Ngày này chúng ta đã có những phương tiện hiện đại để vận chuyển các thư từ, bưu kiện mà chỉ tốn khoảng vài giờ là có hàng, đôi khi vài vụ boom hàng cũng chẳng sao. Một điều có thể không ít các anh chị sẽ thắc mắc là thời phong kiến các thư từ của vua chúa sẽ được vận chuyển và theo trình tự như thế nào? Rất nhiều điều lý thú về công việc “shipper” của vua chúa thời Nguyễn sẽ được giải đáp phía dưới.
Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là một trong những thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà nhà Nguyễn đã đạt được là việc làm đường Thiên Lý và tổ chức bưu trạm. Nghĩa là các trạm ship ở khắp cả nước xuất từ vùng Kinh Thành Huế.
Và vào năm 1885, ông Paris, giám thị bưu chính, được cầm quyền Pháp cử đi thám hiểm quãng đường từ Huế vào Sài Gòn. Ông đã được xem tận mắt hệ thống bưu trạm của nhà Nguyễn xưa. Paris đã mô tả những trạm dịch của ta hồi đó như sau:
“Trạm chỉ là cái nhà vuông mà du khách có thể nghỉ chân và tạm trú. Nhà lợp ngói, có hào và tường bao bọc, lại có chòi gác bốn phía. Sở Trạm dịch gồm có những người phu để khuân vác những bưu kiện nặng, chạy bộ hoặc cưỡi ngựa mang công thư, những người giữ ngựa, những nhân viên kiểm sát (guetteurs), thư ký và trạm trưởng.
Thư ký trạm giữ một quyển sổ để chia phiên cho các phu trạm chạy thư (hay ngày nay gọi là cách chàng shipper). Khi cần, viên thư ký đánh mõ bằng gỗ để gọi phu trạm tới; những người này phải bỏ mọi công việc để đi công văn cho kịp”, vắt chân lên cổ mà chạy. Theo Dutreuil de Rhins viết trong Le Royaumem d’Annam (Vương quốc An Nam) thì trạm dịch hồi đó như sau:
Trạm phụ trách việc chuyển vận các quan viên cùng vật dụng của họ, hàng hóa của nhà nước (matériels d’Etat) và nhất là chuyển vận nhanh chóng những chiếu chỉ của nhà vua. Tư nhân không được vào trạm. Công văn thư từ của nhà nước phải bỏ vào ống tre, niêm phong gọi là ống công văn, rồi mới giao cho phụ hoặc lính trạm chạy bộ từ trạm này qua trạm khác, hoặc giao cho kỵ mã chạy, gọi là mã thượng”.
Người lính trạm mang ống công văn sau lưng còn bên hông khắc trên vai đeo lục lạc để báo cho bộ hành từ đằng xa có thể nghe tiếng mà tránh ra. Lính trạm cũng mang theo một cái gậy ngắn để tự vệ và để cho bộ hành nhận dạng lúc đi đường. Phu trạm chạy lúp xúp và có thể chạy như thế từ Hà Nội vào Huế (gần 700km) trong tám ngày. Nên nhớ đường sá ngày xưa rất thô sơ, gồ ghề, phải qua nhiều sông hói. Từ trạm này đến trạm kia cách nhau chừng 15 hoặc 20 cây số. Shipper ngày xưa cũng khá là vất vả với “con xe” chạy bằng cỏ, tuy nhiên có đơn hàng thì tức tốc mà đi không ngại khó khăn.
Theo bút ký Le Voyage du Capitaine Rey en 1819, (BAVH, Huế, 1920, p.27), và ông Despierres ghi lại, thì khi từ xa mà nghe có tiếng lục lạc reo và lá cờ phất của người lính trạm thì tức khắc các bộ hành, võng cáng, xe cộ đều phải tránh sang hai bên đường. Nghĩ đến mấy bác shipper ngày nay thì ôi thôi kẹt xe bóp còi inh ỏi mà còn bị lấn đường. Những người lái đò phải sẵn sàng ưu tiên đưa lính trạm sang sông. Nếu như đò đã chèo ra nửa sông rồi thì cũng phải quay trở lại để rước người lính trạm qua cho kịp.
Khi tới trạm, người lính giao ống công văn và cây cờ ghi ngày giờ đi và đến cho người cai trạm hay đội trạm, rồi người này đi này giao lại cho một lính trạm nhận lãnh và tức tốc mang chạy qua trạm tiếp theo.
Mỗi trạm đều có một cuốn sổ ghi danh tính những người phu trạm và cứ theo đó mà luân phiên cắt việc cho nhau. Nếu chậm trễ trên 30 phút thì bị phạt đòn bằng roi mây. Ban đêm cũng phải chạy chuyên vận công văn thư từ của nhà nước. Khi ấy trạm phải cử người cầm đuốc theo, nhất là trong vùng có cọp beo. Không ai được cản trở phá phách người phụ trạm trong lúc họ thừa hành công vụ.
Nếu công văn bị hủy hoại hoặc người phụ trạm bị xâm phạm, người phạm tội sẽ bị xử tử vì bị xem như đã phạm đến an ninh quốc gia.
Theo ông Dumoutier viết trong bài Le Facteur Annamite đăng trong Revue Indochinoise năm 1920, tương truyền người phụ trạm khi gặp phải cọp chỉ cần khấn vái: “Ông cọp, xin ông đi ra xa, tôi đang thừa hành công vụ” là cọp hiểu ngay và tránh xa. Nhưng trên đường về, khi người phụ trạm không còn mang công văn nữa thì cọp có thể rình bắt như chơi. Tuy nhiên, người phu trạm khôn lanh đã sớm biết mà rẽ đi đường khác.
Theo P.Pasquier viết trong L’Annam d’Autrefois, việc dịch trạm ngày xưa có tính cách bất khả xâm phạm, cho nên gặp lúc tai biến, loạn lạc, những người phu trạm vẫn được sự bảo đảm của đôi bên để họ làm tròn phận sự. Cho nên, sau khi “ông Tây giăng dây thép họa địa đồ nước Nam”, triều Nguyễn đã ghép tội phá hoại đường dây thép với sát tử một người phụ trạm (assimil la destruction d’une ligne à l’attaque d’un lính trạm).
Như vậy, “shipper” dưới thời xưa là một cộng việc cực kỳ quan trọng và nguy hiểm, và dù không có app hiện đại như giaohangnhanh, giaohangtietkiem, Vnpost hay Ahamove nhưng cũng được tổ chức khá công phu và theo trình tự rạch ròi. Và tuyệt nhiên không bao giờ có việc BOOM HÀNG như các thanh niên hiện nay.
Nguồn tham khảo: Huế Triều Nguyễn: Hỏi và Đáp – Tác giả Nguyễn Đắc Xuân (có chỉnh sửa và bổ sung)