chờ hầu hạ Cưu Ma La Thập.
Trước khi Cưu Ma La Thập đến Trung Quốc 2 năm, tức năm 399, một ông cụ thấy rằng sự cần thiết của việc đọc hiểu kinh Phật không thể ngồi há miệng chờ sung, hy vọng các cao tăng nước ngoài sẽ đến một ngày nào đó, nhất là khi cụ đã trên 60, cái tuổi của những người sắp gần đất xa trời thời bấy giờ. Ông cụ quyết định ra đi, quyết tìm cho được bộ Luật tạng gốc hoàn chỉnh. Ông cụ chính là cao tăng Pháp Hiển, một trong ba nhân vật xuất hành thỉnh kinh nổi tiếng nhất của Trung Quốc, bên cạnh Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Ông kể lại chuyến đi của mình trong cuốn Phật Quốc Ký. Cuốn sách thuật lại một chuyến đi trèo đèo lội suối với nhiều khó khăn và nguy hiểm. Pháp Hiển đi cùng 4 người đồng hành. Hai người bỏ cuộc giữa chừng, một người bị bệnh chết trên đường, một người đến được đất Phật và quyết định ở lại vì cho rằng không thể học Phật thấu đáo nếu quay lại Trung Hoa. Sau khi qua hàng loạt cách thánh tích, Pháp Hiển đến tận Sri Lanka và có được bộ Luật Ngũ Phần, Trường A-hàm, Tạp A-hàm. Sau 2 năm ở Sri Lanka, Pháp Hiển tình cờ thấy một chiếc quạt lụa trắng của Trung Quốc, cảm xúc ùa về sau mười mấy năm xa quê, nước mắt đầy mặt, ông quyết định quay về. Năm 414 ông về lại được Trung Quốc. Trên đường từ Quảng Đông tới Nam Kinh, ông gặp Phật Đà Bạt Đà La, một cao tăng từ Ấn Độ nổi tiếng với bản dịch Hoa Nghiêm Kinh. Phật Đà Bạt Đà La đã giúp ông dịch một phần kinh và luật, trong đó có 6 tập Đại Bát Niết Bàn Kinh và 40 tập luật của Luật Ngũ Phần. Trước đó năm 404, Cưu Ma La Thập đã dịch xong Thập Tụng Luật, và năm 408, Phật Đà Da Xá cùng những dịch giả khác đã dịch xong Tứ Phần Luật. Nếu Pháp Hiển đợi thêm vài năm nữa thì đã không phải vất vả thế này.
Hơn hai trăm năm sau, một gia đình gần Lạc Dương vì nghèo khó đã phải lần lượt cho cả hai quý tử vào chùa để có cái ăn. Dù vào chùa chẳng với mục đích tu hành cao đẹp gì, nhưng thật bất ngờ là hai anh em lại thể hiện tư chất vượt trội về đọc hiểu kinh Phật, đặc biệt là người em. Chẳng mấy chốc đã học hết mọi thứ ở Lạc Dương. Cậu rời Lạc Dương đến Trường An tìm thầy nhưng vô ích. Do tình hình chiến tranh và đói kém, hai anh em rủ nhau đi về phía tây đến khi đến Tứ Xuyên, nơi Phật giáo được nghiên cứu rộng rãi. Vài năm sau, khi người em 21 tuổi thì chàng đã học hết tất cả những gì có thể học tại Tứ Xuyên. Rời Tứ Xuyên, chàng lại lang thang tìm thầy, chàng tìm gặp nhiều học giả học thức khắp Trung Quốc đển nghiên cứu Phật giáo cho đến khi không còn người nào để tìm thêm nữa. Khi chàng 29 tuổi, hoàng đế bảo chàng đến ở tại Trang Nghiêm Tự ở Trường An, nhưng chàng thấy không tự tin với kiến thức và hiểu biết của mình nên từ chối. Chàng nhận ra rằng muốn học thêm chẳng còn con đường nào khác là sang tận Ấn Độ. Năm 30 tuổi, chàng lẩn vào dòng người tị nạn lên đường tây du. Người em với tư chất vượt trội này chính là Trần Huyền Trang – sư phụ của Tôn Ngộ Không.
Huyền Trang ra đi khi còn trẻ, không những tư chất thông minh mà ông còn được mô tả là khôi ngô tuấn tú và có thể chất cường tráng. Chuyến đi của ông không gặp nhiều khó khăn gian khổ như của Pháp Hiển vì ông thường được giúp đỡ và chào đón nồng nhiệt khắp nơi. Ông kể lại chi tiết hành trình của mình trong cuốn Đại Đường Tây Vực Ký, có lẽ lý do chính là để vua Đường không còn quấy rầy ông với những câu hỏi về tình hình ngoại quốc. Sau 16 năm tây du, Huyền Trang chỉ trở về khi ông cảm thấy không còn gì để học hỏi thêm. Khi trở về, riêng phần kinh sách ông mang theo là 658 bộ đóng thành 527 hộp được chở bởi 20 con ngựa. Mong ước lớn nhất sau đó của ông là dịch được nhiều kinh nhất có thể. Nhưng do danh tiếng và học thức lẫy lừng của mình, công việc dịch thuật của Huyền Trang không được như ý vì ông thường xuyên phải gặp mặt nhiều người trong đó có cả hoàng đế, những người luôn luôn tìm cách tiếp cận nói chuyện với ông để học hỏi. Tuy vậy, ông vẫn trở thành người dịch nhiều kinh sách hơn bất cứ dịch giả nào. Sự ảnh hưởng của ông chỉ đứng sau Cưu Ma La Thập. Tác phẩm nổi bật nhất của ông là bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa 600 tập, bộ kinh dài nhất trong các bản dịch tiếng Trung. Ngày đầu năm năm 664, ông bắt đầu bắt tay vào dịch bộ Đại Bảo Tích Kinh, nhưng mới chỉ dịch được vài dòng thì ông dừng lại, nhận ra mình không còn đủ sức để dịch một bộ kinh dài như vậy nữa. Ông qua đời ngày mùng 5 tháng hai âm lịch cùng năm.
