Sinh viên ở trường top học và quản lý thời gian như thế nào khi họ có tới 4 đến 5 khóa học một kỳ ?

Hồi học ở Berkeley, tôi thường đăng ký khoảng 26 tín chỉ 1 kỳ và tốt nghiệp trong vòng 2 năm. Hầu hết các lớp môn học của tôi đều liên quan đến kỹ thuật. Điều đó có nghĩa là không chỉ có đọc, phân tích và viết luận, đây còn là một trong những cách để chúng tôi quản lý toàn bộ thời lượng khóa học mà vẫn sắp xếp được thời gian để làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn.

1. Tìm hiểu kỹ về lớp học trước khi đăng ký

Rất nhiều người nghĩ rằng họ cần học lớp “X” này và phải học bất cứ điều gì giáo sư cung cấp/gợi ý trong suốt học kì. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm bởi vì phong cách dạy của giáo sư đó chưa chắc đã khiến bạn học hiệu quả nhất. Có một số thầy cô thì yêu cầu bạn phải đọc tài liệu trước ở nhà, trên lớp tập trung nghe giảng; một số khác thì yêu cầu bạn hoàn thành bài tập về nhà đầy đủ; nhưng cũng có những giáo viên chẳng yêu cầu bạn làm gì cả.

Vì vậy, để hoàn thành xuất sắc bất kỳ khóa học nào, cách tốt nhất là trước khi đăng ký bạn cần tìm hiểu thông tin về giáo viên đứng lớp đó xem họ dạy có giỏi không, phong cách dạy có phù hợp với bạn không? Nếu không thì có thể xem xét các lớp của những giáo sư khác trong cùng học kỳ hoặc đăng ký ở học kỳ sau.

2. Học ở một thời gian cố định hàng ngày

Con người chính là sinh vật của thói quen. Dù bạn muốn học vào tất cả các giờ trong ngày thì cũng rất khó vì bạn không thể tập trung suốt cả ngày. Bạn sẽ bị phân tâm bởi những điều nhỏ nhặt xung quanh.

Cách tốt nhất để học là chọn một thời điểm cố định hoặc thời gian thuận tiện cho bạn nhất trong ngày. Sau đó duy trì thói quen này đều đặn mỗi ngày. Đối với tôi, khoảng thời gian đó là sau tiết học cuối cùng mỗi ngày lúc 2 giờ chiều. Tôi sẽ dành 3 tiếng từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều để đọc bài, làm bài tập… Nói chung đó là “thời gian học” cố định của tôi mỗi ngày. Sau đó, tôi tham gia một số hoạt động ở các câu lạc bộ, hoặc đi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè.

Theo thời gian, bộ não của bạn sẽ “thích nghi” dần với khoảng thời gian đó và tập trung cao độ nhất vào khung thời gian cố định mà bạn đang duy trì hàng ngày. Lúc đó, tôi e rằng bạn khó có thể làm việc gì khác ngoài việc học.

3. FlashCards

Tôi không nói về những tấm flashcard của học sinh lớp 4 với một mặt là hình ảnh của một đoàn tàu còn mặt sau là từ “tàu lửa” đâu nhé. Tôi đang đề cập tới những thẻ flashcard mà chúng có khả năng hoán đổi cho nhau để kiểm tra kiến thức của bạn. Nói cách khác, đó là những tấm thẻ trắng, bạn sẽ là người ghi lại những kiến thức cần học lại ở cả 2 mặt sao cho khi nhìn lại, bạn có thể hiểu ý nghĩa của các phương trình, nội dung… mà mình đã viết. (Bạn ghi lại ngẫu nhiên kiến thức giữa các mặt và các tấm flashcard nhé, không tuân theo một quy luận nào. Để khi cần kiểm tra lại kiến thức, bạn phải thực sự hiểu thì mới tìm đúng được mặt này liên quan với mặt kia, tấm này đi với tấm kia…)

Flashcard truyền thống sẽ chỉ giúp bạn ghi nhớ, nhưng loại flashcard tôi đang nói này sẽ giúp bạn nhớ và hiểu bản chất của vấn đề. Bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết được nội dung trong tấm flashcard này liên quan đến nội dung trong mặt nào của tờ flarshcard khác.

4. Biết phân bổ thời gian vào từng việc cụ thể

Tôi đã phải mất một khoảng thời gian khá dài để hiểu được ý nghĩa của việc này. Thực sự mà nói, bạn sẽ không bao giờ quản lý được thời gian của mình hiệu quả và học đúng cách nếu không biết chính xác bạn cần dùng thời gian vào những việc gì.

Lời khuyên của tôi là bạn hãy lên kế hoạch cho những gì bạn đang làm và cần làm. Ví dụ, bạn lên kế hoạch phân bố thời gian như sau: nghe giảng 1 tiếng, tán gẫu với bạn bè từ 20 đến 30 phút. Sau đó ăn trưa khoảng 20 – 40 phút, đi bộ về nhà 25 phút… Lên kế hoạch thế này giúp bạn hiểu được những việc bạn cần dành thời gian để làm và từ đó sẽ loại bỏ bớt những điều không quan trọng để tập trung làm các việc (bạn cho là) quan trọng hơn.

5. Chăm chỉ chưa đủ, hãy làm việc 1 cách thông minh

Nhiều người luôn hỏi làm thế nào bạn có thể học 6 lớp và tìm hiểu tất cả các tài liệu cho từng lớp. Bí quyết là học chăm chỉ thôi chưa đủ, hãy học một cách thông minh.

Cách học thông minh là nắm được các ý chính và nội dung cốt lõi của bài học, không phải là thuộc lòng tất cả những chi tiết nhỏ nhặt. Nghĩa là bạn phải hiểu được ứng dụng của một khái niệm trong cuộc sống thực ra sao và biết khi nào thì nên sử dụng nguyên lý này, định lý kia… Không chỉ đơn giản là ghi nhớ mà việc này phải mất nhiều giờ thậm chí nhiều ngày (lặp lại) để hiểu được bản chất. Học theo cách đó mới khiến bạn nhớ lâu và nắm được cốt lõi của môn học, chứ không phải là học thuộc vẹt rồi không hiểu gì và cũng chẳng đọng lại trong đầu chữ nào.

Có thể xem thêm một số mẹo TẠI ĐÂY nếu bạn quan tâm: https://www.youtube.com/watch?v=4nZzZ6uVpIk&feature=youtu.be

6. Âm thanh hóa (MP3) những ghi chép của bạn

Có lẽ “phát minh” vĩ đại nhất trong quá trình học đại học chính là tôi đã chuyển hết các ghi chép quan trọng ở trên lớp thành dạng âm thanh. Một file ghi âm khoảng 10 phút đã có thể thâu tóm toàn bộ nội dung của bài giảng trong ngày hôm đó rồi. Do đó, nếu tự mình ghi âm lại nội dung môn học sau mỗi bài giảng thì tới cuối kỳ, bạn sẽ có khoảng 60 phút để điểm nhanh lại những công thức, nội dung trọng tâm của cả môn học. Điều này giúp bạn tổng hợp toàn bộ kiến thức và khi đó việc đứng top lớp môn trở nên dễ dàng hơn.

Bạn cũng nên sử dụng dạng ghi chú này trước khi bắt đầu mỗi lớp học để làm mới những gì đã học trước đó và sẵn sàng học nhiều hơn nữa.

7. Các khóa học vào buổi sáng hay buổi tối

Theo tôi, một trong những điều mà rất nhiều sinh viên đã phá hủy quỹ thời gian của họ đó là đăng ký lớp học tràn làn, giờ giấc lộn xộn trong một ngày. Một lớp lúc 10 giờ sáng, một lớp lúc 2 giờ chiều và một cuộc thảo luận khác lúc 4 giờ chiều.

Kinh nghiệm học đại học của tôi giống hệt như hồi học trung học. Tôi bắt đầu vào lớp từ 8 hoặc 9 sáng đến 1 giờ chiều, ăn trưa lúc 1h15 và sau đó học đến 5 giờ chiều. Nhờ đó mà tôi đã không ngủ nướng hay lãng phí bất kì khoảng thời gian nào trong ngày. Vì vậy, cần phải xem xét xem bạn là một người hoạt động tốt nhất vào buổi sáng hay là “người sống về đêm”, hãy tạo thành thói quen với lịch trình đó.

Trên đây là một số mẹo và bí kíp của tôi về cách quản lý những khóa học khổng lồ trong chương trình đại học. Tôi thực sự hy vọng chúng có thể giúp ích cho các bạn.

Theo: To Phuong Thuy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *