Sau một thời gian ngắn có được may mắn sinh sống và làm việc ở Amsterdam, em đã rút …

Một chút kinh nghiệm thăm Hà Lan

Sau một thời gian ngắn có được may mắn sinh sống và làm việc ở Amsterdam, em đã rút ra được một chút kinh nghiệm thăm Hà Lan. Ở bài này, em sẽ chia sẻ những điều nên biết khi thăm Amsterdam nói riêng hay Hà Lan nói chung nhé! Đây là những kinh nghiệm cơ bản nhất thôi ạ!
1. Hãy chú ý đến xe đạp!
Hà Lan có lẽ là xứ sở duy nhất trên thế giới có nhiều xe đạp hơn dân cư. Người người nhà nhà đều là những tay lái đạp xe cừ khôi. Khắp đường xá đều được thiết kế dựa trên nhu cầu đi xe đạp. Người Hà Lan cũng rất hay, chuyển đồ đạc đi chợ mua sắm hẹn hò, tất cả đều bên chiếc xe đạp. Do sự phổ biến của loại phương tiện “xanh” này nên đừng lạ nếu đường xá chật cứng với những tay lái xe đạp “dân tổ” kiểu mới. Đừng bao giờ đi lấn đường của xe đạp nhé!
2. Trải nghiệm lái xe đạp ở Amsterdam
Lái xe đạp ở Ams phải nói là một cảm giác hoàn toàn khác biệt. Nó cứ kì diệu lạ lùng làm sao ấy. Nhất là những ngày trời đẹp, đạp xe băng băng trên những con đường bằng, ngắm nhìn phố xá dưới ánh mặt trời rực rỡ, để gió vỗ về lên da luồn qua tóc…. Nếu có cơ hội, nhất định nên thử thuê xe đạp rồi lái quanh Ams để hiểu một chút cuộc sống của người bản địa nhé.
Tip: Hãy tránh xa khu trung tâm nơi toàn khách du lịch lái xe, vừa tránh tai nạn vừa để khám phá những địa điểm mới yên bình đúng chất Ams hơn.
Nếu sợ lái xe đạp, các bác có thể suy xét mua vé giao thông công cộng. Kinh nghiệm dùng phương tiện giao thông công cộng:
  • Ở Amsterdam nói riêng và Hà Lan nói chung có ba loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất: metro, bus và tram.
  • Thường có 2 loại vé, vé giấy và thẻ OV-chipkaart. Vé giấy về cơ bản là mua một lần, dùng hết thì bỏ. OV-chipkaart là thẻ nạp tiền y như điện thoại, đi đến đâu trừ tiền đến đó. Trên bus/tram có thể mua vé giấy nhưng không thể nạp tiền vào thẻ. Ở metro, bến tàu thì máy nạp tiền vào thẻ ở khắp nơi.
  • Trên tram/bus thì họ chỉ nhận thẻ, không nhận tiền mặt.
  • Ở Hà Lan, lên xe thì phải check in (tức đưa vé/thẻ lên chiếc máy check ở ngay cửa xe, 1 tiếng bíp). Xuống phải check out (lặp lại như vậy, 2 tiếng bíp). Báo “đỏ” tức là vé hết hạn, hoặc thẻ cần thêm tiền. Chú ý: check in và check out mỗi lần đi, không phải check 1 lần lúc lên đầu tiên và lần dùng cuối cùng,
  • Có nhiều công ty thầu di chuyển công cộng trong Hà Lan, như Connexxion/EBS/Arriva (phương tiện vùng), còn bên trong Amsterdam thì là GVB. Về cơ bản, nếu mua vé của GBV thì không dùng được các phương tiện của các công ty khác, phải mua lại vé hoặc nạp thêm tiền vào OV-chipkaart.
3. Chuẩn bị cho cả bốn mùa khi ra đường!
Hà Lan – những vùng đất thấp – là nơi có bốn mùa một ngày theo đúng nghĩa đen! Đừng ngạc nhiên nếu xứ sở xinh đẹp này lại sáng nắng chiều mưa trưa giông bão kèm gió tung người. Thời tiết Hà Lan thấy thường như một nàng tiểu thư đỏng đảnh. Hãy chuẩn bị đầy đủ quần áo khăn mũ trước khi ra đường nhé. Kể cả mùa hè cũng nên thủ sẵn áo khoác và khăn choàng nhẹ cho chắc.
4. Nếu có thể, thăm Hà Lan vào tháng 4
Mỗi mùa Hà Lan lại có cái đẹp riêng. Nhưng để nói là mùa du lịch Hà Lan lý tưởng nhất thì em thấy là tháng 4 (đấy là em đã sống ở Ams từ tháng hai đến tháng bảy). Từ tháng 11 đến giữa tháng 2, trời âm u kinh khủng khiếp. Trong suốt khoảng thời gian đó, mỗi ngày nắng là một ngày kì diệu! Chính những ngày đông giá ở Ams đã dạy em một điều: mặt trời là một trong những cội nguồn hạnh phúc! (vitamin D trong mặt trời ý).
Nhưng những tháng mùa hè, Hà Lan có thể nóng cháy da cháy thịt được thật. Từ tháng bảy đến tháng chín, ra đường là da đỏ phừng phừng. Tháng 4, 5 lý tưởng nhất do nắng xuân rực rỡ, hoa nở gió giảm, trời đẹp như mơ! Ngoài ra từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa tulip, rực rỡ nơi nơi.
Tháng 4 lý tưởng hơn cả do có ngày King’s day nữa. Đây là lễ hội quốc gia của Hà Lan nhé. Cả đất nước mở tiệc, ăn mừng, cực kỳ sôi động!
5. Thay vì thăm Keukenhof, hãy đến thẳng các cánh đồng hoa
Keukenhof là một trong những khu vườn lớn nhất châu Âu, nổi tiếng với những mảnh hoa tulip rực rỡ tuyệt mỹ. Thế nhưng do lượng khách khổng lồ mà Keukenhof với em đã bị giảm phần nào sự thơ mộng. Hãy thuê xe đạp, đạp thẳng đến những cánh đồng ở quê để ngắm những cánh đồng tulip bạt ngàn thay vì chen chúc ở nơi ai cũng đến nhé!
Một trong những điểm có cánh đồng hoa: làng Hillegom. Bắt tàu đến đây khoảng 3eu thì phải. Đem theo xe đạp lên tàu, nhớ phải mua vé cho xe đạp nhé. Nhưng giờ thì các bác phải check nha, thường hình như đi tàu thì phải tránh giờ cao điểm. Xuống đến làng Hillegom, các bác chỉ cần nhìn hướng cánh đồng hoa nở mà đạp thôi. Những cánh đồng mênh mông như oải hương của Aix-en-Provence luôn. Trong Keukenhof hoa được sắp xếp có chiến thuật mà thư thả hơn, nhưng nhỡ mà đến cuối tuần thì chẳng còn gì là thơ mộng thư giãn. Ngược lại, tự túc tà tà đạp thế này lại là một trải nghiệm rất tuyệt.
6. Coffeeshop và quán cà phê là hai điều khác nhau!
Nếu các bác muốn một điếu cần phê pha, hãy đến coffeeshop. Muốn uống cà phê? Tránh luôn coffeshop nha. Coffeeshop ở Hà Lan là chuyên để bán cần sa ạ!
Nếu muốn thử cần ở Amsterdam, có vài điều nho nhỏ cần nhớ sau (nếu muốn đọc toàn bộ hướng dẫn về coffeeshop Amsterdam, các bác ghé page hoặc blog của em nha!)
