so-ca-hien-mo-tang-tang-ky-luc,-hang-tram-nguoi-duoc-trao-tang-su-song

Số ca hiến mô tạng tăng kỷ lục, hàng trăm người được trao tặng sự sống

Ngày 11/10, Học viện Quân y phối hợp với Hội Ghép tạng Việt Nam, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam lần thứ II. 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, số lượng ca chết não hiến mô tạng trong 9 tháng đầu năm 2024 lập con số ấn tượng với 25 ca, cứu giúp được 87 cuộc đời, chiếm 10,49% số ca ghép tạng (87/829 bệnh nhân được ghép tạng). 

“Đây cũng được coi là số kỷ lục của Việt Nam, vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng 5-6%”, PGS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh. 

Số ca hiến mô tạng tăng kỷ lục, hàng trăm người được trao tặng sự sống- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ với bác sĩ Nguyễn Lê Trung, Phó khoa mắt Bệnh viện Quân y 103 – người vừa hiến giác mạc của người mẹ qua đời để mang lại ánh sáng cho người khác. Ảnh BTC

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ năm 1992, Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, là ca ghép thận từ người cho sống. Đến nay, các y bác sĩ Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 trường hợp ghép tạng, trong đó có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 ca ghép gan, làm chủ nhiều kỹ thuật khó.

Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. 

Năm 2023, 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng của người hiến còn sống, còn nguồn tạng lấy từ người chết não chỉ có 12 người.

Từ năm 1992, Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, là ca ghép thận từ người cho sống. Đến nay, các y bác sĩ Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 trường hợp ghép tạng, trong đó có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 ca ghép gan, làm chủ nhiều kỹ thuật khó.

“Đến nay chúng ta có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 cơ sở ghép thận, 8 cơ sở ghép gan, 5 cơ sở ghép tim, 4 cơ sở ghép phổi…”, PGS Hệ cho hay.

Số ca hiến mô tạng tăng kỷ lục, hàng trăm người được trao tặng sự sống- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến và PGS.TS Đồng Đức Hệ trao bằng khen cho trao giấy khen cho bác sĩ Nguyễn Lê Trung. Ảnh BTC

Theo PGS Hệ, hiện có quá nhiều rào cản trong việc hiến mô, tạng và ghép tạng. Nhiều người sống đăng ký hiến tạng nhưng khi mất ý nguyện này vẫn bị người thân ngăn cản. Người vận động hiến tạng không chỉ phải vận động ông bà, bố mẹ, vợ con mà còn phải vận động cả anh em, cô dì, chú bác… rất khó khăn. 

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ, người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên. 

Mỗi năm có hàng nghìn ca chết não bị lãng phí khi có hàng nghìn người bệnh đang vật lộn với bệnh tật, chờ có tạng để ghép, nếu không nguy cơ tử vong rất cao. 

Theo PGS Tiến, nhiều người Việt vẫn chưa vượt qua được quan niệm “chết toàn thây” nên khi có người thân chết não vẫn không muốn hiến tạng cứu người. 

Ngoài ra, nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế cho ghép tạng tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 40% tổng chi phí nên với khoản tiền quá lớn, nhiều người vẫn không có điều kiện để ghép tạng. 

PGS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh, để tăng cường nguồn tạng từ người cho chết não, cần tập trung đến việc tuyên truyền vận động để người dân ủng hộ hiến mô tạng; Tăng cường hệ thống y tế; Sự hỗ trợ từ hệ thống pháp lý; Đưa hệ thống hiến mô tạng trở nên gần gũi; Tăng cường tương tác với các gia đình; Xây dựng niềm tin vào hệ thống y tế và hệ thống phân phối tạng; Có sự hỗ trợ dành cho các gia đình hiến tạng; Có nghiên cứu và đánh giá để cải tiến, nâng cao…  

Trước đó, sáng sớm 25/9, Ngân hàng Mô – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 nhận được điện thoại của bác sĩ Nguyễn Lê Trung, Phó Chủ nhiệm khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, anh muốn hiến giác mạc của người mẹ vừa mất để mang lại ánh sáng cho người khác.

Mẹ anh 75 tuổi, là bác sĩ Trung là Đại úy Lê Thị Hồng Minh, nguyên nhân viên khoa dược tại Bệnh viện Quân y 103. Trước khi mất, bà đã có di nguyện muốn hiến giác mạc để giúp đỡ những bệnh nhân mù lòa. Và bác sĩ Minh đã nén đau thương để thực hiện di nguyện của mẹ.

Cán bộ Ngân hàng Mô chia sẻ: “Trong suốt quá trình thu nhận, người con trai cụ chỉ đứng lặng lẽ quan sát từ một góc phòng. Chỉ đến khi các kỹ thuật viên đã lấy giác mạc xong, người con trai ấy mới lại gần, đặt tay lên mái tóc của mẹ, rồi ôm lấy mẹ mà bật khóc…”.

Ngày 11/10, sau khi trao bằng khen trao giấy khen cho bác sĩ Nguyễn Lê Trung, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Một gia đình ngành y mà mẹ và con trai đều có trái tim nhân hậu. Tôi ngồi cạnh Thượng uý Trung và nói: “Chúc mừng em và mẹ em đã làm được điều tuyệt vời, vì theo quy luật nhân quả, mẹ em sẽ siêu sanh ở cõi an lành và em cũng đã làm được việc phước thiện đầy ý nghĩa để mang lại ánh sáng cho người khác”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *