Thứ hai, ngày 07/07/2025 15:14 GMT+7
Kiều Anh Thứ hai, ngày 07/07/2025 15:14 GMT+7
Thông qua một video, hình ảnh cánh đồng lúa, khung dệt lụa và nồi cá kho âm ỉ,… được dẫn dắt bằng ánh sáng và chuyển động tại tỉnh Ninh Bình mới.
Tỉnh Ninh Bình mới: Sáp nhập Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

Từ ngày 1/7/2025, bản đồ hành chính Việt Nam chính thức khoác lên mình diện mạo mới: 34 tỉnh, thành thay thế cho 63 đơn vị cũ. Trong đó, tỉnh Ninh Bình mới – hình thành sau khi sáp nhập Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, có dân số hơn 4,4 triệu người, diện tích gần 4.000km².
Là người làm công việc kể chuyện bằng hình ảnh, anh Trần Phong Thái (sinh năm 1999, quê ở Hà Nam cũ, nay là Ninh Bình) luôn ấp ủ mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa của quê hương. Với anh, quê hương là vùng đất có truyền thống lâu đời, mộc mạc nhưng sâu sắc. Từ đó, anh đã cho ra đời một dự án đúng vào thời điểm Hà Nam sáp nhập với Ninh Bình, Nam Định thành tỉnh Ninh Bình mới.

Không xây dựng theo lối giới thiệu điểm đến, dự án của anh Thái tập trung vào chi tiết đời thường: cánh đồng lúa chín nối nhau, lớp bụi phủ trên bức tường nhà Bá Kiến, người dân làng nghề miệt mài bên khung dệt lụa hay nồi cá kho âm ỉ lửa trong gian bếp cổ.
Các địa danh xuất hiện trong video như chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, làng Vũ Đại hay Làng Chều không được sắp đặt theo thứ tự cụ thể, mà xuất hiện tự nhiên được dẫn dắt bằng ánh sáng và chuyển động. Video không có lời dẫn, thay vào đó là âm thanh tự nhiên và khung hình giàu biểu cảm.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Trần Phong Thái cho biết: “Video là hành trình gom góp nhiều năm, với hàng loạt điểm đến đặc sắc, món ăn đặc sản và các làng nghề lâu đời. Có những tư liệu tôi đã ghi hình từ năm 2021, và tổng dung lượng file quay tích luỹ đến nay đã vượt hơn 243GB. Tôi đã dành nhiều thời gian, công sức cũng như tâm huyết nhất.

Trong clip, du khách dễ dàng nhận ra nghệ nhân làm trống ở Đọi Tam, thợ dệt lụa ở Nha Xá đến những bậc cao niên gắn bó cả đời với nồi cá kho làng Vũ Đại… – “chất riêng” của Hà Nam cũ nay trở thành nét đặc biệt của Ninh Bình mới, giữa lòng đồng bằng Bắc Bộ.
Sáp nhập Hà Nam vào thành Ninh Bình mới: Mạch cảm xúc có sẵn

Trong hành trình thực hiện dự án, anh Trần Phong Thái không quá đặt nặng yếu tố kỹ thuật như ánh sáng hay góc máy. Thứ anh theo đuổi là nhịp sống – sự chân thật của con người trong chính không gian quen thuộc của họ. Tại mỗi địa điểm, anh dành nhiều thời gian để quan sát, trò chuyện và tạo sự gắn kết. Chỉ khi người dân đã thoải mái với sự hiện diện của máy quay, những khung hình đời thường mới thực sự hiện lên: một bữa cơm chợt thoáng qua, một ánh nhìn khi đang làm nghề, một khoảnh khắc lặng giữa sân đình.
“Khi trực tiếp hoà mình vào đời sống của người dân làng nghề, tôi mới thực sự cảm nhận được gía trị sâu sắc của lao động. Mỗi người tôi gặp đều để lại một dấu ấn rất riêng, và tôi đã học được những triết lý sống và làm kinh tế mà thế hệ đi trước đã đúc kết bằng cả đời mình.
Cái khó nhất là làm sao để nhân vật trong từng khung hình từ chỗ còn e dè, lạ lẫm dần trở nên gần gũi và tự nhiên. Tức là họ đang sống đúng với nhịp sống thường ngày chứ không phải là “diễn trước ống kính”. Để làm được điều đó, tôi phải giao tiếp, lắng nghe và kiên nhẫn để từ “lạ” thành “quen”. Chính vì thế, mỗi địa điểm ghi hình tuy chỉ đến một lần, nhưng lại tốn khá nhiều thời gian để chạm được đến phần chân thực nhất của câu chuyện tôi muốn kể”, chàng trai 9X cho biết.

Trong quá trình dựng clip, anh Trần Phong Thái dành nhiều thời gian để xử lý hậu kỳ, bởi đây không chỉ là công đoạn kỹ thuật mà còn là lúc câu chuyện hình thành rõ nét. Với kho tư liệu tích lũy trong nhiều năm, việc sắp xếp nội dung sao cho liền mạch, hợp lý và có cảm xúc là bài toán không đơn giản.
Anh Thái xác định rõ ngay từ đầu: video không phải là tập hợp hình ảnh mang tính giới thiệu, mà cần có cấu trúc kể chuyện với mở đầu, cao trào và cả những khoảng lặng để người xem cảm nhận, yếu tố hiện đại nằm ở nhịp dựng, âm nhạc, lối kể và cả lựa chọn phông chữ.
Theo chia sẻ của anh Thái, sau nhiều lần chỉnh sửa và xếp lớp timeline, câu chuyện dần hiện ra một cách tự nhiên hơn, như thể nó được khơi dậy từ chính mạch cảm xúc đã có sẵn.