RỪNG NAUY: BẠN NHÌN THẤY GÌ TỪ CÁI CHẾT TRONG KHU RỪNG NÀY

Haruki Murakami đã nói: “Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống mà là một phần của cuộc sống.” Và ngay trong những trang sách đầu, trước khi bắt đầu câu chuyện, cả dịch giả Trịnh Lữ và nhà văn đã đặc biệt nhấn mạnh. Tựa như, cả hai đang cố gắng căn dặn chúng ta chuẩn bị tâm thế đón nhận “những cái chết” sẽ dồn dập tới trong tác phẩm dày hơn 500 trang, mà trong đó là đầy ắp những bi ai, mất mát, hỗn loạn và dằn vặt của tuổi trẻ.

Ở một góc nhìn khác, chúng ta sợ hãi và lo ngại về sự biến mất của những người trẻ trong Rừng Nauy. Haruki Murakami đã nói:  “Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống mà là một phần của cuộc sống.” Và ngay trong những trang sách đầu, trước khi bắt đầu câu chuyện, cả dịch giả Trịnh Lữ và nhà văn đã đặc biệt nhấn mạnh. Tựa như, cả hai đang cố gắng căn dặn chúng ta chuẩn bị tâm thế đón nhận “những cái chết” sẽ dồn dập tới trong tác phẩm dày hơn 500 trang, mà trong đó là đầy ắp những bi ai, mất mát, hỗn loạn và dằn vặt của tuổi trẻ.

Dù đọc sơ qua hay đã nghiền ngẫm nát từng con chữ, chúng ta đều cho rằng câu chuyện dừng lại với bốn nhân vật đi đến cái kết tự vẫn. Trong đó, cái chết làm tôi tiếc nuối nhất là Hatsumi, và còn Naoko, Kizuki, chị gái Naoko. Dù không nói tới nhưng tôi nghĩ có người thứ năm là Quốc xã bạn cùng phòng của Toru.

Tôi đã từng thắc mắc, “Tại sao lại là Rừng Nauy, mà không phải là tên một khu rừng khác?” Và nó làm tôi liên tưởng đến khu rừng Aokihagara (Khu rừng tự sát ở Nhật Bản) – Nơi những linh hồn khốn khổ rũ bỏ gánh nặng và tuyệt vọng  để mơ tưởng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia. Và liệu rằng, những người trẻ của Haruki Murakami cũng tìm đến “cánh rừng Nauy” để kết thúc và bắt đầu.

Khi những người trẻ không thể bước qua áp lực trưởng thành

Có một câu nói: “Trưởng thành là cách viết khác của chia ly và chấp nhận chia ly đó.” Tôi tự hỏi: Tại sao Toru không chọn cái chết như Naoko? Sau bao biến cố, Toru chấp nhận sự tàn nhẫn của trưởng thành, còn người khác thì không?

Naoko không chịu “trưởng thành”. Vấn đề cô gặp phải phức tạp và rắc rối không lường. Cô quẩn quanh với những đau khổ về mất mát của bản thân và dằn vặt về vấn đề tâm sinh lý bất thường. Cô thu mình và sợ hãi việc gặp gỡ với người đời. Vấn đề đẩy đến đỉnh điểm khi cô không thể kiềm chế cảm xúc của mình được nữa. Tâm bệnh phải chữa từ tâm. Nhưng tâm Naoko ngoan cố níu giữ quá khứ và khổ đau, để cô quẩn quanh trong sự hỗn loạn đến mức tự bóp nghẹt chính bản thân mình.

Về Kizuki. Toru rất ngưỡng mộ Kizuki. Đột nhiên sau một đêm bình thường như vốn thế, Kizuki kết liễu đời mình mà chẳng có lý do. Kizuki ra đi để lại những mất mát cho người ở lại, mà hơn thế nữa là sự dằn vặt, tổn thương và cả sự đổ lỗi. Kizuki vốn là chàng trai tốt, thân thiện, được nhiều người yêu quý nhưng chẳng hiểu vì đâu anh lại tuyệt vọng đến thế! Chẳng ai nói hay nhắc đến, nhưng trong Toru hay Naoko đều tồn tại nỗi lo sợ, tự cho rằng mình có liên quan đến cái chết của chàng trai trẻ này. Toru bất lực vì mình là người cuối cùng ở bên cạnh Kizuki mà chẳng thể giữ cậu. Naoko lại nghĩ chính sự méo mó bất bình thường của mình góp phần đẩy Kizuki lựa chọn cái chết. Chính sự ra đi không lý do đó mà khiến cho những người ở lại “tự cho mình những lý do riêng”. 

Đối với chị gái Naoko. Cô là người con gái xinh đẹp, giỏi giang, tài năng, chín chắn và trưởng thành để Naoko dựa vào. Cũng đột ngột cô tìm đến cái chết để giải thoát cho tâm hồn nặng nề bị đeo bám, cho những bí bức tổn thương mà sự trưởng thành gây ra. Giữa cô ấy và Kizuki là câu chuyện của những bản thể tưởng chừng đã hoàn thiện và hoàn hảo lựa chọn cái chết đột ngột, như chiếc bình pha lê vỡ tan và mảnh thủy tinh găm vào trái tim những người ở lại. Cái chết của họ chính là vết thương không thể lành trong Naoko. Nhưng với Toru, dù rằng rất khó để chấp nhận hay quên đi đau thương nhưng anh vẫn cho mình một con đường để bước tiếp.

“Méo mó” là sự miêu tả rõ ràng nhất cho nội tâm của Naoko và chị gái, Kizuki. Trưởng thành dẫn họ vào mâu thuẫn, chông chênh và ắt hẳn, những điều này chúng ta cũng phải và cũng từng trải qua. Nhưng họ không chấp nhận bản ngã méo mó đang bị sự trưởng thành nhào nặn ấy; cuối cùng, họ lựa chọn cái chết để kết liễu và để chối bỏ bản ngã của chính mình.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh nhân vật Toru trong bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng. Sau cái chết của Naoko, Toru bỏ mặc tất cả để ra đi. Có phân cảnh anh ngồi một mình trên mỏm đá đen, sóng táp mạnh, bọt nước vỡ, cái gió biển của mùa đông buốt lạnh thốc mạnh vào khuôn mặt tái nhợt. Toru lúc đó cô đơn đến cùng cực, trống rỗng, mệt mỏi và gần như đang gắng gượng để sống. Trong chính lúc này, Toru thức tỉnh khỏi cơn mê, nhận ra sống là trách nhiệm của mình. Mất mát và đau thương là một phần của trưởng thành vì vậy anh phải chấp nhận nó để bước qua, để bước đến bên Midori.

Khi những người trẻ không thể vượt quá vết thương trưởng thành

Hatsumi, một cô gái xinh đẹp, mang phong cách Á Đông, chung tình và khờ dại. Cô yêu Nagasawa – một kẻ chơi bời, tự cao và vị kỷ. Cô biết yêu anh sẽ chẳng đi đến đâu nhưng cô vẫn cứ như con thiêu thân lao vào, trao cho anh tình yêu thanh thuần nhất. Dù Nagasawa đã rõ ràng nhưng cô vẫn hy vọng anh sẽ yêu cô chân thành và có cái kết viên mãn. Nhưng sự thật ngược lại, họ chia tay, Nagasawa tiếp tục ước mơ chinh phục, Hatsumi hai năm sau đó cũng lấy chồng. Nhưng vì tình yêu, vì tổn thương và vì Nagasawa. Cô chẳng thể bước qua mà tìm đến cái chết như một cách để giải thoát, trả đũa Nagasawa. Và quan trọng hơn hết để cô lưu trọn tình yêu dành cho anh. Nagasawa không phải là tất cả lý do khiến Hatsumi từ bỏ sự sống nhưng vết thương anh để lại cũng không ít. Và nỗi đau của mối tình tan vỡ cũng đeo bám, trói buộc ngăn cản cô có một cuộc sống an ổn bên người mới.

Sự biến mất kỳ lạ giữa một xã hội đầy biến động

Rừng Nauy phần nào phản ánh được hiện thực xã hội Nhật Bản giai đoạn những năm 60, khi phong trào sinh viên và Đảng Cộng Sản hoạt động mạnh mẽ. Dường như nhân vật trong Rừng Nauy đều nằm ngoài dòng biến động này. Tuy nhiên, một cái tên tưởng chừng mờ nhạt nhưng đặc biệt đối với tôi là: Quốc xã – Cậu bạn cùng phòng Toru, điểm sáng trong toàn bộ bức tranh u ám của thanh niên trẻ thời bấy giờ. Một người thẳng thắn, chính trực, sạch sẽ và khuôn mẫu. Nhưng rồi anh ta biến mất bí ẩn để lại chiếc giường trống và một sự hụt hẫng trong lòng Toru.

Dù không thể khẳng định Quốc xã có liên quan đến phong trào sinh viên hay không nhưng tôi linh cảm rằng có. Từ tính cách, phong cách và cả tinh thần yêu nước thì Quốc xã chắc chắn sẽ tìm thấy điểm chung với những người mang lý tưởng dân tộc đang đấu tranh đòi công bằng xã hội. Và chẳng phải ngẫu nhiên mà có một vài chi tiết được Haruki Murakami nhắc tới về phong trào sinh viên đang diễn ra trong ngôi trường của mình. Có thể, đây là một vấn đề mang tính chính trị nên Haruki không muốn và không nhắc đến nhiều. Nhưng có thể, chính sự biến mất như làn sương của Quốc xã cũng phản ánh thực trạng về sự áp bức và cưỡng chế của Chính phủ trong giai đoạn này. Tôi không biết sự so sánh này liệu quá khiên cưỡng, cho phép tôi được nhắc đến cái tên khác là phong trào Gwangju (80s, Hàn Quốc). Trong tác phẩm “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi” của Shin Kyung Sook cũng xuất hiện sự bay màu của các thành viên của phong trào sinh viên tại Hàn Quốc.

Những cái chết theo dòng chảy câu chuyện nối tiếp xuất hiện, lần đầu sẽ ngỡ ngàng, sợ hãi nhưng nó lại như mắt bão vô cùng cuốn hút. Nó tạo nên bức tranh mang màu thê lương, ảm đạm, nhàn nhạt và giá lạnh. Đôi lúc, chúng ta có cảm giác như mình cũng đang ở trong bức tranh đó, cũng đang bị nhào nặn, cũng cảm thấy méo mó. Làm sao có thể không thấy được, vì trưởng thành sẽ đến với tất cả mọi người. Trưởng thành mang đến thay đổi và ép buộc chúng ta thay đổi. Có những người chấp nhận nó, có những người lại không thể (như Naoko, Kizuki, Hatsumi). Giống như cái cây, nếu cố gắng vươn lên sẽ thành đại thủ, nếu không sẽ lụi tàn rồi chết.

#Xanh

Bài viết thuộc Trạm Đọc – ReadStation

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *