Vài tháng trước, cộng đồng mạng nhiều phen cười ná thở với những chia sẻ của diễn viên Simu Liu về cách bố mẹ anh phản ứng khi thấy con trai đóng chính trong tựa phim của đế chế tỷ đô nổi tiếng toàn cầu.
“Con trai trở thành siêu anh hùng Marvel nhưng mẹ tôi vẫn tìm ra chỗ để thất vọng: ‘Dù gì cũng không phải là luật sư'”
Hài hước nhưng chứa đựng nhiều tâm sự, gần đây, Simu chia sẻ trên People rằng cha mẹ anh là những kỹ sư hàng không luôn mong mỏi cậu con trai độc đinh trở thành luật sư hoặc bác sỹ, bởi với họ, những công việc thiên về học thuật là con đường duy nhất để thành danh.
Không khí căng thẳng trong gia đình chỉ dần lắng xuống khi Simu đạt được thành công bước đầu với nghiệp diễn, và chỉ biến thành sự chia vui khi Simu cho bố mẹ xem tấm poster Shang-chi bằng tiếng Trung và mời nhị vị phụ huynh tới buổi công chiếu hoành tráng tại L.A hồi tháng Tám năm nay.
Dưới đây là bức thư Simu viết gửi bố mẹ từ cuối năm 2017. Rất thẳng thắn, và cũng rất chân thành. Mình tin rằng, không chỉ riêng cá nhân nào với trải nghiệm tương tự, bức thư này sẽ chạm tới cảm xúc của nhiều đứa con, đặc biệt là những đứa con của các ông bố bà mẹ châu Á.
__________________________________
“Trong âm thầm, con khát khao tình yêu thương của bố mẹ”
Bởi Simu Liu
Ngày 4 tháng 12 năm 2017
Bố mẹ của con,
Sớm nay, chúng ta mới trò chuyện qua điện thoại. Thực ra, nhà mình nói chuyện suốt— thường vào dịp con hoặc bố mẹ đang trên xe đi đây đi đó, hay mỗi lần bố mẹ băn khoăn không biết bao giờ con trai mới lại về nhà ăn tối. Cả nhà luôn bắt kịp các sự kiện đang diễn ra— buổi thử vai và hợp đồng của con, những kỳ nghỉ và chuyện phiếm về việc bọn trẻ nhà ai sắp tới sẽ kết hôn của bố mẹ.
Chỉ là, nhà mình chẳng mảy may đả động đến mấy vấn đề thực sự quan trọng.
Dạo gần đây, con bận tâm rất nhiều tới những lời chúng ta chưa từng nói ra, và thật lòng, con nghĩ rằng, suốt hơn hai mươi năm qua, cả nhà mình đã hoàn toàn sai lầm. Chúng ta chưa bao giờ thể hiện tình cảm với nhau; thay vào đó, tận dụng triệt để mọi cơ hội để chỉ trích lẫn nhau trong một nỗi ám ảnh ảo tưởng về việc phải loại bỏ tất cả khiếm khuyết khi theo đuổi sự hoàn hảo. Bấy lâu nay, chúng ta luôn là một gia đình chuộng hành động hơn lời nói, ưa thúc ép hơn là ngợi khen, và để câu “mặc áo khoác vào, trời lạnh đấy” đại diện cho “bố mẹ yêu con”.
Bất cứ người bạn thân thiết nào của con cũng có thể nói cho bố mẹ biết một sự thật, rằng mỗi khi nhắc đến tuổi thơ đầy phức tạp của mình, cảm xúc trong con lên xuống không khác gì đi tàu lượn— trong số đó, giận dữ, buồn tủi và uất ức luôn là những kẻ ngồi toa đầu. Nhưng con cũng cảm thấy mệt mỏi khi cứ phải bực tức với bố mẹ mãi thôi.
Vậy nên con viết bức thư này để giãi bày những lời chưa nói, để cảm ơn bố mẹ vì tất cả những gì bố mẹ đã làm cho con và để nói với bố mẹ rằng con rất yêu bố mẹ. Đã đến lúc phải bắt đầu rồi, bố mẹ có nghĩ vậy không?
