Thứ năm, ngày 29/05/2025 19:11 GMT+7
Ngôi chùa lớn nhất thế giới nằm trong tỉnh sắp sáp nhập, liệu có đủ để giữ chân du khách?
Kiều Anh Thứ năm, ngày 29/05/2025 19:11 GMT+7
Đứng trước thay đổi hành chính lớn khi thuộc diện hợp nhất, ngôi chùa lớn nhất thế giới với cảnh quan ngoạn mục cùng hệ sinh thái du lịch đa dạng cần đối mặt với bài toán làm mới sản phẩm, thu hút khách ở cả mùa cao điểm và thấp điểm.
Sáp nhập Hà Nam: Ngôi chùa vĩ đại giữa lòng miền Bắc

Chiều 29/5, buổi tọa đàm với chủ đề “Tam Chúc – Sản phẩm du lịch trong kỷ nguyên bão hòa” đã diễn ra tại Khách Xá Tam Chúc, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một hoạt động bên lề “Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2025”, nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần Văn hóa – Du lịch Hà Nam năm 2025”.
Tọa đàm thu hút sự tham dự của nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, cùng các nhà nghiên cứu quan tâm đến phát triển điểm đến trong bối cảnh ngành du lịch đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt.
Tam Chúc – một địa danh sở hữu cảnh quan đặc sắc và chiều sâu văn hóa, đang nổi lên như một điểm đến nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít nỗi trăn trở. Tọa đàm lần này mở ra cơ hội để nhìn lại hành trình phát triển của Tam Chúc, đồng thời cùng nhau đặt ra những câu hỏi và hướng tiếp cận mới mẻ, giúp nơi đây không chỉ là điểm dừng chân, mà còn trở thành không gian văn hóa – tâm linh sống động và khác biệt.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Đức Nguyên – Giám đốc Trung tâm phát triển du lịch tỉnh Hà Nam cho biết: “Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, tâm linh, cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng, Tam Chúc hiện đã ghi tên mình trên bản đồ du lịch Việt Nam như một điểm đến nổi bật, đón hàng triệu lượt khách mỗi năm và đóng góp lớn vào sự phát triển chung của ngành du lịch Hà Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu sẽ có dịp tham quan, trải nghiệm cả những sản phẩm đã làm nên thương hiệu của Tam Chúc, lẫn những sản phẩm mới đang trong quá trình phát triển. Chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp quý báu từ các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị truyền thông. Đây sẽ là nguồn tham khảo quan trọng giúp định hướng chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch cho Tam Chúc nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung trong thời gian tới.”

Khu du lịch Tam Chúc hiện đang là một trong những điểm đến tâm linh và sinh thái nổi bật, cách Hà Nội chỉ hơn 60km, thuộc phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Với tổng diện tích lên tới 5.100ha, Tam Chúc có vị trí chiến lược trong việc kết nối các khu, điểm du lịch để hình thành quần thể du lịch sinh thái vùng ngập nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch liên vùng.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất tại đây chính là khoảng cách di chuyển giữa các điểm tham quan. Việc đi bộ xuyên suốt hành trình có thể khiến nhiều du khách, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc khách đi theo đoàn, gặp không ít trở ngại. Ông Trần Thanh Sáng – Giám đốc Công ty Du lịch Chân Tâm cho rằng, điều này đang dần được khắc phục nhờ hệ thống vận chuyển nội khu được tổ chức ngày càng bài bản. Những tuyến du thuyền và xe điện được đưa vào vận hành không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển mà còn tạo thêm điểm nhấn trong trải nghiệm: vừa thuận tiện, vừa mang tính khám phá.

Ông cho biết: “Du khách có thể ngồi du thuyền lướt qua hồ Lục Nhạc trong khung cảnh tĩnh lặng, sau đó tiếp tục hành trình bằng xe điện xuyên suốt các điểm tâm linh trọng yếu như Điện Quan Âm, Điện Giáo Chủ, Chùa Ba Sao, Điện Tam Thế… Việc này không chỉ giúp giảm tải sức lực mà còn tạo điều kiện để du khách có thể dừng chân, lắng nghe các câu chuyện văn hóa – tâm linh được chia sẻ một cách sống động. Tại điểm cuối hành trình, khu vực Ancamping – vốn được thiết kế cho các hoạt động cắm trại, tiệc ngoài trời, nay có thể trở thành điểm dừng lý tưởng, kết thúc một chuyến đi trọn vẹn.
Theo ông Sáng, nếu biết tận dụng lợi thế về không gian, hạ tầng và xây dựng sản phẩm hướng tới nhóm khách có thu nhập từ trung bình đến cao, Tam Chúc hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty lữ hành muốn thiết kế hành trình chuyên biệt, kết hợp giữa tâm linh, nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa một cách sâu sắc.
Sáp nhập Hà Nam: Doanh nghiệp đề xuất chiến lược để giữ dòng khách quanh năm

Đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc công ty du lịch Vietsense, chia sẻ cảm nhận tích cực sau chuyến khảo sát thực tế lần thứ hai tại Tam Chúc: “Lần trở lại này, tôi nhận thấy nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt ở không gian, chất lượng dịch vụ, hệ thống lưu trú và ăn uống – tất cả đều đang dần tiệm cận với tiêu chuẩn của một điểm đến lý tưởng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, Tam Chúc hiện vẫn chủ yếu đón khách lẻ tự đến, trong khi lượng khách theo đoàn, đặc biệt vào mùa hè, còn khá hạn chế.”
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Tài đề xuất hai hướng chiến lược. Trước hết, cần thay đổi tư duy từ “cung cấp dịch vụ tại điểm đến” sang “quản lý điểm đến một cách chủ động”. Cụ thể, địa phương cần thu thập, phân tích dữ liệu từ các đơn vị du lịch để nắm bắt quy luật mùa vụ, từ đó đưa ra chính sách giá linh hoạt: mùa cao điểm có thể tăng giá hợp lý, còn mùa thấp điểm cần hạ giá sâu để duy trì lượng khách, thay vì để điểm đến rơi vào trạng thái vắng bóng du khách.
Chiến lược thứ hai, theo ông Tài, là thiết lập cơ chế giá linh hoạt và thân thiện hơn với các công ty lữ hành. “Ngay cả trong mùa cao điểm, nên có chính sách giữ chỗ hoặc khuyến khích đặt sớm, thay vì tư duy “không cần khách” khi đã đông. Việc này không chỉ giúp các công ty du lịch yên tâm lên kế hoạch dài hạn mà còn tạo động lực để họ tích cực đưa khách đến với Tam Chúc”, ông Tài nhấn mạnh.

Đại diện cho doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường khách Hàn Quốc, ông Nguyễn Hữu Lâm cho rằng một trong những hạn chế phổ biến hiện nay, không chỉ riêng ở Tam Chúc là tâm lý “ngồi đợi khách đến” thay vì chủ động tiếp cận và chinh phục thị trường.
“Tôi đang xây dựng một chương trình rất tiềm năng, hướng đến việc đưa các KOLs Hàn Quốc: gồm người mẫu, diễn viên, ca sĩ sang Việt Nam trải nghiệm hành trình xuyên ba miền Bắc – Trung – Nam. Họ sẽ trực tiếp chia sẻ cảm nhận qua các bài đăng trên mạng xã hội, video review, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tại Hàn Quốc”, ông Lâm cho biết.

Theo ông Lâm, chi phí để thực hiện chương trình không quá lớn, nhưng hiệu quả truyền thông có thể tiếp cận rộng rãi đến đông đảo người dân Hàn Quốc – những người vốn có xu hướng du lịch theo trào lưu do người nổi tiếng khởi xướng.
“Người Hàn thường có thói quen: nơi nào nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng từng đến, họ sẽ muốn đến theo. Đó là hiệu ứng tự nhiên nhưng cực kỳ mạnh mẽ, và nếu biết khai thác tốt, hoàn toàn có thể tạo ra cú hích lớn cho du lịch địa phương”, ông Lâm nhấn mạnh.