Thứ tư, ngày 14/05/2025 19:00 GMT+7
Hợp nhất 3 tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ tạo nên tour du lịch tâm linh độc đáo này!
Huy Hoàng Thứ tư, ngày 14/05/2025 19:00 GMT+7
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc hợp nhất 3 tỉnh đồng bằng sông Hồng là Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, sẽ tạo ra sự kết nối Tràng An – Phát Diệm – Phủ Dầy – Tam Chúc và xây dựng sản phẩm du lịch quốc tế mang thương hiệu vùng như: “Con đường tâm linh Đồng bằng sông Hồng”, “Miền đất thiêng ven sông”…
Ninh Bình đón 8,7 triệu lượt khách nhưng doanh thu vẫn thấp vì sao?

Trong khuôn khổ Hội thảo đưa công nghiệp văn hóa làm đòn bẩy để du lịch cất cánh vừa được diễn ra tại Ninh Bình có nhiều ý kiến, phân tích và giải pháp làm thế nào để thu hút khách du lịch, tăng sức chi tiêu của du khách, nhất là khi việc sáp nhập Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam thành tỉnh Ninh Bình mới.
Tại Hội thảo, Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng đều qua các năm, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Năm 2024, Ninh Bình đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% về tổng lượt khách và tăng 221% về lượt khách quốc tế so với năm 2023 – con số ấn tượng nhất từ trước đến nay, doanh thu đạt trên 9.100 tỷ đồng. Tuy nhiên lượt khách đến Ninh Bình tăng cao so với các năm trước nhưng doanh thu nhiều chuyên gia đánh lại chưa tương xứng.

Nói về điều này ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, du lịch Ninh Bình đón nhiều khách nhưng doanh thu không cao, mức chi tiêu của du khách khi đến Ninh Bình vẫn còn thấp. Điều này khiến những người trong ngành trăn trở, tìm ra cách nâng tầm du lịch, đặc biệt theo hướng gắn liền với các giá trị văn hóa, di sản.
Ninh Bình được biết đến là tỉnh phát triển về du lịch đứng hàng top trong cả nước với nhiều lợi thế như là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 100km, giữ vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, kết nối ba vùng kinh tế lớn và nằm trên các hành lang kinh tế quan trọng.
Tỉnh có diện tích khoảng 1.412km², địa hình đa dạng với ba vùng sinh thái đặc trưng, giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Ninh Bình sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Tràng An, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương… và từng là kinh đô của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý. Hiện tỉnh có 81 di tích quốc gia (trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt), 1 di sản thế giới, 5 bảo vật quốc gia, hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản kép duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, được UNESCO ghi nhận là mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản.

Không những thế, vừa qua Ninh Bình còn nhận được nhiều giải thưởng của các tạp chí thế giới. Năm 2023, Ninh Bình được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới. Cùng năm, tại Giải thưởng Traveller Review Awards lần thứ 11, Ninh Bình xếp thứ 7 trong Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới.
Năm 2024, Ninh Bình tiếp tục ghi dấu ấn khi đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng “Top 10 kỳ quan thế giới mới dành cho những người không thích đám đông”. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An vinh dự được đề cử vào hạng mục “Điểm đến tạo ảnh hưởng” của Giải thưởng Kotler Awards – giải thưởng uy tín trong lĩnh vực marketing du lịch toàn cầu.
Vườn Quốc gia Cúc Phương liên tiếp từ năm 2019 đến 2024 được công nhận là Công viên quốc gia hàng đầu châu Á tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards). Những giải thưởng và danh hiệu uy tín này đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất và con người cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Phân tích về điều này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển du lịch tại Ninh Bình hiện nay không nằm ở việc thiếu tài nguyên hay thiếu khách du lịch, mà chính là thời gian lưu trú ngắn.
Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh, phần lớn du khách – đặc biệt là khách nội địa – thường lựa chọn các chuyến đi trong ngày, ghé Tràng An – Bái Đính rồi rời đi trong vòng vài giờ đồng hồ. Điều này khiến các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, trải nghiệm đêm và các hoạt động tiêu dùng đi kèm không được khai thác hiệu quả, dẫn đến hiệu suất kinh tế trên mỗi lượt khách còn hạn chế.
Sáp nhập Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam thành tỉnh mới, hứa hẹn mở ra một “miền đất hứa” cho phát triển du lịch du lịch văn hóa – tâm linh

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho hay, chất lượng khách đến Ninh Bình mới là điều quan trọng.
“Chất lượng ở đây là số ngày lưu trú, hoạt động, sản phẩm du lịch cần đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách ở ngày dài. Các sản phẩm này cần tập trung xây dựng để khiến khách cảm thấy Ninh Bình là điểm đến xứng đáng. Việc khai thác chiều sâu của điểm đến cần được chú trọng. Bên cạnh đó, chất lượng của sản phẩm không phải là bao nhiêu sao mà là cách “chạm” cảm xúc của khán giả, mà điều này cần thể hiện thông qua các giá trị văn hóa, di sản, ẩm thực… Sự đồng bộ từ kiến trúc, thiết kế, văn hóa, ẩm thực… tại điểm đến là điểm nhấn thu hút du khách. Tất cả các show diễn, hoạt động trải nghiệm văn hóa… cần đi sâu vào các tour du lịch. Sản phẩm du lịch quan trọng nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào để du khách khi trải nghiệm du lịch Ninh Bình luôn cảm thấy không biết chán, không muốn về”, ông Hà Văn Siêu cho hay.

Đồng quan điểm với Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, trong một thế giới đang tìm về các giá trị bền vững, du lịch văn hóa – tâm linh là một nhánh phát triển chủ lưu, Ninh Bình, nếu biết khai thác hợp lý thế mạnh sẵn có, hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu cho việc phát triển du lịch hài hòa giữa bảo tồn và sáng tạo, giữa truyền thống và hiện đại, giữa địa phương và quốc gia, giữa văn hóa Việt Nam và thế giới.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cần xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh đặc trưng của Ninh Bình trong đó, thiết lập các tuyến hành hương – văn hóa theo chủ đề; Kết hợp trải nghiệm đêm – mở rộng thời gian lưu trú; lồng ghép yếu tố làng nghề – ẩm thực – văn nghệ dân gian; cá nhân hóa và đa dạng hóa trải nghiệm theo nhóm khách; gắn kết với các sự kiện – lễ hội – mùa du lịch đặc biệt.
Tiếp đến là phát triển hạ tầng, dịch vụ và không gian du lịch hỗ trợ cho sản phẩm đặc trưng; tăng cường truyền thông, quảng bá và định vị thương hiệu du lịch văn hóa – tâm linh Ninh Bình…

Đặc biệt hơn, việc sáp nhập Ninh Bình – Nam Định – Hà Nam thành một tỉnh mới là Ninh Bình sẽ mở ra một “miền đất hứa” cho phát triển du lịch du lịch văn hóa – tâm linh cấp vùng, nơi ba dòng sông lớn (sông Đáy, sông Hồng, sông Hoàng Long) gặp nhau, nơi các giá trị di sản và tôn giáo – tín ngưỡng giao hòa, nơi cộng hưởng giữa Phật giáo – Công giáo – Nho học – tín ngưỡng dân gian.
Trong không gian mở ấy, Tràng An – Phát Diệm – Phủ Dầy – Tam Chúc không còn là những điểm đến rời rạc của ba tỉnh lẻ, mà sẽ trở thành trục hành hương liên hoàn, có thể xây dựng sản phẩm du lịch quốc tế mang thương hiệu vùng như: “Con đường tâm linh Đồng bằng sông Hồng”, “Di sản hội tụ – Ninh Bình mới”, “Miền đất thiêng ven sông”…

“Du lịch văn hóa – tâm linh không phải là cuộc dạo chơi ngắn ngủi nơi di tích, mà là một hành trình nội tâm đi qua chiều sâu của lịch sử, bản sắc và niềm tin. Quan trọng hơn, nếu muốn phát triển du lịch không chỉ như một ngành kinh tế, mà là một động lực văn hóa – một sức mạnh mềm định vị vị thế vùng, thì đã đến lúc Ninh Bình cần nhìn xa hơn không gian hiện tại.
Chúng ta không chỉ giữ chân du khách bằng cảnh đẹp. Chúng ta giữ họ bằng sự tĩnh lặng trong lòng hang động, bằng ánh sáng lung linh nơi mái chùa, bằng câu chuyện kể từ lòng dân quê. Và cũng chính từ đó, chúng ta giữ được niềm tin phát triển, giữ được bản sắc bền vững, giữ được một Ninh Bình đang chuyển mình – không chỉ là địa danh, mà là biểu tượng cho hành trình hội tụ – lan tỏa và vươn xa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.