Dù ngày nay không nhiều người nghe đến tên quốc gia Sikkim này nữa, nhưng thực tế là cho đến tận năm 1975 vẫn có một Vương quốc Phật giáo giống như Nepal, Bhutan hay Tây Tạng. Đó chính là Vương quốc Sikkim – tồn tại đúng 333 năm từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20.
Vùng đất Sikkim nằm hoàn toàn trên dãy Himalaya, chính giữa Nepal và Bhutan ngày nay. Các cư dân bản địa ở Sikkim sống cô lập với thế giới trong gần một nghìn năm cho đến khi các Lạt ma từ Tây Tạng đến mang theo đạo Phật lên các vùng núi cao của Sikkim vào khoảng thế kỷ thứ 10. Thậm chí theo truyền thuyết, một hoàng tử Tây Tạng là Khye Bumsa vào thế kỷ 13 được báo mộng đã rời bỏ ngai vàng ở Tây Tạng để đi đến Sikkim để tu hành. Sau đó hơn 600 năm, vào năm 1642, các Lạt ma ở Sikkim đã suy tôn Phuntsog Namgyal – hậu duệ của vị hoàng tử của Tây Tạng Khye Bumsa – làm vua đầu tiên của Sikkim, chính thức đưa Sikkim trở thành một vương quốc Phật giáo. Vua của Sikkim được gọi với tên ''Chogyal''. Trong lịch sử 300 năm của mình, nước Sikkim trải qua 12 đời Chogyal, với Phuntsog Namgyal là vị Chogyal khai quốc. Do có gốc gác Tây Tạng, dân cư và lịch sử của Sikkim liên hệ mật thiết và gần gũi với lịch sử Tây Tạng.
Từ sau khi lập quốc, Sikkim đã phải đối mặt với nhiều thế lực xâm lược bên ngoài, nhiều lần tàn phá đất nước. Ngay sau khi Chogyal đầu tiên của Sikkim là Phuntsog Namgyal qua đời, chỉ định con cả Tensung Namgyal kế vị, quân Bhutan đã được con thứ của Chogyal cầu viện mang quân vào xâm chiếm Sikkim. Chiến tranh diễn ra hơn 10 năm, tàn phá nặng nề đất nước, đến cuối cùng thái tử Tensung Namgyal phải nhờ người Tây Tạng đánh đuổi quân Bhutan để giành lại ngai vàng.
Sau đó, Sikkim lại phải đối mặt với kẻ thù mạnh hơn nhiều từ phía tây – Nepal, lúc đó được biết đến là Vương quốc Gorkha. Từ năm 1717 đến năm 1733, gần như năm nào người Nepal cũng xâm lược Sikkim. Tổng cộng Nepal xâm lược Sikkim 17 lần, phá sạch thủ đô Rabdentse. Phần phía Tây của Sikkim luôn bị Nepal chiếm đóng, triều đình Sikkim phải dời đô về thành phố Gangtok như ngày nay. Mãi đến năm 1791, sau khi Tây Tạng thần phục nhà Thanh, quân đội nhà Thanh mới thực hiện nhiều cuộc tấn công đẩy lùi người Nepal khỏi Sikkim. Nhà Thanh không trực tiếp cai quản Sikkim mà giao cho các thủ lĩnh Tây Tạng. Nhưng các chính quyền Trung Quốc sau này vẫn dựa vào thời kỳ này để đòi chủ quyền với Sikkim. Tuy vậy, Sikkim vẫn thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công cướp phá của Nepal, và dân cư Nepal thường xuyên di cư đến Sikkim, chiếm một phần quan trọng trong dân số Sikkim, thường là một nửa dân số.
Đến khoảng thế kỷ 19, người Anh đặt quyền cai trị lên Ấn Độ. Sikkim thấy thế đã quyết định liên minh với Anh để đánh lại Nepal. Chiến tranh lớn bùng nổ giữa Anh và Nepal vào năm 1814, giữa một bên là quân Anh liên minh cùng các vương quốc bị Nepal chèn ép xung quanh, với một bên là các chiến binh Gurkha dũng mãnh của Nepal. Đối đầu với các chiến binh Gurkha dũng cảm và thiện chiến, quân Anh đã không thể tiêu diệt được quốc gia này. Để trả thù Sikkim, quân Nepal còn đưa quân vào chiếm miền Tây nước này, thảm sát rất nhiều dân thường và đưa người Nepal đến sống. Nhưng cuối cùng, người Anh cũng buộc Nepal phải ký một hiệp ước, trả lại các vùng đất của Sikkim. Sikkim từ đó được đặt dưới quy chế một quốc gia bảo hộ của Anh.
Trong thời kỳ cai trị của Anh, Sikkim được coi là một tiền đồn quan trọng để tiến vào Tây Tạng. Người Anh buộc Trung Quốc phải từ bỏ ảnh hưởng ở Sikkim, Anh đã tổ chức nhiều cuộc thám hiểm từ Sikkim vào Tây Tạng, và xây dựng nhiều con đường lớn xuyên qua các dãy núi cao của Himalaya. Hệ thống giáo dục, đường xá, y tế của Sikkim cũng được đầu tư phát triển, nhưng chính quyền Sikkim vẫn giữ gìn được truyền thống Phật giáo của mình. Quyền cai trị trực tiếp với Nepal vẫn do các Chogyal nối nhau nắm giữ.
Sau khi Ấn Độ độc lập, Sikkim đã quyết định giữ quy chế bảo hộ của mình để mong được Ấn Độ bảo vệ trước các kẻ thù xung quanh. Ấn Độ đồng ý để Sikkim trở thành một nước được bảo hộ. Trong khi vẫn độc lập về phần lớn các vấn đề, Sikkim được quân Ấn Độ bảo vệ về quốc phòng và an ninh. Đặc biệt trong những năm 60s, tình hình biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vô cùng căng thẳng. Năm 1962, Ấn Độ đã thua Trung Quốc ở 2 trong 3 tuyến biên giới lớn là vùng Đông Bắc Ấn Độ và vùng Aksai Chin ở Tân Cương. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu tiếp theo vào năm 1967 tại vùng biên còn lại – chính là vùng Sikkim – quân đội Ấn Độ đã chiến thắng vang dội, đẩy lùi quân Trung Quốc. Chiến thắng này đã gỡ thể diện rất nhiều cho quân đội Ấn Độ, đồng thời cũng làm tăng uy tín của Ấn Độ với người dân Sikkim. Ngược lại, Trung Quốc vẫn liên tục gây căng thẳng về tình hình Sikkim, mà quan trọng nhất là việc muốn thu hồi Sikkim để sáp nhập vào Tây Tạng – viện dẫn mối liên hệ về dân cư và lịch sử giữa Tây Tạng và Sikkim.
Trong thời kỳ bảo hộ của Ấn Độ, Sikkim luôn là một khu vực phát triển cao về nhiều mặt. Tỷ lệ biết chữ của Sikkim cao gấp đôi các nước láng giềng Nepal, Bhutan và cả Ấn Độ. Chính quyền Sikkim thực hiện các biện phát bảo vệ tuyệt đối truyền thống văn hóa, hạn chế người nước ngoài, cấm chặt chẽ việc phá rừng, giáo dục miễn phí cho toàn dân,… hay đặc biệt là cấm tuyệt đối đồ nhựa. Phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp trên dãy Himalaya, không khí trong lành, cuộc sống bình dị của người dân,… đã khiến Sikkim được mệnh danh là ''thiên đường'' ở Ấn Độ lúc đó, cũng khá giống Bhutan ngày này. Cuộc sống thanh bình như vậy, nhưng năm 1975, Sikkim đột ngột ''vong quốc'' theo cách không ai ngờ.
Do hậu quả của những cuộc chiến lâu dài với Nepal, một nửa dân số Sikkim là người di cư từ Nepal. Những cộng đồng này duy trì một sự thù địch nhất định với triều đình Sikkim, dù không có cuộc nổi dậy nào lớn. Tuy nhiên, vào năm 1973, nhiều chính trị gia đối lập chống quân chủ, thân Nepal và Ấn Độ đã công khai chống đối nhà vua – lúc này là Palden Thondup Namgyal – Chogyal thứ 12 và cuối cùng của Sikkim. Năm 1975, họ kích động cộng đồng người Nepal gây bạo loạn, lan đến cung điện của Chogyal ở thủ đô Gangtok. Quân đội Ấn Độ, theo hiệp ước an ninh đã cho quân vào dập tắt cuộc bạo loạn, nhưng thuyết phục vua Sikkim nên tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về nền quân chủ, và vua Sikkim đã đồng ý.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã khiến tất cả bất ngờ: 97,55% người bỏ phiếu đã chọn bãi bỏ chế độ quân chủ để trở thành 1 bang của Ấn Độ. Kết quả khiến hoàng gia Sikkim ngỡ ngàng, cay đắng rời khỏi ngai vàng trong tức tưởi. Những người ủng hộ hoàng gia cáo buộc rằng Ấn Độ đã trơ trẽn sắp đặt kết quả bầu cử, nhưng cuối cùng đã phải chấp nhận trở thành bang thứ 22 của Cộng hòa Ấn Độ. Hoàng gia Sikkim sau đó phải đi Mỹ tị nạn. Còn lý do đi Mỹ là do: hoàng hậu cuối cùng của Sikkim – Hope Cooke – là một người Mỹ, đã sắp xếp cho Hoàng gia Sikkim đến New York sinh sống. Ở đây, Chogyal cuối cùng của Sikkim rơi vào trầm cảm, từng cố gắng tự sát nhiều lần và cuối cùng chết vào năm 1982.
Kết quả trưng cầu dân ý đáng ngờ ở Sikkim năm 1975 còn khiến Pakistan và Trung Quốc phản đối dữ dội, đều cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý là ''màn kịch lố'' của Ấn Độ nhằm thôn tính Vương quốc Sikkim nhỏ bé. Dữ dội nhất là Trung Quốc – nước luôn đòi chủ quyền với Sikkim, đãtuyệt đối không công nhận Sikkim thuộc Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi bị Trung Quốc cáo buộc âm mưu ''thôn tính'' các quốc gia Phật giáo xung quanh, Ấn Độ đã đáp trả cực gắt bằng cách nhắc lại việc Trung Quốc xâm lược Tây Tạng vào năm 1951, khiến Trung Quốc không thể phản pháo.
Dù sao thì đến năm 2003, quan hệ ấm lên giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã giải quyết vấn đề này. Trung Quốc đã chính thức công nhận Sikkim là lãnh thổ hợp pháp của Ấn Độ, ngược lại Ấn Độ công nhận Tây Tạng thuộc Trung Quốc hợp pháp. Còn với người dân Sikkim, dù ''vong quốc'' đột ngột năm 1975 nhưng cuộc sống của họ vẫn không xáo trộn quá nhiều, ngoại trừ việc cư dân Ấn Độ giáo di cư vào bang làm lấn át Phật giáo. Tuy vậy, Sikkim hiện nay vẫn là một bang nhỏ, phát triển nông nghiệp và du lịch, trong khi ít dấu hiệu của công nghiệp, thậm chí chưa có Internet. Sikkim vẫn cấm đồ nhựa và thuốc trừ sâu, và vẫn hạn chế du lịch với khách nước ngoài, như Trung Quốc nhưng lại mở của cho người Tây Tạng. Nhìn chung, Sikkim gần giống với Bhutan – một Vương quốc Phật giáo vốn thường được ca ngợi là ''quốc gia hạnh phúc'' của thế giới.
Tuy nhiên, sự thật đen tối về ''hạnh phúc'' của Bhutan đã bị bóc phốt từ lâu rồi. Nếu có dịp mình sẽ giải ảo sau.