Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga trở thành thỏi nam châm hút người nhập cư từ nhiều nơi, đặc biệt là từ các quốc gia từng nằm trong Liên bang Xô viết cũ

Tính từ năm 1993, đã có hơn 13 triệu người đến Nga để định cư lâu dài. Điều tra dân số năm 1989 cho thấy, trên 95% dân số Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, và Turkmenistan vẫn sống ở Trung Á. Nhưng đến tháng 10/2013, theo Cơ quan Di trú Liên bang Nga, đã có tới hơn 9 triệu người thuộc 5 nước cộng hòa ở Trung Á (tương đương 14% tổng dân số khu vực này) hiện đang sống ở Nga.
Một số nhà nhân khẩu học và nhà kinh tế học hàng đầu của Nga cho rằng nước này cần thêm nhiều người nhập cư nữa. Yulia Florinskaya, một chuyên gia về nhập cư tại Học viện Khoa học Nga phát biểu: “Trong 10-15 năm tới, nền kinh tế [Nga] sẽ không thể vận hành được nếu thiếu lao động nhập cư.” Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng, dầu mỏ, và bán lẻ là những doanh nghiệp đi đầu trong việc thuê người nhập cư, sau đó là các công ty vừa và nhỏ. Làn sóng di cư từ khối SNG sang Nga gia tăng đáng kể như vậy còn là vì công dân các nước SNG có thể vào Nga mà không cần thị thực và đa phần trong số họ đều có khả năng nói tiếng Nga.
Tuy nhiên dân chúng Nga, thuộc đủ các tầng lớp, tỏ vẻ không hài lòng về xu hướng này. Nhiều người than phiền rằng “người ngoài” đang thay đổi thành phố của họ. “Chúng tôi đang bị ngập lụt vì người nhập cư. Khi tôi ra phố, tôi tự nhủ, liệu đây có còn là Moscow nữa không nhỉ?” – Olga Ryazantseva, một giáo viên ở thủ đô Nga nói. “Những người này, chẳng hạn những người Tajikistan, họ khác biệt với chúng tôi. Họ không coi trọng chuyện giáo dục như người Nga chúng tôi. Họ chỉ muốn có dao và súng thôi”.
Nhiều người Nga đang cố khỏa lấp khoảng trống sau khi Liên Xô tan rã, bằng việc quay trở lại với Cơ đốc giáo Chính thống và niềm tự hào về cội nguồn Xlavơ (trong khi Liên Xô trước đó tự hào về việc mang trong mình nhiều dân tộc với mối quan hệ hữu nghị). Những tâm lý dân tộc nói trên đã đặt chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thế lưỡng lự. Ông Putin muốn Nga vẫn là cường quốc trong khối riêng của mình. Việc đặt thêm các hạn chế trên biên giới giữa Nga và Trung Á sẽ gây thêm nguy hiểm cho dự án vốn đã khó khăn của nước Nga về thiết lập một liên minh hải quan, đồng thời đẩy các nước láng giềng vào trong vòng tay của Trung Quốc (Nga thì đương nhiên muốn hạn chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng Trung Á).
Ông Putin hiện đang phải cân bằng giữa một bên là tham vọng về một khối thương mại khu vực và một bên là cơn bực tức của dân chúng đối với làn sóng nhập cư. Ông đã sử dụng Nhà thờ Chính thống giáo và chủ nghĩa ái quốc Nga để tạo thế đứng chính trị vững chắc và gây dựng cảm nhận mạnh về sự đồng thuận trong xã hội. Nhưng đồng thời, ông khước từ mọi lời kêu gọi thu nhỏ nước Nga. Trong một bài báo có tính tuyên ngôn vào đầu năm 2012, ông Putin bác bỏ chủ nghĩa đa văn hóa và công nhận nỗi lo sợ của dân chúng về vấn đề nhập cư, nhưng đồng thời ông lại kiên định với khái niệm nước Nga là một quốc gia đa dân tộc, với vị thế một cường quốc vắt qua cả châu Âu và châu Á.
Vladimir Tor là một lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa đã góp sức tổ chức cuộc Tuần hành Nga – một cuộc tập hợp lực lượng hàng năm của những người dân tộc chủ nghĩa, thường diễn ra vào ngày Thống nhất Dân tộc 4/11. Các cuộc diễu hành này thường hô vang các khẩu hiệu chống người nhập cư và đôi lúc trưng ra cả các biểu tượng của chủ nghĩa Qu.ốc x.ã. Tor đại diện cho các nỗ lực kéo nước Nga về “vùng lõi” của nó. Những người ủng hộ ông này muốn nước Nga giảm cung cấp tài chính cho các nước cộng hòa của chính nước Nga ở vùng Bắc Kavkaz, như là Chechnya và Dagestan – một ý tưởng đang ngày càng thu hút sự ủng hộ từ bên trong nước Nga. Không chỉ vậy, họ còn kêu gọi Moscow đặt thêm rào cản visa để ngăn chặn làn sóng người nhập cư từ Trung Á.
Đã từ lâu những người dân tộc chủ nghĩa cấp tiến trở thành một phần trong nền chính trị Nga nhưng chưa có nhóm hay đảng phái dân tộc chủ nghĩa nào phát triển thành lực lượng chủ lưu. Nhiều người xem cuộc tuần hành trên là một bước ngoặt. Các cuộc bạo động chống nhập cư gần đây cho thấy chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng bài ngoại không còn nằm trong một số ít phần tử cực đoan nữa mà đang dần chuyển mình trở thành một trong các mối quan ngại lớn. Lyudmila Alekseeva, đứng đầu Tổ chức Theo dõi Moscow Helsinki cảnh báo: “Trong khi phần đông chỉ ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ‘bình thường’, ngày càng có nhiều người quay sang ủng hộ chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến hay chủ nghĩa PX”.
Thông điệp từ vụ bạo động Biryulyovo nói trên, theo Vladimir Tor, là: “Nếu anh muốn có luật pháp và trật tự trên phố, nếu anh muốn các thể chế chính quyền hoạt động đúng chức năng… thì hãy xuống đường, lật nhào các ô tô, lấy một số quả dưa hấu và ném thẳng vào đầu bọn người Azerbaijan”. Vladimir Zhirinovsky, có lẽ là nhân vật dân tộc chủ nghĩa nhất nước Nga, đã từng đề xuất rằng cần phải dùng dây thép gai để ngăn cách lãnh thổ vùng Kavkaz.

Những người tham gia “Tuần hành Nga 2013” tại Moscow hôm 4/11/2013.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *