Xúc động khi tận mắt chứng kiến màn “trình diễn” ánh sáng cực quang
Vào đêm 10/5, rạng sáng 11/5, Trái Đất đã đón một cơn bão Mặt Trời mạnh nhất trong 20 năm qua. Bên cạnh những rủi ro, bão mặt trời cũng mang tới màn trình diễn ánh sáng cực quang rực rỡ trên bầu trời ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, New Zealand, Nga… đã có cơ hội được chiêm ngưỡng ánh sáng kỳ ảo của cực quang. Không thể kìm nén sự thích thú, họ đã nhanh chóng ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp này và chia sẻ lên mạng xã hội.
Ở Nga gần 5 năm nhưng đây là lần đầu tiên Thanh Hằng (SN 2000) được chiêm ngưỡng cực quang. Cô tỏ ra rất phấn khích khi có được trải nghiệm quý giá này. “Từ những năm cấp 3 tôi đã được nghe thầy cô giảng dạy về việc hiện tượng cực quang và ước một lần được thấy nó. Cho đến khi sang Liên bang Nga du học, tôi mới có cơ hội tuyệt vời này”, nữ sinh hào hứng kể.
Thanh Hằng và bầu trởi cực quang tuyệt đẹp tại thành phố Murmansk (Liên bang Nga). Ảnh: NVCC
Giống như Hằng, Thuỳ Dương (SN 2001) hiện đang là du học sinh tại Christchurch (New Zealand). Dương chia sẻ, cô cảm thấy rất may mắn khi có cơ hội được ngắm cực quang: “Từ bé đến giờ tôi chỉ được xem qua ảnh chụp nên khi được tận mắt chứng kiến, tận tay chụp ảnh, tôi rất xúc động”.
Khung cảnh cực quang rực rỡ được ghi lại lúc 23h ngày 11/5 tại biển Birdlings Flat (New Zealand). Ảnh: NVCC
Là nhà phân tích định lượng cho một công ty năng lượng tại bang Colorado, Quyền Ngọc (SN 1996) tuy đã sinh sống nhiều năm tại Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên anh được nhìn thấy cực quang tại bang mình sống.
“Theo tôi biết, hơn 20 năm mới có đợt bão mặt trời mạnh tới mức ở xa cực bắc vẫn có thể nhìn thấy. Không may tối thứ 6 chỗ tôi ở hơi nhiều mây nên nghĩ sẽ lỡ mất cơ hội này. Nhưng sang hôm sau, tôi đã quyết định lái xe hơn 3 tiếng để tới chỗ quang mây không có đèn thành phố để xem và thực sự khung cảnh rất choáng ngợp”, anh Quyền Ngọc nói.
Bầu trời cực quang vào lúc 12h đêm ngày 11/5 tại bang Colorado (Mỹ). Ảnh: NVCC
Với niềm đam mê lớn trong việc săn cực quang, anh Nguyễn Huy Hiệu – một thạc sỹ ngôn ngữ ở Anh đã nhiều lần “săn” cực quang nhưng thất bại. Anh đã từng có 5 đêm ở lại Iceland nhưng không có cực quang, lần này anh quyết định vượt hơn 200km từ Tromso (Na Uy) qua biên giới Phần Lan để được chiêm ngưỡng màn biểu diễn ánh sáng này.
Anh Huy Hiệu cho hay: “May mắn là tới 11h đêm khi qua khỏi biên giới Phần Lan thì trời rất trong, đầy sao luôn vì giữa một vùng hoang vắng không có ánh sáng. Chân trời dựng lên một đường sáng như vậy nhưng mắt thường mình sẽ thấy một đường mây. Khoảnh khắc kỳ diệu nhất là khi “đường mây đó”uốn lượn”.
“Trời rất lạnh nhưng khoảnh khắc đó cái đẹp đã khiến mình quên đi sự buốt giá”, anh Hiệu nói. Ảnh: NVCC
Điều kỳ diệu khi “săn” cực quang
Minh Hạnh (SN 2004) mới sang thành phố Calgary (Canada) được một năm và cảm thấy rất may mắn khi được nhìn thấy cực quang, thậm chí diễn ra ngay trên chỗ cô đứng. “Tầm 12h đêm ngày 11/5, tôi chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng hét của bạn cùng nhà nên đã chạy ra xem, không ngờ cả một bầu trời cực quang như phép thuật hiện ra trước mắt. Bọn tôi vô cùng vui sướng đến mức hò hét hàng xóm cũng phải ra xem có vấn đề gì”, cô nàng xúc động kể lại.
Được ngắm cực quang ngay tại nơi mình sống là điều không tưởng với nữ du học sinh. Ảnh: NVCC
“Như một bầu trời cổ tích mở ra trước mặt, tôi không ngờ sẽ thấy được hiện tượng thiên nhiên gần nơi mình sống đến thế, quá may mắn hơn nhiều các bạn du học sinh khác đã phải đến tận Bắc bán cầu xa xôi”, anh Hoàng Quang Hiếu (SN 1995) là một Việt kiều đang sinh sống tại Melbourne chia sẻ khoảnh khắc tuyệt vời.
Cực quang, còn được gọi là Aurora Borealis, là một hiện tượng quang học tự nhiên xảy ra trên bầu trời ở các vùng vĩ độ cao, chủ yếu quanh Bắc Cực và Nam Cực. Hiện tượng này được tạo ra khi các hạt mang điện tích từ Mặt Trời, được gọi là gió Mặt Trời, va chạm với các nguyên tử trong khí quyển Trái Đất. Khi va chạm, những hạt này truyền năng lượng cho các nguyên tử, khiến chúng kích thích và giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng với nhiều màu sắc rực rỡ, tạo nên những màn trình diễn ánh sáng kỳ ảo trên bầu trời.
Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cơn bão mặt trời mạnh nhất trong 20 năm qua đã tấn công Trái đất vào ngày 10/5. Siêu bão này dự kiến tạo ra màn trình diễn cực quang ngoạn mục, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn hoạt động vệ tinh và lưới điện khi kéo dài đến cuối tuần.
Các chuyên gia cho biết, tốc độ di chuyển trung bình của các vụ phun trào nhật hoa (CME) trong cơn bão này lên tới 800km/giây. Nguồn gốc của CME là cụm vết đen Mặt trời khổng lồ AR3664, có kích thước gấp 15 lần Trái đất. Hiện tượng này xảy ra do Mặt trời đang tiến dần đến đỉnh điểm của chu kỳ hoạt động 11 năm, dẫn đến gia tăng hoạt động mạnh mẽ.