Thứ sáu, ngày 18/04/2025 19:00 GMT+7
Kiều Anh Thứ sáu, ngày 18/04/2025 19:00 GMT+7
Kon Tum vốn là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch độc đáo như Măng Đen, ngã ba Đông Dương, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, làng cà phê Kon Chênh hay nhà rông Kon Klor lớn nhất Tây Nguyên… Sau khi hợp nhất, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi sẽ được lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi.
Sáp nhập Kon Tum: Từ “Làng Hồ” của người Ba Na đến tỉnh lỵ trăm năm tuổi
Theo danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị – hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi sau khi hợp nhất sẽ được lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Điều này cũng thu hút sự quan tâm của các “tín đồ xê dịch” bởi Kon Tum vốn là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch độc đáo như Măng Đen, ngã ba Đông Dương, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, làng cà phê Kon Chênh hay nhà rông Kon Klor lớn nhất Tây Nguyên.
Trên bản đồ địa lý – hành chính Việt Nam, Kon Tum là vùng đất có lịch sử biến động lâu dài và đặc biệt, gắn liền với quá trình hình thành, đấu tranh, sáp nhập rồi chia tách qua nhiều thời kỳ. Nhưng xuyên suốt hành trình ấy, Kon Tum vẫn luôn là biểu tượng của một không gian Tây Nguyên giàu bản sắc, nơi cư trú lâu đời của các dân tộc bản địa và là một trong những cửa ngõ quan trọng của khu vực rẻo cao phía Bắc Tây Nguyên.

Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh ủy Kon Tum, tên gọi Kon Tum có nguồn gốc đặc biệt, mang đậm dấu ấn của người Ba Na – dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên vùng đất Tây Nguyên. Trong tiếng Ba Na, “Kon” nghĩa là làng, “Tum” là hồ nước, ghép lại thành “Kon Tum” – tức là “Làng Hồ”. Đến năm 1893, thực dân Pháp thành lập Tòa hành chính đầu tiên tại Kon Tum. Năm 1902, Kon Tum được chuyển giao cho Việt Nam, đặt dưới quyền Công sứ Bình Định.
Giai đoạn 1904 – 1907, Pháp thành lập rồi bãi bỏ tỉnh Plei Ku Der, địa bàn Kon Tum liên tục thay đổi. Đến năm 1913, tỉnh Kon Tum chính thức được thành lập từ các trung tâm hành chính Cheo Reo, Buôn Ma Thuột. Trong suốt thế kỷ 20, Kon Tum nhiều lần chia tách – sáp nhập với các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Pleiku, Gia Lai, Quảng Ngãi.
Theo đó vào tháng 10/1951, Liên khu ủy 5 gộp phần lớn địa bàn tỉnh Kon Tum và 4 huyện phía Tây Quảng Ngãi gồm Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà thành Mặt trận Miền Tây. Giai đoạn 1958 – 1975, Kon Tum tiếp tục trải qua các đợt chia tách, điều chỉnh đơn vị hành chính với Pleiku và Quảng Ngãi. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), tỉnh lại được sáp nhập thành Gia Lai – Kon Tum, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Pleiku.

Sau hơn 15 năm là một phần của tỉnh hợp nhất, năm 1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 8 ra nghị quyết chia tách Gia Lai – Kon Tum, tái lập tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai với địa giới hành chính riêng. Từ đó đến nay, tỉnh Kon Tum gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện: thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy, Kon Plông, Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Glei.
Kon Tum là nơi sinh sống của 43 thành phần dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc bản địa như Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ – Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm, Hrê. Trải qua hơn 100 năm, cái tên Kon Tum không chỉ là một dấu mốc hành chính, mà còn gợi nhắc về một không gian sinh tồn lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số, là nơi giao thoa của thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đậm đà và lịch sử thăng trầm của vùng cao nguyên.
Sáp nhập Kon Tum: Điểm hẹn lý tưởng của những trái tim khao khát khám phá

Kon Tum không ồn ào như những thành phố lớn, cũng không xô bồ như các điểm du lịch đại trà. Nơi đây mang một vẻ trầm lặng rất riêng, như thể núi rừng đã ngấm vào nhịp sống, vào hơi thở và từng bước chân người dân bản địa. Ẩn mình giữa vùng đất Tây Nguyên kỳ vĩ, Kon Tum không cần khoa trương mà vẫn đủ sức níu chân kẻ lữ hành chỉ bằng một buổi sớm tinh mơ se lạnh, hay ánh chiều đổ nghiêng qua mái nhà sàn.
Ở Kon Tum, thiên nhiên trở thành một phần của đời sống khi hiện diện trong từng thảm rừng lặng lẽ, tiếng dòng suối chảy róc rách trên triền đá hay hàng thông xanh rì, bạt ngàn trên con đường đến với thị trấn Măng Đen – huyện Kon Plông. Những năm gần đây, Măng Đen ngày càng được du khách trẻ yêu thích, nhất là những người muốn “trốn phố” để tìm về thiên nhiên nguyên sơ.
Nắm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, Măng Đen “gây thương nhớ” cho du khách bởi nền nhiệt độ lý tưởng: se lạnh vào sáng sớm và chiều tối, nắng dịu nhẹ vào ban ngày. Không khí nơi đây mát lạnh như chớm thu, khiến du khách “không nỡ” rời đi, chỉ muốn hít thở sâu thêm nữa để giữ lấy hương rừng, hương đất còn đọng lại trong lồng ngực. Nhờ tiềm năng du lịch độc đáo, thị trấn Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thu nhỏ”.

Như những nốt trầm ngân lên giữa bản hòa tấu hùng vĩ, thị trấn Măng Đen khiến giới trẻ “đổ xô” đến check-in tại rừng thông đang vươn mình thẳng tắp giữa đại ngàn. Du khách có thể đi bộ giữa cánh rừng phủ sương trắng, lảng bảng để nghe tiếng lá khô xào xạc dưới từng nhịp chân bước, bỏ lại những muộn phiền thường nhật ở phía sau.
Thị trấn Măng Đen “nổi cộm” trên bản đồ du lịch không chỉ bởi sắc xanh của cánh rừng mà còn bởi những mặt hồ tĩnh lặng như chiếc gương soi khổng lồ. Nếu hồ Đăk Ke nằm lặng im giữa lòng thị trấn như đang lắng nghe dòng tâm sự thì hồ Dambri mang dáng dấp của một thiếu nữ dịu dàng, dang tay đón những người lữ khách. Với những “tín đồ xê dịch” thích tiếng nước đổ giữa rừng, thác Pa Sỹ và thác Lô Ba là những điểm không thể bỏ qua – nơi “phô diễn” sức sống mãnh liệt của tự nhiên.

Kon Tum còn có một điểm đến mà bất cứ “phượt thủ” nào cũng mong muốn được chinh phục là ngã ba Đông Dương – nơi được ví von với tên gọi “một con gà gáy ba nước đều nghe”.
Đây là điểm tiếp giáp giữa ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia, nằm tại địa phận của xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Vượt qua những khúc cua vắt vẻo giữa rừng lên độ cao 1.086m, du khách sẽ thấy cột mốc chung của 3 nước nằm hiên ngang trên ngọn đồi, từ đó đưa mắt ngắm nhìn cả một vùng rộng lớn kéo dài vô tận – nơi ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử đan xen trong từng tấc đất. Cột mốc tam giác 3 mặt sừng sững trên đỉnh đồi, không chỉ là ranh giới vật lý mà còn là biểu tượng của sự đồng thuận, hòa giải và sẻ chia.

Ngoài ngã ba Đông Dương, du khách có thể tham quan, tìm hiểu về hành trình giao thoa, hội nhập tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Cửa khẩu không chỉ là nơi giao thương, mà còn là điểm nhấn tạo nên diện mạo của một vùng kinh tế mới.
Từ phía Việt Nam, con đường dẫn đến Bờ Y uốn lượn theo triền đồi, băng qua những thung lũng heo hút gió, mở ra một không gian thấm đẫm sắc màu biên giới. Không ồn ào như những cửa khẩu sầm uất khác, Bờ Y mang trong mình vẻ đẹp lặng lẽ mà kiêu hãnh – nơi mà từng dòng xe chở hàng vẫn lăn bánh đều đặn, và từng bước chân du khách như tìm về một miền đất chưa nhiều dấu chân người.

Kon Tum còn cuốn hút các “tín đồ xê dịch” bởi hương thơm đặc trưng lẩn khuất trong gió nhưng nồng nàn cả một vùng đất – làng cà phê Kon Chênh, xã Măng Cành. Ngôi làng dung dị với những mái nhà sàn mộc mạc, khói bếp lững lờ mỗi chiều và âm thanh sinh hoạt vang vọng bên sườn đồi. Tại làng, người dân bản địa gieo trồng những hạt cà phê nguyên chất trong thời gian từ 3-4 năm, “đánh thức” một sản phẩm nông nghiệp trở thành “linh hồn” của vùng đất.
Hương cà phê khiến du khách thổn thức bởi vị đằm, có chút đắng nhẹ nơi đầu lưỡi và hậu vị ngọt dịu bất ngờ ở cuối cùng. Ngồi giữa nếp nhà sàn, phía trước mặt là sắc xanh rì của núi rừng trải dài tựa như tấm thảm khổng lồ, du khách nhấp một ngụm cà phê rang xay tại chỗ mà cảm thấy như đang “nếm” một phần ký ức của đất rừng.
Cùng với đó, sự chân chất, hiếu khách và cách những người bản địa gìn giữ nét đẹp trong văn hóa độc bản hay mộc mạc quảng bá sản phẩm du lịch của mình, tất cả những điều ấy hòa quyện tinh tế khiến bất cứ ai cũng đều muốn ở lại với Kon Tum lâu hơn nữa. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến mảnh đất này trở nên hiếm có trong bản đồ du lịch Việt Nam.