  • Các bác không bao giờ nên mua quấn sẵn (pre-rolled), trừ phi là chưa hút bao giờ mà muốn thử 1 tí. Thường pre-rolled rất đắt, loại nhẹ hều trộn hơn nửa thuốc lá đã là 6 đến 7eu 1 điếu rồi. Mua gam mà đến những chỗ sau đây em chỉ thì chỉ tầm 7, 8eu 1 gam thôi.
  • Nếu không quen hút thì nên mua về nhà hút. Bất đắc dĩ không có chỗ hẵng hút trong coffeeshop.
  • Ai chưa quen vào hàng mua thì đều bối rối cả. Các bác đừng ngại ngần gì, cứ hỏi người bán nhé. Đa phần người làm trong coffeshop đều biết hàng của họ, họ sẽ giới thiệu loại phù hợp.
  • Ngay-lập-tức tránh những địa chỉ này ra nhé: Bulldog (bulldog là coffeeshop cho dân du lịch điển hình, vừa đắt vừa chán. Được cái hàng to đùng nằm ngay trung tâm quảng trường Leispeden nên nhộn nhịp thôi. Nhỡ lơ ngơ vào đây bị chém đẹp gần gấp đôi các cửa hàng khác. Em nhớ tụi nó còn bán cái gì mà 0,8g 12eu thì phải). Hơn nữa không ngon đâu, chỉ thấy buồn ngủ; The Hunters (The hunters hay hunter, không chỉ là một quán bán cần mà là cả một chuỗi gồm cả coffeshop cả quán bar, trải linh tinh trong thành phố. Tựu chung thì giá cao mà chất lượng cũng toàng thôi. Các bác khỏi kiếm đỡ mắc công); Green House (chỗ này được tung hô dữ lắm, khách du lịch mê đến đây nên lúc nào cũng trong tình trạng đông tắc thở, em không ưng).
7. Đừng chỉ ở trong trung tâm thành phố!
Amsterdam giờ đây đẹp nhất không còn là ở những khu đèn đỏ chật kín khách du lịch, ở quảng trường Dam đông tắc thở, ở nhà thờ lớn không người bản địa nữa. Amsterdam đẹp nhất là ở những đoạn kênh vắng hơi chếch bên ngoài đôi chút. Hãy dạo bộ hoặc đạp xe ở ngoài một chút để thật sự cảm thấy cái chất của xứ này: yên bình, riêng tư và ít người qua lại.
8. Thăm những nơi “khác”
Qua rồi cái thời đi chỉ để check in những điểm nổi tiếng. Hãy đến Ams để truy tìm trải nghiệm mới, bởi đây là thành phố của sự sáng tạo và của những điều trái ngược. Du khách thường ở tiệt trong khu trung tâm, kiểu như phố đèn đỏ, như phố cổ, quảng trưởng Dam,… hãy tránh xa những chỗ này ra.
Hãy thử thăm cafe De Ceuvel với xu hướng “phát triển bền vững”. Chơi escape room Catacomb Amsterdam. Tắm nắng trong Vondelpark. Thăm Jordan xinh xắn mộng mơ. Hay đến Amsterdam Noord – thiên đường hipster nhé!
9. Rất nên thăm bảo tàng!
Amsterdam là một trong những nơi có những bảo tàng nghệ thuật tuyệt vời nhất thế giới. Đây chắc chắn là thiên đường cho những người yêu nghệ thuật nói riêng và cái đẹp nói chung. Nếu có thể, ít nhất nên thăm Rijksmuseum và bảo tàng Van Gogh nhé.
Vào mùa cao điểm du lịch, xếp hàng là không tránh khỏi. Hãy đặt vé trên mạng trước và chú ý đến các dịch vụ “skip the line” (dịch vụ ưu tiên).
10. Muốn tiệc tùng! Hãy đặt vé trên mạng trước
Amsterdam là nơi có cuộc sống về đêm cực kỳ sôi động. Đi đôi với điều này là những hàng dài xếp hàng trước bar và club. Hãy đặt vé trước ở những club mà các bác muốn đi, vừa rẻ hơn (đôi khi rẻ một nửa), vừa đỡ phải gặp rắc rối ở cổng club trong trường hợp quá đông, hết vé.
11. Hãy là du khách lịch sự khi du lịch Hà Lan (hoặc bất cứ đâu ấy chứ)
Tức là đừng chụp ảnh lia lịa hay chỉ trỏ gái điếm ở phố đèn đỏ (nghề nào cũng đáng trọng hết nhé!);
Đừng uống đồ có cồn trên đường phố (bị phạt 90eu luôn không nói nhiều);
Hút cần một cách có văn minh (và tránh xa những coffeeshop trung tâm chuyên vặt tiền du khách).
Hãy tôn trọng người bản địa. Người Hà Lan cực kỳ chú trọng quan hệ, và thường ở trong vòng tròn xã giao của mình. Đừng trở thành người thân thiện quá mức để cảm thấy tổn thương khi họ có vẻ lạnh lùng. (Cũng đừng buồn khi họ quá thẳng thắn nhé. Người Hà Lan nổi tiếng “thẳng ruột ngựa”).
12. Thích bia? Đừng đi tour Heineken
Hãy tìm những quán craft bia nhỏ địa phương, thậm chí là mua những hãng kì quái trong siêu thị cũng được. Tour Heineken nhằm chủ yếu vào du khách – dịch vụ du lịch rất được nhưng bia uống nhạt thếch… Hơn nữa giá cũng đắt. Các bác có thể mua tour bia ở những nơi ủ bia nhỏ hơn, kèm thêm cả vài cốc bia luôn ý chứ. Bạn em người Hà Lan ai cũng bảo đừng đi… Thay vào đó, hãy tìm những hãng bia khác và đi picnic ở một công viên nào đó cho đã!
13. Thử streetfood của Amsterdam!
Hà Lan không phải nơi có ẩm thực “đỉnh” nhất, nhưng rất đáng thử! Hãy thử stroopwaffel mật caramel siêu ngọt, bitterballen giòn tan,… Một trong những nơi có nhiều đồ ăn đường phố với giá cả hợp lý là Albert Cyupmarkt, một khu chợ không chỉ có quán ăn mà còn nhiều sạp đồ tươi ngon lành, nhiều cửa hàng thriftshop dễ thương nữa.
14. Và thử cả các ẩm thực khác nữa!
Amsterdam là nơi nhiều nền văn hoá giao hoà nhau. Suốt dòng lịch sử, từ thời còn là đế chế thực dân đến tận bây giờ, Hà Lan vẫn luôn là trung tâm giao thương, kết nối văn hoá. Đến đây, hãy thử cả ẩm thực Indonesia (rất giống mình luôn) hoặc ẩm thực Suriname cực đậm đà. Ở giữa Amsterdam còn có cả một phố Tàu to khủng khiếp với đủ thể kiểu nhà hàng nhé.
Tuy nhiên em không đề cử ăn đồ Việt ở Ams… đây là vấn đề khẩu vị cá nhân. Em thích ẩm thực Bắc hơn do nhạt và cân bằng hơn. Ở Hà Lan hàng quán chủ yếu nấu kiểu Nam, hơi ngọt và hay bị nhiều “topping”.
Oh, rất rất nên thử ramen ở Ams nhé! Bạn em người Aruba (một thuộc địa đến nay vẫn coi là thuộc Hà Lan chính thức) từng ở Nhật vài năm nói rằng ramen ở Ams nhiều quán nấu rất chuẩn Nhật đó!
15. FoodHallen? Chỉ dành cho người nhiều tiền (đùa nhe ^v^)
FoodHallen mà một kiểu như trung tâm thương mại, nhưng chỉ có đồ ăn. Ở đây các quầy rất đa dạng, nhiều món thú vị, nhưng giá sẽ chát hơn hẳn ở ngoài nhé. Amsterdam nhiều hàng quán sáng tạo lắm, lại nổi tiếng với những quán cafe phong cách hipster. Một trong những khu vực có nhiều hàng quán sáng tạo là Noord Amsterdam, nơi tập trung của giới hipster, để tìm hiểu văn hoá phát triển bền vững và ẩm thực sạch.
16. Cẩn thận với thẻ quốc tế!
Hãy thủ sẵn một (không) ít tiền mặt. Ở Amsterdam nói riêng và Hà Lan nói chung, thẻ là vô cùng phổ biến. Nhưng vấn đề ở chỗ nhiều nơi chỉ nhận thẻ debit của Hà Lan thôi! Thế nên đừng ngạc nhiên quá nếu thẻ của các bác không hoạt động…. Kể cả chuỗi siêu thị lớn nhất Hà Lan là Albert Heijn họ cũng chỉ nhận thẻ Hà Lan thôi ấy…Mắc mợt!
Chú ý: Amsterdam vẫn có móc túi. Phải cẩn thận nhé!
17. Hà Lan (Holland) không phải là Hà Lan (Netherlands)
Tên của đất nước là Netherlands, mặc dù dân mình quen gọi Hà Lan cả. Tuy nhiên Hà Lan (Holland) tại là vùng thôi. Còn tên đúng của Hà Lan như mình gọi phải là Những vùng đất thấp (Netherlands) mới đúng.
18. Muốn tiết kiệm khi du lịch Hà Lan? Tránh ăn ngoài
Hà Lan chắc chắn không phải một điểm đến thân thiện với túi tiền. Nếu muốn tiết kiệm ở Ams nói riêng và Hà Lan nói chung, hãy tránh ăn ngoài. Thay vào đó, mua đồ tự nấu. Hoặc khám phá những app tiện ích vừa “xanh” vừa “vừa túi” như Toogoodtogo chẳng hạn.
19. Tiết kiệm tàu xe?
Do hệ thống tàu của Hà Lan tính tiền theo…km, nên du lịch bằng tàu ở Hà Lan có thể sẽ rất đắt. Nhưng may thay, đôi khi trên trang chủ của hãng tàu (hoặc ở các chuỗi siêu thị như Albert Heijn) sẽ có vé giảm giá, khoảng 16eu! Nếu bắt được những promo này, hãy mua luôn và ngay.
Trang chủ NS.
20. Mang theo chai nước riêng
Nước vòi ở Hà Lan hoàn toàn an toàn để uống. Hãy mang theo chai nước riêng và lấy nước vòi khi có thể. Trong khi đó, nếu vào nhà hàng, nước đóng chai đắt ngang các loại soft drink khác. Hãy nói cụ thể với bồi bàn nếu các bác chỉ cần nước vòi nhé (tap water).
21. Muốn khám phá sự kiện, hàng quán mới? Thử Meetup
Meetup là một trang web chia sẻ sự kiện tự phát: một người tổ chức (host) sẽ tổ chức sự kiện lớn nhỏ (đôi khi nhà hàng, đôi khi gặp nhau quán cà phê,…) và người chung sở thích hưởng ứng thì chỉ cần bấm “tham gia”. Rồi đến lúc có sự kiện thì xuất hiện là được. Đây là cách gặp gỡ hoặc tìm hiểu văn hoá hiệu quả hơn nhiều các hình thức expat khác. Rất nhiều khi các bác sẽ tìm thấy những địa điểm mới lạ dễ thương đấy.
Tạm thời chỉ có vậy nha. Nửa năm hiển nhiên vẫn không đủ thời gian để hoàn toàn thấu hiểu văn hoá của một xứ sở. Các bác hãy chia sẻ cho em những kinh nghiệm du lịch Hà Lan thú vị nhé!
Tạm thời chỉ có vậy nha. Các bác hãy chia sẻ cho em những kinh nghiệm du lịch Hà Lan thú vị nhé! Đừng quên theo dõi page và blog của em để cập nhật mấy chuyện thú zị nha😆
nguyenX




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *