Chủ nhật, ngày 25/05/2025 19:00 GMT+7
Cuộc sáp nhập 2 tỉnh và thành phố đông dân nhất cả nước: Bước ngoặt “chuyển mình” hiếm nơi nào có được
Kiều Anh (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 25/05/2025 19:00 GMT+7
Khi “trái tim kinh tế” của cả nước dang rộng vòng tay, chuẩn bị ôm trọn vùng công nghiệp sôi động nhất và dải bờ biển giàu tiềm năng phía Đông Nam, bản đồ du lịch Việt Nam đứng trước bước ngoặt lớn.
Sáp nhập Bình Dương – TP.HCM – Bà Rịa-Vũng Tàu: Nơi những đại lộ logistics gặp sóng biển ngọc ngà, nơi công xưởng triệu đô soi bóng những resort ven trời

Việc dự kiến sáp nhập Bình Dương – TP. HCM – Bà Rịa – Vũng Tàu thành một thực thể hành chính duy nhất mang tên TP.HCM không chỉ là sự điều chỉnh ranh giới đơn thuần, mà mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển vùng Đông Nam Bộ – nơi được ví như “bàn tay công nghiệp – bàn chân du lịch – trái tim kinh tế” của cả nước. Sau khi hợp nhất, một trung tâm đô thị đặc biệt, một cực công nghiệp hàng đầu và một cửa ngõ biển giàu tài nguyên sẽ tạo nên “siêu đô thị” với diện tích hơn 6.000km², dân số vượt 14 triệu người.
Bình Dương được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” với các khu công nghiệp dày đặc, trong khi TP.HCM là trung tâm dịch vụ – tài chính năng động nhất cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu lại sở hữu hệ thống cảng biển nước sâu và năng lực logistic lớn, điển hình như cảng Cái Mép – Thị Vải, một trong số ít cảng ở Đông Nam Á có thể tiếp nhận tàu container trọng tải trên 200.000 DWT.

Một lợi thế nổi bật của sự sáp nhập là khả năng nâng tầm ngành du lịch. Khi dải bờ biển giàu cảnh quan được kết nối trực tiếp với các trung tâm dịch vụ, cảng hàng không quốc tế và đầu mối hạ tầng giao thông hiện đại, mô hình “một điểm đến – nhiều trải nghiệm” không còn là khái niệm lý thuyết, mà trở thành hiện thực sinh động.
Giờ đây, chỉ trong vòng một giờ di chuyển, du khách có thể bắt đầu buổi sáng bằng ly cà phê cổ kính giữa lòng thành phố sầm uất, trưa ghé thăm những khu du lịch sinh thái thanh bình hay tận hưởng suối khoáng nóng thư giãn bên rừng nguyên sinh, rồi chiều về đón hoàng hôn rực rỡ bên bãi biển Long Hải hay Hồ Tràm thơ mộng – sự giao thoa hài hòa của nhiều không gian du lịch đa dạng mà không phải đô thị nào trên thế giới cũng có được.
Du lịch liên vùng sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ các tour tuyến ngắn ngày, mở ra cơ hội phát triển những chuỗi trải nghiệm trọn vẹn và đa chiều: từ nghỉ dưỡng cao cấp, khám phá thiên nhiên hoang sơ, du lịch công nghiệp mang tính giáo dục đến thưởng thức ẩm thực đường phố đậm đà bản sắc địa phương. Chính sự đa dạng về địa hình, văn hóa và dịch vụ trong một chỉnh thể thống nhất sẽ trở thành nền tảng vững chắc xây dựng một thương hiệu du lịch hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc, đủ sức cạnh tranh mạnh mẽ trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.
Sáp nhập Bình Dương – TP.HCM – Bà Rịa-Vũng Tàu: Từ điểm khởi đầu ở thành phố mang hơi thở hiện đại, mạch du lịch chuyển mình theo sức sống công nghiệp và tiếp nối về phía biển xanh

Trong cuộc hợp nhất lịch sử, TP.HCM không còn đơn thuần là “điểm đến quá cảnh” mà có thể trở thành 1 trong 3 trụ cột chủ động dẫn dắt dòng chảy du khách, với vai trò là đô thị cửa ngõ, trung tâm tiếp nhận và lan tỏa các luồng trải nghiệm. Không phải ngẫu nhiên mà TP.HCM được ví như tấm gương phản chiếu sinh động nhất về một Việt Nam đương đại. Trong lòng thành phố này, tốc độ đô thị hóa hiện đại sống hòa cùng nhịp đập lịch sử và truyền thống, tạo nên một không gian du lịch vừa sôi động vừa chiều sâu.
Dưới lớp áo của “thành phố không ngủ” là sự phong phú của các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương. Những tour trải nghiệm bằng thuyền trên sông Sài Gòn đưa du khách xuôi theo dòng nước, ngắm nhìn thành phố từ một góc lặng hơn, thấm đẫm ký ức tại bến Nhà Rồng, rồi thoáng qua vẻ hiện đại của cầu Phú Mỹ, hay nét lặng lẽ ở mũi Đèn Đỏ và bến Bình Khánh – nơi thành thị dần giao thoa với thiên nhiên.

Nếu ban ngày là thời gian để khám phá di sản, kiến trúc và đời sống văn hóa, thì khi thành phố lên đèn, một thế giới khác hiện ra: sôi nổi, trẻ trung và đầy sắc màu. Phố đi bộ Bùi Viện như một dòng chảy ngầm của đời sống đô thị về đêm, nơi những âm thanh từ các quán bar, tiếng nhạc sống, tiếng nói cười của hàng trăm quốc tịch hòa quyện trên cùng mặt phố. Không gian này dẫu sầm uất, nhưng vẫn giữ lại chút gì đó của “Ngã tư quốc tế” – một góc nhìn đầy biến chuyển của thành phố qua các thời kỳ.
Lật sang một trang khác, TP.HCM còn là điểm đến của lịch sử. Những di tích như Dinh Độc Lập, Bảo tàng Lịch sử hay Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không chỉ mang giá trị tư liệu mà còn là không gian để du khách hiểu sâu hơn về những thăng trầm đất nước trong thế kỷ 20.
Mỗi hiện vật, mỗi căn phòng, mỗi bức tường đều chất chứa ký ức, đủ để người đi qua dừng lại và suy ngẫm. Thành phố cũng là một “mảnh ghép ẩm thực” tròn đầy trong bản đồ du lịch vùng. Từ món dân dã như bánh mì, cơm tấm đến các món mang hương vị Bắc – Trung – Nam, rồi đến đặc sản các nước châu Á – Âu – Ấn, TP.HCM tựa như một bàn tiệc mở rộng, chiều lòng cả du khách thích trải nghiệm lạ lẫm lẫn người trung thành với khẩu vị quê nhà.

Sau khi khám phá những lát cắt năng động và hiện đại của TP.HCM, tín đồ xê dịch có thể mở rộng hành trình di chuyển để chạm đến vùng đất Bình Dương – nơi hòa trộn giữa phát triển kinh tế và bảo tồn không gian sinh thái.
Giữa tốc độ đô thị hóa thuộc loại nhanh bậc nhất cả nước, Bình Dương vẫn giữ được nhiều khoảng xanh yên bình: từ rừng tre, vườn cây ăn trái đến những dòng kênh, hồ nước nằm nép mình bên các khu dân cư. Điều này khiến tỉnh thành lân cận TP.HCM trở nên lý tưởng cho những chuyến đi ngắn ngày, du khách có thể tạm tách khỏi guồng quay vội vã mà không cần đi quá xa. Trong vòng bán kính khoảng 40 km từ trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, các điểm đến trải rộng khắp 9 đơn vị hành chính, mỗi nơi mang một màu sắc riêng, không trùng lặp.
Nếu cần một trải nghiệm tổng hợp, từ vui chơi hiện đại đến cảnh quan truyền thống, khu du lịch Đại Nam là một trong những lựa chọn dễ tiếp cận. Được xem là điểm đến quy mô bậc nhất Đông Nam Á, nơi đây quy tụ cả cảnh núi non, sông hồ, công trình tâm linh và khu trò chơi cảm giác mạnh. Trường đua Đại Nam trở thành điểm nhấn khó quên, tạo nên sự kết hợp giữa năng lượng thể thao và không gian giải trí liên hoàn.
Nhưng ngay cả khi Đại Nam luôn sôi động, Bình Dương vẫn có những khoảng lặng rất riêng. Về phía Bắc Tân Uyên, làng tre Phú An hiện lên như một biểu tượng sinh thái, không chỉ vì bộ sưu tập tre trúc đa dạng nhất Việt Nam, mà còn bởi tầm vóc khoa học và giá trị bảo tồn. Vẻ đẹp bình dị ấy cũng hiện hữu nơi những bức tường đất nung và làn khói nghi ngút tại lò gốm Đại Hưng – nơi giữ gìn nghề gốm truyền thống hơn 150 năm giữa lòng Thủ Dầu Một.
Khi sắc xanh cây lá đã “no đủ” trong mắt, hương vị ẩm thực Bình Dương lại tiếp tục hành trình chinh phục du khách. Vùng đất với hơn 50% dân cư là người nhập cư này sở hữu nền ẩm thực phong phú, kết hợp đa vùng miền. Trong đó, món gỏi gà măng cụt có thể xem là linh hồn mùa hè của nơi đây. Không cầu kỳ, nhưng cách chọn măng cụt đúng độ, luộc gà đạt chuẩn và trộn nêm khéo léo đã biến món ăn này trở thành biểu tượng mỗi khi tháng 4 về. Ở một chiều ẩm thực khác, gà quay xôi phồng lại mang đến trải nghiệm trái ngược: vừa đậm đà, vừa mãn nhãn. Lớp da gà vàng óng, thịt mềm bên trong được đặt cạnh phần xôi phồng giòn rụm – tất cả như một “màn trình diễn” đầy ngẫu hứng giữa vị giác và thị giác.

Hành trình tiếp nối về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở ra một không gian khác: nơi biển cả, núi non và những giá trị lịch sử đan cài. Cách TP.HCM chỉ hơn 120 km, thành phố Vũng Tàu là điểm nghỉ dưỡng cuối tuần lý tưởng với không khí khoáng đạt, bãi biển uốn lượn quanh chân núi và nhiều quán cà phê hướng biển mang đến cảm giác thư giãn, gần gũi. Di chuyển thêm 25km, thành phố Bà Rịa lại phù hợp cho những tín đồ yêu thiên nhiên và thích du lịch chậm, với các điểm đến như núi Thị Vải, núi Dinh, Suối Tiên, Suối Đá.
Về phía Đông Nam, thị trấn Long Hải lại gợi một nhịp điệu khác: nơi núi rừng và biển cả gặp nhau trong bức tranh hoang sơ mà lãng mạn. Đường đèo Nước Ngọt kéo dài chỉ 5 km nhưng mỗi khúc cua đều mở ra một tầm nhìn ra biển rộng lớn và những triền đồi phủ hoa anh đào rực rỡ vào những tháng cuối năm.
Những ai ưa chuộng không gian tĩnh lặng có thể tìm đến chùa Hòn Một – tọa lạc trên sườn núi Minh Đạm, nơi lưu giữ ký ức một thời bom đạn nhưng vẫn hướng ra mặt biển, đón nắng và gió trong tâm thế an yên. Không dừng lại ở đó, vùng biển Long Hải và Dinh Cô với bãi cát vàng mịn, nước trong xanh, phù hợp cho những buổi cắm trại qua đêm hay những bữa tiệc bên lửa trại ven biển. Ở nơi này, sáng sớm là lúc lý tưởng để thưởng thức hải sản tươi sống từ chợ cá, khi những chiếc thuyền vừa cập bến trong sương sớm mặn mòi.
Đi xa hơn một chút về phía Đông Bắc, Hồ Tràm – Hồ Cốc hiện lên như hai “trạm dừng” yên bình: ít bị tác động bởi sự phát triển đô thị, đường ven biển ở đây thưa vắng xe cộ, không khí trong lành, biển sóng hiền và rừng xanh bao quanh.
Và nếu hành trình vẫn chưa dừng lại, một chuyến vượt biển đến Côn Đảo sẽ là trải nghiệm xứng đáng để nối dài cảm xúc. Quần đảo ngoài khơi này không chỉ nổi tiếng với di tích lịch sử và những câu chuyện hào hùng, mà còn bởi những bãi biển trong vắt, rừng nguyên sinh kỳ bí và không gian tĩnh lặng hiếm thấy giữa đời sống hiện đại. Côn Đảo như một thế giới biệt lập, đang dần trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp – nơi tín đồ xê dịch có thể vừa tìm về nguồn cội, vừa đắm mình trong không gian thiên nhiên thuần khiết.

Không chỉ rút ngắn khoảng cách di chuyển, quá trình hợp nhất còn mở ra cơ hội kiến tạo những hành trình trải nghiệm sâu sắc và liền mạch. TP.HCM đóng vai trò trung tâm với lợi thế về văn hóa đô thị, các sự kiện tầm vóc quốc tế và nền ẩm thực đường phố đặc sắc.
Từ nhịp sống sôi động nơi đô thành, dòng chảy du lịch có thể mượt mà mở rộng đến Bình Dương – vùng đất đang từng bước khẳng định dấu ấn riêng qua các làng nghề truyền thống, hệ sinh thái ven sông và nhu cầu du lịch công vụ ngày càng tăng. Rời khỏi không gian công nghiệp năng động, hành trình tiếp nối về phía biển đưa du khách đến với Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi hội tụ những bãi tắm khoáng đạt và khung cảnh tâm linh an tĩnh giữa đại ngàn.
Sự gắn kết hài hòa giữa các thế mạnh địa phương giúp khách du lịch tận hưởng một hành trình đa tầng, phong phú và hiệu quả về thời gian, mỗi cung đường đều mở ra một chiều sâu cảm xúc khác biệt.