Với công trình dịch thuật của Huyền Trang, bộ Đại Tạng Kinh Trung Quốc như chúng ta thấy ngày nay gần như được hoàn chỉnh.
Chuyến đi của Huyền Trang đã truyền cảm hứng cho Nghĩa Tịnh tiếp bước rời Trung Quốc đi Ấn Độ năm 671 và trở về năm 695 với gần 400 bộ kinh sách các loại và biên dịch 230 tập trong số đó.
Kinh Mật Tông được hoàn chỉnh vào khoảng giữa triều đại nhà Đường với sự đóng góp nổi bật của Bất Không Kim Cương (Amoghavajra), một Đại sư Phật giáo Mật Tông.
Kinh Phật Trung Quốc sau này du nhập sang Hàn Quốc, Nhật Bản, qua vài lần bài trừ Phật giáo trong nước, Trung Quốc lại phải nhập lại kinh từ Hàn Quốc, Nhật Bản để hoàn chỉnh bộ Đại Tạng Kinh.
Khó Khăn Trong Dịch Thuật
Những dịch giả lớn khi dịch có quy trình kiểm định nghiêm ngặt. Lấy một ví dụ về Huyền Trang khi dịch Du Già Sư Địa Luận. Bản thân ông dịch tiếng Phạn sang tiếng Trung, một người khác chép lại phần dịch miệng, một người đọc tiếng Phạn xác nhận lại sự chính xác của những ký tự tiếng Phạn, một người khác nữa xác nhận lại sự chính xác của những ký tự tiếng Trung, lại có một người nghiên cứu lại và thảo luận cẩn thận ý nghĩa của từng câu đơn, còn một người khác chuyên sắp xếp các câu theo một trình tự đúng. Thêm vào đó là một giám sát viên giám sát lại toàn bộ dự án. Do hệ thống này mà những bản dịch của Huyền Trang cực kỳ chính xác.
Tuy nhiên, việc dịch những thuật ngữ, khái niệm của ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác không thể tránh khỏi những thiếu sót không bù đắp nổi. Ngôn ngữ dùng cho những bản kinh Phật và tiếng Trung thuộc hai hệ hoàn toàn khác nhau, chưa kể triết học và văn hóa hai nước cũng chẳng có mấy tương đồng. Đạo An nhận ra “năm mất” và “ba khó” trong việc dịch kinh. Năm mất là:
- Mất thứ nhất gây ra do đảo ngược thứ tự chữ. Ví dụ đọc theo thứ tự tiếng Phạn là “Phật, nương nhờ, tôi” thì chuyển sang tiếng Trung là “Tôi nương nhờ Phật.”
- Mất thứ hai là mất sự đơn giản. Người Ấn Độ không thích cầu kỳ nên hành văn đơn giản, gần gũi. còn người Trung Quốc lại thích lối hành văn hoa mỹ, bóng bẩy.
- Khi muốn nhấn mạnh, người Ấn Độ lặp lại các đoạn văn. Người Trung Quốc không thích điều này nên xóa hết những đoạn lặp.
- Văn viết Ấn Độ thường lồng câu trong câu. Ví dụ như giữa câu tự dưng có thể xuất hiện một những đoạn giải thích cực dài (ai đọc Mahabharat có thể thấy rõ điều này). Người Trung Quốc không quen với kiểu viết này sẽ bị phân tâm khỏi luận điểm chính nên thường xóa những đoạn xen kẽ này.
- Văn viết Ấn Độ thường giải thích lại những chỗ đã được giải thích ở những đoạn phụ. Những phần giải thích lặp này cũng thường bị xóa trong những bản dịch tiếng Trung.
Ba khó đó là: - Tiếng Phạn cổ tinh tế và phức tạp phải được dịch sang tiếng Trung đơn giản và dễ hiểu.
- Những sắc thái tinh tế trong tư tưởng từ thời của Phật phải được dịch ra rõ ràng cho những người đương thời có thể hiểu.
- Đạo An cho rằng kinh Phật hiện có được dịch không cẩn thận vì những dịch giả thiếu hiểu biết về Phật pháp. Muốn dịch được kinh Phật thì phải có một hiểu biết sâu sắc về Phật pháp.
Huyền Trang thì đưa ra thuyết về 5 loại từ ngữ không thể dịch được. Năm loại đó là: - Loại từ ngữ có nghĩa sâu sắc đến nỗi không thể có một định nghĩa đơn.
- Loại từ ngữ đa nghĩa. Ví dụ bhagavat (tiếng Việt là “thế tôn”) có tới 6 nghĩa cần được hiểu, không thể dịch sang chỉ một nghĩa.
- Loại từ ngữ đề cấp đến những thứ Trung Quốc không có. Ví dụ như các từ về cây cối, động vật, v.v.
- Những từ trước đó đã được chuyển ngữ thì sẽ không dịch.
- Loại từ ngữ mà nếu dịch thì sẽ mất đi ý nghĩa đặc biệt riêng.
Những từ ngữ không thể dịch được thì thường sẽ được chuyển ngữ.
Nguồn tham khảo:
A Record of Buddhistic Kingdoms – James Legge (translator), Fa-Hien
Buddhist Sutras Origin, Development, Transmission – Kogen Mizuno
Đại Đường Tây Vực Ký – Pháp sư Huyền Trang