Tôi đang ngồi ghế, xem tv, xem những chương trình thiếu nhi.
Bỗng nhiên trên tv hiện dòng chữ :’THIẾT BỊ ĐANG ĐƯỢC KẾT NỐI…’. Tôi còn đang ngơ ngác thì nghe tiếng cười đắc chí của anh tôi trong phòng. Thì ra anh ấy muốn kết nối điện thoại của mình với ti vi, để mở mấy cái tôi chẳng muốn xem, muốn giở trò chọc tôi đây mà.
Lúc đầu, tôi khá giận, nhưng mà giận kiểu vui vui.
Nhưng ông anh tôi rất quá đáng, cứ video nào của tôi mở lên anh ấy đều tắt đi. Khó khăn lắm tôi mới được xem ti vi sau 2 giờ đồng hồ học toán trên lớp, vậy mà giờ ổng cũng không để tôi yên.
Mặt tôi bắt đầu đỏ bừng, nhăn riết, anh ấy thì cười khoái chí. Tôi hậm hực bước vào phòng. Lúc này anh ấy mới chịu tắt vì sợ tôi sẽ khóc, và có vẻ sẽ kết thúc trò đùa tại đây.
Nhưng tôi đâu phải dạng vừa, đây cũng chẳng phải là lần đầu anh em tôi ‘chinh chiến’.
Thế là tôi chơi xấu, tôi đi méc ba, vì ba rất hay đứng về phía tôi. Ba của bọn tôi cũng khá hiền: chơi gì thì chơi, làm gì thì làm, miễn đừng ồn ào là được.
Từ dưới bếp, nghe tiếng bước chân của ba đang đi lên, ông anh tôi lật đật cất điện thoại. Để tội anh tôi thêm nặng hơn, tôi giả vờ thút thít chạy vào phòng, dúi đầu vào gối, 2 chân giãy đành đạch.
Ba hỏi rõ chân tướng sự việc, và trách cả hai đứa, tức nhiên là trách anh tôi nhiều hơn.
Mọi chuyện có thể kết thúc như bao trò đùa trước kia của anh em tôi cho tới khi mẹ tôi lên.
Mẹ tôi là một người vô cùng tiêu cực, bà luôn muốn xé những chuyện nhỏ ra to, bà luôn sỉ nhục con mình trước tất cả mọi người, bà lúc nào cũng lớn tiếng với người khác,…
Nhưng rõ ràng lần này tôi là nạn nhân, tôi bị ghẹo mà, mẹ tôi dù có hung hăng gì cũng phải đứng về phía tôi thôi. Nên tôi cứ thế mà ăn vạ, chân giãy mạnh hơn, khóc lớn hơn.
Mẹ tôi lên và quát to:
“Có sức chơi có sức chịu.”
“Tao ghét nhất là cái thể loại chơi mà cứ khóc lóc, nhắm chơi không được thì nghỉ đi!”
“Tao đi làm đã mệt rồi về còn nhìn cái bản mặt mày nữa.”
“Mày mà khóc nữa, tao đập ti vi.”
Tiếng quát vang khắp nhà, rút hết bầu không khí yên bình lúc đó, phá vỡ bao tưởng tượng ban đầu của tôi.
Tôi đơ người, ngừng ăn vạ, sợ hãi ngồi dậy. Mẹ tôi còn chưa biết chuyện gì vừa xảy ra nữa, sao mẹ lại kết tội tôi?
Tôi oan ức rưng rưng nước mắt.
Bà càng quát lớn:
“Cái thứ như mày đừng có chơi với ai hết!”
Đây cũng không phải là lần đầu tôi khóc vì bị mắng. Những lúc như vậy tôi chỉ muốn chạy tới những nơi đông người để nói rằng: tôi đang bị hành hạ tinh thần dã man, ai đó nói với mẹ tôi điều đó đi. Nhưng luôn có một thứ gì cản trở tôi lại.
Lần oan ức này cũng vậy. Tôi đành giấu cảm xúc của mình đi, đó cũng là thứ tôi học được từ người lớn.
Càng giấu đi, lòng tôi càng não nề, hàng tấn câu hỏi chạy trong đầu tôi, tôi tủi thân lắm.
“LIệu mình có phải con ruột của mẹ không?”
“Sao không ai xin lỗi mình?”
“Mình nên làm gì tiếp theo đây?”
“Tại sao lại là mình?”
“Mẹ đi làm mệt mỏi thì có liên quan gì đến mình chứ?”
Một đứa trẻ như tôi đáng ra phải được sống trong một thế giới đầy mơ mộng, đầy những thứ dễ thương chứ! Sao thế giới của tôi lại nhạy cảm như vậy?
Anh tôi cũng hiểu chuyện, nên lại làm hòa với tôi, nhưng mẹ tôi mỗi lần thấy mặt tôi lại nói:
“Tao ghét nhất thể loại như mày”
Sau những lần như vậy, cảm xúc tôi bị chai lì, tôi né tránh mọi thứ, tôi ám ảnh mẹ tôi. Mỗi lần trên bàn ăn, khi tôi sơ ý điều gì đó, thì người đầu tiên tôi nhìn là mẹ. Chẳng phải vì tôi quan tâm mẹ, mà tôi sợ những sự hung dữ bất ngờ lại xảy đến lúc nào không hay.