Con sinh ra ở Cáp Nhĩ Tân, năm 1989, đúng vào thời điểm bố mẹ đang cố gắng rời quê hương xứ sở— không dễ dàng gì, trong chế độ của Đặng Tiểu Bình— để bắt đầu một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi đất khách quê người. Cơ hội ngàn-năm-có-một cuối cùng cũng đến, tặng cho bố mẹ tấm vé theo học thạc sỹ ở trường Queen’s University, và bố mẹ đã nắm lấy. Bố mẹ phải nắm lấy nó. Con ở lại Cáp Nhĩ Tân trong vòng tay bao bọc của ông bà đến tuổi lên năm, đợi cho tình hình ở Canada đủ ổn định để bố mẹ có thể đón con sang. Con vui lắm, vì cuối cùng cũng được gặp bố mẹ thật sự của mình và chuyển tới sống ở Canada, nhưng con lại không hề có một đoạn ký ức nào với sự hiện diện của hai người trong đó— vì vậy, khi gặp lại vào tháng Một năm 1995, bố mẹ giống như những người họ hàng ở xa mới về.
Bố về mà con vẫn ngủ với ông bà như bao ngày bình thường khác, con vẫn vậy kể từ lúc lọt lòng. Ông bà đã là cha, là mẹ của con, theo đúng ý nghĩa mà trí óc non nớt của một đứa trẻ có thể lĩnh hội được.
Khi đặt chân đến Canada, vì nhiều lý do khác nhau, cuộc sống cần sự điều chỉnh lớn. Trong khi ông bà dịu dàng và đầy kiên nhẫn, tuổi tác và sự khôn ngoan vẫn chưa đủ để làm dịu cái đầu nóng của bố mẹ. Con thường cảm thấy bố mẹ coi con là một sản phẩm lỗi: bố mẹ không xuất hiện trong những năm đầu đời của con, và vì vậy, bản tính khác lạ nơi con khiến bố mẹ bối rối và lo lắng. Có lẽ, hệt như cách bố mẹ trở nên xa cách với con, trong mắt bố mẹ, đứa con trai này cũng chẳng khác nào người ngoài. Rạn nứt ngày một lớn hơn khi con tiếp thu những chuẩn mực và giá trị của một nền văn hóa không hề quen thuộc với bố mẹ.
Chúng ta thường xuyên bất hòa. Nếu vấp phải dây giày, con là đứa vụng về. Nếu bị điểm thấp hơn A, con là đứa ngu dốt. Nếu muốn ra ngoài chơi với bạn, con đang lãng phí thời gian. Càng ngày con càng bất mãn với áp lực bố mẹ tạo ra, quyết tâm biến cuộc sống của bố mẹ thành ra nặng nề như những gì bố mẹ khiến con phải chịu đựng. Con bỏ nhà đi vào năm 2005 sau một trận cãi vã đặc biệt căng thẳng, ở nhà bạn cả tuần trời. Con phát ngôn tùy tiện về bố mẹ, nói với bố mẹ rằng con ghét bố mẹ, và rất nóng lòng muốn cuốn xéo ra khỏi cái nhà này. Nhưng trong âm thầm, con khát khao tình yêu thương và sự âu yếm của bố mẹ. Con thường tưởng tượng về một gia đình giống trên phim— nơi tất cả các thành viên có thể trò chuyện như những người bạn thân thiết nhất và ôm lấy nhau mỗi lần nói xin chào hay tạm biệt.
Con miễn cưỡng bước tiếp trên con đường bố mẹ vạch sẵn— theo học trường kinh doanh danh tiếng và có công việc ổn định 8 tiếng mỗi ngày— cho đến lúc con không thể làm nổi. Ngay sau khi tốt nghiệp, con được nhận vào hãng kế-kiểm hàng đầu và chắc hẳn trên đời này không có sự phù hợp nào tệ hại hơn thế được nữa. Cấp trên của con cuối cùng cũng nhận ra điều đó— vào năm 2012, chỉ sau tám tháng, con bị cho thôi việc.
Con rất xấu hổ lúc phải dọn dẹp đồ đạc trước toàn bộ văn phòng, nhưng tồi tệ hơn là nỗi hổ thẹn khi phải thú nhận với bố mẹ về những gì đã xảy ra. Con còn nghĩ đến chuyện ném mình ra khỏi ban công để né tránh việc đối diện với bố mẹ. Thay vì làm thế, con quyết định tạo ra một con đường mà con có thể tự hào. Con tự hứa sẽ đối diện với bố mẹ khi biết được con đường đó trông ra sao.
Cùng tháng, thông qua mẩu quảng cáo Craigslist xuất hiện đúng lúc, con tìm thấy đường đến phim trường một bộ phim của Guillermo del Toro với mức trợ cấp tối thiểu, rồi ngay lập tức yêu thích diễn xuất và việc làm phim. Kể từ đó về sau, con kiểm tra Craigslist mỗi sáng, đăng ký bất cứ thứ gì và mọi thứ con có thể. Vài tháng sau, lần đầu tiên con được chọn đóng quảng cáo trong nước, không thể giữ kín cuộc sống mới của con với bố mẹ được nữa, cuối cùng con đã đến trước mặt bố mẹ với tư cách là một diễn viên. Năm năm sau, ngẫu nhiên hết sức, con đang đóng vai chính mình trên TV: một đứa trẻ rắc rối, đem theo gánh nặng mối quan hệ với đấng sinh thành, cố tìm lấy một chỗ đứng giữa cuộc đời.
Ngày nay, mặc dù mối quan hệ của chúng ta đang trong thời kì tốt đẹp chưa từng thấy, cả nhà vẫn hiếm khi nói về quá khứ. Con thường xuyên bắt gặp bản thân đang hồi tưởng lại một vài trong số những cuộc đối đầu căng thẳng nhất của chúng ta; đó là phụ phẩm đáng tiếc của một cuộc đời dành hầu hết thời gian vào việc xung đột với bố mẹ. Nhưng có điều gì đó trong con dần thay đổi, và con nhận thấy mình đang nhìn những sự kiện tuổi thơ không thông qua lăng kính của chính con mà là qua lăng kính của bố mẹ.
Trong nhận thức muộn màng, con hiểu bố mẹ đã làm hết sức có thể. Tiền bạc luôn eo hẹp, vì thế, bố mẹ phải làm việc chăm chỉ và không ngơi nghỉ; bằng không tất cả chúng ta sẽ chết đói. Bố mẹ thúc ép con tối đa để con không bao giờ phải biết đến cuộc đấu tranh gọi là “không rõ bữa ăn tiếp theo của chúng ta sẽ đến từ đâu”. Và khi con dường như đã phung phí mọi thứ bố mẹ phải vất vả lắm mới có được, bố mẹ trở nên thất vọng. Nếu là con thì cũng sẽ cảm thấy như vậy thôi. Toàn bộ những gì con mong ước khi còn bé là một chốn an toàn, nhưng làm gì có thứ đó cho bố mẹ— hiểm họa đói nghèo quá lớn để bố mẹ liều mình xuống ga.
Bất chấp những gập ghềnh trên con đường này, con tin bố mẹ đã thành công với mọi mục tiêu bố mẹ đặt ra. Bố mẹ xây dựng cho con một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bố mẹ đảm bảo con sẽ không bao giờ phải lo lắng về khoản nợ sinh viên hay băn khoăn lúc tiêu tiền. Bố mẹ truyền cho con ý tưởng rằng trên đời chẳng có gì là đương nhiên hết, và rằng nếu con cực kỳ muốn thứ gì đó, chỉ có một con đường duy nhất để đạt được là làm việc. Bố mẹ biến con thành con người của ngày hôm nay— chăm chỉ, tham vọng, kiên cường— và con sẽ không đánh đổi điều đó để lấy bất cứ thứ gì.
Tháng 11, bố mẹ tham dự buổi chiếu phim Kim’s Convenience tại Glenn Gould Theatre ở Toronto. Đó là lần đầu tiên bố mẹ tham dự một chương trình hoặc sự kiện của con, và mặc dù đã cố kiềm chế, bên trong con vẫn đặc biệt háo hức. Một đêm hoàn hảo: Con được bao bọc bởi tình yêu thương của gia đình và bạn bè, và nó tuyệt vời hơn tất cả những gì con từng thấy trong mấy bộ phim đó, về những bậc phụ huynh mà con luôn mơ ước mình có được. Mất đến 28 năm, nhưng cuối cùng con cũng hiểu đó là kiểu quan hệ mà con muốn xây dựng với bố mẹ mỗi ngày. Không còn là một đứa trẻ hư. Không còn bực tức nữa.
Cho nên, con muốn nói với bố mẹ bằng cả trái tim rằng con biết ơn vô vàn những món quà và đặc ân mà bố mẹ ban tặng cho con. Con cực kỳ hãnh diện về mọi thành tựu bố mẹ đạt được trong sự nghiệp, bất chấp tỷ lệ cạnh tranh cao ngất ngưởng. Bố mẹ là người hùng và là nguồn cảm hứng của con, và con chăm chỉ làm việc mỗi ngày đâu phải chỉ vì đó là những gì bố mẹ kỳ vọng nơi con, mà còn bởi đó là những gì bố mẹ dạy con kỳ vọng ở chính bản thân mình.
[Bằng tiếng Trung] Con vô cùng tự hào khi được là con trai của bố mẹ. Điều con biết ơn nhất là những cống hiến thầm lặng và hỗ trợ hết mình, cũng như sự hy sinh mà bố mẹ dành cho con.
Cảm ơn bố mẹ. Con yêu bố mẹ. Và đừng quên mặc ấm, trời lạnh lắm, những ngày này.
[c] Macleans Canada