Cải cách tiền lương, lương giáo viên có cao hơn người chạy grab?
Sau 12 năm đèn sách cộng 4 năm học đại học, tốt nghiệp đi làm, cô Nguyễn Thị Lan (Giáo viên tiểu học ở Thanh Hóa) nhận mức lương hơn 4,2 triệu đồng.
Cô Lan tâm sự: “May mà tôi tốt nghiệp đi làm vào đúng thời điểm vừa được tăng lương cơ sở nên tiền lương mới được 4,2 triệu đồng đấy. Trước đó, lương của giáo viên đại học vừa ra trường chỉ hơn 3,4 triệu đồng một chút thôi”.
Mặc dù theo lời cô Lan nói, mức tiền lương đã tăng nhưng với mức lương hơn 4,2 triệu đồng/tháng cô vẫn không thể đáp ứng đủ cuộc sống hiện tại. Cô Lan kể: “Khó khăn lắm em mới vượt qua được kỳ thi, trúng tuyển vào trường công lập trên địa bàn thành phố. Nhưng sống ở đây không giống ở quê. Tiền thuê nhà đã mất 1 triệu đồng, tiền ăn, tiền chi tiêu… 4 triệu là không thể đủ”.
Vì mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm, lại không thể dạy thêm nên để có thêm đồng ra đồng vào, buổi tối ngoài soạn bài giảng, cô Lan nhận gia sư cho 2 học sinh tại nhà. Mỗi tháng cũng có thêm 2 triệu đồng.
“Nghe nói tới đây khi cải cách tiền lương, tiền lương giáo viên chúng tôi sẽ tăng lên. Chỉ mong sao điều đó nhanh thành hiện thực để đội ngũ nhà giáo chúng tôi yên tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp đào tạo”, cô Lan tâm sự.
Chia sẻ về chế độ tiền lương, cô Lan nói thêm tiền lương tháng ít nhất phải được 7 triệu đồng mới đủ sống cho 1 người. Còn nếu có con, nhiều khả năng mức tiền lương cũng phải từ 8-10 triệu đồng/1 người.
Theo thống kê hiện cả nước có hơn 1,6 triệu nhà giáo dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông và gần 84.000 nhà giáo dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Đôi lúc tôi cũng thấy ngậm ngùi bởi vì bạn tôi học kinh tế, đi làm doanh nghiệp lương khởi điểm cũng đã 6-7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người còn bảo, lương cô giáo gì mà không bằng anh chạy xe grab”, cô Lan cười.
Ưu đãi tiền lương cho giáo viên khi cải cách tiền lương là cần thiết
Mới đây khi đăng đàn trả lời đại biểu tại Quốc hội bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nhìn tổng thể thu nhập của nhà giáo hiện nay bao gồm tiền lương, cộng các khoản phụ cấp chức danh nghề nghiệp. Nhìn chung mức tiền lương của giáo viên đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp.
Bà Trà khẳng định, tới đây khi cải cách tiền lương giáo viên, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào Nghị quyết 27 của trung ương về cải cách tiền lương, và quán triệt tinh thần của Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương, là lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo rà soát lại quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và phụ cấp, và phụ cấp cao nhất của nhà giáo để trình cấp liên quan xem xét và quyết định.
Trao đổi thêm với PV Báo Dân Việt vào sáng 8/11, ông Phạm Minh Huân – Chuyên gia tiền lương cho biết, thực tế nói và làm trong xây dựng chính sách tiền lương là rất khó.
“Nói là lương giáo viên được ưu đãi, xếp cao nhất nhưng thực tế khi triển khai thì đơn vị nào cũng sẽ kêu là ngành đặc thù cần ưu đãi. Câu chuyện này từng xảy ra trước đây khi làm tiền lương”, ông Huân nói.
Ông Huân cho rằng, có 3 yếu tố chính để cấu tạo nên tiền lương đó là: Trình độ đào tạo; 2 là điều kiện làm việc; 3 là mức độ ưu đãi với công việc đó. Lấy yếu tố nào làm chuẩn để xác định tiền lương trong 3 yếu tố đó tùy thuộc vào người xây dựng thang bảng lương.
“Tuy vậy, lương nhà giáo phụ thuộc nhiều vào chức danh nghề nghiệp, giờ giảng và cả trình độ. Nếu nói ưu tiên, thì thang bảng lương sẽ được tính thế nào, nhấc bao bậc… cái này còn phải chờ thang bảng lương được Bộ Nội vụ ban hành”, ông Huân nói.
Trước đó, chia sẻ riêng với PV Báo Dân Việt, ông Trần Minh Thịnh – Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng: “Thiết kế thang bảng lương theo vị trí việc làm cho công chức, viên chức ngành giáo dục là xứng đáng, tránh tình trạng như lâu nay ‘tuổi cao lương càng cao’, không hợp lý. Thế nhưng thiết kế tiền lương theo vị trí việc làm cũng phải linh hoạt, tùy từng ngạch, tùy từng bậc. Trong cùng 1 vị trí việc làm cũng cần có sự phân cấp. Muốn tạo ra được sự công bằng trong cách tính tiền lương thì đương nhiên phải đánh giá chất lượng của công chức đó. Muốn đánh giá chất lượng thì đương nhiên phải có thi hoặc xét nâng bậc thăng hạng chức danh nghề nghiệp”.
Ông Thịnh lấy ví dụ: Cùng là 1 ông vụ trưởng, nhưng ông vụ trưởng này có thể có lương cao hơn ông vụ trưởng kia. Lý do là bởi trình độ chuyên môn cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn (vì làm nhiệm kỳ thứ 2), hoặc là lãnh đạo của vụ này phải quản lý, làm nhiều việc hơn…
Tương tự, công chức làm ngành giáo dục cũng vậy, có những người cùng dạy một môn, công tác ở 1 vị trí nhưng năng lực chuyên môn khác, thâm niên giảng dạy khác, thì phải thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp.
“Bởi vậy, tôi cho rằng tới đây dù có cải cách tiền lương thì vẫn cần thi hoặc xét nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho công chức, viên chức ngành giáo dục, vì mỗi vị trí vẫn nên có cấp bậc khác nhau và tiền lương khác nhau”, ông Thịnh chia sẻ thêm.
Chia sẻ thêm về câu chuyện tiền lương của giáo viên sẽ phải được ưu tiên xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, ông Thịnh cho rằng đây là cách tiếp cận đúng, ông ủng hộ phương án này. Bởi lẽ nghề giáo là nghề đào tạo nhân lực. Đầu tư cho giáo dục, là đầu tư cho con người. Con người là chủ thể trong sự phát triển vì thế giáo dục (giáo dục phổ thông và giáo dục kỹ năng) có mạnh thì xã hội đó mới phát triển được.