Rốn lũ Chương Mỹ: Vất vả sống chung với lũ
Sống chung với lũ, nước sạch và điện và các nhu yếu phẩm là thứ cấp thiết với người dân, đặc biệt là nước sạch và điện. Tại các xã như Tân Tiến và Nam Phương Tiến, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của người dân là từ giếng khoan, giếng khơi. Nước lũ dâng cao khiến hệ thống thủy lợi gần như bị san phẳng, các máy bơm bị ngập cũng không thể hoạt động. Số hộ dân không bị ảnh hưởng trong vùng nước lũ cô lập rất ít.
Những ngày đầu nước dâng, trước khi có các điểm cấp nước, người dân phải chật vật đi xin nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Ngự (70 tuổi, người dân xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Trong khoảng một tuần qua, nhất là những ngày đầu nước lũ dâng cao, những gia đình xung quanh chùa Linh Thông (ngôi chùa cũng nằm trong vùng rốn lũ xóm Nằng) thường xuyên chèo thuyền sang chùa để xin nước sinh hoạt. Bởi máy bơm nước giếng khoan chùa Linh Thông may mắn không bị ảnh hưởng lũ, vẫn sử dụng được. Mỗi lần đi xin như vậy, người dân đều mang theo 3-5 thùng nước tùy theo trọng lượng thuyền có thể tải được”.
Nước sinh hoạt cũng được người dân sử dụng rất tiết kiệm. Một chậu nước có thể vừa vo gạo, rửa rau, giặt quần áo hoặc rửa bát.
Khi đã được trang bị các điểm cấp nước, việc di chuyển lấy nước sinh hoạt với người dân cũng không phải điều dễ dàng. Các điểm cấp nước cho người dân thường đặt ở những điểm cao ráo, không bị ngập để xe bơm nước dễ dàng di chuyển vào. Do vậy, quãng đường di chuyển của một số hộ dân tới điểm cấp nước cũng khá xa.
Như trường hợp bà Lê Thị Tại (84 tuổi, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) dù tuổi đã cao, nhưng hằng ngày chèo thuyền quãng đường gần 1km từ sâu trong thôn Nhân Lý tới điểm cấp nước. Tại thôn Nhân Lý cũng có không ít những hộ dân phải chèo thuyền quãng đường tương tự như bà Tại mới có nước sạch để dùng.
Tôi vô tình gặp anh Đặng Xuân Tâm – Đội trưởng Đội quản lý điện số 2, Công ty Điện lực Chương Mỹ đang làm nhiệm vụ tại xã Nam Phương Tiến. Anh Tâm bộc bạch, những ngày ngập lụt thế này, nhất là những hôm đầu tiên nước bắt đầu dâng cao, anh cùng các thành viên của Đội quản lý điện số 2 liên tục phải ứng trực để kịp thời giải quyết các sự cố xảy ra.
Đối với các hộ gia đình trong vùng bị nước lũ ảnh hưởng, đội của anh Tâm (khoảng 15 thành viên) sẽ phải kiểm tra từng nhà theo khu vực được phân công (khoảng 3 xã). Gia đình nào mực nước dâng đảm bảo được an toàn mới được cấp điện sử dụng. Nếu không đảm bảo được an toàn, gia đình đó sẽ phải cắt điện để bảo toàn tính mạng cho người dân.
Ông Nguyễn Công Minh – Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, UBND xã Tân Tiến đã cấp phát 250 bình nước sinh hoạt (loại 20 lít) cho các hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước uống; trang bị 4 téc nước đặt tại 2 thôn Tiến Tiên và Việt An để cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân. Ngoài ra, địa phương cũng tiếp nhận và cấp phát nước sinh hoạt, các suất quà từ Hội Nông dân và Hội Chữ thập đỏ huyện Chương Mỹ bao gồm 200 bình nước và 30 suất tiền mặt 500.000/suất.
Bên cạnh đó, Đại đức Thích An Tấn (trụ trì chùa Linh Thông) cũng tiếp nhận và cấp phát cho người dân địa phương 80 suất quà trị giá 200.000/suất, 50 thùng mì tôm và các điểm đổi bình nước (loại 20 lít) từ nguồn xã hội hóa.
Những nguy hiểm rình rập và ô nhiễm môi trường vùng rốn lũ Chương Mỹ
Do nước lũ dâng cao kéo dài, người dân tại các vùng ngập lụt phải thích nghi với việc di chuyển bằng thuyền. Nhưng để chèo những chiếc thuyền không phải ai cũng làm được. Tại xóm Nằng, có những vùng cánh đồng, nước ngập sâu tới khoảng 2,5-3m, nếu chẳng may bị lật thuyền và không biết bơi sẽ là điều rất nguy hiểm.
Thế nhưng, mỗi buổi chiều, đều có những người bơi lội gần khu vực nước sâu, trong đó có cả những em học sinh nhỏ tuổi; tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước.
Đó là chưa kể, một số khu vực nước dâng cao ngang bằng, hoặc thậm chí ngập cả những đường dây điện ba pha – nơi người dân chèo thuyền mỗi ngày đều đi qua.
Sống trong ngập lụt, người dân còn phải đối diện với rất nhiều những nguy hiểm rình rập khác. Ví dụ như thường xuyên gặp phải rắn rết trong lúc chèo thuyền hay bị bò vào nhà. Anh Nguyễn Tiến Phấn (36 tuổi, người dân tại xóm Nằng) đã từng gặp phải rắn cạp nia trong lúc chèo thuyền. Bà Nguyễn Thị Ngự cũng từng được phen “hú vía” khi mở cửa và thấy một con rắn hổ mang đang dựng người bò lên từ bậc thềm đang ngập nước.
Do nước ngập, các loài côn trùng, bò sát thường tìm nơi cao ráo hơn để trú ngụ nên việc người dân bắt gặp là điều khó tránh khỏi. Nếu không cẩn thận, rất có thể sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Ô nhiễm môi trường cũng là một vấn đề khó tránh khi ngập lụt kéo dài diễn ra. Rác thải vứt bừa bãi bên đường, ruộng vườn hay trôi từ ngoài sông đổ vào những vùng rốn lũ; chưa kể tới chất thải từ chuồng trại của các loài gia súc, gia cầm, tất cả đều nổi lềnh phềnh trên mặt nước.
Bà Nguyễn Thị Ngự vẫn còn ám ảnh năm 2018, sau một thời gian dài nước dâng cao và bị ô nhiễm, bốc mùi nặng nề. Bà Ngự cho biết, năm đó, gần như cả xóm Nằng đều bị ốm sốt do sống trong môi trường nước bẩn thời gian dài.
Nước ngập, sân nhà hoặc đường xá trở thành “bể bơi” cho trẻ em. Ảnh: Phạm Thứ
Ngoài ra, việc tiếp xúc với nước bẩn còn tiềm ẩn những nguy cơ mắc các bệnh về mắt, các bệnh ngoài da, tiêu chảy…
Ông Nguyễn Công Minh – Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: “Chúng tôi hàng ngày đều tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương cho bà con về những nguy cơ gây mất an toàn, nguy hiểm như đuối nước, các nguy cơ về các bệnh có thể gặp phải trong mùa lũ như đau mắt, các bệnh về da,… Chúng tôi cũng đã có những đề nghị Trung tâm y tế huyện tăng cường nhân lực lượng hỗ trợ thuốc điều trị bệnh đau mắt, ngoài da, tiêu chảy, chất khử khuẩn nguồn nước sau khi nước rút sau ngập”.
Đại diện lãnh đạo xã cho biết thêm, địa phương cũng đã xây dựng các kịch bản có thể xảy ra trong mùa lũ để đảm bảo ứng phó kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, địa phương cũng lên kế hoạch để ổn định cuộc sống của bà con sau lũ, đặc biệt là công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.