4 người bị chó dại cắn tại một phường
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế TP.Phan Thiết(Bình Thuận), ngay sau khi xảy ra vụ con chó cắn 4 người tại phường Đức Thắng, TP.Phan Thiết, cơ quan chức năng đã đưa con chó về theo dõi. Nhưng sau đó con chó đã chết và kết quả xét nghiệm của cơ quan Thú y là con chó này dương tính với virus dại.
Trước đó vào ngày 15/3, một con chó hoang màu lông vàng có trọng lượng khoảng 10 -12kg có những dấu hiệu nghi mắc bệnh dại, chạy rông ngoài đường đã cắn một số người dân, rồi cắn nhau với những chú chó khác ở khu vực phường Đức Thắng.
Ngay sau khi nhận thông tin vụ chó cắn người, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp TP.Phan Thiết phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Thuận đã đến bắt giữ con chó này đưa về theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy con chó cắn 4 người bị dương tính với virus dại và con chó cũng đã chết sau đó.
Theo Trung tâm y tế TP. Phan Thiết, những người dân bị con chó trên cắn đã tiêm huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế và những con chó của dân bị chó dại cắn cũng được tách riêng theo dõi kỹ lưỡng…
Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết phối hợp với UBND phường Đức Thắng khẩn trương phun thuốc sát trùng, đồng thời tiêm vaccine dại cho chó, mèo miễn phí tại khu vực có chó bị dại, nhằm hạn chế bệnh dại lây lan trong khu vực.
Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết cũng khuyến cáo bà con khi nuôi chó, mèo phải nuôi nhốt, không được thả rông, khi đưa ra ngoài phải rọ mõm, có người theo giám sát, đồng thời tiêm vaccine dại cho chó mèo theo đúng quy định.
Đã có 3 người tử vong vì bệnh dại
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường hợp tử vong nghi bị bệnh dại do chó cắn.
Ca đầu tiên xảy ra vào tháng 3/2024 và bệnh nhân tử vong là nữ 31 tuổi sinh sống tại huyện Hàm Thuận Nam(Bình Thuận). Trước đó vào tháng 2/2024 đã có 2 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.
Ngành Y tế khuyến cáo, khi đã bị chó, mèo cắn, nếu không biết con vật có bị dại hay không, động thái đầu tiên bắt buộc là phải rửa vết thương đúng cách.
Không tác động bàn tay vào vết thương, chỉ dội vết thương, cho xà phòng vào vết thương và xối rửa sạch thì virus dại sẽ trôi bớt đi và việc này cần phải làm càng sớm, càng tốt.
Sau đó, đưa người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế hoặc các điểm tiêm phòng vắc xin phòng dại gần nhất để được các bác sĩ, nhân viên y tế khám, tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời cho từng trường hợp. Chỉ có tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Ngoài ra, để phòng chống bệnh dại lây truyền sang người, nếu nuôi chó, mèo cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Không thả rông chó, mèo và khi cho ra đường phải được đeo rọ mõm. Người lạ không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại, nghi dại tuyệt đối không tiếp xúc để hạn chế sự lây nhiễm virus dại sang người đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y xã/phường để có biện xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó.