Sau mấy chục năm làm công chức ăn dè tiết kiệm

Sau mấy chục năm làm công chức ăn dè tiết kiệm, ông bà Tâm cũng xây được ngôi nhà hai tầng khá khang trang giữa làng quê. Ông bà nghỉ hưu “chưa ấm chỗ” thì vợ chồng anh con trai ở thành phố về thuyết phục ông bà bán căn nhà ở quê, được bao nhiêu cho họ mượn để mua chung cư và đón ông bà lên ở cùng….

Lúc đầu ông Tâm không đồng ý vì bao nhiêu năm gắn bó với mảnh đất quê hương, giờ bỏ làng bỏ xóm lên thành phố ở kể cũng nhớ lắm. Nhưng hết con trai lại đến con dâu ra sức năn nỉ với đủ các lý do, khiến ông cũng mủi lòng: Nào là “bố mẹ có tuổi rồi, lỡ nay ốm mai đau cần ở bên con bên cháu cho tiện các con chăm sóc”; nào là “nhà đất ở quê bây giờ đang có giá, bố mẹ bán đi cũng được nửa già căn hộ chung cư chúng con muốn mua”; “chúng con ở nhà thuê mấy năm rồi, tiền thuê nhà và thuê người trông trẻ nhiều hơn cả tiền lương của bố mẹ cộng lại”…

Bà Tâm nghe vậy, tiếc tiền, xót ruột lắm, một mực động viên ông Tâm bán nhà để con trai mua nhà chung cư và ông bà lên thành phố trông cháu. Duy chỉ có người con gái của ông bà lấy chồng làng là không đồng ý với lý do: “Bố mẹ bán nhà đi như thế mỗi khi chúng con muốn cho các cháu về nhà ngoại thì biết về đâu?”. Bà Tâm xuê xoa: “Thì lên thành phố chứ đi đâu”. Anh trai cô lên tiếng: “Cô là gái, lấy chồng hưởng phận nhà chồng, không nên can thiệp sâu”. Không làm thế nào được, con gái ông bà Tâm đành nín nhịn, chỉ ấm ức trong lòng.

Lên thành phố được mấy tháng, ông Tâm đã thấy bí bách vì hầu như cả ngày ông bà ở trong bốn bức tường, không khác gì cái tù giam lỏng. Buổi sáng ông đi bộ đưa cháu lớn đến trường, buổi chiều khi cháu tan học thì ông đi đón. Ở thành phố, ai cũng cuốn vào công việc, hàng xóm láng giềng gặp nhau ở cầu thang máy chỉ gật đầu chào chứ không chuyện trò thân mật như ở nhà quê. Mấy ông ở cùng tầng chung cư tầm tuổi ông Tâm đã nghỉ hưu nhưng cũng kiếm việc làm thêm, người thì sửa xe, người thì làm bảo vệ…

Họ không vướng bận các cháu nên không chịu ăn không ngồi rồi, thành ra ông Tâm chỉ có chiếc ti vi làm bạn. Bà Tâm ở nhà vừa trông cháu bé vừa dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ và cơm nước. Thằng bé lười ăn lại hay quấy nên bà phải đánh vật với nó. Vợ chồng anh con trai của ông bà thì đi từ sáng đến tối mới về, trưa ăn cơm tại cơ quan. Hôm nào bà Tâm không nấu ăn sáng thì anh chị dắt nhau đi ăn quán.

Từ ngày có ông bà lên trông cháu, cô con dâu dần dà về muộn hơn, lúc ấy cơm tối đã được bà Tâm đậy lồng bàn cẩn thận, các cháu đã được tắm rửa sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng, quần áo của ai đã để vào tủ của người ấy. Thành ra con dâu ông bà chẳng phải mó tay vào việc gì ngoài việc một tuần đi siêu thị một lần mua đồ ăn tích sẵn trong tủ lạnh.

Ở quê đang ăn đồ tươi, rau sạch ngoài vườn quen rồi, ông bà Tâm cảm thấy thèm bát canh, quả cà mà cũng khó. Muốn nhắc nhở trực tiếp thì ngại vì ông bà sợ con dâu phật ý, cho rằng mình đòi hỏi, không khí gia đình sẽ căng thẳng, mà nhắc nhở con trai thì anh bảo “vợ chồng con bận lắm, về muộn là chuyện bình thường. Bố mẹ làm được việc gì thì làm, không làm được thì bố mẹ cứ để đấy. Ăn uống thì dần dần bố mẹ sẽ quen thôi”. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ quê, bà Tâm lại gọi điện tâm sự với con gái. Biết bố mẹ vất vả lại không vui, cô con gái nửa đùa nửa thật: “Bây giờ đích thị bố mẹ là ôsin rồi nhé, mà không được bằng ô sin ấy chứ vì ô sin hàng tháng còn có lương, ngày lễ thích nghỉ về quê chơi cũng không được nữa rồi”. Nghe con gái nói vậy, bà Tâm chạnh lòng lắm, nghĩ bụng: “chắc nó nghĩ mình còn nhà đâu mà về quê”. Bà kể lại với ông, ông thở dài: “Thôi! Bây giờ thì trách ai. Bà cũng thích lên thành phố ở cơ mà”.

Khi cháu thứ hai đi mẫu giáo, ăn bán trú ở trường như cháu lớn thì ông bà Tâm bớt việc, nhàn hơn. Chị con dâu bắt đầu than vãn về chuyện chi tiêu tốn kém: nào là tiền điện, tiền nước, tiền ga, tiền đóng học cho con, tiền dịch vụ ở chung cư… Một lần vô tình ông bà nghe thấy thì không sao nhưng nhiều lần ông bà cảm thấy con dâu cố tình kêu ca thì ông bà bắt đầu suy nghĩ. Ông giục bà từ nay đưa lương của một người cho con dâu chi tiêu. Thế mà lúc bà ốm, không những chỉ có mình ông trông bà ở viện mà ông còn phải bỏ số tiền lương để dành trả tiền viện phí cho bà. Ông thầm nghĩ: “May mà mình chưa đưa hết ruột gan cho chúng, nếu không lại ngửa tay xin con xin dâu từng đồng”.

Sau nhiều đêm mất ngủ, ông bà Tâm quyết định rời thành phố để về quê ở, sống những tháng ngày thanh thản tuổi già vì các cháu lớn rồi, không cần ông bà trông nom nữa. Ông bà ân hận vì đã bán ngôi nhà mà suốt đời mình tạo dựng, nếu có tiền nay cũng không chuộc lại được huống chi có bao nhiêu của cải ông bà cho con trai hết rồi.

Giờ về quê mà phải nương nhờ nhà con gái thì mặt mũi nào ngẩng lên với dân làng. Ông Tâm đành bàn với anh con trai đưa ông ít tiền để ông mua mảnh đất nhỏ, cất một ngôi nhà ngói ba gian làm nơi thờ tự tổ tiên và để ông bà có chỗ “chui ra chui vào”. Vậy mà anh con trai thản nhiên: “Bố mẹ đã quyết về quê thì vợ chồng con cũng không giữ được nhưng hiện tại chúng con không có tiền. Hay là bố mẹ vay tạm ngân hàng, thế chấp bằng sổ lương hưu của bố mẹ vậy. Khi nào có tiền, chúng con sẽ trả”. Ông bà Tâm đành ngậm ngùi, không nói đi nói lại nữa lời.

Nhưng chuyện gì ở cái làng quê bé nhỏ này cũng đến tai mọi người hết. Ai nấy đều bảo “nước mắt chảy xuôi” mà. Từ đó không có ông bà nào dại dột bán nhà lên thành phố trông cháu nữa. Người thì khóa nhà để đó một thời gian, người thì tuyên bố thẳng: “Muốn ông bà trông cháu hộ thì đem cháu về quê chứ ông bà không đi đâu hết, chả ở đâu bằng ở nhà mình”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *