Thứ ba, ngày 22/04/2025 20:15 GMT+7
Sau vụ hàng ngàn tấn giá đỗ ngâm chất cấm: Nhiều hộ sản xuất giá đỗ truyền thống điêu đứng
Nguyễn Tình Thứ ba, ngày 22/04/2025 20:15 GMT+7
Nhóm đối tượng dùng chất cấm sản xuất hơn 3.500 tấn giá đỗ bán ra thị trường ở Nghệ An và vùng phụ cận. Sau vụ việc, người tiêu dùng e ngại, thậm chí quay lưng với giá đỗ.
Người tiêu dùng lo ngại trước thông tin hàng ngàn tấn giá đỗ “ngâm” chất cấm
Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An bắt 4 đối tượng gồm: Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997, cùng trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998, cùng trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Theo đó, để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt, nhóm đối tượng này đã sử dụng hoá chất “nước kẹo” (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP) trong quá trình sản xuất giá đỗ.


Từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo” ngâm, tưới giá đỗ. Giá đỗ sau khi sản xuất được phân phối tại các chợ đầu mối ở Nghệ An và các tỉnh phụ cận với giá 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg.
Hơn 3.500 tấn giá đỗ đã được bán ra thị trường trong khoảng 1 năm qua khiến người tiêu dùng e ngại. Việc sử dụng giá đỗ để chế biến thức ăn hàng ngày cũng được người tiêu dùng cân nhắc kỹ lưỡng.
Chị Hồ Thị Lê (SN 1985, trú tại TP Vinh) chia sẻ: “Trước đây tôi thường mua giá đỗ để chế biến thức ăn trong gia đình. Bình thường, tôi cũng không chú ý đến hình thức giá đỗ. Khi đọc được thông tin tôi mới thấy sợ, không biết gia đình tôi đã từng ăn phải loại giá đỗ dùng chất cấm này chưa. Mấy ngày nay, tôi đã không mua giá đỗ. Nếu cần thiết, tôi cũng rất thận trọng để lựa chọn theo khuyến cáo mà cơ quan chức năng đã hướng dẫn”.

Không riêng gì chị Lê, nhiều người tiêu dùng ở TP Vinh cũng rùng mình khi thông tin hơn 3.500 tấn giá đỗ sử dụng chất cấm, độc hại trong quá trình sản xuất đã được bán ra thị trường. Vì thế, người tiêu dùng rất e ngại khi sử dụng giá đỗ.
“Tôi không nghĩ rằng các đối tượng có thể sử dụng loại chất cấm độc hại như vậy để sản xuất giá đỗ. Tôi cũng căn dặn vợ khi đi chợ, mua giá đỗ cần lựa chọn kỹ”, anh Phan Văn Ngọc (trú tại TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ.
Các hộ gia đình sản xuất giá đỗ truyền thống điêu đứng
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt tại chợ Vinh, tiểu thương bán loại mặt hàng này đang điêu đứng khi tâm lý người tiêu dùng tỏ ra e ngại và “cảnh giác” với giá đỗ. Nhiều hộ gia đình sản xuất giá đỗ truyền thống với hàng chục năm làm nghề cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Bà Nguyễn Thị Oanh (SN 1969) đã có 35 năm làm nghề sản xuất giá đỗ. Bà Oanh cũng có một sạp hàng lớn bày bán giá đỗ tại chợ Vinh. Đây là chợ đầu mối lớn và tấp nập nhất ở Nghệ An. Công việc sản xuất và buôn bán giá đỗ của bà Oanh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
“Chúng tôi là cơ sở sản xuất giá đỗ có truyền thống từ hàng chục năm nay, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Gia đình tôi thường bán sỉ giá đỗ cho các sạp rau tại chợ trên địa bàn. Bên cạnh đó nhiều trường học, nhà hàng cũng nhập giá đỗ của gia đình tôi. Trước đây, mỗi ngày gia đình tôi bán khoảng 15 lu giá đỗ. Mấy ngày nay, gia đình chỉ bán được khoảng 6 đến 8 lu giá đỗ, việc kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn”, bà Oanh chia sẻ.
Tại sạp bán giá đỗ của bà Bành Thị Liên (SN 1979) ở chợ Vinh, người mua cũng giảm đi hẳn. “Bình thường, giờ này người mua đông, nhưng hôm nay ít hẳn. Mấy ngày nay, giá đỗ bán ra giảm hẳn, chỉ được 1/3 so với trước đó. Tôi sản xuất và bán giá đỗ cũng hơn 20 năm nay, được người tiêu dùng tin tưởng. Vì thế, khách mua giá đỗ chủ yếu là người quen”.


Bà Liên chia sẻ: “Giá đỗ mà gia đình tôi làm ra phải mất từ 5 đến 7 ngày tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Giá đỗ thường có thân dài, nhiều rễ, màu sắc và mẫu mã không đẹp, ăn sống có mùi hơi tanh của đỗ. Vì thế, người tiêu dùng chỉ cần nhìn là nhận ra ngay”. Hiện bà Oanh đang bán giá đỗ từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg.
Bà Oanh cũng khẳng định, nếu giá đỗ mập mạp, thân ngắn, ăn sống không có vị hơi tanh thì không phải là giá đỗ được sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Mặc dù việc sản xuất, kinh doanh, bị ảnh hưởng nặng nề nhưng bà Oanh và bà Liên cũng rất phấn khởi trước thông tin cơ quan chức năng triệt phá các cơ sở dùng chất cấm để sản xuất giá đỗ. Đồng thời, bà Oanh cũng mong cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Theo Cơ quan chức năng, hóa chất 6 – Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu con người tiếp xúc hoặc ăn phải sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng như: ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa (gây tổn thương thực quản, niêm mạc dạ dày và dẫn đến buồn nôn), ảnh hưởng hô hấp (gây khó thở, tổn thương phổi, viêm phổi, làm tăng nặng các bệnh về phổi, phế quản, thậm chí xơ phổi)…